Nhận được tin Cô giáo cũ hồi Tiểu Học của tôi đã từ giã thế gian để về cõi vĩnh hằng vào đầu tháng 11 năm 2018 ở tuổi 94, tôi cảm thấy như một phần của quá khứ của mình đột nhiên đã biến mất. Tự nhiên mắt tôi tràn đầy nước mắt, tôi nấc lên nho nhỏ : '' Cô ơi! Cô ơi ! Con sẽ mãi mãi tưởng nhớ đến Cô
Kể từ ngày rời bỏ quê hương, bỏ lại đằng sau những quá khứ đau thương của dân tộc, nước mắt của tôi tưởng chừng như đã cạn khô vì đã khóc quá nhiều cho dân tộc, cho bạn bè và nhất là cho những người thân. Nay, nước mắt của tôi lại trào ra làm nhòa đôi mắt trước tin Cô ra đi, bỏ lại tất cả để về một thế giới khác.
Tháng 8 năm 1954, tôi vào Sàigòn ở với gia đình người Anh con Cả của Bác tôi. Anh tôi đã ở Sàigòn từ năm 1949 sau khi hoàn tất việc học ở Đại Học Montpelier, Pháp Quốc. Lúc đó tôi vừa 9 tuổi. Mẹ tôi đã ở lại Miền Bắc, không vào Nam cùng với đại gia đình. Mẹ nhắn vào Nam: '' chia cắt đất nước có 2 năm, tao vào Nam làm gì ''sau này tôi vỡ lẽ ra là Mẹ tôi đã ở lại Miền Bắc, không vào Nam, để chờ 1 người anh của tôi đi kháng chiến trở về. Cuộc chia ly ''hai năm'' đã kéo dài 21 năm cho đến ngày định mệnh 30 tháng 4 năm 1975. Mẹ tôi đã vội vã vào Sàigòn để tìm gặp tôi. Nhưng tôi từ giã quê hương vài ngày trước thời điểm định mệnh này để di cư sang một nước khác, cách xa quê hương một nửa vòng trái đất. Mẹ tôi đã khóc ngất khi không gập mặt tôi. Trong 21 năm, tôi đã sống như một đứa bé mồ côi Mẹ. Cuộc sống không bóng dáng Mẹ hiền là một cuộc sống buồn thảm, đầy nhớ thương và tiếc nuối. Tôi hay nằm mơ gập lại Mẹ nhưng khi tỉnh giấc lại âm thầm đau xót:
'' Nhiều lúc ta mơ về quá khứ,
Tưởng như mình đang sống bên Mẹ tại quê nhà,
Khi tỉnh giấc lại âm thầm tiếc nuối,
Những tháng ngày hoa mộng của đời ta ''
( thơ NLT )
Tháng 9 năm 1954, tôi vào học lớp Nhì ở Trường Tiểu Học Đỗ Hữu Phương trong Chợ Lớn. Cô Giáo của lớp chúng tôi là Cô Hà Thị Minh. Sau này, tôi mới biết: ở Hà Nội, Cô dậy cùng trường với một Bà Chi dâu của tôi. Đó là Trường Tiểu Học Lê Ngọc Hân ở Khu phố Lò Đúc, Thành Phố Hà Nội. Lên lớp Nhất, tôi lại học Cô ở Đỗ Hữu Phương. Tôi nhớ mãi năm học này vì tôi đã được chọn làm đại diện trường để vào Dinh Độc Lập lãnh quà Trung Thu và dự tiệc Trung Thu với Thủ Tướng Ngô Đình Diệm. Lớp của tôi có những học trò trở nên nổi tiếng, rất nổi tiếng sau này ra đời như MC Nam Lộc ở Hoa Kỳ hay nhà báo Lê Thị Nhị , em của Nhà thơ Lê Thị Ý, của nhà thơ Vương Đức Lệ ( Vương Đức Lệ chính là bút hiệu của Anh Lê Đức Vượng ) Chị Nhị hiện là Chủ Bút của Nguyệt San Washington Thời Báo, có trụ sở ở vùng Virginia- Washington DC ở Hoa Kỳ.
