Tôi qua định cư tại Montreal vào năm 1985, cuộc thi đốt pháo bông đầu tiên của Montreal cũng bắt đầu vào năm 1985. Tôikhông có ý nói là Montreal đã bắn pháo bông đón tiếp tôi, mà chỉ là một trùng hợp thú vị. Ít nhất sự trùng hợp này cũng làm gia đình tôi đắm mình vào những trái sáng đầy hình thù và màu sắc của những đêm hội. Ngay từ năm đầu đặt chân tới Montreal, chúng tôi đã chen vai thích cánh với cả rừng người nghểnh mặt lên trời coi những đốm màu vun vút bay lên cao. Cuộc thi đốt pháo bông diễn ra vào ngày thứ tư và thứ bảy mỗi tuần trong mùa hè. Sau bữa cơm chiều vội vàng, cả nhà leo lên xe buýt tới bên bờ sông Saint Laurent, khúc gần cầu Jacques Cartier, để thưởng thức cuộc vui bình dân nhưng rất hấp dẫn. Khi chúng tôi tới, người người đã đông nghẹt. Vị trí coi tốt nhất là leo lên cầu. Vừa mát vừa rõ ràng như coi xi nê hạng danh dự. Nhưng có bao giờ chúng tôi leo lên được đâu. Biển người đông nghẹt thiếu điều sập cầu! Có những người tới từ buổi trưa, khi mặt trời còn chói lọi, trải khăn làm một cuộc picnic nho nhỏ, chờ tới 10 giờ tối coi pháo bông. Có lẽ họ là những người đang vắt vẻo trên cầu. Vị trí coi rõ nhất là khán đài. Rõ mồn một. Nhưng muốn có một chỗ dưới ánh…pháo thì phải móc túi, một chuyện mà đám đông rất ngại ngùng. Chen vai thích cánh có cái vui của nó. Rất bình đẳng và rất bình dân. Trẻ con chạy nhảy, vung những dây ánh sáng xanh đỏ thành từng vòng màu sắc. Hoặc vòi vĩnh những cây kẹo bông gòn to xác nhưng thực chất chẳng có bao nhiêu chất ngọt. Người lớn chuyện trò rôm rả, quen hay không quen không thành vấn đề. Chưa quen rồi sẽ quen. Những con người bình dân thường xuề xòa hơn những bậc bỏ tiền ra ngồi trên khán đài. Đã có tới 5 triệu 700 ngàn người làm khán giả cho mùa thi pháo bông đầu tiên này. Qua mùa hè năm thứ hai, tôi đã sắm xe hơi, việc đi coi pháo bông đỡ vất vả hơn. Chỉ tội tìm chỗ đậu xe miễn phí đến mỏi mắt mới ra. Chuyện tôi mua xe hơi có nhiều điều vui vui đáng nói. Một ông bạn sang sau tôi vài tháng bỗng ngự xe hơi đi nhà thờ. Trông thật dễ giận. Mặt ông vênh lên cho biết cái giá của sự vênh mặt: năm ngàn đô. Với cái giá đó chỉ mua được xe cũ. Xe ông bạn tôi là xe second hand. Sau một năm kéo cày, số tiền năm ngàn đô đã có sẵn trong túi tôi. Bèn nổi máu ganh tị, tới hãng bán xe. Ông tây bán xe dụ tới dụ lui một hồi, tôi vớt ngay chiếc xe mới tinh. Cũng chỉ bỏ ra có năm ngàn mà được xe mới. Chuyện mỗi tháng móc bóp trả thêm là chuyện nhỏ, dân chơi mà! Mua xe được vài tuần thì một tối nọ, ông Luân Hoán tới chơi nhà. Tới chơi mà ông không lên nhà, lại rủ tôi xuống đường cho mát. Xuống tới nơi, ông bảo tôi leo vào chiếc xe Corolla màu đỏ mới toanh nói chuyện. Ra ông muốn khoe xe. Ông hỏi tôi đã mua xe