“Khoảng hơi quá trưa hôm nay tôi nhận được điện thoại của tổng thống Hoa kỳ gọi từ máy bay Air Force One, và tôi cũng nói chuyện với chánh văn phòng Bạch cung Kelly để biết rõ về những ngày sắp tới, Điều quan trọng nhất là bảo đảm cho một sự chuyển đổi trật tự và êm ái trong một thời khoảng mà đất nước đang tiếp tục phải đối đầu với những thách thức đáng kể về chính sách và an ninh quốc gia”
Đó là thông báo của ngoại trưởng Tillerson ngày 13 tháng 3 vể việc ông bị tổng thống Donald Trump bãi nhiệm. Truyền thông đã để ý rằng ông Tillerson không dùng tên mà chỉ gọi là tổng thống Hoa kỳ. Truyền thông cũng nói rằng ông Tillerson đã quạt Nga một cú từ biệt như sau : “Nga phải cẩn thận lượng giá “sao cho những hoạt động là có lợi ích nhất cho dân Nga và cho thế giới một cách rộng rãi. Tiếp tục quỹ đạo hiện tại nhiều phần là sẽ dẫn tới tình trạng bị cô lập, một tình trạng không có ích lợi cho ai cả”. Ông cũng khen ngợi sự đóng góp của các nhân viên ngoại giao. Những điều này xét ra chỉ là thông lệ ngắn ngủi nói về công việc và vị trí của mình,
Sáng 13 tháng 3, ông Trump đã viết trên twitter là đã thay thế ngoại trưởng Tillerson bằng ông Mike Pompeo đương kim giám đốc Trung ương tình báo CIA. Và bà Gina Haspel phó giám đốc CIA lên làm giám đốc. Cũng trong sáng thứ ba, ông Trump đã thông báo cho truyền thông hay rằng ông đã quyết định bãi chức ông Tillerson “một mình”. Ông cũng nói “Tôi đang ở điểm rất gần với chỗ mà tôi sẽ có một nội các và những chuyện khác đúng ý tôi muốn”.
Người lãnh đạo chính phủ mà thay đổi một nhân viên nội các không phải lả điều bất thường. Cái bất thường nếu có, trong vụ bãi nhiệm ông Tillerson là ở cách bãi nhiệm. Cứ theo như tin tức thì ông Tillerson đã không hề được thông báo trước, chỉ biết tin qua twitter của ông Trump và qua truyền thông, bởi vì ông chỉ được ông Trump thông báo quyết định vào lúc quá trưa, theo như thông báo của ông. Nhiều nhà bình luận đã nói về sự bất đồng ý kiến giữa hai người về chính sách. Điều này có thể đúng, và là đúng trong gần như hầu hết mọi thay đổi nhân sự chính trị, nhưng không giải thích được cái cách thay đổi bất thường, nghĩa là đương sự được thông báo sau chót. Những người ghét ông Trump đã vin vào đây mà bảo là ông Trump thiếu lịch sự, không đủ tư cách làm tổng thống. Những người thích ông Trump đã khen ông Trump là cương quyết đúng tư thế lãnh đạo, chẳng sợ gì ông Tillerson là một đại tài phiệt nổi danh ở Mỹ cũng như trên thế giới nói chung và đặc biệt là ở Nga, mà những giao tiếp thương mại đã khiến ông trở thành một nhân vật có cỡ, quen thuộc Putin, không thua gì ông Trump, và ngay cả được trao giải thưởng hữu nghị cao quý của Nga. Có người cho rằng sự đụng chạm Tillerson -Trump là do ông Tillerson coi thường ông Trump, đã gọi ông Trump là “đứa con nít” (moron) mà khi truyền thông loan đi như thế thì đã không chịu cải chính. Có nghĩa là chẳng coi ông Trump ra gì. Bàn thêm về những chi tiết này chỉ là chìm vào trong tình trạng nháo nhào mà truyền thông và cơ chế quyền lực Mỹ gây ra khi không chấp nhận ông Trump thắng cử chính đáng, nhưng bất ngờ, bất chấp mọi tiên đoán, thăm dò của các đại công ty thăm dò, cũng như các lý thuyết gia thế giá. Kết quả này không thể chối cãi được là do một cuộc bầu cử tự do không hề có thúc ép, sau một cuộc tranh cử mà mọi lời qua tiếng lại bôi xấu, chỉ trích đủ loại được tha hồ tung đi, như thường lệ từ trước đến nay.
