Ngày 19 tháng 12/2018, tổng thống Donald Trump tuyên bố trên tweet rằng Mỹ đã đánh bại lực lượng Hồi giáo ISIS và không cần phải ở lại Syria nữa, Ông nói “Chúng ta đã chiến đấu khá lâu ở Syria”. Tôi đã làm tổng thống gần hai năm và đã nâng cao cuộc chiến lên.Và chúng ta đã thắng ISIS. Chúng ta đã đánh bại ISIS, Và đánh bại chúng nặng nề. Chúng ta đã lấy lại lãnh thổ bị mất và bây giờ là lúc cho quân đội chúng ta trở về nhà”.
Phát ngôn viên Bạch cung Sarah Huckabee Sanders sau đó xác định Mỹ đã bắt đầu rút quân và nhấn mạnh rằng lãnh thổ nhà nước Hồi giáo đã bị mất và Mỹ cùng các đồng minh vẫn sẵn sàng tái can thiệp ở mọi hoàn cảnh để bảo vệ quyền lợi của Mỹ khi cần thiết, và sẽ tiếp tục làm việc cùng nhau để ngăn không cho những tên khủng bố Hồi giáo cực đoan chiếm lãnh thổ, có nguồn tài trợ, hỗ trợ và xậm nhập biên giới chúng ta bất cứ cách nào”. Tưởng cũng nhắc ở đây rằng đã có tin Mỹ đang nghiên cứu lui quân khỏi Afghanistan, là cuộc chiến đã kéo dài trên 17 năm tốn trên 900 tỉ đô la. Riêng cá nhân ông Trump thì từ lúc tranh cử tổng thống, đã nói chủ trương của ông là rút ra khỏi hai nước này vì là hai cuộc chiến đã thua.
Người ta biết rằng Mỹ tổng cộng có chừng 2000 người ở Syria, mà nhiệm vụ chính là huấn luyện và phối hợp hoạt động với Lực lượng Dân chủ Syria (Syrian Democratic Forces) do người Kurd lãnh đạo để đánh ISIS. Trên nguyên tắc, ở cương vị như vậy, quân Mỹ không đóng một vai trò chiến đấu thiết yếu, và rút lực lượng này đi, không làm cho tình hình quân sự tại chỗ đáng sợ, tuy rằng không tránh khỏi sự mất tinh thần của những lực lượng quen được Mỹ hỗ trợ. Tuy nhiên, quyết định của ông Trump đã tạo nên vô số những phản ứng chống đối của chính giới và truyền thông. Người ta đọc thấy trên truyền thông Mỹ những tựa đề như “Giận dữ, bối rối đón quyết định đột ngột của ông Trump về Syria”. Trừ có một thượng nghị sĩ Cộng hòa Rand Paul là người từ lâu vốn có lập trường chống mọi can thiệp Mỹ ở Trung Đông nói riêng và thế giới nói chung. Ông Paul nói “Tôi sung sướng thấy có một tổng thống có thể tuyên bố chiến thắng và rút quân đội và khỏi một cuộc chiến”. Một cách tổng quát thì các thượng nghị sĩ nói chung là bực bội vì không hề được tham khảo ý kiến trước. Phản ứng này phần lớn chỉ là lý do cảm quan và chính trị, Thí dụ như thượng nghị sĩ Marco Rubio chỉ khơi khơi nói “Đó là một quyết định kinh khủng. Tôi mong nó sẽ được đảo ngược toàn phần hay một phần, nếu không thì sẽ phải trả giá cao về lâu về dài”. Hay là thượng nghị sĩ Lindsay Graham thì khẳng định “tôi không biết chuyện gì đã xẩy ra, nhưng đó là một sự rối loạn hoàn toàn”. Người ta biết Graham là một người thời cơ chủ nghĩa. Khi thượng nghị sĩ John McCain còn sống, Graham đã theo McCain như cặp bài trùng chống Trump. Sau khi McCain chết, Graham mất sự cứng rắn chống Trump, và mới đây đôi khi có vẻ ủng hộ Trump tương tự như nhiều nhà chính trị cộng hòa cơ chế khác. Do đó người biết chuyện thấy lời Graham chẳng có bao nhiêu cân lạng.