chưa. Biết tôi cũng mua rồi, niềm vui nơi ông chắc cũng hao hụt tí chút. Vậy ra chiếc xe đã nằm trong đầu những người đi định cư chúng tôi từ lâu. Kể ra cũng tội nghiệp cho những tên tới từ nơi khốn cùng! Dù việc đi coi pháo bông là một thứ giải trí rất vui và không tốn tiền nhưng khi các con tôi khôn lớn, không còn đi theo bố mẹ, tính trây lười cũng làm tôi bỏ cuộc vui. Nhưng dù bỏ cuộc vui hơi sớm tôi cũng đã chứng kiến sự thay đổi to lớn cho các nước tham dự cuộc thi đốt pháo bông tại Montreal. Pháo bông có nhiều kiểu cách, hình thù, màu sắc lộng lẫy là những tiêu chuẩn được đánh giá. Nhưng kể từ năm 1987, cuộc thi đã có ba năm tuổi, người ta đặt ra một tiêu chuẩn khác. Không phải cứ bắn khơi khơi lên trời, xanh xanh đỏ đỏ, là xong. Từ năm này, pháo bông bắn lên phải đi theo nhạc điệu. Khó chứ không phải chơi. Tùy theo nét nhạc mạnh hay nhẹ, dồn dập hay lơi lả, pháo bắn lên trời phải diễn tả được theo tiếng nhạc. Đám khán giả bình dân chúng tôi cũng đổi mới. Vì nhạc được phát trên làn sóng của các đài phát thanh nên muốn thưởng thức cho ra trò, chúng tôi phải vác theo các máy thu thanh. Thời đó chưa có smartphone nên máy thu thanh còn cồng kềnh. Có ông vác nguyên một dàn máy gồm ba bốn mảnh tới mở hết volume cho bà con nghe. Chỗ nào có máy thu thanh, chỗ đó tụ lại đông người. Tôi vốn dân đại lãn nên chẳng bao giờ vác theo máy cho vất vả cuộc đời. Toàn nghe ké. Vậy mà cũng vui đáo để. Thường họ dùng nhạc giao hưởng khi to khi nhỏ, khi buông lơi khi dồn dập, lúc trống lúc kèn, những bông hoa trên trời khi bắn lên dồn dập, khi điệu nghệ ưỡn ẹo, khi nhẹ nhàng vươn lên. Sự kết hợp hài hòa giữa pháo và nhạc đã như một bữa tiệc cho tai và mắt. Tôi nhớ mãi lần nước Nhật thi tài. Họ bỏ nhạc Nhật với các nhạc cụ phát ra các âm thanh riêng đặc sệt chất Phù Tang. Giữa tiếng nhạc thanh thoát, nhẹ nhàng, vút lên trời một cây tre xanh lẻ loi. Tôi ngẩn ngơ. Có chút gì thân thuộc trong dáng tre được cài lên màn đêm. Tôi không phải là giám khảo nhưng đã cho điểm lớn với đêm trình diễn của Nhật. Ban giám khảo năm đó, buồn thay, chỉ cho Nhật đứng hạng ba với huy chương đồng! Đúng là thứ giám khảo tơ lơ mơ. Tôi muốn nói tới thứ giám khảo tự phong là tôi chứ không dám động tới những vị chức sắc. Ban giám khảo là những ai? Dĩ nhiên không phải tôi. Tôi chỉ là giám khảo tự phong. Nhiều ông bạn tôi cũng tự phong như vậy. Còn ban giám khảo chính cống bà lang trọc là những người được chọn trong số hàng trăm văn nhân, nghệ sĩ, nhà phê bình tình nguyện tham gia ban giám khảo. Qua nhiều cuộc lọc lựa, chỉ có 19 người thực sự ngồi trên ghế giám khảo mỗi đêm. Sau khi được chọn, họ phải trải qua một ngày huấn luyện về thang điểm, cách chấm điểm. Họ chỉ là những người