Cho nên câu hỏi ở đây nên đặt ra là tại sao ông Trump đã mời ông Tillerson làm ngoại trưởng? Tại sao bây giờ mới bãi chức ông Tillerson mà không là trước đây, sớm hơn, ngay từ khi có tin ông Tillerson miệt thị ông là đứa con nít, hay là thảo luận với ông Tillerson để tìm cho ra lẽ?
Sẽ không khó trả lời tại sao ông Tillerson được mời làm ngoại trưởng và bãi nhiệm nhanh chóng nếu chịu để ý xét đến một số sự kiện cốt lõi. Một là ông Trump trưởng thành trong một môi trường doanh thương tư bản, từ đầu đến cuối là một ông chủ, mướn người đuổi người trên căn bản được việc và hài lòng hay không. Đối với ông, tổng thống chẳng khác gì một ông chủ quyền lực to hơn, rộng hơn. Vì ông thắng do tự lực, không có sự chọn lựa giàn xếp của cơ chế mà chỉ có sự chấp nhận bất khả kháng, cho nên ông không theo cái quy ước cũng như hướng dẫn của cơ chế mà ông không đồng ý, và đã dùng đủ cách chặn ông. Ông đã không hành xử theo cái quy lệ chính trị ở Mỹ từ mấy chục năm nay, ít ra là từ sau thế chiến thứ hai. Ông đã bị gọi là người phá rối. Bởi thế sau khi nhận chức, ông Trump ở trong tình trạng bị cô lập bởi hệ thống chính trị đương quyền mà quần chúng đã bực bội kéo dài nên đổ ra bỏ phiếu cho ông và làm lệch cán cân. Hệ thống quyền lực ù lì này nằm trong cái cơ chế quyết định nhân sự biến thái từ những cuộc họp để cắt đặt người giữa các nhân vật giầu tiền bạc và lắm tay chân, thời lập quốc. Cái cơ chế biến thái này đã được mệnh danh là những người làm chính sách “không diện mạo”, mà có dân cử mới đây đã gọi là “hội kín” (secret society). Còn ông Trump thì đã gọi là “nhà nước dưới sâu” (deep state). Cái hội kín, hay cái siêu quyền lực này bao trùm lên trên cả đảng Cộng hòa cũng như đảng Dân chủ và hệ thống truyền thông giải trí giòng chính, mà ông Trump không ngần ngại gọi là “tin giả thất bại”, kẻ thù của nhân dân Mỹ. Truyền thông giòng chính đã cho rằng sự hiện diện của hội kín là nằm trong “cái lý thuyết âm mưu”. Nói khác đi là nằm trong sự tưởng tượng của một số người. Cũng có chuyên gia luật giải thích rằng cái mà gọi là nhà nước dưới sâu này chỉ là thực tế vận hành của hệ thống hành chánh Mỹ. Nghĩa là bác bỏ sự hiện hữu của cái- siêu-quyền- lực- không-diện-mạo
Ông Trump là một kẻ đứng ngoài, đã lọt qua được cái hệ thống này để trở thành tổng thống, cho nên như đã nói trên, bị cô lập nghĩa là không có sẵn một giàn nhân sự chính trị để xử dụng như các tổng thống tân cử khác, ngoài các cộng sự viên thân cận đã đóng góp cho ông thắng cử. Ông đã lập nội các với những thành phần ông có thể tin tưởng và nghĩ rằng có khả năng giúp ông thi hành chính sách ông muốn. Tin tưởng thì trước hết là người trong gia đình, mà con gái Ivanka với con rể Jared Kushner đứng đầu sổ. Kế đó là những người ngoài mà ông cho là có thể làm được việc. Ông Trump đã chọn Reince Priebus làm chánh văn phòng đầu tiên vì nghĩ rằng Priebus có thể đem lại sự ủng hộ của các dân cử Cộng hòa thuộc cơ chế. Priebus đã không làm được, mà điển hình là chuyện bỏ Obamacare, cho nên mất chức. Priebus thất bại vì tuy đã là chủ tịch Ủy ban toàn quốc đảng Cộng hòa, nhưng không có quyền chỉ đạo ra