Ngày 23 tháng 11, 12 trưởng ban, ngành của báo Thanh Niên đã đồng thời bị thay thế vì lý do không có "đảng tịch". Họ là những người làm báo đã lâu năm, cứng tay nghề , và có nhiều kinh nghiệm trong việc điều hành tờ báo. Một điều chua chát, là những người thay thế họ, đều là những đàn em, trẻ tuổi hơn họ, non tay nghề hơn họ, nhưng được cái là có nhãn hiệu "đảng viên". Như vậy, vào đảng có lợi thế trên con đường thăng quan tiến chức. Đảng đã thực hành đúng chủ trương "hồng trên chuyên".
Có vẻ như Ông Tổng Bí Thư kiêm Chủ Tịch nhà nước Nguyễn Phú Trọng, (mà nhiều người gọi tắt là CHỦ BÍ) muốn vực dậy cái uy tín, và những đặc quyền đặc lợi của người đảng viên như năm xưa, khi mà mọi người đều khao khát, và hãnh diện được kết nạp vào đảng.
Cái thời vàng son của đảng, là thời kỳ toàn trị của 50 năm về trước, khi người dân miền Bắc được đặt "sau bức màn tre". Mọi tin tức trên thế giới đều bị bưng bít. Nhà nước giữ độc quyền thông tin, bằng những cái loa đặt ở đầu đường, phát thanh vào lúc 5 giờ sáng, thông báo những tin tức mà nhà nước cho rằng "cần và đủ" cho người dân được biết. Khi đó, các trẻ em chỉ được dạy các bài ca: "ai yêu bác Hồ chí Minh hơn các em nhi đồng", hoặc "như có bác Hồ trong ngày vui đại thắng", nhân dân được nhắc nhở : "đảng đã cho ta sáng mắt, sáng lòng", "đảng đã cho ta mùa xuân", và mỗi khi ra phường khóm,mọi người đều khúm núm mở lời bằng: "nhờ ơn bác và đảng ....".
Đằng sau bức màn tre ngột ngạt vì hệ thống tem, phiếu thực phẩm, nhà nước đã kích hoạt "tinh thần dân tộc" của lớp người trẻ, thúc đẩy họ dấn thân vượt Trường Sơn để giải phóng cho đồng bào ruột thịt miền Nam. Các thành phần lao động được nhà nước cho "thi đua" để tăng năng xuất, "làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm", làm việc gấp hai, gấp ba, để phục vụ cho chiến trường miền Nam. Trong thời kỳ bao cấp, trí tuệ của người dân ...mù mịt vì ...chạy ăn, và lú lẫn vì những tuyên truyền một chiều, dối trá. Họ trở nên dễ sai bảo, và dễ bị lợi dụng, sẵn sàng quên thân mình, làm viên đá lót đường cho chủ nghĩa chuyên chính vô sản. Nhà văn Dương Thu Hương đã thú nhận trong cuộc phỏng vấn với nhà báo Đinh Quang Anh Thái: " Vào thời ấy, tôi cùng với hơn 100 người bạn ngang lứa tuổi, đã cắt máu, cùng tình nguyện vào Nam, đánh Mỹ cứu nước". Nghệ sĩ ưu tú Kim Chi, đã tâm sự trong một cuộc phỏng vấn với đài BBC: "ngày đó, tôi say mê, đặt niềm tin vô bờ vào đảng, nói đúng ra là "cuồng đảng", nên năm 21 tuổi, đã làm đơn tình nguyện xin ra phục vụ tại chiến trường...." Cũng vào thời ấy, tại Đồng Tháp, có bà mẹ liệt sĩ Trần thị Việt, đã bít kín cả tấm vách tường bằng những giấy tuyên dương "mẹ liệt sĩ", vì bà có 7 người con trai và 1 người con rể đi bộ đội đã hy sinh tại chiến trường. Thế mới biết sức mạnh của tuyên truyền, dù là tuyên truyền dối trá.
Nếu không có ngày 30 tháng 4 năm 75, thì người dân miền Bắc vẫn còn được sống sau bức màn tre, nghe tin tức qua loa phóng thanh, và đảng vẫn còn là một hình tượng cao quý, đáng tôn sùng và hãnh diện!
