1/TXN. Kính chào quý vị thính giả. Chào NK. Chào TV. Thời sự Mỹ kể ra thì vô số, trộn lộn giữa những bàn tán và những chi tiết không biết thật giả ra sao vì vẫn là những chuyện gấu ó giữa các phe phái cũng như cá nhân chính trị chỉ trích lẫn nhau quanh các hành động hay thái độ riêng tư trong vấn đề tình dục được lôi ra. Thí dụ như chuyện bà Melanie gấu ó với ông Donald Trump. Chuyện Hillary Clinton dung túng cho một cộng sự viên sách nhiễu tình dục. Chuyện cả chục chủ tịch các Ủy ban quốc hội không tái tranh cử và mấy chục dân cử nghỉ luôn, mà sự quan trọng nếu có thì chỉ có với họ, chứ còn chẳng là bao nhiêeu đối với đa số người dân thường. Những chi tiết nói đi nói lại về cuộc điều tra trong vụ Nga chen lấn vào bầu cử tổng thống Mỹ, giúp ông Trunp hay hại bà Clinton. Những thiên lệch chính trị chẳng biết nhiều ít của FBI trong vụ theo rõi tranh cử tổng thống 2016. Những kêu đòi bãi chức và những ủng hộ ông Robert Mueller ủy viên điều điều tra đặc biệt vụ âm mưu Nga Trump… Nghe thật đầy tai mà không thể biết hư thực ra sao. Cho nên tốt hơn hết là không nói đến nữa. Có một chuyện tham nhũng thối nát vĩ đại đáng bàn là chuyện hoàng tử nước Saudi Arabia Al waleed al Talal bi bắt về tội tham nhũng, được giam trong khách sạn sang trọng hạng nhất thủ đô Riyadh mới được thả sau khi chịu nộp 6 tỷ đô la. Nhân đó, nghĩ đến chuyện tham nhũng của Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh có lẽ cũng rút ra vài điều lý thú. Một cuộc tranh cãi đang xẩy ra ở Phần Lan về câu hỏi Chúa là đàn ông hay đàn bà cũng là một đề tài mình có thể bàn tuy rằng đó có thể là một vấn đề nhậy cảm đối với nhiều người. Còn những chuyện khác nếu NK và TV có ý kiến gì thì cũng xin góp ý nhe.
2/NK. Trước hết NK xin kính gửi lời chào tới quý vị thính giả đang theo dõi chương trình BCTS hằng tuần với BS TXN, TV và NK ngày hôm nay. Xin kính chào Bs N và thân mến chào chị TV. Những chuyện lộn xộn xã hội chính trị được đưa ra trên truyền thông Mỹ từ khi ông Trump trúng cử tổng thống theo NK có lẽ sẽ chỉ chấm dứt khi ông Trump ra khỏi Bạch cung. Cho nên NK đồng ý rằng đó là loại chuyện ngàn lẻ một đêm, nói cũng được mà không có thì giờ mà bỏ qua thì cũng chẳng sao. Tuy nhiên, Nk nghĩ mình không thể không đề cập đến bài diễn văn tường trình tình hình liên bang Hoa kỳ của tổng thống Donald Trump. Để xem rằng ông Trump có thay đổi gì hay không. Vì NK nhớ rằng mặc dầu những phát biểu làm nhiều người phê bình, ông Trump trong bài diễn văn đầu tiên trước quốc hội năm ngoái đã được truyền thông khen là “có tác phong hành xử một cách tổng thống”. Biết đâu rằng ông sẽ lại không thay đổi nữa qua một năm vất vả cọ sát với truyền thông giòng chính và vũng lầy chính trị Washington DC.
3/TV. TV kính chào BS N, anh NK và thân ái kính chào quý vị thính giả đang theo rõi chương trình BCTS. Nói về bản chất con người thì thường khó mà thay đổi. Nhưng về thái độ ứng xử thì ít nhiều cần có sự thích ứng theo hoàn cảnh để mà tồn vong và phát triển. Nhất là khi người ta nói ông Trump là một dealer tức là một doanh nhân điều đình có hạng. Cho nên nhận định về bản tường trình thường niên về tình hình liên bang của tổng thống Trump cũng là một cách để cho thấy ông Trump có học được gì không trong việc đóng vai tổng thống.