ngồi thưởng thức và cho điểm. Kịch bản trình diễn sao cho hấp dẫn, liên tục, lấy được điểm của ban giám khảo, là chuyện của các đạo diễn và phụ tá. Chuyện cho trái pháo bông nổ và bay lên trời là chuyện của các nhà kỹ thuật. Tôinghĩ làm sao cho pháo nổ theo nền nhạc là chuyện vạn lần khó. Khán giả chỉ biết nghểnh cổ coi, ít ai nghĩ tới công lao của những chuyên viên. Trước năm 2005 các chuyên viên phải phóng pháo lên bằng cách bấm nút. Trung bình cứ 30 giây phải nhấn nút một lần. Mỗi lần trình diễn khoảng nửa giờ phải bấm khoảng từ 100 đến 200 lần cả thảy. Hao ngón tay dữ! Từ khi việc bắn pháo bông được điện toán hóa, công việc của các chuyên viên nhàn nhã hơn nhiều. Mỗi trái pháo bông đều được cho vào dữ kiện của máy. Nó sẽ phải vươn mình đứng dậy vào lúc nào, mục tiêu tới đâu. Vậy là các chuyên viên chỉ việc nạp dữ kiện một lần, khi vào trận, máy tự hoạt động, chuyên viên chỉ ngồi uống cà phê và để mắt coi máy có trục trặc chi không. Khỏe ru! Từ khi pháo nhảy theo điệu nhạc thì các chuyên viên lại một phen vất vả thêm. Trước hết phải nghe bản nhạc, phân đoạn ra thành từng phần nhỏ. Sau đó, đạo diễn quyết định dùng loại pháo nào, màu chi, vào nốt nhạc nào. Càinhạc và pháo vào với nhau. Phần còn lại máy điện toán sẽ lo chu toàn. Cứ đúng giờ giấc, đúng lúc, là pháo đi với nhạc tóe lên bầu trời trước sự trầm trồ của các khán giả chỉ biết căng mắt căng tai, chẳng cần biết hậu trường của màn trình diễn vất vả ra sao. Kỳ tỉ thí pháo bông thứ 32 vào năm nay tại Montreal, giám đốc kỹ thuật là một người trẻ, anh Brendan Kelly. Anh tốt nghiệp trường Ecole Polytechnique của Đại học Montreal. Trong thời gian còn theo học, vào dịp nghỉ hè, anh làm việc cho cuộc thi đốt pháo bông. Thoạt đầu anh được cái job khiêm nhường là dọn dẹp hiện trường sau khi tàn canh. Dần dần, coi người ta làm việc, anh thích ngành này. Nhờ chịu khó tìm tòi học hỏi, anh được làm công việc cao hơn. Cuối cùng, anh có mặt trong toán thường trực. Một năm sau khi anh Brendan Kelly tốt nghiệp, người giám đốc kỹ thuật xin nghỉ. Họ tuyển dụng người thay thế. Anh Brendan nộp đơn xin điền vào chỗ trống. Đơn của anh được chấp thuận. Tiến trình làm sếp pháo bông của anh êm ru và nhịp nhàng như những trái pháo được bắn lên trời. Đầy màu sắc! Làm sao để đẩy một trái pháo lên trời, cho tỏa ra từng vòng sáng tiếp nối nhau, vòng này hỗ trợ vòng kia? Có nhiều kiểu pháo nhưng đại loại đều cấu tạo giống nhau. Mỗi trái pháo gồm hai phần: vỏ pháo và buồng thuốc đẩy nằm phía dưới. Thuốc đẩy là một loại bột mầu đen, tương tự như thuốc súng. Khi pháo nổ, phần vỏ pháo được tung lên trời trong khoảng từ ba đến năm giây.
