Kiến tánh thành Phật là câu chót trong một yếu chỉ gồm 4 câu Hán Việt tóm tắt nguyên tắc truyền đạo của Thiền tông (Nam phái) Trung Hoa mà người hoằng dương là Huệ Năng, thiền sư thứ sáu tính từ sơ tổ là Bồ đề Đạt Ma (Bodhidharma). Bốn câu đó là:
Giáo ngoại biệt truyền
Bất lập văn tự
Trực chỉ nhân tâm
Kiến tánh thành Phật.
Dịch nghĩa đen ra tiếng Việt là:
Truyền riêng ngoài đạo
Không lập chữ nghĩa
Đến thẳng lòng người
Thấy tánh thành Phật
A special transmission outside the scriptures
No dependence upon words and letters
Direct pointing at the soul of man
Seing into one’s nature and the attainment of Buddhahood
(Esssays in Zen Buddhism – D.T. Suzuki)
“Kiến tánh thành Phật” có nghĩa là “thấy được tánh (của mình) thì (sẽ) thành Phật”. Có thực như thế không? Hy vọng câu trả lời sẽ nẩy ra sau khi đọc xong phần trình bầy và thảo luận tiếp theo.
1/Trước hết, tính là gì. Xin bắt đầu bằng lối giải thích thông thường, nghĩa là trả lời theo kinh sách. Trong cuốn Thiền luận tập một của Daisetz Teitaro Suzuki, có ghi lại giải thích chữ Tính trong câu chuyện đối đáp giữa đệ tứ tổ Thiền tông Trung quốc là Đạo Tín (580-651) và ngũ tổ Hoằng Nhẫn. Tương truyền rằng trên đường qua huyện Huỳnh Mai, Đạo Tín gặp một đứa bé cốt cách thanh tú, thần thái khác thường.
Tổ hỏi: danh tánh là gì?
Đứa bé đáp: có tánh nhưng chẳng phải tánh thường
Tổ hỏi: Tánh gì
Đứa bé đáp: Tánh Phật (Buddha Nature)
Tổ hỏi: Con không có tên sao?
Đứa bé đáp: Không, vì nó vốn là không
Đứa bé sau trở thành Hoằng Nhẫn, tổ thiền tông đời thứ năm.
Giáo sư Suzuki giải thích rằng đối đáp trong chuyện kể trên là lối chơi chữ Trung hoa. Vì người Tầu có tên và họ (danh và tính). Câu chuyện lấy đứa bé trả lời tổ Đạo Tín để định nghĩa chữ Tính trong Phật giáo. Chữ tính trong Phật giáo không phải là tính (họ) thường, chữ Tính trong đạo Phật là chỉ Phật tính.
Mà nếu hỏi Phật Tính là gì và tiếp tục truy cứu nữa, tạm lấy từ trong từ điển Phật học, Phật tính được giải nghĩa khá dài dòng. Xin tóm gọn trích dẫn như sau:
“Theo quan điểm Đại thừa, Phật tính là thể bất sinh bất diệt của mọi loài. Vì thế mọi loài đều có thể đạt giác ngộ và trở thành một vị Phật, không bị đời sống hiện tại hạn chế.”
“Có nhiều quan điểm khác nhau về Phật tính, người ta tranh cãi liệu tất cả mọi loài đều có Phật tính, liệu thiên nhiên vô sinh vô tri như đất đá có Phật tính hay không”.
“Tiểu thừa không nhắc đến Phật tính, cho rằng không phải chúng sinh nào cũng có thể thành Phật. Đại thừa xem đạt Phật quả là mục đích cao nhất, đó là thể hiện Phật tính nằm sẵn trong mọi chúng sinh, thông qua những phép tu học nhất định”.
“Thiền sư Bạch Vân An cốc cho rằng Phật tính đồng nghĩa với Pháp tính -dharmata- mà trong Đại thừa người ta gọi là tính Không -sunyata-“ vân vân…
Và kết cục thì:
“Phật tính không thể diễn bày (bất khả thuyết), không thể nghĩ bàn (bất khả tư nghị)”. “Nhưng mà chúng ta vẫn có thể tỉnh thức, chứng ngộ được nó bởi vì chúng ta bản lai là Phật tính”
Tóm lại là rối mù. Là không thể nghĩ bàn. Nếu chấp nhận là rối mù, là không thể nghĩ bàn như thế thì đến đây là hết phần trình bầy (trừ phi đi theo kiểu kinh sách lan man)!
