LGT: Câu chuyện kể sau đây là câu chuyện về một người bạn đã hy sinh trong lúc mở đường về vào cuối năm 1983, ngay trong giai đoạn đầu của cuộc chiến đấu giành lại tổ quốc. Bằng lối kể chuyện tự nhiên, tác giả đã ghi lại những kỷ niệm rất thật mà tác giả đã chứng kiến hoặc đã nghe được. Câu chuyện về một người bạn theo như tác giả là câu chuyện về một thế hệ, về một quãng đời thanh xuân đáng sống nhất của chính người viết. Viết về những kỷ niệm đã mấy chục năm mà vẫn như mới ngày hôm qua, vẫn còn đâu đó khí thế ngợp trời của những con người đã đứng lên tháo dỡ vòng khăn tang để đi vào hành động. Bạn đã hy sinh, nhưng ước mơ của bạn và dân tộc cho quê hương vẫn còn đó như câu thơ được viết lên bởi nhà thơ Nguyễn Chí Thiện:
Sẽ có một ngày,
con người hôm nay,
vất súng vất cùm
vất cờ vất đảng
Nhân ngày kỷ niệm 26/12 sắp tới, ngày ANH được Mặt Trận Tuyên Dương vinh danh là Anh Hùng Đông Tiến, xin kính mời quí vị và các bạn cùng theo dõi tâm sự của tác giả qua bài viết:
Viết Về Anh – Người Anh hùng Đông Tiến: Phùng Tấn Hiệp
Một ngày đáng nhớ
Buổi chiều ngày 2 tháng 9 năm 1978, khu vực gần nhà ga Yoyogi không giống như mọi ngày, có một đoàn người xếp hàng một, đầu chít khăn tang, họ bắt đầu di chuyển từ nhà ga Yoyogi, băng qua con dốc thoai thoải tiến vào sứ quán việt cộng. Người Nhật đi bộ đã ngừng lại vì đoàn người đó. Họ ngừng lại để nhìn cho rõ và chợt nhận ra: đoàn biểu tình của người tị nạn Việt Nam đây mà, cũng nơi đây vài tuần trước, vài tháng trước cả khu phố đã vang dội vì tiếng hét to đòi tự do dân chủ, nhưng hôm nay thì những người này chỉ lặng yên âm thầm bước tới.
ANH đi đầu, rồi Ngô Chí Dũng, theo sau là Lê Thiệp và những người Việt thầm lặng của nhóm Fujisawa (Sun Swallow) và nhóm Kamakura. Từng bước một, đoàn người tiến đến dàn hàng ngang trước cửa sứ quán. Bên trong thì ồn ào vì bọn họ đang mừng cái ngày gọi là “độc lập”, bên ngoài thì im lặng ngoại trừ tiếng điện đàm từ máy liên lạc của cảnh sát, chỉ có một giọng nói duy nhất từ đoàn người rõ ràng từng tiếng một rót vào bên trong: Ngày 2 tháng 9 chỉ là ngày độc lập với nhân quyền, độc lập với tự do. Trong đoàn người thầm lặng đầu chít khăn tang tay trương biểu ngữ đó có Anh đang đứng thẳng.
Có những địa danh
Kamakura thuộc tỉnh Kanagawa, cách Tokyo khoảng 50km về hướng nam-tây nam, từng là cố đô của Nhật Bản. Ở đó có tượng Phật khổng lồ bằng đồng Kamakura Daibutsu (鎌倉大仏) cao 13,35 mét, nặng 121 tấn, nằm trong ngôi chùa Kodokuin, được xây dựng năm 1252. Trên đường đến tượng Phật sẽ đi qua một khu phố bán quà kỷ niệm rất sầm uất mà ở giữa là đường đi bộ với hai hàng cây Anh Đào, đi thêm một quãng thì tới đền Tsuruoka Hachiman (鶴岡八幡宮) là ngôi đền lớn nhất tại khu này. Vào các dịp lễ, đã có đến hàng triệu người đến đây thăm viếng. Mỗi lần có dịp, tôi hay ghé qua và lúc nào cũng có cảm nhận giống nhau: dù tấp nập, không khí xung quanh vẫn hiền hòa, êm ả, nhưng với tôi nó lại là cái êm ả dị kỳ, nó không làm tôi rung động, nó như ở ngoài và không liên quan gì đến tôi. Ngược lại, nó lại dẫn tôi đến một suy nghĩ khác: tôi nhớ đến Anh.