Cô Minh là Cô Giáo được chúng tôi rất kính trọng, yêu mến và cảm phục. Trong suốt hai năm cuối của bậc Tiểu học mà tôi học Cô, lúc nào Cô cũng dịu hiền, nhỏ nhẹ,hết lòng dậy dỗ chúng tôi như biểu lộ tình thương của một người Mẹ đối với đàn con. Trong suốt hai (2) năm, chúng tôi chưa bao giờ thấy Cô nổi giận, la mắng học trò. Lúc nào Cô cũng ôn tồn, nhỏ nhẹ. Có thể vì Yêu kính Cô mà chúng tôi trở nên ngoan ngoãn, ít phá phách, nghịch ngợm. Qua Cô, tôi tìm lại được hình ảnh của Mẹ tôi: Mẹ tôi lúc nào cũng nhỏ nhẹ, dịu hiền như Cô, Mẹ tôi và Cô Minh quả thực là những Bà Tiên của tôi, những Bà Tiên dịu hiền lúc nào cũng hiện diện trong tâm tư của tôi cho tới ngày nay.
Những ngày ở Sàigòn,tôi hay tới thăm Cô. Những lần nói chuyện dài với Cô làm tôi vơi đi nỗi sầu vì sống xa Mẹ từ những ngày còn nhỏ dại. Sống xa Mẹ từ những ngày còn bé là một nỗi bất hạnh không gì so sánh nổi, một nuối tiếc kéo dài cả một đời nhưng tôi may mắn có Cô Giáo Hà Thị Minh của tôi trong đời.
Sau này Cô đổi về làm Hiệu Trưởng Trường Tiểu Học Đa Kao cho tới ngày Cô về hưu.
Người bạn đời của Cô là Thầy Tô Văn Quí. Thầy Quí làm Chánh Lục Sự ở Toà Án. Vào những năm 60, Thầy rời Toà Án, để quay sang làm đồ gỗ, chế tạo những bộ bàn ghế, những đồ mộc thượng hảo hạng đầy nghệ thuật (meubles de luxe) Thầy và Cô sỡ hữu một (1) trại cưa ở Thị Nghè cùng với một cơ sở làm danh mộc cũng ở Thị Nghè tên là Tô Công. Tôi có lại thăm Thầy Cô tại các cơ sở này. Tô Công chuyên cung cấp đồ mộc cho các cơ sở uy tín như thương hiệu Phan Văn Nhị hay nhà Trang Hoàng Anh Đào ở đường Hồng Thập Tự, Sàigòn.
Cô có đến dự đám cưới của tôi và Kim Chi. Khi tôi trình Luận Án năm 1973, tôi có mời Cô dự buổi lễ này, một (1) Lễ duy nhất của đời tôi, Cô không tham dự được vì quá bận bịu. Cô bảo tôi rằng Cô rất hài lòng vì các kết quả mà tôi đạt được. Trước ngày 30 tháng 4 năm 1975, chúng tôi (Kim Chi và tôi ) có đến thăm thầy Cô vài lần .
Sau ngày định mệnh 39 tháng 4 năm 1975, tôi và gia đình được nhận vào định cư ở Gia Nã Đại. Chúng tôi bắt đầu hội nhập vào quê hương thứ hai này để xây dựng lại cuộc đời.
Tôi dọ hỏi về số phận của Cô và của gia đình của Cô sau ngày Đại Hồng Thủy của dân tộc,ngày 30 tháng 4 năm 1975. Sau cùng tôi bắt liên lạc được với Bác Sĩ Tô Phạm Liệu. BS Liệu là em của Thầy Quí, người bạn đời của Cô. Liệu là Y Sĩ nổi tiếng của Sư Đoàn Nhẩy Dù của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà cho tới ngày 30 tháng 4 năm 1975.
BS Liệu cho tôi biết gia đình của Cô Giáo Minh, Thầy Quí bị kẹt lại VN khi Miền Nam rơi vào tay bầy quỉ ''đỏ''đến từ phương Bắc.