Ngày 30 tháng 4 tới, đem đến biết bao nhiêu hệ lụy cho cả 2 bên: thắng và thua cuộc. Trong khi đảng và nhà nước mừng rỡ, reo hò vì đã đánh thắng được hai đế quốc lớn là Pháp và Mỹ, thì họ đâu có biết rằng, ngay lúc đó, cái nền móng của đảng đã bắt đầu bị rạn nứt, và lung lay. Một sự thật...trần truồng đã được phô bày dưới con mắt của hàng chục ngàn bộ đội và cán bộ, những người đã vượt Trường Sơn để giải phóng cho đồng bào miền Nam. Họ đã được mắt thấy, tai nghe những công trình tiến bộ và văn minh ở miền Nam, đã chứng kiến đời sống tự do và no đủ của người dân miền Nam. Nhà văn Dương Thu Hương kể rằng: "Ngày 30 tháng 4 năm 75, là một ngã rẽ trong đời tôi. Khi tất cả mọi người trong toán quân chúng tôi đều hớn hở nói cười, thì tôi ngồi bên lề đường khóc. Tôi tiếc cho tuổi xuân của tôi đã hy sinh một cách uổng phí, và chua chát thay, khi thấy nền văn minh đã thua một chế dộ man rợ...."Nữ nghệ sĩ Kim Chi cũng nói: "khi đoàn quân giải phóng vào tới miền Nam, thì mọi người đều ngơ ngác, bàng hoàng, và ngộ ra rằng, những điều đảng và nhà nước đã nhồi nhét vào đầu óc chúng tôi bao nhiêu năm nay, toàn là những tuyên truyền xảo quyệt và dối trá..."
Ngày 30 tháng 4 năm 75, đã đánh động vào tâm tư của nhiều người bên thắng cuộc. Những người có lòng với đất nước, đã bắt đầu trăn trở, băn khoăn, và so sánh. Niềm tin vào đảng, ngày một bị sói mòn. Điển hình là Trung Tướng Trần Độ, người có 58 năm tuổi đảng, đã viết một lá thư cho Bộ Chính Trị, nội dung : "đất nước đã hòa bình, mà dân thì vẫn nghèo. Các quan cai tri thì không thiếu thứ gì, họ có đủ ô tô, phòng khách, máy lạnh, biệt thự...Xin hỏi đảng bây giờ là của ai? Đảng đang làm gì? Đảng làm lợi, hay làm hại nhân dân?". Với những lá thư nặng trĩu những băn khoăn, Trung Tướng Trần Độ đã bị khai trừ khỏi đảng ngày 4 tháng Giêng năm 1999. Đại tá Phạm Quế Dương vì bất mãn với quyết định bất công này, đã đem trả thẻ đảng và trả lại luôn cả huân chương Hồ Chí Minh.
Trong thời gian 40 năm, trước những biến cố của đất nước. Đảng ngày càng tỏ ra bất lực, nhu nhược trước những lấn lướt của Trung Quốc. Trong nước, tệ nạn tham nhũng, thối nát trở thành nan giải Tổng Bí Thư đã phải lên tiếng, lo ngại cho hiện tượng "Tự chuyển hóa, tự diễn biến" xảy ra trong nội bộ đảng.
Quyết định khai trừ Giáo Sư Chu Hảo ngày 25 tháng 11, đưa đến hậu quả là gần 20 trí thức, nhân sĩ tuyên bố "bỏ đảng". Đảng kết tội GS Chu Hảo là "tự diễn biến, tự chuyển hóa", nhưng có lẽ tội nặng nhất của ông, là đã cho phép lưu hành và xử dụng internet tại Việt Nam, khi ông làm Thứ Trưởng Bộ Khoa Học và Công Nghệ (1996-2005). Từ đó, người dân VN, được mở rộng tầm mắt, họ đã được biết tới các nền chính trị đa nguyên, đa đảng, tam quyền phân lập trên thế giới. Họ đã hiểu biết về nhân quyền, chứng kiến các cuộc biểu tình, các cuộc hội họp, phát biểu ý kiến tự do, không bị đàn áp hay tù đày. Theo thống kê, thì hiện nay tại Việt Nam, có khoảng 60 triệu người biết xử dụng internet. Theo với thời gian, sự hiểu biết càng tăng cao, thì tinh thần chống đối chính quyền càng mạnh mẽ, điển hình là các cuộc biểu tình tự phát, các bài phê phán chính quyền gay gắt trên mạng điện tử, các bloggers bất đồng chính kiến, và các diễn đàn dân sự được thành lập.....
Theo sự nhận xét của một nhà báo, hiện nay có khoảng 40% các đảng viên thoái đảng. Họ lặng lẽ không tham dự sinh hoạt chi bộ, và không đóng tiền niên liễm. Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đã phải lo ngại về hiện tượng "nhạt đảng, khô đoàn, xa rời chính trị" của các đảng viên. Ngày 2 tháng 12, đảng đã có quyết định kết nạp rộng rãi các trưởng phường khóm và xã ấp vào đảng, có lẽ là để thay thế cho các đảng viên đã lặng lẽ ...rút dù..
Là một người loay hoay suốt đời với tấm bằng tốt nghiệp về "xây dựng đảng", cuộc đời của ông CHỦ-BÍ Nguyễn Phú Trọng gắn liền với sự hiện diện của đảng. Nếu đảng không còn, thì cuộc đời ông sẽ đi về đâu? Nhưng cho dù ông hết lòng củng cố, gia tăng số lượng đảng viên, nhưng phẩm chất của đảng đã không còn, thì đảng viên cũng chỉ là những phường giá áo túi cơm mà thôi.
Giao Tiên
12/18