Nơi Anh tạm dung là một trại tị nạn của cơ quan Công Giáo Caritas cũng ở khu này, từ nhà ga muốn đến trại phải đi qua một chiếc cầu mà phía dưới có con suối nhỏ. Mỗi lần vào trại, lúc ra về, Anh thường tiễn tôi ra ga, đến cái cầu thì tụi tôi dừng lại lặng im nhìn ngắm những con cá vàng đang tung tăng bơi lội, rồi Anh thường khắc khoải nhắc nhớ đến một địa danh mà trước đây Anh đã phải đau lòng đào thoát.
Đồng Bò.
Vào năm 1978, trong một chuyến ghe được cứu và đưa đến Nhật, nếu không nói ít ai nghĩ đến là trên chuyến ghe đó hiện diện 2 nhân vật vừa thoát khỏi một cuộc truy lùng gắt gao. Qua những lần tiếp xúc, tôi biết được là tại Đồng Bò Nha Trang vào tháng 4/78, có một trận đánh bất cân xứng giữa một trung đoàn cộng quân với một tiểu đoàn của lực lượng phục quốc, tiểu đoàn hầu như tan rã. 1 trong 2 nhân vật đó là Anh.
Tên anh là Phùng Tấn Hiệp
Theo lời kể và qua những tư liệu tôi ghi nhận thì chỉ 3 tháng sau ngày miền Nam rơi vào tay giặc, lúc đó anh mới 22 tuổi, dù có một vợ và một con, nhưng anh đã bắt đầu tham gia vào một tổ chức phục quốc mà căn cứ chính đặt tại Đồng Bò. Năm 76, anh được tổ chức giao trách nhiệm là tiểu đoàn phó TĐ 818 và bí mật lập căn cứ tại Gò Cà, quận Diên Khánh và mở các hoạt động trải dài theo quốc lộ 1 từ Cam Ranh lên đến tận Tuy Hòa.
Tháng 4/1977 anh vào Tây Ninh móc nối với lực lượng kháng chiến thuộc giáo phái Cao Đài và tháng 7 anh trở lại Phú Khánh để chuẩn bị công tác tấn công đài phát thanh và phi trường Nha Trang, nhưng chẳng may bị lộ, cho đến tháng 3/78 thì anh bị bắt tại Diên Thủy, hai ngày sau anh vượt ngục và trở lại Gò Cà tiếp tục xây dựng lực lượng. Trước sự lớn mạnh của lực lượng, việt cộng đã phải dùng đến cấp trung đoàn tấn công mật khu Đồng Bò. Sau một trận chiến bất cân xứng về quân số, tiểu đoàn anh hầu như tan rã. Anh nói: tụi nó dí tôi quá, nên tôi và thằng Hải phải tìm cách thoát ra bên ngoài để tìm sự yểm trợ.
Vượt Thoát
2 anh đã có mặt trên chiếc ghe do một người nguyên là thuyền trưởng cầm lái, bắt đầu cho một cuộc vượt thoát có mục đích thật rõ ràng: chuẩn bị cho một chuyến trở về. Đến Nhật, các anh đã mau chóng tiếp xúc với tổ chức Người Việt Tự Do để nói về tình hình quốc nội, các anh cho biết là khá tuyệt vọng và tình nguyện là những người tiên phong dẫn đường nếu mở được lối về.