4/TXN.Trong quá khứ tôi thường theo rõi các diễn văn tường trình tình hình liên bang của tổng thống vì coi đó như là cách để nhận biết tình hình chính trị tổng quát, nhất là đối với những tân tổng thống mà lập trường tranh cử hấp dẫn. Nhưng dần dà thì đã giảm dần sự quan tâm đó vì thấy rằng các diễn văn này thường là những show, những màn trình diễn không có bao nhiêu thực chất mà chỉ để biện minh hay quảng cáo một cách chung chung cho các chính sách không hẳn được nhiều người đồng ý của mình. Trở lại với bản tường trình của tổng thống Trump, trước khi ông đọc ở quốc hội, tôi đã viết trong một bài nhận định rằng: “Điểm chính mà ông chú trọng là đề cao thành tích của ông. Tiếp theo là những chính sách được diễn tả bằng những ngôn từ chính trị quy ước, không tạo nhiều tranh cãi, bởi vì nghĩ sao cũng được. Người ủng hộ sẽ không hài lòng, nhưng không chống quyết liệt, vì những điều hứa hẹn sẽ không bị bỏ đi, như bức tường, như nước Mỹ trước hết (America first). Người chống quyết liệt thì sẽ vẫn chống, nhưng sẽ chẳng có thể làm gì hơn, ngoài những biện pháp cổ điển liệu cơm gắp mắm, đợi gió phất cờ”. Thì chúng ta đã thấy như thế trong bài diễn văn mới đọc. Khối dân cử Mỹ Phi châu đã ngồi yên khi ông nói đến con số lao động có việc gia tăng. Lập trường về vấn đề di trú không có những điều gì mới ngoài những điều ông đã nói, đúng trên nguyên tắc, cũng như sự khai thác các hiện tượng xấu trong các sắc tộc để gián tiếp đề cao những người dân Mỹ thủ cựu. Mục đích của sự đề cao này là để nắm chắc nhóm quần chúng thủ cựu 30% mà ông nghĩ là đã làm ông thắng cử. và hy vọng nhờ thế sẽ thắng cử ở nhiệm kỳ hai. Ngoài ra thì là các ca tụng yêu nước mà ai cũng hiểu là lối khoa trương cổ điển không có nhiều tác dụng.
5/NK. Nhận định tổng quát về bài diễn văn của ông Trump với hai loại thái độ cả bênh lẫn chống như thế là không có gì để thêm nữa. Nhưng trong bài diễn văn của ông Trump cũng có điểm mà có người cho rằng là đặc biệt cứng rắn. Đó là thái độ đối với vấn đề võ khí hạt nhân Bắc Hàn. Ông Trump khi đề cập đến Bắc Hàn đã nói rằng đó là một chế độ đồi bại vi phạm nhân quyền và sản xuất võ khí hạt nhân. Ông cảnh báo rằng không bao lâu nữa nước này sẽ trở thành nguy hiểm cho Hoa Kỳ và tuyên bố rằng Hoa kỳ tiếp tục tìm đường hiệu quả ngăn chặn việc này. Có cây viết bình luận Mỹ đã cho rằng chiến tranh Mỹ và Bắc Hàn sẽ xẩy ra tới nơi. Để bênh vực minh cho luận cứ này, người viết đã nhắc lại lời tuyên bố của tướng tham mưu trưởng không quân Hoa kỳ mới đây cho biết rằng Mỹ có thể phá hủy hầu hết các cơ sở sản xuất võ khí hạt nhân Bắc Hàn khi cần ra tay. Và nêu ra sự việc ông Victor Cha người chắc chắn được đề cử làm đại sứ Mỹ tại Nam Hàn đột ngột bị loại vì lập trường đồng ý với việc sử dụng quân lực trừng phạt nếu Bắc Hàn tấn công trước, nhưng phản đối việc tấn công đề phòng Bắc Hàn. Sau chót thì so sánh lời của ông Trump trong diễn văn với tuyên bố của tổng thống Bush con về Saddam Hussein trước khi tấn công Iraq. Chị TV và bác sĩ N nghĩ sao về lo ngại này?