Cho nên, để tiếp tục, một cách thật tóm gọn, cho khỏi bị rối mù, thì chỉ xin nói rằng chữ Tính còn gọi là Tự Tính hay là Bản lai diện mục. Mà bản lai diện mục là mấy chữ do Lục tổ Huệ Năng dùng để mô tả chữ tính. Chuyện ghi lại trong Pháp Bảo Đàn Kinh là:
Sau khi Huệ Năng được truyền y bát thì đã đi về hướng Nam, theo như lời ngũ tổ Hoàng Nhẫn bảo. Vài ngày sau, khi tăng chúng biết chuyện thì có người không bằng lòng. Một tăng sĩ vốn là tứ phẩm tướng công, họ Trần tên Huệ Minh, tính tình nóng nẩy, chạy đuổi theo Huệ Năng, kéo theo một đám đông tăng chúng cả trăm người. Đoàn này sau chót đã đuổi kịp. Huệ Năng đã vất y bát lên một tảng đá rồi lẩn vào sau đám cỏ tranh. Huệ Minh tiến tới cầm y bát lên nhưng không thể nào nhúc nhích nổi. Mới sợ mà kêu lên rằng :”hành giả, hành giả, tôi vì pháp mà đến chứ không phải vì áo mà đến đâu”. Huệ Năng bước ra, ngồi xếp bằng lên tảng đá. Huệ Minh làm lễ nói rằng “Mong ơn hành giả nói pháp cho tôi nghe”. Huệ Năng đáp “Ông vì pháp mà đến đây, thì khá dứt hết trần duyên, chớ sanh một niệm tưởng. Tôi sẽ nói Pháp cho ông nghe”. Lẳng lặng hồi lâu, Huệ Năng mới nói “Chẳng nghĩ việc lành, không nghĩ điều dữ thì chính trong thời gian đó tỏ thấy Cái Ấy, tức là cái Bản lai diện mục của bực thượng tọa vậy”.
Nói khác đi là khi không nghĩ đến lành đến dữ nữa thì sẽ thấy được bản lai diện mục. Nghe thế thì vẫn khó hiểu như thường. Cho nên, đến đây tôi xin phépngưng dùng kinh sách mà sử dụng lối nói và suy nghĩ dựa trên hiểu biết thời nay để giải thích ý nghĩacâu nói của Huệ Năng, từng chữ một, để hiểu tại sao mà Kiến Tính thành Phật.
Một cách thông thường và trong một phạm vi nhỏ hẹp, ai cũng hiểu Tánh hay Tính là chỉ đặc điểm của một ngườihay một vật. Thí dụ ở người thì có: Tính tốt, tính xấu, tính nóng, tính tham, tính hiền, tính ác vân vân. Nếu là vật thì tính cứng, tính mềm vân vân… Đến đây thì xin giải thích mấy chữ Hán Việt bản lai diện mục nghe rắc rối, nhưng cần thiết để hiểu Phật tính là gì.
Bản là gốc, lai là đến, diện là mặt, mục là mắt. Bản lai diện mục là cái mặt cái mắt của mình từ gốc, tức là lúc ban sơ, khởi đầu.
Mặt tập trung các đặc tính thể chất bề ngoài để nhận ra con người. Điều này được công nhận từ xưa tới nay từ Đông sang Tây. Cho nên thẻ thông hành ngày nay là luôn luôn có hình chụp để xác nhận con người. Và ngày xưa truy tầm can phạm thì người ta vẽ hình để truyền rộng đi khắp nơi. Mắt là biểu lộ cái đặc tính tinh thần con người. Theo khoa tướng số ngày xưa, nhìn mắt người ta có thể thấy được sự khôn ngoan hay ngu tối, sự gian tà hay chính trực vân vân… Điểm này thì ngày nay không mấy ai để ý, trừ những người có hiểu chút tướng số mà biết rằng ngày xưa các cụ nói mắt sáng như sao là người thông minh, mắt la mày lét là kẻ gian ý, vân vân và vân vân.
