Căng thẳng do Chấn thương (trauma stress) là một hội chứng thần kinh xẩy đến cho một người, có thể là người lớn hay trẻ em, đã gặp phải những chuỗi áp lực độc hại lên não bộ. Những chuỗi áp lực này đã vượt ra ngoài khả năng chịu đựng của người đó khiến gây nên chấn thương nặng đến não bộ. Nạn nhân của sự căng thẳng do chấn thương là những người đã phải trải qua những hành hạ, đánh đập hay ngược đãi tinh thần hay thể chất hay cả hai, khiến cho con người luôn cảm thấy sợ hãi, không an toàn. Họ cũng có thể là nạn nhân hay chứng nhân của một thảm kịch hay một tai nạn khốc liệt. Họ có thể trải qua những sự buồn phiền quá độ do hoàn cảnh việc làm hay áp lực trong cuộc sống. Họ có thể bị khủng hoảng tâm thần do ảnh hưởng của bịnh tật lâu dài hay do cuộc sống bị thường xuyên đe dọa. Ảnh hưởng của hội chứng căng thẳng do chấn thương trên trẻ con, nặng hay nhẹ, sẽ tùy thuộc vào mức độ nặng nề của biến cố, phản ứng của các em trước sự việc, tuổi tác và sự phát triển của các em lúc sự kiện xẩy ra.
Hội chứng Căng thẳng do chấn thương ở người lớn có thể nhận thấy qua một số những dấu hiệu như sau:
- Chỉ trích, chua chát, cay đắng trong lời nói.
- Chán đời, không thấy niềm vui trong cuộc sống.
- Mất hứng thú làm việc, thường xuyên chán nản.
- Khó chịu hay mất kiên nhẫn đối với gia đình, đồng nghiệp hay khách hàng.
- Mất khả năng tập trung để sáng tạo.
- Không hài lòng với cuộc sống hay trong sự hoàn tất công việc.
- Dùng thuốc an thần, ma túy, hay rượu để tìm quên hay để không nghĩ tới vấn đề không muốn nghĩ đến.
- Thay đổi thói quen trong giấc ngủ hay qua cách ăn uống.
- Những triệu chứng đau đầu, đau lưng, hay những than phiền khác về thể chất không giải thích được bởi các xét nghiệm y khoa.
Đối với trẻ em, sự Căng thẳng do Chấn thương trong thời thơ ấu, xẩy ra thường xuyên hay kéo dài, có thể đưa đến những áp lực độc hại, nguy hiểm đến sự phát triển của trí tuệ và thể chất và trên toàn thể sức khỏe của các em. Trẻ em bị căng thẳng do chấn thương thường xuyên gặp trở ngại trong việc học hành, trong những sinh hoạt vui chơi lành mạnh với các bạn, co rút, ít nói, và có thể bị những chứng bệnh lâu dài. Khi đối diện những áp suất độc hại, não bộ của các em mất đi sự suy nghĩ, trong cơ thể các em nhịp tim trở nên đập nhanh, áp huyết tăng cao, hơi thở mạnh và dồn dập, các bắp thịt trở nên căng thẳng. Trẻ em bị Căng thẳng do Chấn thương có thể được nhận ra qua những dấu hiệu như sau:
- Khó ngủ, hay thấy ác mộng.
- Không muốn đến trường học.
- Không muốn ăn.
- Đái dầm hoặc có những cung cách trẻ nít (regression in behavior.)
- Gặp trở ngại trong sức khỏe và sự tăng trưởng
- Hay nổi nóng.
- Dễ đánh nhau ở trường hay đánh nhau với anh chị em trong nhà.
- Gặp khó khăn trong khả năng lắng nghe lời nói của thầy cô tại trường và lời nói của ba mẹ tại nhà.
- Né tránh những sự kiện gây sợ hãi.
- Rút xa khỏi bạn bè và các hoạt động.
- Hồi hộp, dễ hoảng hốt.
- Ký ức luôn bị ám ảnh bởi những điều đã xẩy ra.