Cùng lúc, ngòi pháo sẽ bắt cháy, lan tới trung tâm điểm của vỏ pháo. Thuốc pháo nằm trong vỏ pháo sẽ phát nổ làm tung lửa ra. Vỏ pháo được làm bằng bìa cứng nên không gây tai nạn khi nổ trên trời. Nhìn vào dàn pháo trước khi đốt, người ta thấy chúng như những họng đại bác cao chừng 75 phân nằm chĩa lên trời, cái lớn cái nhỏ. Nhỏ nhất có đường kính khoảng 5 phân, lớn nhất khoảng 15 phân tùy theo kích cỡ của vỏ pháo. Tại Montreal, chúng được đặt tại năm địa điểm trong khu La Ronde và nhiều địa điểm khác dọc theo bờ sông. Cuộc thi pháo bông ở Montreal chúng tôi được coi là lớn và đẹp nhất thế giới. Mỗi độ hè về, du khách kéo tới thành phố để thưởng thức những cuộc vui, trong đó cuộc thi đốt pháo bông là đỉnh điểm. Du khách từ xa còn cất công đến thành phố để ngắm pháo bông, dân địa phương dĩ nhiên kéo tới coi rầm rập. Địa điểm tôi thường dẫn các con tới coi trước đây nay đã được cải tiến. Sát cạnh khu La Ronde nay đã dựng lên những khán đài thô sơ để đón khách. Mỗi lần lái xe trên đường Notre Dame, đi ngang qua khu gần cầu Jacques Cartier, tôi đã nhìn thấy những khán đài này. Theo tài liệu thì có khoảng bảy đến tám ngàn chỗ trên khán đài. Tôi thấy có hàng rào, có bảng chỉ cửa vào, nên đoán là muốn ngự trên khán đài phải mua vé. Giá vé bao nhiêu, tôi không rõ. Cũng phải mua vé nhưng có những gia đình kết hợp vừa chơi trong khu La Ronde ban ngày, vừa coi pháo bông ban đêm, nên một vé giá khoảng 70 đô được dự tới hai cuộc vui. Số người khôn ngoan này khoảng từ 20 ngàn tới 25 ngàn người. Nhưng cầu Jacques Cartier mới là cái khán đài lý tưởng nhất. Đứng trên cầu coi rõ mồn một. Đó là tôi đoán vậy chứ chưa bao giờ chân tôi có chỗ đứng trên cầu. Tốt hơn nữa là cái khán đài tuyệt diệu này không có ai bán vé cả. Số người đứng trên cầu được ước tính vào khoảng 50 ngàn mỗi lần bắn pháo bông. Số người đứng bên bờ sông như tôi hồi đó cũng khá bộn. Tổng cộng có khoảng 250 ngàn người tụ tập coi thi pháo bông mỗi lần có trình diễn. Người ta tính là mùa hè năm 2016, có khoảng ba triệu người coi. Đã lâu tôi không chen chân với mọi người trong cuộc vui miễn phí này. Ngồi nhà, vào mỗi tối thứ tư và thứ bảy, đúng 10 giờ tối, nghe tiếng ì ầm, nhớ lại những năm tháng bon chen làm “giám khảo” cuộc thi mà thấy man mác trong lòng. Những giây phút trong quá khứ thường là những khoảnh khắc đẹp. Chuyện chi cũng có thời của nó. Thời bi chừ là thời của ông bạn Vũ Ngọc Hiến. Dân viết lách báo bổ ở Montreal hầu như ai cũng biết anh. Anh tối ngày ngồi ôm cái computer để đánh máy, layout sách báo cho chúng tôi. Từ thời báo Nắng Mới. Vài cuốn truyện đầu tiên của tôi cũng đã do Vũ Ngọc Hiến layout. Đã xa lắm rồi thời nhiệt thành với chữ nghĩa của chúng tôi. Không phải bây giờ chúng tôi đã nghỉ chơi với những con chữ. Những tên tuổi như Trang Châu, Hồ Đình