Đối với con người, thì lúc ban đầu kể là lúc lọt lòng mẹ, nghĩa là con người tối-thiểu-hoàn-chỉnh đủ để trưởng thành. Tóm lại, Tính, hay Tự Tính, hay Bản lai diện mục là những đặc điểm của một con người lúc mới sinh. Đặc tính ban đầu này của con người được thể hiện ra trên hai phương diện, là thể chất và tinh thần.
Về thể chất thì đó là mắt xanh, tóc đen, da vàng, da trắng, da đen vân vân. Về tinh thần thì biểu hiện vắn tắt ra như: khó khăn, dễ dàng, nhanh nhạy, chậm chạp, lành, dữ vân vân. Nhờ những hiểu biết về sinh học ngày nay mà người ta hiểu rằng tất cả những điều này là do các nhân di truyền (genes) một nửa từ bố, một nửa từ mẹ tạo thành. Con người mới sinh này do đó xin tạm gọi là con người di truyền (genotype). Dưới góc nhìn Phật giáo, thì con người di truyền ra sao được giải thích là do cái nghiệp từ nhiều kiếp trước. Nhìn như vậy thì đặc tính thể chất ban đầu của mỗi người do đó không giống nhau. Đó là sự tự nhiên của vũ trụ, bao gồm sinh vật cũng như vật vô tri. Như đá thì khác đất, khác cát. Đất sét thì khác đất thịt. Gỗ lim khác gỗ tạp. Cam thì khác với táo. Vân vân. Nhân đây thì xin nói rằng cái quan niệm thời nay mọi người sinh ra như nhau, bình đẳng chỉ là một khẩu hiệu chính trị con người tùy tiện chế ra, để làm nền cho việc quy định cách đối xử với nhau trong một số xã hội Tây phương.
Mọi bé sơ sinh dù bất cứ nguồn gốc di truyền nào lúc mới lọt lòng mẹ cũng chỉ có chung một phản ứng đầu tiên là khóc. Vì nó bị đổi từ môi trường yên lặng tiện nghi trong bụng mẹ sang môi trường bên ngoài, nóng lạnh khác hẳn, tạo khó chịu cho nó. Các giác quan (ngũ uẩn) tiếp nhận đủ loại tấn công, kích thích từ ngoài. Những phản ứng trong những giờ phút tiếp theo cũng đơn giản như thế: như đói thì khóc đòi ăn, khát thì khóc đòi uống vân vân…Khi những nhu cầu đơn giản thiết yếu gắn liền với sự sống này mà được thỏa mãn, thì không còn đòi hỏi phản ứng gì khác. Đứa bé mới sinh ra không ghét ai, không yêu ai, ngay cả đối với bố với mẹ. Cho nên mọi trẻ mới sinh dù da đen da trắng hay da vàng không tật bệnh mà bú no xong, được ở trong môi trường ấm áp tiện nghi là ngủ, bộ mặt bình thản, thoải mái. Nói chung ai nhìn cũng thấy dễ thương. Bộ mặt này là bộ mặt thanh thản trên các tượng Phật. Tình trạng thoải mái còn được thấy trên mặt đứa bé lúc ngủ hé miệng cười, cũng có khi là mếu miệng rồi yên. Mà các cụ ta thường nói là “mụ dậy”.
Với sự trưởng thành, con người di truyền lớn lên thay đổi dần dần bởi môi trường, hoàn cảnh sống và giáo dục. Cái yếu tố môi trường và giáo dục này rất quan trọng. Một đứa trẻ bố mẹ Mỹ sống ở Việt Nam từ lúc mới sinh ra thì sẽ hành xử như một người Việt nam, nhưng hình dạng và thể chất là Mỹ. Ngược lại một đứa bé bố mẹ Việt Namsống ở Mỹ từ lúc mới sinh lớn lên sẽ hành xử như một người Mỹ nếu không được dậy dỗ hướng dẫn gì về VN. Ngoài ra, cho dù được dậy dỗ nói cho nghe về VN thì đứa bé VN sống ở Mỹ cũng không hành xử hoàn toàn như một người VN sống ở VN.
Đến đây thì ta có thể thấy rằng con người di truyền (genotype) chịu ảnh hưởng của môi trường sẽ trở thành con người hiện thực (phenotype).
