Thoắt cái mà đã nửa thế kỷ sau trận Việt cộng tổng công kích Mậu Thân năm 1968. Về mặt chính trị, trận này có hệ quả tương đương với trận Điện Biên phủ năm 1954, dẫn đến sự rút lui của Pháp ra khỏi miền Bắc, và sau đó là toàn cõi Việt Nam. Mậu Thân tuy rằng VC thất bại về quân sự nhưng đã mở ra con đường cho Mỹ chấm dứt chiến lược tiền đồn ngăn chống bành trướng Cộng sản ở Việt nam trong khuôn chiêu bài “thế giới tự do”. Và đã dẫn đến sự xụp đổ của Việt Nam Cộng hòa tháng 4/1975. Nhân dịp này, có thật nhiều bài viết ở hải ngoại về tết Mậu thân. Đủ mặt. Mà nổi bật là khía cạnh tàn độc của bộ đội VC ở Huế, giết dân vô tội cả chục ngàn sau 26 ngày cai trị đất thần kinh. Hay là những hình ảnh bi thảm của bộ đội nằm chết bị xiềng chân vào các ổ súng lớn phòng không. Nhưng để hiểu ngọn ngành những hiện tượng này trong biến cố, thì cần có cái nhìn toàn cảnh.
Tóm tắt một cách thật ngắn gọn, Nga dưới chế độ Nga hoàng tuy là diện tích lớn cả một lục địa nhưng chỉ đứng sau các nước Âu Châu khác như Anh Pháp Đức giầu có chiếm được những nước tiểu nhược làm thuộc địa trên toàn thế giới. Hạm đội Nga đã thua hải quân Nhật canh tân năm 1905 ở eo biển Đối Mã. Khi chấm dứt được chế độ Nga hoàng với cuộc cách mạng tháng 10 năm 1917, Lenin và đồng đảng đã thiết lập chế độ toàn trị chuyên chính vô sản để phát triển đế quốc Nga theo khẩu hiệu “vô sản thế giới đoàn kết lại”, tiến tới thế giới đại đồng vô sản thiên đường, không có cảnh người bóc lột người như trong xã hội tư bản Âu Mỹ. Trong chiến lược phát triển và bành trướng này, chủ trương Cộng sản Liên sô là giúp các nước tiểu nhược thoát vòng thuộc địa Âu Mỹ. Trong cuốn sách nhỏ “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ chủ tịch” ký với bút danh Trần Dân Tiên, Hồ chí Minh năm 1923 đã cuồng tín say mê chủ trương này mà viết ra rằng sau khi đọc luận cương của Lênin Hồ một mình trong phòng mà nghĩ như đứng trước đám đông hô lớn rằng “…đây là con đường của chúng ta”. Hồ chí Minh và đồng đảng đã làm như thế, suốt cả cuộc đời. Thập niên 1960, trong toan tính bắt tay làm ăn với Hồ, những chính trị gia và tác giả Âu Mỹ đã cố tình lờ đi điều này, và bóp méo ca tụng Hồ chí Minh trước hết là người quốc gia. Luận cứ này đã tiếp tụng khai dụng cho tới nay để đầu độc những người thời nay chấp nhận con đường làm ăn với VC, nhân danh phát triển và thực thi tự do dân chủ một cách hoà bình.
Âu Mỹ đã phải chống lại chính sách bành trướng vô sản này bằng chiêu bài “thế giới tự do”, sau thế chiến thứ hai, khi mà Liên sô ở Âu châu thi hành chính sách bế quan tỏa cảng (mà Tây phương gọi là “bức màn sắt”) bao kín các nước Đông Âu chư hầu. Và nhất là sau khi Mao trạch Đông chiếm được Hoa lục, giúp Kim Nhật Thành (ông nội Kim Chính Ân) tấn công Nam Hàn trong vòng ảnh hưởng Mỹ theo khẩu hiệu “lấy nông thôn (các nước nghèo thuộc địa) bao vây thành thị (các nước tư bản giầu có). Tại Việt Nam, trận Điện biên phủ được nhìn như một hình thái khác nhỏ hơn và thích hợp hơn cuộc chiến Cao Ly, và đúng là như thế, đã khiến Mỹ giúp thành lập “tiền đồn chống cộng” ở miền Nam Việt Nam sau khi Pháp rút, tương tự như thành phố Berlin của Đức.