6/TV. Về tuyên bố của tổng thống Trump thì trong thời gian một năm qua ông Trump đã cho thấy ông ta có thể nói ngược lại những điều đã tuyên bố hay là nói mà không làm, hoặc là làm không được, dù rằng ông ở tư thế quyền uy nhất nước Mỹ đó là tổng thống. Thí dụ như quan điểm đối với khối Bắc Đại Tây dương (NATO) lúc mới làm tổng thống, hay là hai tiếng shit holes (hố phân) mà ông dùng cho Haiti và một số nước Phi châu trong cuộc thảo luận mở rộng ở Bạch cung mới đây cho một số dân cử quan tâm đến vấn đề di trú. Hay là như mới đây trong khi dự Diễn đàn kinh tế thế giới ở Davos Thụy sĩ với đông đảo thương nhân và chính giới từ nhiều quốc gia, ông Trump đã cho biết rằng ông có thể xét lại việc tham dự vào hiệp ước TPP. Bên cạnh đó theo TV thì sự lo ngại về cuộc chiến Mỹ và Bắc Hàn sắp xẩy ra tới nơi chỉ là suy diễn của người bình luận. Vì đàng sau Bắc Hàn là Tầu và một phần nào đó là Nga. Tấn công Bắc Hàn có nghĩa là trực tiếp đụng vào Tầu, có thể gây nhiều hệ quả tai hại kinh tế và chinh trị cho Mỹ. Cho nên Mỹ sẽ không có lý do tấn công phòng ngừa. Ngoài ra thì cá nhân TV nghĩ rằng Bắc Hàn là một nước nhỏ xíu, không thể có kho võ khí nguyên tử đủ lớn để gây tổn hại lớn cho Hoa kỳ, nghĩa là không thực sự là một nguy hiểm cho Hoa kỳ. Hơn nữa, không có lý do gi để Bắc Hàn tấn công Hoa kỳ, khi mà chính TQ là nước bảo trợ Bắc Hàn lại đang làm ăn chặt chẽ với Hoa kỳ chứ không phải là đang thi hành chính sách tiêu diệt tư bản Hoa kỳ như trong thời kỳ chiến tranh lạnh, cuồng tín theo chủ nghĩa Cộng sản. Người bình luận do đó chỉ là vì có xu hướng chống đối ông Trump, tìm đủ cách để phê bình quan điểm của ông Trump mà hiện nay đã không còn cứng rắn hơn là bao nhiêu so với những phát biểu trước đây.