Đài phát thanh trên biển
Trong suốt thời gian tạm trú tại Nhật từ 78 đến 81, các anh đã đi đây đi đó để kết nạp thêm những người đồng chí hướng. Nhóm Quyết Thắng đã ra đời và có mặt trên khắp các chiến trường “đánh nhau” với Cộng con tại Nhật Bản.
Khoảng năm 79 hay 80, mọi người đều nghĩ đến một đài phát thanh hướng về Việt Nam được đặt trên chiếc tàu đánh cá ngoài khơi biển Nam Hải. Với sự giúp đỡ của một số những người Nhật yêu tự do, trong đó có giáo sư Tonooka, một chiếc tàu đánh cá nhỏ với thiết bị tương đối tạm đầy đủ đã được chuẩn bị. Tuy nhiên, sau nhiều tính toán về các mặt tiếp vận, tài lực…. công tác nguy hiểm này đã phải gác lại vì có quá nhiều rủi ro, chúng ta kêu gọi đồng bào đứng lên, rồi sau đó chúng ta làm gì để thực hiện lời kêu gọi đó? Vì đây đơn thuần chỉ là một đài phát thanh chứ không phải là một tiếng nói của lực lượng hay mặt trận có tầm vóc. Thời đó, dự định có mặt vào công tác này còn có cả nhà báo Lê Thiệp và hải quân thiếu tá Trần Trọng Ngà, thủ khoa khóa 12 đệ nhất Song Ngư của Hải Quân VNCH.
Về rừng
Năm 1981, khi trong ngoài đã nối kết, toán tiên phong từ Nhật gồm anh và một số anh em đã đặt chân đến Đông Dương, hợp cùng với các anh em quốc nội, các nơi khác trên toàn thế giới xây dựng chiến khu, mở đầu cho một trận thư hùng mới. Nghe một anh em kể lại khi vừa tới nơi, sau vài ngày băng rừng vượt suối, đến vùng đất mà c/h Hoàng Cơ Minh luôn nhấn mạnh: “đây là đất của chúng ta” anh tung tăng như con chim sổ lồng và la lớn: “Hổ đã về rừng”.
Về “rừng”, do những kinh nghiệm sẵn có anh được Mặt Trận giao phó trách vụ đoàn trưởng đoàn võ trang Hồng Hà, với những nhiệm vụ thật nặng nề: hướng dẫn và bảo vệ cho các đoàn võ trang mở đường xâm nhập cũng như bảo vệ an ninh cho các yếu nhân Mặt Trận trong mọi công tác di chuyển.
Hy sinh
Hàng trăm khó khăn được vượt qua cùng với những trận đánh nghẹt thở, cuối cùng Mặt Trận hoàn tất mỹ mãn chiến dịch Đông Tiến vào gần cuối năm 1983, nhưng cũng ngay giờ phút vinh quang này anh đã hy sinh tại chiến trường E7 khi đụng độ với một toán việt cộng đang trên đường ra Bắc.
Ngày 17 tháng 12 năm 1983 Mặt Trận công bố tin tức anh đã hy sinh.
Ngày 26 tháng 12 cùng năm anh được Mặt Trận tuyên dương là anh hùng Đông Tiến với thành tích:
· Là một trong những chiến hữu có công đầu trong chiến dịch Đông Tiến
· Anh dũng hy sinh tại chiến trường E7 vào giai đoạn cuối chiến dịch Đông Tiến
Người Việt các nơi, đặc biệt tại Nhật bàng hoàng trước tin anh gục ngã. Mặt Trận mất đi một Kháng Chiến Quân ưu tú, Tổ quốc Việt Nam mất đi một người con yêu quí phải ra đi ngay trong giai đoạn đầu của cuộc chiến.