Việt cộng đã nhắc đi nhắc lại đề cao chiến thắng Điện biên phủ, và thổi cao Võ Nguyên Giáp là danh tướng thế giới, dù rằng về sau này thì người ta đã biết rằng trận này là do các cố vấn Trung Cộng can dự điều phối và viện trợ phương tiện. Mậu Thân, trừ những năm đầu huênh hoang, khoe thắng lợi của đảng quang vinh, đã dần dần không được đả động đến bao nhiêu nữa. Bởi vì nói đến Mậu Thân chỉ gợi lại sự tàn độc của chế độ Hà nội, mà bằng cớ điển hình là cuộc thảm sát thường dân vô tội ở Huế do sự tiếp tay thúc đẩy của những tên nằm vùng Hoàng Phủ Ngọc Phan, Hoàng phủ Ngọc Tường, Nguyễn đắc Xuân, Lê Văn Hảo vân vân với những bằng cớ và hình ảnh không thể chối cãi. Nói đến Mậu Thân cũng là nói đến sự rút lui của tàn dư bộ đội miền Bắc và sự tan nát của những chốt hạ tầng miền Nam, vì sự thất bại trên thực địa chiến trường và sự phơi bầy ra toàn bộ các thành phần nằm vùng. Để đến tháng tư năm 1975, bộ đội miền Bắc đã phải mang cờ xanh đỏ đội nón tai bèo để được hiểu là quân Mặt Trận Giải phóng miền Nam.
Nửa thế kỷ qua đi đã khiến những nhân chứng của Mậu thân nhỏ tuổi nhất có thể hiểu và nhớ chút đỉnh nay đã ở tuổi trên dưới 60. Những người thực sự trong cuộc phải là trên 70. Nhiều người đã chết. Nhiều người đã lẫn. Nhiều người đã quên không còn nhớ gì, nhất là những người ở trong nước, nói đến sự thực Mậu Thân hay cuộc chiến là một điều cấm kỵ. Vì thế năm nay để vẽ lại lịch sử, VC tại Sàigòn đã tổ chức hội thảo khoá học cấp quốc gia chủ đề "Cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 - bước ngoặt quyết định và bài học lịch sử". Khóa học theo như tin trên truyền thông nhà nước, “quy tụ hơn 500 người tham dự, gồm là lãnh đạo chính quyền, quân đội các thời kỳ, các cựu chiến binh, các thường dân được coi là nhân chứng lịch sử. Trong đó có cả Nguyễn Tấn Dũng, cổ áo sơ mi không thắt cà vạt. Các tường thuật ghi lại rằng “Các bài tham luận phân tích, mổ xẻ nhiều khía cạnh của nghệ thuật quân sự, các nhân chứng kể lại những câu chuyện chiến trường... Tất cả các lãnh đạo, nhân chứng, quân nhân đều nhắc nhở một điều trước khi kết thúc phát biểu, kết thúc câu chuyện: làm được những điều đó là nhờ có nhân dân”. Cái mới ở luận cứ này là đảng quang vinh đã lui đi. Nhân dân được đẩy lên phía trước. Lời Nguyễn thiện Nhân bí thư thành ủy Sàigòn được trích dẫn “
"Tôi là người đi sau, chỉ tìm hiểu, nghiên cứu về Mậu Thân 1968 qua sách vở, tài liệu, chuyện kể của người đi trước. Nhưng đủ để biết rằng qua hai đợt tổng công kích - tổng khởi nghĩa, rõ ràng tại Sài Gòn - Gia Định chưa có "tổng khởi nghĩa", song sự nổi dậy của các tầng lớp nhân dân là sự thật.