Sự chống đối quyết định Syria nặng ký nhất là của bộ trưởng quốc phòng Jim Mattis. Mattis là một tướng Thủy quân lục chiến 4 sao, đã được truyền thông nhất tề ca tụng. Mattis đã từ chức một ngày sau khi Trump quyết định rút khỏi Syria. Hay nói cho đúng là ông Trump đã cách chức tướng Mattis bởi trong thư từ chức ông Mattis nói là sẽ ở lại tới cuối tháng 2/2019 để sự chuyển đổi êm gọn. Trong thư từ chức, Mattis đã trình bầy rất rõ ràng quan điểm của mình về vấn đề chính sách và vai trò của Mỹ trên thế giới và không dấu diếm sự bất đồng ý kiến với Trump. Ông viết thẳng ra là tổng thống có quyền có một bộ trưởng quốc phòng đồng tình với những quan điểm của mình cho nên từ chức. Truyền thông đã nhân đó chỉ trích quyết định của Trump mạnh mẽ, Phát ngôn viên Bạch cung Sarah Huckabee Sanders đã phải biện hộ cho Trump bằng một tuyên bố ngắn gọn rằng dân Mỹ đã bầu ra một tổng tư lệnh quân đội là Trump. Tuy không cãi được luận cứ này, nhưng truyền thông cũng như giới chính trị không yên lặng. Nhận định của Mattis sau cuộc tiếp xúc đầu tiên với Trump rằng Trump có đầu óc của một đứa trẻ 5-6 tuổi lại được nhắc lại. Những phê bình chỉ trích tiếp tục mà tóm tắt bằng một câu, là sự ra đi của Mattis làm cho Trump và Mỹ càng trở nên bị cô lập hơn bao giờ hết.
Về phía Do Thái thì truyền thông và chính giới chỉ trích rằng sự rút khỏi Syria là “một đầu hàng”, một dấu hiệu khuyến khích Nga bạo tợn hơn, cho Iran hung hăng lấn tới ở Syria nói riêng và Trung Đông nói chung, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho Iran cung cấp võ khí cho lực lượng Hezbollah chống Do Thái ở Lebanon.
Bỏ qua sang bên những phát biểu cảm tính của Trump, nếu bình tĩnh nhìn vào bản chất quyết định của Trump thì có lẽ phải nói rằng Trump chỉ đã làm những điều mà ông ta chủ trương, mỗi khi có dịp, theo cái kiểu riêng mà ông ta quen thuộc, được tới đâu hay tới đó rồi tính tiếp. Trở lại với quyết định rút lui Syria. Trong cái tâm trạng hàng ngày bị vây bọc bởi các tin tức thất lợi đủ loại, ông cần có cả biểu kiến lẫn thực tế, những “tin khác” và ngay cả “tin giả” hay “tin một phần thực” để phản công, và khoe thành tích. Đánh bại ISIS là tin thuộc loại này. Thực thế, thủ lãnh lực lượng Hồi giáo Al Bagdhdadi đã từ lâu không xuất hiện, lãnh thổ ISIS đã không còn là bao nhiêu, tính ra chỉ chừng 10%, các hoạt động cũng giảm nhiều, vì như ta đã biết ISIS không phải là chỉ có một nhóm mà là nhiều nhóm do các thế lực khác nhau hỗ trợ mà mục đích chung là nhắm vào tổng thống Syria Assad. Các nhóm này đã tiêu vong dần từ đầu tháng 10/2015 khi Nga can thiệp vào Syria theo yêu cầu chính thức của Assad. Thứ hai, như đã nói, 2000 quân Mỹ ở Syria nhiệm vụ chính thức là huấn luyện quân chống nhóm SDF, nhưng chuyện này có tiếp tục cũng không thể lật ngược