7/TXN. Tôi cũng không thấy những luận cứ lo ngại cuộc chiến Mỹ và Bắc Hàn sắp xẩy ra là có tính thuyết phục. Đi sâu một chút vào sự so sánh phát biểu của ông Bush con với lời của ông Trump thì đứng về phương diện địa lý chiến lược, ông Bush con mở ra cuộc chiến Iraq để tiêu diệt Saddam Hussein vì Hussein tích cực cấp tiền giúp cho gia đình những cảm tử Palestinian đeo bom khủng bố chống Do Thái. Chứ không phải vì lý do Saddam có võ khi tàn sát tập thể, vì nay thì người ta biết rõ ràng là Saddam Hussein không có khả năng chế tạo các võ khí này, và vì Mỹ không tìm thấy một dấu tích nào cả. Các hình ảnh vệ tinh về các phương tiện chế tạo võ khí hạt nhân lưu động trên truyền thông Mỹ đều là tin giả. Mà chính thức thì được gọi là sai lầm tình báo, rồi bỏ sang bên. Lý do diệt Saddam Hussein vì Husssein nuôi dưỡng khủng bố Al Qaeda cũng không đúng vì quân Mỹ không khám phá ra một dấu tích nào của Al Qaeda sau khi lật đổ chế độ Hussein. Chỉ sau nhiều năm thì mới nẩy sinh ra ISIS, mà thành phần thì bây giờ đã rõ ràng là phức tạp, do các thế lực khác nhau tạo nên hay viện trợ. Bắc Hàn không chứa chấp khủng bố. Bắc Hàn là chư hầu của TC. Bắc Hàn đang hợp tác với Nam Hàn trong thế vận hội mùa đông và những trao đổi giao thương đã có, đã bị ngưng trệ và đang được điều đình trở lại. Cho nên nguy hiẻm cho Nam Hàn trước mắt là không thấy. Đe dọa cho Nam Hàn nếu có là sự len lấn chính trị thiết lập chế độ độc tài ở Nam Hàn, chứ không phải là nguy hiểm cho Mỹ về cả mặt quân sự lẫn kinh tế. Cho nên Mỹ nếu mà có đánh Bắc Hàn thì vì lý do nào không rõ, chứ không vì Bắc Hàn đe dọa an ninh Mỹ và các nước Đông Bắc Á. Tôi nghĩ rằng đến đây thì mình nên đi sang vấn đề khác đi. Vấn đề hoàng tử Al Waleed tham nhũng, giầu nhất và quyền uy nhất Saudi Arabia bị bắt rồi được thả. NK có thể tóm tắt câu chuyện được không? Và thấy gì đặc biệt?
8/NK. Saudi Arabia là vương quốc sản xuất dầu hỏa thành lập bởi tù trưởng Ibn Saud với sự ủng hộ của Anh. Để nắm chắc quyền hành trong họ al Saud, nguyên tắc nối ngôi là truyền từ anh sang em chứ không sang con. Tục lệ này được truyền tới nhà vua hiện tại Salman bin Abdulaziz al Saud. Ông này đã phá lệ, sau hai năm ở ngôi, phong cho con là Mohammed bin Salman 31 tuổi, làm hoàng thái tử tháng 6/2017, mà bỏ sang bên hoàng thái tử Al Waleed 61 tuổi theo truyền thống sẽ kế vị lúc ông chết. Al Waleed mặc dầu là người giầu nhất và quyền lực nhất Saudi đã phải chấp nhận quyết định này, vì Mohammed được sự ủng hộ của tổng thống Donald Trump. Nguyên do là vì Al Waleed đã nói ông Trump không thể nào thắng cử vào Bạch cung. Tháng 6 Mohammed được phong hoàng thái tử. Ngày 4 tháng 11, Mohammed nhân danh chủ tịch ủy ban tham nhũng nhà vua mới thành lập một ngày, ra lệnh bắt Al Waleed cùng với chùng một chục hoàng tử và khoảng 200 nhân vật quyền lực khác trong chính phủ và thương giới, vì lý do tham nhũng. Khách sạn Ritz Carlton sang trọng nhất Riyadh là nơi tiếp đóng tổng thống Trump, đã được lệnh bất chợt đuổi hết khách để lấy chỗ giam Waleed và đồng phạm. Tin cho biết rằng vài giờ trước khi bị bắt, Waleed trên facebook còn viết rằng Mỹ đang trong tình trạng rối ren. Sau cùng thì al Waleed mới được thả, sau gần ba tháng bị giữ. Tin cho biết Waleed đã phải bỏ ra 6 tỉ đô la để có tự do. Trong cuộc phỏng vấn trước khi ra khỏi khách sạn, Waleed nói “tất cả là do hiểu lầm”. Mặt mày Waleed dù sao trông cũng hốc hác so với trước đây. Vắn tắt thì chuyện chống tham nhũng này có vẻ như là một trò đùa. Có lẽ cũng chẳng khác bao nhiêu vụ Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và các nhân vật tham nhũng khác bị đem ra xử tại VN.