Một người không có tên…. trong danh sách
Ngày 4/3/1984, lễ truy điệu cho anh được tổ chức thật trọng thể tại Tokyo qui tụ hầu hết những người Việt trong vùng. Đây có thể nói là một trong những sinh hoạt khá đặc biệt thời ấy, cơ quan trách nhiệm định cư Nhật Bản đã ngạc nhiên và ngả mũ chào vì: nhóm người lưu vong này đang vận động cho một cuộc trở về bằng những cuộc mít tinh, biểu tình, bằng cách đóng góp tài chánh cho Kháng Chiến. Khi cần phải “chào đón” một VIP nào đó từ “quê nhà” thì hầu như các hãng xưởng đều thiếu vắng người Việt với nhiều lý do giả mà như thật: bị cảm, bị sốt, phải lên tòa hành chánh làm giấy tờ v.v....
Họ thắc mắc: nhìn bức hình của anh được trang trọng treo trong ngày truy điệu thì biết mặt nhưng trong danh sách thuyền nhân định cư tại Nhật thì lại không thấy tên Phùng Tấn Hiệp. Câu chuyện thế nào?
Như đã trình bày, trên chuyến ghe vượt thoát, có người cầm lái nguyên là thuyền trưởng tên P.Đ Trọng, vì đã có ý chuẩn bị cho ngày trở về nên Anh, anh Hải đã đổi họ và tên giữa của mình thành P.Đ Hiệp và P.Đình Hải. Cả 3 anh Trọng, Hiệp, Hải đã trở thành 3 anh em kết nghĩa.
Chiếc xe Kháng Chiến
Vào khoảng thời gian đó thì tôi đang làm việc cho một công ty có giám đốc (社長) là người Hồng Kông. Cạnh tranh không lại với các hãng khác, giữa năm 1981 thì phá sản, “tài nguyên vật liệu” của hãng như bàn-ghế, xe hơi đều được tụi tôi thu mua tất cả vì “trong đó” đang có nhu cầu, cái gì cũng cần vì cái gì cũng thiếu. Có chiếc xe du lịch 12 chỗ còn mới, chạy được 3 năm, chúng tôi “vớt” luôn. Ở Nhật thì một chiếc xe chạy 2 năm (xe mới thì 3 năm) phải đem đi cho sở giao thông kiểm tra lại (車検) và phải được chứng nhận là an toàn mới sử dụng tiếp được. Vì tính chuyện chuyển vào bên trong, nên không ai nghĩ đến chuyện phải làm lại 車検 cả. Nhưng hôm được lệnh nhập nội, vì có quá nhiều đồ đạc dùng cho một cuộc phiêu lưu mới, mọi người đành sử dụng chiếc xe “đã hết hạn” để đưa anh em lên đường. Đến cửa vào phi trường thì các anh đi trót lọt, còn chiếc xe bị chận lại, các anh phải xuống và khệ nệ khuân đống hành lý ngổn ngang đến nơi làm thủ tục. Nửa tháng sau, tôi và một anh bạn nữa lên tận phi trường để làm thủ tục nhận xe về. Sau khi nhận một số những “sỉ vả” và nộp phạt, chúng tôi nhận lại xe phóng lên xa lộ trở về nhà, nhưng nửa đường thì phải…. ngừng lại vì xăng không còn một giọt, báo hại tụi tôi phải chờ trên cao tốc cả tiếng đồng hồ để nhờ xe của sở giao thông… cấp cứu. 1 tháng sau đó thì chiếc xe cũng theo các anh về rừng và nghe nói chiếc xe kháng chiến này đã rày đây mai đó chuyên chở đồ tiếp vận cho đoàn quân Đông Tiến.
Bức hình luân chuyển
Khi được tin anh hy sinh, xứ bộ Mặt Trận tại Nhật hay ai đó (tôi quên rồi) đã cho phóng lớn tấm hình của anh và gửi đến các trại tị nạn trên toàn nước Nhật đề nghị làm lễ truy điệu. Tại trại Misono (Fujisawa), tấm hình của anh cũng được treo tại phòng hội chính của trại. Có một tối, mọi người thấy tấm hình biến mất, ai cũng thắc mắc và sau đó thì hiểu: có một số anh em thân thiết với anh đã “mượn” tạm tấm hình về nhà một tối để thắp cho anh một nén hương, rồi từ đó trở thành “thông lệ”, bức hình cứ được chuyền từ nhà này sang nhà khác mỗi khi có nhà nào đó muốn tâm sự với anh.