lệnh mà chỉ là người điều phối các dân cử. Các thay đổi nhân sự nhanh chóng của Bạch cung đều là để thích ứng với tình trạng tóm lược ở trên, và tùy theo các áp lực của siêu quyền lực, mà mục đích tối hậu là khiến cho ông Trump sử sự như một tổng thống theo quy ước. Nghĩa là trở thành những nhà diễn xuất (performer) để hướng quần chúng nghĩ và chấp nhận những chính sách mà cơ chế siêu quyền lực muốn. Tất cả những thay đổi nhân sự này đã được mô tả bởi truyền thông như là sự hỗn loạn (chaos) của Bạch cung. Với thời gian ông Trump đã dần dần thích ứng và do đó đã có những dấu hiệu ông Trump chấp nhận vai trò diễn xuất này. Vì thế mặc dầu những thay đổi chớp nhoáng, hay hỗn loạn, tùy theo người nói, ông Trump không còn trong mối nguy mất chức, như những ngày đầu. Cụ thể là luật gia lừng danh Alan Dershowitz và tư tưởng gia thiên tả nổi tiếng Noam Chomsky đã có những nhận định chỉ ra rằng cần để cho Trump làm việc. Và mới đây thì tường trình của ủy ban An ninh quốc hội đảng Cộng hòa không thấy có âm mưu giữa ông Trump với Nga. Vì thế, Tillerson đã phải ra đi theo cái cách để ông Trump thỏa cái mối hận bị coi thường là “đứa con nít”. Chứ không phải chỉ vì khác biệt lập trường chính sách như một số nhà bình luận nghĩ, vì ai thực sự theo rõi và nhớ các diễn tiến cũng như tuyên bố, thì sẽ thấy hai người chẳng khác gì nhau bao nhiêu trong các vấn đề ngoại giao. Tương tự như trường hợp Priebus, ông Trump cảm thấy Tillerson đã không có thể giúp ích bao nhiêu trong chuyện giao thiệp với Nga. Ngoài ra mới đây Putin đã ca tụng ông Trump, và nói thẳng ra rằng ông Trump là người nhìn thấy “cốt lõi” (gist) của vấn đề, chịu nghe và có thể “điều đình để thỏa hiệp được”. Nhưng quan trọng hơn cả là bởi vì ông Trump đã có một cái lằn ranh đỏ mới đối với Nga trong vấn đề Syria nói riêng và Trung Đông nói chung theo hướng của cơ chế siêu quyền lực. Cũng vì nhìn rõ vấn đề, cho nên ông Trump biết đâu là chỗ phải hạ mình, theo nguyên tắc mà nhà viết kiếm hiệp lừng danh Kim Dung đã viết ra, qua lời của nhân vật số hai của Ma giáo, chỉ sau có giáo chủ Ma giáo. Là chịu dưới một người để trên vạn người
Sự nhượng bộ cơ chế siêu quyền lực này đã cho ông Trump cái sức mạnh làm ông tin tưởng rằng ông sẽ có thể thay thế các cộng tác viên - thân cận hay không thân cận- mà ông đã chọn để giao việc trong giai đoạn củng cố quyền lực vừa qua. Nhưng nói cho cùng, một tài phiệt thuần túy như ông Trump không có người thân cận. Cứ nhìn vào cuộc đời ông là thấy. Những thay đổi ông làm ở cương vị tổng thống chỉ là sao cho được việc cần làm và trong khuôn khổ tính toán nhằm sửa soạn cho tròn cuộc vận động tranh cử nhiệm kỳ thứ hai.
Liệu ông Trump có thể tiếp tục nhiệm kỳ thứ hai hay không thì còn quá sớm để trả lời. Hay nói đúng hơn còn có một số yếu tố khác cần phải xét trước khi trả lời. Bởi vì sức mạnh của siêu quyền lực không đủ bảo đảm 100% cho ông Trump thắng cử nhiệm kỳ hai, chẳng khác gì trường hợp thất bại đau đớn bất ngờ của Hillary Clinton, con ngựa thuần thục, rành rọt 7 chữ 8 nghề chính trị chắc ăn như bắp của cơ chế.
Bác sĩ Trần Xuân Ninh
Ngày 16 tháng 3 năm 2018