9/TV. So sánh vụ tham nhũng Đinh La Thăng Trịnh Xuân Thanh với vụ này thì phải có cái nhìn thật giản lược. Ả Rập Saudi là một nước quân chủ độc tài kéo dài đã hơn 80 năm. Việt Cộng là chế độ độc tài biến thái, cai trị đã hơn 70 năm. Dân Ả Rập Saudi nghèo và lạc hậu trong khi hoàng gia, hoàng tử công chúa giầu tiền như nước sống xa hoa ở ngoại quốc. Dân Việt Nam cũng nghèo và lạc hậu, giai cấp lãnh đạo tiền của tài sản cũng ở ngoại quốc. Sức mạnh cai trị của Saudi Arabia là từ Mỹ, tuy tiền bạc là từ dầu hỏa và khí đốt lôi từ dưới đất lên. Sức mạnh cai trị của VC cùng từ các thế lực tài phiệt thế giới và từ tiền ngoại quốc khai thác tài nguyên nhân lực Việt Nam. Tham nhũng chỉ là cái lý do chính thức trong cả hai trường hợp. Thực tế chỉ là tranh chấp quyền hành. Người dân Saudi cũng như Việt Nam chẳng ai có lợi gì trong hai vụ này. Truyền thông Anh Mỹ đã thổi Mohammed lên, rằng sẽ thay đổi kinh tế Saudi thành đa dạng đa diện thay vì là chỉ phụ thuộc vào dầu hỏa và khí đốt, rằng là người tiến bộ cởi mở, cho phép đàn bà lái xe và cho phép mở rạp chiếu bóng năm 2018! Điều đáng nói nhất trong cả hai vụ là tiền bạc tham nhũng đều không trở lại cho dân cho nước, mà chỉ là đổi chủ sang tên trong các ngân hàng và công ty ngoại quốc.
10/TXN. Nhân đọc tin này và nhìn hình Al Walled hốc hác thì tôi thấy nẩy ra một cái nhìn triết lý, hay đúng hơn là tôn giáo. Tiền bạc làm cho Al Waleed trở thành tỷ phú, giầu nhất Saudi Arabia là do dầu hỏa và khí đốt của đất nước Saudi bán thành đô la đem tới nhờ sinh ra trong vị trí quyền lực. Dễ dàng như vậy đã làm cho Al Waleed có thái độ và cách hành xử khác thường. Như kiện tờ báo Forbes là cơ quan ngôn luận của tài phiệt Mỹ về tội phỉ báng vì nói tài sản của mình chỉ có 22 tỉ đô la là thấp hơn số thực trên 32 tỉ. Như cho 100 hoàng tử phi công tham dự cuộc oanh tạc Yemen trong cuộc chiến chống quân Houthi chống chính phủ thân Saudi, làm chết mấy chục ngàn thường dân, mỗi người một chiếc xe Bentleys. Như mắng Donalt Trump là nỗi xấu hổ của Thượng đế vân vân.. Cho nên bị Trump trả thù qua tay Mohammed bin Salman. Salman đang lên, nhưng đã bắt đầu nếm cái không vui nhỏ đầu tiên là chuyến đi sang Anh mua võ khí đã bị dân chúng biểu tình yêu cầu chính phủ hủy bỏ. Dĩ nhiên, là chuyến đi sẽ không bị hủy vì làm sao hủy được khi giao kèo lên tới cả chục tỉ đô la. Nhưng công lao của Al Waleed với số tiền trong các ngân hàng và công ty tài chính còn lớn hơn nhiều… Và Waleed đang bắt đầu hoạt động trở lại với số vốn ít đi 6 tỉ gì đó. Nhưng sẽ là một mối lo không thể bỏ qua cho Mohammed. Các thay đổi lên xuống ở đây đều là do cái nghiệp hết. Thỏa được cảm tính và hư hỏng cảm tình. Rút lại là tiền bạc mua được nhiều thứ mà cũng làm mất nhiều thứ. Có một thứ không thể nào có được nhờ tiền bạc là thân tâm an lạc.