- Đóng kịch diễn lại biến cố đã xẩy ra cho em.
Một người lớn bị hội chứng Căng thẳng do Chấn Thương thì có thể chữa trị dễ hơn là trẻ em. Bởi vì người lớn khi thấy mình có vấn đề thì có thể diễn đạt và nói ra những triệu chứng và nguyên nhân đưa đến chứng bệnh để tìm giúp đỡ. Còn trẻ em thì không biết cách nói ra mà chỉ diễn đạt bằng hành vi của các em hay qua sự biểu lộ của các triệu chứng nơi các em mà chỉ những người lớn quan tâm và có kinh nghiệm nuôi trẻ mới hiểu được là các em cần được sự giúp đỡ hay không.
Vậy có cách giúp đỡ nào để cho các trẻ em bị hội chứng Căng thẳng do Chấn Thương giảm được những lo ngại hay căng thẳng khi tiếp xúc với người ngoài, giảm đi được những ám ảnh sợ hãi từ những việc đã xẩy ra trong quá khứ hay không? Nói khác đi là làm cho các em có lại được sự tự tin trong cuộc sống thường nhật. Muốn thế, thì trước hết phải hiểu sự vận hành của não bộ trong tác phong tư thái của con người.
Theo các nhà nghiên cứu, não bộ của con người giản lược có 3 phần. Phần não bộ nằm ở phía dưới ót tức là vùng của “Cảm nhận và Vận động thần kinh” (Motor and Sensory), đi lên là vùng não bộ của “Cảm xúc và Gắn bó” (Attachment, Emotions), và trên cùng là vùng não bộ của “Suy nghĩ, Hoạch định, Học hỏi, và Tự kiểm soát” (Thinking, Planning, Learning, Self-Control.)
Trẻ em bị căng thẳng do chấn thương sống trong vùng não bộ của những “Cảm nhận và Vận động” tức là trong tình trạng “Hành động để Tồn tại (Survival mode).” Những trẻ em này khi đã nổi giận thì những sự trách rầy hay kỷ luật đối với các em sẽ không có kết quả, bởi vì khi đó các vùng não của cảm xúc và suy nghĩ đã bị đóng lại, chỉ còn vùng não của “cảm nhận và vận động thần kinh” là làm việc. Các em khi đó sẽ không thể có cảm xúc hay có sự suy nghĩ đúng sai, mà chỉ biết hành xử theo bản năng tự bảo vệ để tồn tại. Do đó đối xử với các em này cần sự kiên nhẫn, tha thứ, bao dung và yêu thương. Không nên hạch hỏi khi các em tức giận. Hãy dùng sự thân thiện và che chở để đến gần các em và giúp cho các em có sự bình tĩnh lại, khi đó hai vùng não bộ của “cảm xúc và suy nghĩ” trong đầu các em sẽ mở ra để lắng nghe. Đó là lúc chúng ta có thể giải thích cho các em, rằng việc các em đã làm là không đúng. Cụ thể, chúng ta có thể chỉ ra cho các em thấy hậu quả của việc mà các em đã làm và cùng lúc dậy cho các em sự dịu dàng, nhẹ nhàng trong cách hành xử. Khi các em có sự yên tâm và tin tưởng rằng chúng ta yêu các em và không làm hại đến các em thì các em sẽ sẳn sàng lắng nghe và học hỏi những điều mà chúng ta hướng dẫn.
Từ những hiểu biết tóm gọn về sự vận hành của não bộ kể trên, kiến thức sách vở và kinh nghiệm của người viết bài này, đã cho phép tóm gọn ra 14 điều cần thực hiện cho phụ huynh và các giáo viên phụ trách giáo dục trẻ thơ:
1. Khi hướng dẫn cách đối xử cho các em, nên có sự kiên nhẫn, bao dung, yêu thương, dịu dàng, không cố chấp, không có thành kiến. Khi giải thích một vấn đề hay nói về một điều gì đó thì nên cụ thể, ngắn gọn.