Con người hiện thực này còn thay đổi theo thời gian. Nói cho rõ thì con người hiện thực lúc tuổi thiếu niên khác con người lúc 30, 40, 50 tuổi và hơn nữa. Trong sách Luận ngữ, Khổng tử đã mô tả một cách tổng quát sự thay đổi này rằng “ngô thập ngũ nhi chỉ ư học, Tam thập nhi lập, tứ thập nhi bất hoặc, ngũ thập nhi tri thiên mệnh, lục thập nhi thuận nhĩ, thất thập nhi tòng tâm sở dục bất du củ.” Vắn tắt nghĩa là “tôi lúc 15 tuổi chỉ lo học, 30 tuổi xác định chỗ đứng, 40 tuổi không còn nghi ngờ, 50 tuổi hiểu được mệnh trời, 60 tuổi nghe thấy thuận tai (không bực bội với những điều nghe thấy), 70 tuổi tùy lòng muốn mà không vượt qua nguyên tắc”. Khổng Tử nói như vậy là do nhận định và kinh nghiệm cá nhân. Nhưng con người di truyền của người ta không ai giống như con người di truyền Khổng tử. Cho nên những người đồng thời Khổng Tử 40 tuổi vẫn nghi hoặc không hiểu việc đời, 60 tuổi vẫn không lắng lòng bình tĩnh mà nghe, 70 vẫn không biết những nguyên tắc tối thiểu ở đời để giữ. Tôi không nói những con người thời nay vào những mốc tuổi như vậy, vì môi trường và hiểu biết khác không giống thời Khổng Tử. Trong mạch lý luận này thì có thể nói, được chứng minh bằng thực tế, rằng mỗi chúng ta ở Mỹ (hải ngoại) ngày nay khác với mỗi chúng ta ngày còn ở VN hay ngày mới đến Mỹ.
Nhìn rộng ra một chút, thì đó chính là cái lẽ vạn vật vô thường, (nghĩa là không có gì bất biến), theo như Phật pháp. Nói khác đi thì thay đổi trong mỗi người là lẽ tự nhiên, ở những mức độ khác nhau tùy lãnh vực, mà phần lớn là không tự thấy, không ý thức được, không cưỡng lại được. Cưỡng bằng mọi giá, do định kiến, là tạo ra khổ nạn cho chính mình, và cho người khác. Tại sao lại nói thay đổi ở mức độ khác nhau và tùy lãnh vực? là bởi vì như trên đã nói đất sét hút nước và trở thành mềm dẻo nắn được. Đá, cát không hút nước, để nước trôi đi… Con người không thay đổi đồng đều về thể chất cũng như tinh thần là vì như vậy.
Phân tích như trên thì những đặc điểm thể chất và tinh thần (bản lai diện mục) của con người di truyền khác nhau từ lúc mới sinh. Vậy thì có cái gì là chung cho tất cả mọi người lúc mới sinh để mà có thể nói cái tính ban đầu là Phật tính? Là tiếng khóc phát biểu ban đầu, đơn giản. Mà như đã nói ở trên là đói ăn, mệt ngủ. Ăn gì cũng được miễn no bụng thì thôi, vì chưa được dậy dỗ để quen ăn gì, uống gì, ăn thế nào: Bú sữa mẹ hay sữa bò, lạnh hay nóng. Ăn đồ làm sẵn cho trẻ con hay ăn bột, ăn cháo, ăn cơm nhà nấu. Ngủ sao cũng được, miễn là được yên để ngủ. Chưa quen nghe tiếng mẹ ru ngủ hay quen nghe tiếng nhạc từ trong băng âm thanh, trong điện-thoại-khôn. Quen ngủ nôi một mình hay ngủ cạnh mẹ vân vân…. Và cứ thế, hoàn cảnh sống làm cho con người di truyền thành con người hiện thực, nghĩa là được điều kiện hóa theo một số các thói tục. Mà không có những cái đó thì khổ sở, thèm muốn. Và nghĩ rằng con người hiện thực đó là chính mình, là cái NGÃ, cái ta không bỏ được.