Cô ơi !
Bao giờ con gập mặt Cô lần nữa,
Thuở ấy thanh bình chắc nở hoa
Đã hết sắc mùa chinh chiến cũ,
Còn có bao giờ Cô nhớ ta.
(bắt chước Thơ Quang Dũng )
Khoảng năm 91-92, Cô và toàn gia đình đến được Hoa Kỳ. Tôi bắt liên lạc với Cô ít lâu sau. Cô và các em, con của Cô đã sang Montréal, Canada để thăm lại một số bạn bè của Cô và nhất là gập lại Kim Chi và tôi, đứa học trò bé bỏng của Cô những ngày nào. Tôi đã không cầm được nước mắt khi nghe Cô kể lại những nỗi gian nan mà Cô và gia đình của Cô đã phải chịu đựng khi Cộng Sản Bắc Việt chiếm trọn Miền Nam:
Nhà cửa, hãng xưởng, xe cộ của Cô đều bị bọn ''Cách Mạng '' tịch thâu trong các đợt đánh tư sản do Ông Đỗ Mười chỉ huy.
Trong một sớm một chiều, Thầy Cô bị trắng tay để trở thành dân vô sản theo đúng nghĩa của 2 chữ này.
Người bạn đời của Cô, Thầy Tô Văn Quí, bị Nhà nước Xã Hội Chủ Nghĩa cầm tù vì đã dám lên tiếng phản đối lệnh ''cướp ngày '' này
của các đồng chí. Rồi đến một ngày thế giới của Cô như xụp đổ khi Cô được các ''đồng chí '' gọi Cô vào nhà tù để nhận xác chông.
Còn lại một mình Cô và bầy con nhỏ dại, Cô đã bươn chải với một quầy nhỏ bán cơm tấm tại chợ Bà Chiểu trong nhiều năm để kiếm
tiền nuôi gia đình. Cô là một nhà giáo kỳ cựu đã hồi hưu từ nhiều năm, nay phải trở lại đi làm để lo cho gia đình cô. Cách Mạng của
các ''đồng chí '' quả là một sự đổi đời tàn bạo, đưa người dân Miền Nam đi dần dần xuống địa ngục.
Cô ở Bắc Cali với các con, cháu quây quần bên Cô. Các con của Cô đều thanh công trong nghề nghiệp, đóng góp tích cực cho xã hội làm Cô rất hài lòng và hãnh diện. Các học trò cũ của Cô ở Bắc Cali hay tổ chức gập mặt, hội ngô. Họ luôn luôn mời Cô đến tham dự. Khi sức khỏe của Cô không còn như xưa, sự hiện diện của Cô trong các buổi họp mặt này không còn được thường xuyên như trước. Sức khoẻ của Cô giảm dần, mắt Cô bị mờ vì chứng thoái hóa ở võng mạnh nên Cô không còn khả năng đi đứng như xưa.
Đầu tháng 11 năm 2018, Dược Sĩ Ngô Bỉnh Hàm, một học trò cũ của Cô ở trường Tiểu Học Đỗ Hữu Phương, từ Việt Nam sang Mỹ để để thăm gia đình. Hàm có điện thoại hỏi thăm Cô. Hàm cho tôi biết Cô rất yếu, bắt đầu lẫn lộn, trí nhớ không còn như xưa.
Quả nhiên ngày 10 tháng 11 năm 2018, tôi nhận được Email của Bích Hà- con gái lớn của Cô- báo tin Cô đã từ giã mọi người để đi vào một miền viên miễn.
Thưa Cô,
Mắt con đã lòa vì đầy nước mắt khi hay tin Cô đã từ giã tất cả, từ giã lũ học trò cũ của Cô để đi vào thế giới bên kia
Chúng con không bao giờ quên được Cô, quên được những ngày đi học dưới sự chỉ dậy, dìu dắt của Cô. Cô mãi mãi là
Cô Giáo tuyệt vời, một bà tiên dịu hiền của con.
Nguyễn Lương Tuyền ( Montréal, CANADA )