Thí dụ, thay vì lớn giọng nói: “Tại sao con đánh bạn. Con có biết làm như vậy là xấu không?” Thì nên chỉ cho các em thấy bạn của em đang khóc vì đau, và ôn tồn giải thích rằng: “Con đánh bạn làm bạn đau bạn khóc, như vậy là không nên. Nếu không thích điều bạn làm con nên dùng lời để nói với bạn thí dụ như là “Tôi không thích. Ngưng lại ngay.” Sau đó cầm tay các em vuốt nhẹ lên tay bạn và dậy các em nên hành xử nhẹ nhàng như thế này với các bạn.
2. Nên tạo ra và duy trì những thói quen hàng ngày cho các em, như giờ ngủ, giờ chơi, giờ thức, giờ ăn, giờ đọc sách, vân vân. Bởi vì thói quen theo thời khóa biểu giúp cho trẻ em hiểu rằng thế giới chung quanh các em là ổn định và an toàn. Khi có sự thay đổi trong chương trình hay giờ giấc thì nên có sự giải thích cho các em với lý do tại sao.
3. Tạo điều kiện để các em có được có những sự chọn lựa phát triển thích hợp. Những biến cố của Hội Chứng Căng thẳng do Chấn thương thường liên quan đến sự mất đi sự quyền kiểm soát. Khi người lớn khuyến khích cho các em có được quyền làm chủ hành động và sở thích của mình chẳng hạn như cho các em được chọn nơi các em được ngồi trong bàn ăn, hát bài hát nào các em muốn hát, hoặc đọc cuốn sách nào mà các em muốn đọc, vân vân, điều này sẽ giúp tạo cho các em ý thức tự chủ và tự trọng.
4. Có những sự kiện có thể gợi lại cho các em bị hội chứng căng thẳng do chấn thương những kinh nghiệm hãi sợ trong quá khứ. Tuy nhiên với sự hỗ trợ của người lớn, sự sợ hãi của các em có thể được giảm dần. Thí dụ bé Trung thức giấc buổi sáng và thấy em một mình trong phòng, điều này có thể khiến em sợ hãi và khó ngủ vào buổi trưa. Vì thế mắt em cứ theo dõi vào người lớn mà em tin cậy với sự mong đợi rằng người đó sẽ ở lại trong phòng với em. Để giúp cho em yên tâm, người lớn mà em tin cậy nên ngồi cạnh em cho tới khi em ngủ và nhắc nhở với em rằng em sẽ không bị bỏ trong phòng một mình. Việc chữa trị và lấy lại niềm tin nơi các em nhỏ bị Hội Chứng Chấn Thương Căng thẳng là một việc làm cần có thời gian, sự kiên nhẫn và cả một tình thương không giới hạn.
5. Dậy các em cách thở sâu để điều hòa cơ thể khi gặp lo lắng hay bị áp lực. Bắt đầu mỗi ngày với cách thở đặc biệt này sẽ tạo ra một tập quán tốt có thể giúp các em giải tỏa áp lực khi xẩy ra.
6. Nhận thức sự việc kể lại những chuyện đã trải qua của các em, qua việc các em diễn lại những biến cố đã xẩy ra cho các em, qua các màn kịch chơi hay qua những tiếp xúc với bạn bè hay người lớn.
7. Bên cạnh sự dậy bảo và yêu thương cũng cần có sự nhậy cảm. Đối với những trẻ em bị bạo hành tình dục, các em thường lo lắng và lẫn lộn khi được ôm ấp. Trong trường hợp đó, sự biểu lộ yêu thương qua sự ôm ấp chỉ nên áp dụng khi được các em đồng ý.
8. Dùng những hướng dẫn tích cực để giúp các em hiểu được những sự việc nào các em làm là tốt. Khi các em làm được điều tốt hay tiến bộ thì nên nêu điều đó ra để khen ngợi một cách cụ thể, thay vì chỉ nói tổng quát. Thí dụ như, khi một trẻ em đỡ một người bạn bị vấp té đứng dậy, thì thay vì nói: “Tốt lắm,” chúng ta nên nói: “Con giúp bạn đứng dậy là điều rất tốt. Cám ơn con.” Vân vân.