Không có nhân dân thì không thể nắm tình hình, bộ đội không thể vượt qua các tuyến ngăn chặn dày đặc để vào thành phố, không thể ém quân bí mật ngay gần cơ quan đầu não Sài Gòn, không thể có khối lượng lớn vũ khí để chiến đấu.“
Người từ xa, không biết địa hình địa vật nghe thế thì thấy có lý lắm. Nhưng người sống tại chỗ thì dư biết rằng thời đó dân cư tụ tập sống trong những chòm xóm nhỏ, chung quanh là ruộng đồng sông rạch hay đồi núi, chẳng mấy ai héo lánh. Như cá nhân người viết này, sống ở Đồng Ông Cộ, quận Bình Thạnh chỉ cách chợ bà Chiểu và tòa tỉnh trưởng Gia định chừng gần 2 cây số mà ngay sau nhà là rạch, là dừa nước chẳng ai lội vô đó làm gì. Len lỏi xâm nhập từng nhóm nhỏ do đó không khó. Và chẳng thể nào khoe là có nhân dân che chắn nuôi dưỡng cho đơn vị lớn, như Nguyễn thiện Nhân. Cho nên trong dịp tết Mậu Thân tôi, sau giao thừa giật mình tỉnh dậy vì những tràng liên thanh chát chúa của AK47 ngay phía sông rạch đàng sau nhà thì mới biết là có đánh nhau. Nói đến tổng tấn công tết Mậu Thân, thì ở Sài gòn chỉ có những giao tranh từng đơn vị nhỏ ở một số ngoại ô và một số tấn công đặc công ngắn ngủi, giới hạn. Cái mà gọi là tổng công kích đợt hai cũng tương tự. Vài tiểu đoàn Thủy Quân Lục Chiến hay Nhẩy dù là đủ thanh toán chiến trường. Và nhiều trận đánh là không có thương binh vì trước khi rút đi thì đồng đội đã thi ân chấm dứt cuộc sống của những kẻ không đủ sức chạy, không có điều kiện chữa trị, để giữ bí mật thực trạng. Ngay khu chùa Ấn Quang, sát nhà thương Nhi đồng là chỗ tôi thực tập, kể là có VC trong đợt hai, thì giao tranh cũng chỉ dưới hình thức quân đội hay lực lượng an ninh VNCH bao vây lục soát từng căn nhà tiêu diệt những tổ đặc công VC, sau khi dân chúng chạy ra ngoài. Chẳng có lấy một em nhỏ bị thương đưa vào bệnh viện. Tôi còn nhớ lúc đó có phái đoàn thượng nghị sĩ phản chiến Ted Kennedy bất ngờ đến khu giải phẫu tiểu nhi tôi đang làm để tìm dấu vết thương vong chết chóc. Thì đã thất vọng hoàn toàn, vì chằng có lấy một em bé nào phỏng bởi bom napalm, mà chỉ có vài bệnh nhân bị thương vì pháo kích. Đa số trẻ em nằm trong khu là những trường hợp mổ có hẹn, để chữa những bệnh hay tật có từ trước. Số bệnh này cũng ít hơn thường lệ, cha mẹ ở quê không tội gì đưa con đi lên Sài gòn mổ trong khi nghe nói là có đánh nhau. Tóm tắt, đợt hai, tuy có gây không khí chiến tranh, nhưng không làm cản trở bao nhiêu sinh hoạt thường ngày của dân Sàigòn, trừ một vài địa điểm có súng nổ. Khác hẳn tình trạng Huế là nơi thực sự VC có đưa đơn vị lớn vào tấn công, chiếm và cai trị Huế 26 ngày, thì số người bị VC thảm sát đã lên sáu bẩy ngàn người, như mọi người đã thấy.
Nghĩ cho cùng chiến tranh là giết chóc, chẳng có gì lạ. Giết chóc vì căm thù, vì cuồng tín như là VC. Giết chóc vì tự vệ, như là phía VNCH. Giết chóc vì những “thiệt hại râu ria” (collateral damage) như truyền thông Âu Mỹ dùng để nói về những sai lệch oanh kích hay những tin tức tình báo sai lạc gây chết người. Thay vì tiêu diệt một buổi họp các quân khủng bố thì tiêu diệt một đám cưới. Vậy thì còn gì để nói về Mậu Thân?
Ít nhất thì người ta biết rằng Mậu Thân là một chiêu thí quân để tạo chiến thắng tâm lý với sự a tòng của truyền thông Tây phương. Bằng đánh lớn ở Huế và Quảng Trị, vì điều kiện địa lý cho phép. Bằng đánh đặc công, đơn vị nhỏ ở Sài gòn và các thị trấn khác, do yêu cầu thực địa chiến trường. Thái độ thí quân này chẳng có gì lạ, khi mà đảng CSVN được nuôi dưỡng trong tinh thần cuồng tín của Hồ chí Minh đã viết ra từ năm 1923 sau khi đọc luận cương Lenin, và trong lời kêu gọi nếu cần thì đốt cháy cả dẩy Trường Sơn để giải phóng miền Nam thì cũng làm.