Đôi hàng tâm sự
Xin kể anh nghe câu chuyện của một người luôn có niềm tin nơi sự che chở của anh.
Tôi có một người bạn. Bạn tôi là một người không theo một tôn giáo nào. Bạn tôi tin Đức Mẹ, tin Phật, tin Trời, tin Ông bà, Cha mẹ và những anh hùng đã khuất. Trước khi ngủ, bạn tôi đọc lời khấn cầu tới tất cả các Đấng Trên, Ông Bà, Cha Mẹ, và những Anh Hùng Đông Tiến đã khuất, cầu xin sự hướng dẫn tinh thần để sống xứng đáng với giá trị con người. Sáng thức dậy, trước khi rời nhà bạn tôi chắp tay chào các niềm tin tinh thần của bạn.
Vào một dịp nào đó, bạn tôi được tặng một bức vẽ, tuy là bức vẽ nhưng theo bạn tôi thì “rất có thần” nhất là cặp mắt bao dung nhìn người đối diện. Bạn tôi chưng bức vẽ ngay phòng khách cạnh bức hình của người anh cả Mặt Trận. Từ khi có bức vẽ, trước khi ra khỏi nhà, và sau khi về nhà, sau khi vái chào ông bà bố mẹ, bạn tôi lại thêm thói quen đứng trước bức vẽ và chào ANH cùng các chiến hữu “Đông Tiến.” Không những chỉ có bạn mà ngay cả 2 con của bạn cũng được dặn dò: đi đâu gặp khó khăn hãy nhớ cầu nguyện xin bác phù hộ. Bức vẽ mà bạn tôi cho là “rất thần” đó, chính là bức vẽ chân dung ANH do bạn anh là nhà văn Võ Hoàng họa lại.
Bạn tôi tâm sự: anh là một anh hùng và là một người anh đáng kính.
--------------
Anh Hiệp ơi
Trên đó, chắc anh đã gặp anh Hoàng Cơ Minh, anh Ngô Chí Dũng, anh Võ Hoàng, anh Lê Thiệp và các anh khác rồi chứ? Còn dưới này thì đồng bào mình còn kiên cường lắm, sớm muộn gì thì cũng có cái ngày mà nhà thơ Nguyễn Chí Thiện đã nói là ngày mà dân tộc ta sẽ hồi sinh, chấm dứt những trăm cay ngàn đắng về kiếp tôi đòi, mọi rợ vì đại họa cộng sản.
Sẽ có một ngày con người hôm nay
Vất súng, vất cùm, vất cờ, vất Đảng
Đội lại khăn tang, đêm tàn
Quay ngang vòng nạng oan khiên
Về với miếu đường, mồ mả gia tiên
Mấy chục năm trời bức bách lãng quên
Bao hận thù độc địa dấy lên
Theo hương khói êm lan, tan về cao rộng
Tất cả bị lùa qua cơn ác mộng
Kẻ lọc lừa, kẻ bạo lực xô chân
Sống sót về đây an nhờ phúc phận
Trong buổi đoàn viên huynh đệ tương thân
Đứng bên nhau trên mất mát quây quần.
Kẻ bùi ngùi hối hận
Kẻ bồi hồi kính cẩn
Đặt vòng hoa tái ngộ lên mộ cha ông
Khai sáng kỷ nguyên tã trắng thắng cờ hồng!
Tiếng sáo mục đồng êm ả
Tình quê tha thiết ngân nga
Thay tiếng " Tiến quân ca"
Và Quốc tế ca
Là tiếng sáo diều trên trời xanh bao la!
(thơ Nguyễn Chí Thiện)
---------------------
Thôi tôi ngừng ở đây.
Nhớ phù hộ cho tôi, bạn tôi, đồng bào mình anh nhé.
Mến chào anh,
Vũ Đăng Khuê