9. Gia đình và người thân nên đọc các tài liệu viết về trẻ em mang hội chứng chấn thương căng thẳng để biết và hiểu về những phản ứng thông thường của các nạn nhân để có những phương cách giúp cho các em trong việc hồi phục và tìm lại được sự bình yên trong tâm trí.
10. Nếu triệu chứng của các em trở nên trầm trọng và kéo dài nhiều tuần, phụ huynh nên hỏi ý kiến những chuyên gia về thần kinh tâm trí, và yêu cầu trường học giới thiệu các em đến các trung tâm điều trị chuyên biệt để họ có thể chuẩn đoán chính xác và kịp thời cho những phương thức chữa trị cần thiết.
11. Phụ huynh và những người chăm sóc các em mang hội chứng căng thẳng do chấn thương, nên có những kỹ thuật đối phó, để có thể giúp các em đằm xuống hay có lại sự bình thường, trong trường hợp các em có những phản ứng cảm tính quá độ.
12. Tạo cơ hội nói chuyện trong một môi trường an toàn và thích ứng, để các em nói về những kinh nghiệm đã gây nên sự chấn thương căng thẳng nơi các em.
13. Tạo cơ hội nếu có thể, để có sự hiện diện của người thầy cô chăm sóc chính cho các em trong những chương trình chữa trị và hàn gắn sức khỏe của các em.
14. Luôn bình tĩnh trong mọi trường hợp để có thể giúp các em vượt qua những giây phút căng thẳng.
Kết luận, trẻ em mang hội chứng căng thẳng do chấn thương cần đến tình yêu thương và sự nâng đỡ của những người lớn, những người lớn mà các em tin cậy và lệ thuộc vào sự yêu thương, sự khuyến khích và sự hỗ trợ các em trong những thời gian mà các em gặp trở ngại. Trí óc non nớt của các em đang phát triển và có khả năng để thay đổi và điều chỉnh trong sự đáp ứng với những kinh nghiệm mới. Nhờ thế, các em có nhiều khả năng có lại được sự ổn định, hạnh phúc và đạt tới thành công trong cuộc sống.
Giáo dục trẻ thơ ở Việt Nam trước đây không được chú trọng nghiên cứu và kể như là đặt hoàn toàn trong tay của cha mẹ. Tình trạng này tuy có ưu điểm là tình thương yêu và sự quan tâm sâu sắc đối với trẻ thơ. Nhưng thiếu sót là những hiểu biết khoa học và tâm lý cần thiết để sự giáo dục có hiệu quả. Bởi vì thương yêu nuông chiều có thể làm cho trẻ hư hỏng, mà giáo dục một cách nghiệt ngã nghiêm khắc quá đáng cũng có thể khiến cho tình trạng căng thẳng do chấn thương kéo dài đến lúc trưởng thành. Vì thế những dấu chứng căng thẳng do chấn thương chúng ta thấy khá nhiều nơi nhiều người lớn mà không nhận ra vì không biết. Những người ở trong tình trạng căng thẳng do chấn thương kinh niên, dù thành công vật chất, cũng khó có được thân tâm an lạc và gây những rắc rối tâm lý mà người chung quanh phải chịu đựng. Do đó mới có bài viết này. Mong mỏi là có sự đóng góp ý kiến của quý vị quan tâm.
Tuệ Vân
Ngày 23 tháng 3 năm 2018
Các tài liệu tham khảo:
- www.naeyc.org/yc National Association for The Education of Young Children
- www.childtrauma.org Child Trauma Academy
- www.traumacenter.org Trauma Center at Justice Resource Institute
- www.starr.org/training/tlc National Institute for Trauma and Loss in Children
- www.nicabm.com @2017 The National Institute for the Clinical Application of Behavioral Medicine
- www.NCTSN.org The National Child Traumatic Stress Network
- Slide show developed by Julie Kurtz, Julie Nicholson and Linda Perez. @2017, WestEd
- Handout from the Community & Family Services Division at the Spokane (WA) Regional Health Distrist