11/NK. Bác sĩ Ninh nói đến tôn giáo thì có lẽ đây là lúc mình nên chuyển sang tôn giáo đi. Là cái câu hỏi Chúa là đàn ông hay là đàn bà đang làm sôi động bàn cãi ở Phần Lan. Bác sĩ N có thể tóm tắt tại sao lại có sôi nổi bàn cãi? Cái câu hỏi này theo NK nghĩ thì ai hỏi cứ hỏi, mình đâu cần phải quan tâm? Bởi vì câu hỏi này đâu có ảnh hưởng gì đến lòng tin của mình? Hay là thay đổi đặc tính của Chúa?
12/TV. Sự tranh cãi sôi nổi trong vụ này theo TV chẳng có gì là đặc thù tôn giáo. Mà nó chỉ là biểu hiện của tính hơn thua phải trái của con người trong mọi vấn đề. Có phải đúng như vậy không bs N và anh NK?
13/TXN. Tranh cãi về câu hỏi Chúa là đàn ông hay đàn bà bắt đầu từ cuối năm 2017 với quyết định của giáo hội Thụy điển Church of Sweden khuyến cáo các giáo sĩ không nên dùng đại danh tự He và danh tự Lord có ý nghĩa Chúa thuộc phái nam. Quyết định này đã lan sang Phần Lan. Nữ mục sư Mia Back đã dùng chữ “hen” là một đại danh tự trung tính thay cho chữ “he”, lý luận rằng là giáo hội phải có can đảm đặt câu hỏi đối với những quan niệm và niềm tin cũ. Một nhóm giáo dân đã viết thư phản đối, cho rằng nữ mục sư này đã phát biểu một cách xúc phạm, cần phải bị tạm thời ngưng chức và đi học lại Thần học. Bà Back đã biện giải rằng bà biết vấn đề là nhạy cảm, và đưa ra không phải để tranh cãi mà là muốn nói về Chúa bằng ngôn tự “bao gồm” (inclusive). Bà nói “Chúa đã tạo ra đàn ông và đàn bà theo hình ảnh của chính Người, và theo tôi, Chúa không phải là đàn ông cũng không phải là đàn bà. Cái chữ “hen” là rất thực tế, vì nhấn mạnh cái ý rằng không phải là “he” hay “she”. Giám mục Bjorn Vikstrom thuộc giáo khu Porvoo tuyên bố rằng không có biện pháp nào được áp dụng cho nữ mục sư Back vì lời phát biểu của bà. Bà Back là người đang ứng cử vào chức Tổng giám mục. Ông Bjorn nói rằng “Thách thức cái hình ảnh Chúa là người đàn ông có râu ngồi trên mây là điều hay. Khi chúng ta nói đến Chúa là Cha, là người chăn chiên, là cột chống, thì đó là những ngôn từ biểu tượng”. Trong câu chuyện này thì đã có nhiều ý kiến trái ngược. Kết luận phải trái có lẽ phải chờ đến sau khi có kết quả cuộc bầu Tổng giám mục.
Đọc những tranh cãi gay go trong vụ này thì có thể thấy rằng nó không chỉ phản ảnh tính tranh hơn kém được thua của con người, mà có phản ảnh cái niềm tin tôn giáo nơi một số tín đồ, và cách suy nghĩ khoáng đãng ở một số tín đồ khác.
Đến đây thì chương trình bàn chuyện thời sự hôm nay phải tạm ngưng. Xin kính chào tạm biệt quý vị thính giả. Chào NK. TV và cám ơn hai bạn. Xin hẹn gặp lại quý vị và các bạn trong một kỳ tới.
14/ / NK xin kính gửi lời chào tạm biệt tới quý vị thính giả đang theo dõi chương trình BCTS hằng tuần với BS TXN, TV và NK. Xin kính chào tạm biệt Bs N và thân mến chào tạm biệt chị TV. Xin được hẹn gặp lại quý vị và các anh chị trong một chương trình lần tới.
15/TV. TV kính chào BS N, anh NK và thân ái kính chào tạm biệt quý vị thính giả. Xin hẹn gặp lại tất cả quý vị và các bạn trong một chương trình BCTS kỳ tới.