Trong đời sống thường ngày, không có mấy ai để ý phân biệt con người hiện thực với con người di truyền. Và con người hiện thực nào, vào lúc nào, ở đâu. Vì thế, nhiều khi cứ coi những suy nghĩ hành xử của mình ngày hôm nay vẫn như mười năm trước, mà thật tình không phải. Phán xét cuộc đời ngày hôm nay theo như tiêu chuẩn hai mươi năm trước cũng không chắc là phải. Vì thế mà nhiều phần tạo ra khổ nạn cho mình trước hết, và cho người luôn. Có lẽ vì thế mà triết gia Pháp Pascal đã nói “le moi es haissable” (cái tôi đáng ghét). Bởi vì với tâm thức như thế thì cái Ngã vừa là độc tài đối với người mà vừa là nô lệ cho định kiến của mình. Cái ngã như thế thì không đáng ghét sao được?
Nhìn sự việc qua lăng kính như thế, nhà Phật gọi là vô minh.
Như vậy thì cái TÍNH thuở ban đầu của con người di truyền (bất kể đen, trắng, vàng hay nâu) là hành xử theo nguyên tắc đơn giản tự nhiên của cuộc sống - tương tự đói ăn mệt ngủ, khác xa với cái phức tạp của con người hiện thực. Nói khác đi là khi thấy rõ cái bản lai diện mục con người nào cũng như vậy thì sẽ nhìn ra đường giải khổ, thoát khổ. Nghĩa là sống ở đời mà không bị trói vào đời. Đói thì ăn chứ không chỉ lo bám chặt lấy cái ăn.
Cái khác của đứa bé sơ sinh và đức Phật.
Như đã trình bày trên, đứa bé sơ sinh phản ứng, hành xử đơn giản, đầu óc trong sáng, vì chưa bị điều kiện hóa bởi môi trường hoàn cảnh sống và giáo dục. Đức Phật hành xử đơn giản trong sáng, vì bằng tu tập đã gạt bỏ được hết các phức tạp gắn vào mình bởi hoàn cảnh sống, môi trường sống, và giáo dục. Quá trình tu tập của đức Phật trải qua nhiều giai đoạn: khổ tu đến gần chết, rồi sau tìm ra con đường trung đạo, con đường tự cứu, rồi giảng đạo cứu người (như ngón tay chỉ mặt trăng), ngót nghét năm mươi năm.
Khi mà nhìn và hiểu tự nhiên là như thế, thì nghèo mà không khổ. Đói mà không khổ. Vất vả mà không khổ. Không hiểu như thế thì giầu mà khổ: Không thiếu gì người giầu có, quyền uy, mà thường xuyên than khổ kêu khổ. Vì phải ăn vội, uống vội, nghỉ vội để còn làm, và làm thì mong cho hết giờ để giải trí và tham dự các cái gọi là trò vui khác vân vân…Và nếu mà không làm được như thế là lại khổ tiếp chồng lên. Cái khổ trong trường hợp này chỉ là gắn liền với công việc mình chọn, thứ trò vui mình tự trói vào. Cái hình ảnh gần đúng để diễn tả tình trạng này là hình ảnh con chuột bạch trong lồng cầu mà người ta thường thấy bán ở miền Bắc trước năm 1954.
Đến đây ắt có người sẽ hỏi nếu thay đổi xẩy ra mà cứ để cho nó như thế và thích ứng theo đó, theo như tinh thần đói thì ăn, khát thì uống, bởi vì không thể cấm khát cấm đói được, nghe thì có đúng, nhưng phải chăng là quá tiêu cực? Cụ thể như trường hợp VC trấn áp đủ mặt, lấy tiền bạc nhà đất của mình mà cứ chấp nhận hay sao? Câu hỏi này rất phải, nhưng sự so sánh hai trường hợp không thực sự giống nhau. Đói là vì không có đồ ăn thì giải quyết rốt ráo là ăn, mà muốn ăn thì phải kiếm thực phẩm, phải đi làm v..v. Tức là dẹp cái nguyên cớ của đói. VC trấn lột thì phải dẹp VC, hay làm sao cho nó không lấy được. Ta sẽ không đi vào trả lời chi tiết những điều này. Thí dụ như làm sao có việc làm, làm cái gì, làm sao giải quyết VC vân vân… Bởi vì bàn như thế là bàn trôi vô tận, ra ngoài phạm vi đề tài.
