Ngày 5 tháng 3 hàng không mẫu hạm nguyên tử Carl Vinson với một thủy thủ đoàn khoảng 6 ngàn người và gần 100 phi cơ cùng với hai tầu hộ tống đã cặp bến Tiên Sa trong chuyến công tác 4 ngày thăm Đà Nẵng. Truyền thông Mỹ đã nhất tề loan tin này đi với những bình luận về ý nghĩa sự có mặt của một đơn vị chiến tranh lớn của Mỹ tại Việt nam, sau khi chấm dứt. Phát ngôn viên Hawkins của đơn vị cho biết chừng 30 thủy thủ sẽ đấu bóng tròn với VN, sẽ đi thăm một trường chăm sóc trẻ tật nguyền. Môt bản tin khác cho hay các thủy thủ tiếp xúc với dân chúng, chơi trò bịt mắt bắt dê, và có tin còn cho biết rằng một nữ ca sĩ đã hát bài “Nối vòng tay lớn” của Trịnh Công Sơn.
Có nhận định cho rằng chuyến thăm VN của đơn vị chiến tranh không lồ này của Mỹ là để chứng tỏ sự gia tăng hợp tác quân sự giữa hai nước. Ý kiến này được biện giải bằng câu viết trong một thông cáo của đề đốc John Fuller, chỉ huy trưởng đơn vị “Đây là một ngày lịch sử và chúng tôi rất hân hạnh được tiếp đón nồng hậu ở đây”. Để hỗ trợ cho ý kiến này, và để gạt sang bên tình trạng thù địch trong quá khứ khi Việt cộng thi hành nghĩa vụ quốc tế nhắm mắt thúc thanh niên xông lên tiêu diệt tư bản Mỹ, bài báo đã nhắc lại chuyến thăm hai ngày Hà nội của bộ trưởng quốc phòng Mỹ Jim Mattis hồi tháng 1/2018. Teo bài báo, Mattis đã nói với Ngô Xuân Lịch rằng “Chúng ta hiểu rằng tình trạng bang giao hai nước không bao giờ y nguyên. Khi thì tăng lên khi thì giảm xuống”.
Có những nhà bình luận vơ vào còn mang nặng lối suy nghĩ thời chiến tranh lạnh, nghĩ rằng với ông Trump ở cương vị tổng thống, Mỹ sẽ tích cực hơn trong vấn đề Việt Nam, thúc đẩy tự do dân chủ, chặn chính sách quân sự hóa biển Đông của TQ. Những nhà chính trị cà phê thuốc lá thì ngay cả khấp khởi tiên đoán ảnh hưởng Mỹ sẽ lấn át trong chế độ VC. Và nhờ thế VN sẽ có một chế độ tự do dân chủ nhân quyền và phồn thịnh. Làm như Mỹ đi tới đâu thì tự do theo tới đó. Chỉ cần nhìn ra thế giới bên ngoài là thấy thực tế không mầu hồng như tưởng tượng. Ở Trung đông, nước Ả Rập Saudi trung thành với Mỹ từ hơn nửa thế kỷ đã chỉ là một nước quân chủ độc tài, tiền bạc nằm trong tay hàng ngàn hoàng tử và công chúa để trong các ngân hàng Anh Mỹ Pháp tha hồ tiêu sài huy hoắc. Ở Phi châu các nước sản xuất dầu hỏa và kim cương đều trong tay các lãnh tụ sắt máu trong khi dân chúng thì lạc hậu nghèo khổ. Ở Mỹ châu, các nước kể là đồng minh với Mỹ nhiều năm, có bầu cử mà quyền lực thì trong tay các lãnh tụ độc tài giầu có. Thay bực đổi ngôi bằng đảo chính. Từ một độc tài này sang một độc tài khác. Còn dân thì đói khổ tiếp tục đói khổ. Đưa những hình ảnh này ra để người muốn nghĩ thì tìm hiểu mà suy nghĩ. Không phải là để tranh cãi chọn lựa các đối tác chính trị, vì chi tạo nóng mặt đỏ mày mà không đi tới đâu.
Nhìn vào thực tế cụ thể, chuyến thăm Hà nội của bộ trưởng Mattis, chuyến đi ăn bún chả ở Hà Nội của Obama, chuyến thăm VN của Clinton chẳng qua chỉ là một nỗ lực Mỹ thăm thú mở mang khai thác thị trường nhân lực Viêt Nam. Từ bán võ khí lẻ thặng dư đến quân cụ, máy móc quá thời. Từ hàng xịn tiêu dùng cho giai cấp mới và đại gia, đến phi cơ thương mại tối tân nhưng không khai dụng được hết khả năng để cạnh tranh trong thị trường hàng không thế giới cạnh tranh ác liệt hòng lấy lại vốn. Từ các hệ thống thông tin điện tử ngày đêm nhồi vào đầu óc khán thính giả những thói tục, những phản ứng suy nghĩ của văn minh Hollywood đến những ngụy luận nhồi nhét tư tưởng đấu tranh bất bạo động để xì hơi, dành riêng bạo lực trấn áp cho thiểu số thống trị.
Sẽ có câu hỏi rằng loài người trải qua những thời đại đồ đá đồ sắt đồ đồng, rồi nguyên tử, rồi điện tử, chứ làm gì có văn minh Hollywood. Nhìn cho thấu đáo thì Hollywood là biểu tượng của kỹ nghệ truyền thông giải trí Hoa kỳ. Kỹ nghệ này nhào nặn, điều kiện hóa con người suy nghĩ, phản ứng theo những mẫu, những mô hình nó tạo ra.
Nhìn những hình ảnh từ mọi góc mọi phía của hàng không mẫu hạm Carl Vinson, tràn ngập trên mạng điện tử nhân chuyến ghé vào Đà Nẵng, người xem không tránh khỏi thán phục sự vĩ đại bề thế của chiến hạm. Và từ đó gắn liền sức mạnh của nó với sức mạnh Hoa kỳ. Và không có mấy ai nghĩ rằng sức mạnh của một đất nước không chỉ nằm trong võ khí. Không mấy ai nhớ tới sự thất bại của Mỹ đại cường trước những tên VC mà hình ảnh nổi bật chỉ là nón cối dép râu nhỏ con gầy yếu. Cũng như không mấy ai nhớ tới sự thất bại của tổng thống Bush con khi mở ra chiến tranh Iraq tiêu diệt Saddam Hussein bằng nguyên tắc xử dụng võ khí ưu việt Hoa kỳ để gây “choáng váng kinh hoàng” (shock and awe). Thất bại vì Hoa kỳ phải đối phó với bao khó khăn kinh tế tài chính sau khi tiêu tốn cả ngàn tỉ đô la, và đang vật lộn với phó sản của cuộc chiến là khủng bố ISIS.
Sức mạnh của một đất nước ngày nay không chỉ nằm trong võ khí. Những vấn đề khúc mắc và khổ nạn ngày nay của thế giới không thể giải quyết chỉ bằng võ khí, kể cả võ khí hạt nhân và hỏa tiễn trừ hỏa tiễn.
Hàng không nguyên tử khổng lồ và tối tân vào Việt Nam rút lại chỉ là một màn trình diễn, tương tự như những màn trình diễn Clinton, Obama. Để chào hàng rằng có tôi đây. Tùy theo lãnh đạo chế độ và tùy theo dân chúng Việt Nam mà đất nước mua thêm điều lợi, hay có thêm cái nợ.
Trần Xuân Ninh
Ngày 9 tháng 3/2018.