Qua Mậu Thân, người được biết sự bất lực của tình báo Mỹ, được kể là đầy đủ phương tiện nhân sự cũng như tiền bạc, vì không biết được toan tính của VC. Ở đây, không nói đến sự yếu kém của tình báo VNCH, mà nhiều người đã chê bai. Có người đã cho rằng Mỹ a tòng với kế hoạch của VC vì lực lượng Mỹ đã đóng một vai trò rất mờ nhạt, thụ động trong vụ Mậu Thân. Người ta cũng biết được thâm ý của Mỹ là viện trợ cho quân lực VNCH võ khí dư thừa không xử dụng từ thế chiến thứ hai. Chính người viết bài này khi ra trường bị trưng dụng làm y sĩ đã được học một tháng quân sự, tập bắn súng Garand M1, dài 1,1m, nặng 4,3kg. Một tháng trước tết Mậu thân các lực lượng tổng trừ bị VNCH như TQLC, Nhẩy dù mới được viện trợ một số súng AR15 tự động đầu tiên chưa hoàn chỉnh còn nhiều trục trặc. để thay cho súng bán tự động M1, M2 nhẹ hơn nhưng hay bị kẹt đạn. Trong khi đó thì VC được cung cấp súng tự động AK47 tức là loại súng hiệu quả nhất để tiến hành Mậu thân.
Cũng với Mậu Thân, người ta biết nhưng không để ý đến lối loan tin nửa sự thực của truyền thông Âu Mỹ, qua bức hình tướng Nguyễn ngọc Loan phản ứng bắn chết tên VC Bảy Lốp trên chiến trường khi tên này bị bắt dẫn tới, sau khi giết hết cả nhà một sĩ quan cảnh sát VNCH. Hay là không hề có loan tin VC chặt cổ cả nhà sĩ quan chỉ huy trường trường thiết giáp, trừ một em bé sống sót vì trốn trong cầu tiêu. Eddie Adams, người phóng viên đưa tin tướng Loan đã viết xin lỗi vào dịp tướng Loan từ trần. Nhưng chuyện đã rồi, phong trào phản chiến chống VNCH đã trổi lên, giúp Mỹ đổi chiều chiến lược, lui ra khỏi VN bằng hiệp định Paris. Nhưng hệ quả không chỉ có thế, mà còn là hội chứng VN tiêu cực kéo dài cho dân Mỹ đến thời tổng thống Reagan và Bush bố. Cái kỹ thuật vo tròn bóp méo dư luận này mới được ông Trump chỉ ra bằng mấy chữ truyền thông tin già và đang làm dư luận Mỹ xáo xào hơn một năm nay, chưa biét bao giờ dứt. Điều cần nhớ cho chúng ta là kỹ thuật này sẽ chẳng bao giờ dứt để mà biết rằng không thể nào nhắm mắt tin truyền thông ngoại quốc.
Nghĩ được như thế và không quên những hình ảnh VC nã súng lớn giết dân bỏ chạy trong mùa hè đỏ lửa 1972, trên đại lộ kinh hoàng, hay vào tháng 3/1975 trên đường chạy trốn ra khỏi các thành phố cao nguyên VC đã chiếm thì không thể nào bị ảnh hưởng bởi những bài viết trên truyền thông tin giả kể rằng người dân Huế hân hoan đón mừng bộ đội năm Mậu Thân.
Nhưng thôi, nói chuyện cũ làm gì, dầu rằng là chuyện cũ đúng. Chỉ cần nhìn ngay chế độ và xã hội VC bây giờ. Mặc dầu không có chiến tranh, mặc dầu VC đã thống trị VN 42 năm. Đường xá mở rộng, xe cộ đông đúc, nhà cao tầng từng quầng. Thế mà sao người VN vẫn chỉ muốn ra đi, ngay cả những cán bộ cấp lớn cũng không dấu diếm nói thẳng ra rằng con cái họ chỉ muốn ở ngoại quốc?
Bác sĩ Trần Xuân Ninh
(ngày 30 tháng chạp Đinh Dậu, 2/15/2018)