thế cờ, lật đổ Assad, chưa kể rằng Thổ nhĩ Kỳ đã nhất quyết loại bỏ SDF bằng quân sự cho nên kéo dài can thiệp Mỹ tốn kém mà vô ích. Thứ ba, từ khi Nga đưa hệ thống phòng không S300 vào Syria đầu tháng 10/2018 để gọi là bảo vệ cơ sở quân sự Nga tại đây sau khi phản lực cơ Do Thái nhử cho hỏa tiễn S200 của Syria bắn hạ một máy bay thám thính Nga IL 20 chở 15 nhân viên Nga trên đường hạ cánh xuống căn cứ Nga Hmeimim thì Do Thái đã không còn thể tự tung tự tác trên không phận Syria nữa. Nói khác đi chế độ Assad được củng cố một cách vững chãi trừ trường hợp Mỹ xông vào trực tiếp tấn công theo yêu cầu Do Thái. Thứ tư, trên thực tế chiến trường Syria hiện nay chỉ có ba lực lượng Nga, Iran và Thổ nhĩ Kỳ là chủ động trong diễn tiến giải quyết chiến tranh Syria. Cho nên ông Trump rút lui ra khỏi Syria chẳng phải vì bốc đồng như truyền thông đã nói. Và người theo rõi tình hình còn nhớ ông mới nói cách đây vài tháng rằng Mỹ sẽ rút ra khỏi Syria vì không còn lý do ở lại, dầu hỏa đã xuống giá. Nếu Mỹ mà có ở lại thì chỉ là vì Do Thái.
Nghe thế nhiều người không tránh khỏi bật ra câu hỏi ”phải chăng rút khỏi Syria là ông Trump bỏ lời khẳng định của chính ông rằng mối quan hệ Mỹ Do Thái là thân gần gắn bó hơn bao giờ hết từ trước đến nay”? Thân gần đến mức độ mà bài diễn văn của ông và của thủ tướng Do Thái Netanyahu tại đại hội đồng Liên hiệp quốc mới đây là như viết bởi cùng một người. Và cụ thể nhất là ông Trump đã công nhận Jerusalem là của Do Thái và nhanh chóng chuyển tòa đại sứ Mỹ từ Tel Aviv đến Jerusalem cho kịp ngày kỷ niệm 70 năm thành lập nhà nước Do Thái. Không hề có chuyện ông Trump bỏ Do Thái đó. Bởi vì sức mạnh nền tảng để ông Trump trụ vững từ khi thắng cử tới nay là sự ủng hộ của thế lực vận động chính trị Do Thái ở Mỹ không có ai bì. Chuyện rút Syria chỉ là điều không thể không làm, nhưng ông Trump đã có cách chữa khi cần. Nhiều người chưa thấy, nhưng ông Trump sẽ làm là công nhận cao nguyên Golan Heights mà Do Thái chiếm của Syria là lãnh thổ Do Thái. Điều này người ta đọc thấy giữa đám các chỉ trích nặng nề về quyết định Syria của ông Trump trên báo Do Thái Jerusalem Post trong đó có cả lời cho rằng đó là một cuộc đầu hàng Nga, Iran, Assad, ISIS. Đó là khẳng định rất nhẹ nhàng của Moshe Ya’alon nguyên tham mưu trưởng quân lực Do Thái và nguyên bộ trưởng quốc phòng Do Thái. Rằng Do Thái có đủ sức đối phó với các bất lợi do cuộc rút lui gây ra, nhưng chỉ cần Mỹ công nhận chủ quyền Do Thái trên cao nguyên Golan Heights, không phải là để bù trừ (các thất lợi) mà là để khẳng định rằng Mỹ tiếp tục ủng hộ Do Thái.
Bao giờ ông Trump thực hiện việc này? Chỉ có một mình ông Trump biết. Làm đúng lúc thì có nhiệm kỳ hai. Làm sai lúc thì chỉ có một nhiệm kỳ tổng thống.
Bác sĩ Trần Xuân Ninh
(ngày 24 tháng 12/2018)