Nghiêm, Luân Hoán, Võ Kỳ Điền, Lưu Nguyễn, Hoàng Xuân Sơn, Bắc Phong của thời Nắng Mới xưa, nay vẫn còn lai rai xuất hiện trên những trang chữ, cả báo in lẫn báo trên trời. Nhưng cái không khí thời đó nay không còn nữa. Anh Vũ Ngọc Hiến của thời độc thân, tối ngày ôm cái computer như người ta ôm vợ, nay cũng đã yên bề gia thất. Anh vẫn lai rai với in ấn sách báo nhưng có lẽ cái computer không còn giữ được chân anh trong nhà nữa. Anh đã xông pha ra ngoài. Từ hơn một năm nay, chắc đạp phải dấu giầy của ông Lê Quang Xuân, anh bỗng giở chứng thích chụp hình nghệ thuật. Mặc nắng mưa, bão tuyết, anh luôn vác máy hình ra hiện trường để bấm những pô hình đẹp. Anh lặn lội tới những nơi gió rét, đèo heo hút gió, chụp bắt thiên nhiên. Những thân chuồn chuồn bên bờ bụi, những đóa hoa dại lẻ loi trên đồng không mông quạnh, những chàng bướm lượn lờ, được anh gửi tới bạn bè hàng tuần. Anh có mặt hầu như tại tất cả các cuộc vui, các cuộc diễn hành hay trình diễn âm nhạc của thành phố Montreal chúng tôi. Có sự kiện nào xảy ra tốihôm trước là sáng ngày hôm sau, bạn bè được anh tấn công bằng những tấm hình liên chi hồ điệp trên e-mail. Anh chụp không biết mệt và anh chia sẻ với bạn bè cũng không biết mệt.
Hè năm nay, anh tấn công những cuộc thi bắn pháo bông. Sáng tinh mơ ngày hôm sau mỗi lần có cuộc thi pháo bông, e-mail của tôi đã đầy nhóc hình, đủ khía cạnh, đẹp mê hồn. Pháo bông một thời tôi mê mải năm nay lại trở về với tôi. Do anh Hiến đánh thức dậy. Những nước nào dự thi các năm trước, tôi mù tịt. Nhưng năm nay tôi biết. Qua những tấm hình anh Hiến gửi. Năm nay có những nước Ý, Ba Lan, Đức, Pháp, Bồ Đào Nha và Anh tham dự. Có ba giải thưởng tất cả. Chắc ai cũng muốn biết tham dự cuộc thi phải chi bộn bạc như thế nào. Vậy thì giải thưởng được cái chi chi? Chỉ có mỗi cái cúp. Chấm hết. Không tiền bạc đính kèm. Nhưng chiếc cúp đoạt được sẽ mang lại tiền bạc cho các công ty pháo bông đại diện cho mỗi quốc gia. Cuộc thi tại Montreal là cuộc thi lớn nhất thế giới nên chiếc cúp đoạt được tại đây có giá trị hơn mọi nơi khác. Các công ty đại diện cho các quốc gia, nếu đoạt giải, sẽ ký được các hợp đồng béo bở cho các cuộc bắn pháo bông nhân dịp quốc khánh, lễ hội và các dịp đặc biệt khác. Thế vận hội, chung kết các cuộc tranh đua thể thao như hockey, bóng đá, bóng chuyền…đều kết thúc bằng những màn bắn pháo bông rộn rã tưng bừng. Ôm chiếc cúp vô địch năm nay là nước Anh, bám theo là Pháp, về hạng ba là Bồ Đào Nha. Trò bắn pháo bông là trò vui đại chúng. Từ thế hệ này tiếp nối qua thế hệ khác. Thế hệ tôi đã qua đi, nhưng các thế hệ sau vẫn bị những màn pháo bông kéo nghểnh cổ lên trời. Trên đó chẳng bao giờ thiếu vắng niềm vui!
08/2017 Website: www.songthao.com