Không biết tôi có thiện cảm với màu áo lính từ bao giờ, chỉ biết là mỗi khi nhìn những bộ quân phục vào những ngày lễ hội, tự nhiên thấy thương có lẽ vì tôi thấy hình ảnh của ba tôi trong đó.
Tôi ra đời sau khi chiến tranh vừa chấm dứt. Vì vậy tôi không có một kỷ niệm nào về người lính mà chỉ nghe hay coi qua từ sách báo, TV và những người thân trong gia đình. Hồi nhỏ khi còn ở Việt Nam, gia đình tôi bị liệt kê vào thành phần ‘ngụy quân ngụy quyền” và phải trải qua bao khốn đốn. Tất cả những người đàn ông trong họ hàng đều đi lính. Ba người cậu tôi đều là sĩ quan VHCH. Ba tôi là lính Biệt Động Quân. Mặc dù chưa bao giờ nếm mùi chiến tranh nhưng nghe nhiều giai thoại hành quân do ba tôi kể, tôi lấy làm thích thú. Ba hay hay hồi tưởng lại quá khứ nhất là vào những ngày đông lạnh giá. Có lẽ khí trời u uẩn làm cho người ta dễ mủi lòng. Ba ngồi tỉ tê với đứa con gái út của mình về thời trai trẻ, cái thời vai mang súng dặm trường. Mấy anh chị tôi không đủ kiên nhẫn hay hứng thú ngồi hầu chuyện, nhất là những chuyện lính tráng. Tôi nhỏ nhất nhà nhưng lại chịu ngồi nghe nên ba huyên thuyên bắt hết chuyện này đến chuyện khác. Mỗi khi ba kể, ánh mắt say sưa mô tả từng chi tiết. Thỉnh thoảng hỏi lại: “mi có biết không?”. Hỏi thì tôi gật đầu để tỏ ra hiểu câu chuyện và tạo thêm hứng thú, chứ tôi cũng căng óc ra tưởng tưởng khung cảnh hỗn độn của chiến tranh mà xưa nay chỉ được coi trên phim ảnh.
Lâu lâu ba ngồi vuốt ve tấm huy hiệu có hình đầu cọp nhe răng, xếp bộ áo quần rằn ri với ánh mắt buồn xa xăm rồi cho vô ngăn tủ. Nhìn ba chạnh lòng, tôi nhói trong tim. Đi đâu thấy tập san về lính, ba cũng ôm lỉnh kỉnh về để dành thỉnh thoảng đem ra đọc. Khi gia đình sum họp, ba cao hứng cất giọng ca bản nhạc lính rồi nhoẻn miệng cười xuề xòa. Tự biên tự diễn. Có cảm giác những điều đó làm cho ba ấm lòng và tôi không biết làm gì cho ba vui hơn ngoài việc ngồi chăm chú lắng nghe để cho ba trút niềm tâm sự về đời lính tráng của mình.
Có lẽ tôi không bao giờ hiểu tâm tư của lính, nhưng tôi cảm thông được nỗi miên man của họ qua hình ảnh ba tôi. Khí phách, lòng gan dạ trong những mẫu chuyện khiến tôi cảm thấy tự hào được làm con của một người lính. Tôi hiểu ra rằng cho dù những người lính như ba đã “xếp tàn y” nhưng tâm tư luôn gắn liền với kỷ niệm và hướng về quê hương, nơi những đồng đội của mình đang nằm chơ vơ trong những nấm mộ điêu tàn. Hiểu được vậy nên tôi đâm ra thương những bộ quân phục mà tôi thường thấy các chú bác hay mang trong những ngày lễ ở cộng đồng.
Quá khứ là hiện thân của hiện tại và tương lai, là sự chuyển tiếp giữa bao thế hệ. Màu áo kia úa phai để những màu áo xanh tràn đầy hy vọng tiếp tục vươn lên. Hình ảnh người lính oai hùng năm xưa và bây giờ như những cội cây già cổi rơi rụng để làm mạch sống ngầm cho thế hệ trẻ – những đọt cây non đâm chồi nẩy lộc.
Quá khứ là lịch sử và lịch sử thì cần được trân trọng, huống gì lịch sử với bao nhiêu xương máu của biết bao người đã nằm xuống. Tôi thương màu áo lính là vì tôi thương chứ không ai bắt tôi phải thương! Tôi thương vì từ trong sâu thẳm tôi thầm biết ơn họ, những người như ba tôi đã đóng góp cho quê hương trong lúc đang dầu sôi lửa bỏng và tôi ý thức được tâm huyết của họ dành cho quê hương. Hôm nay ngày quân lực, lòng tôi chợt hồi hồi nghĩ đến mười năm hay hai mươi năm nữa khi thế hệ cha anh lần lượt về với đất, liệu tôi có còn thấy được những màu áo lính như hôm nay không. Thôi đành nên trân trọng hôm nay, ngày mai sao thì sao như cái câu “que sera sera”.
06.18.2017
Lê Diễm Chi Huệ