Ở đây chỉ lấy một trường hợp cụ thể về cách giải quyết cái đói, để suy nghĩ. Các nhà tu hành thời đức Phật thì suốt ngày tập trung suy nghĩ tìm hiểu cái lý để giải khổ, cho nên không làm gì do đó không có gì để ăn và bị đói. Cho nên đến giờ ăn đúng trưa thì cầm bình bát xin ăn, đứng giữa đường không nói. Người qua đường cho gì ăn nấy. Quá giờ không có ai cho thì đi về nhịn đói. Và tu tập tiếp. Giải quyết cái ăn như thế là bởi vì không coi ăn là quan trọng phải giải quyết. Tương tự đứa bé sơ sinh đói thì khóc, nhà tu đói thì cầm bình bát đứng đường. Bây giờ trên thế giớivẫn có những giòng tu Phật giáo theo tinh thần này. Ở VN xưa mà tôi biết lúc còn nhỏ, ở chùa làng vị sư trụ trì cùng chú tiểu làm ruộng trồng rau để sống ngoài giờ tụng kinh niệm Phật. Hiện nay, sư đa số chỉ tụng kinh niệm Phật và làm lễ cầu siêu cầu an và tìm cách cho có nhiều Phật tử đi chùa, kêu gọi Phật tử bố thí {hay cúng dường}. Trong ba trường hợp đưa ra, thì chúng ta thấy rằng cuộc sống các sư thời đức Phật và cuộc sống các sư ngày nay thật khác nhau. Những vấn đề cần giải quyết rất khác nhau, mà nói chung là phức tạp hơn.
Chữ Phật trong câu kiến tính thành Phật nghĩa là gì? Nói đến Phật thì hầu như ai cũng nghĩ đến đức Thích Ca Mâu ni Phật, tức là thái tử Tất Đạt Đa con vua Tịnh Phạn. Là người đã bỏ cung vàng điện ngọc, bỏ cuộc sống đầy đủ hoan lạc không thiếu thứ gì để đi tu tìm phương cách cứu khổ cho mọi chúng sinh. Trải qua một giai đoạn khổ tu đến gần chết, ngài đã tìm ra con đường trung đạo, thiền định 49 ngày giác ngộ thấy đạo (Pháp), và đi giảng đạo ngót nghét 50 năm, chỉ cho chúng sanh con đường thoát khổ, rồi viên tịch thoát ra khỏi vòng luân hồi. Đó là đức Phật lịch sử. Như thế thì không ai trở thành đức Phật lịch sử được.
Tới đây thì ta có thể hiểu rằng Chữ Phật trong câu thấy tính mà thành Phật ý nghĩa tương tự chữ Phật trong câu: Ta là Phật đã thành, các ngươi là Phật-sẽ-thành. Nói khác đi thì đó là trạng thái giác ngộ, mà trong nhiều kinh sách gọi là quả vị Phật. Xin nói ngay ở đây rằng mgười tới tình trạng giác ngộ này chưa thể là một vị Phật trong hàng “tam thế chư Phật”, bởi vì điều kiện tất yếu không có không được để thành Phật là phải thể nghiệm, tức là tu tập, từng giây từng phút, thường xuyên, mà kết quả ra sao thì chỉ mình mình biết chỉ mình mình hay. Tức là cái trạng thái thân tâm an lạc. Người ngoài không thể biết qua những điều nhìn thấy từ ngoài như chùa to, tượng lớn, Phật tử đông đảo…
Tu như thế nào thì nói ra dài vô tận. Bởi vì chính Đức Phật đã chỉ dậy gần 50 năm mà lúc gần nhập Niết bàn, đệ tử còn van xin ở lại. Cho nên không nói đến tu tập thế nào ở đây. Nhưng có thể tùy nghi thảo luận về một số nguyên tắc tu tập trong phần kế tiếp.
Thảo luận:
Con chó có Phật tính không?
Tại sao lục tổ Huệ Năng truyền đạo theo nguyên tắc “Truyền riêng ngoài đạo, Không lập chữ nghĩa, Đến thẳng lòng người, Thấy tánh thành Phật” ?
Tại sao “không nghĩ việc lành không tưởng điều dữ”, “không luận xấu tốt” là thấy Tánh?
Ở đời, con người có thể không phân biệt xấu tốt, lành dữ được không?
Vân vân…
Bác sĩ Trần Xuân Ninh
(Trình bày tại Viện Việt Học, Orange County, CA. Ngày 13 tháng 5/2017)