Chuyến công du đầu tiên ra ngoại quốc của tổng thống Donald Trump đã bắt đầu trong cái hoàn cảnh mà truyền thông giòng chính mô tả, là để tạm ra khỏi cái không khí nháo nhào, hỗn loạn của Bạch cung. Và mong mỏi có một thành tích nào đó đem khoe, để có thể có sức tiếp tục một nhiệm kỳ tổng thống không biết sẽ ra sao. Có thể rằng truyền thông giòng chính phần nào có lý, khi phái đoàn đi cùng ông Trump kể như là gồm toàn bộ những người thân cận nhất của ông. Trước tiên là người đầu gối tay ấp Melania Trump, là người đã từ đầu từ chối không chịu ở Bạch cung với lý do không mấy thuyết phục, là cần tiếp tục ở New York cho đến khi đứa con học xong niên khóa. Rồi đến cô con gái Ivanka và Jared Kushner, chàng rể 36 tuổi, được phong là cố vấn cao cấp nhất, trách nhiệm mọi lãnh vực nội trị cũng như ngoại giao. Stephen Bannon, người được coi như là chiến lược gia giúp Trump khơi động được sự ủng hộ của giới quần chúng da trắng, lao động mất việc và nhà quê bảo thủ, khiến Trump thắng cử bất ngờ bất chấp mọi tiên đoán thăm dò trước ngày bầu tổng thống Mỹ tháng 11/2016, làm cho cả hệ thống quyền lực tài phiệt và truyền thông ủng hộ bà Hillary Clinton giận dữ phừng phừng không nguôi. Rồi còn Reince Priebus, chánh văn phòng, còn cố vấn hôi đồng an ninh quốc gia tướng McMaster, ngoại trưởng Tillerson, và bộ trưởng quốc phòng James Mattis vân vân.
Tất cả những người này theo như truyền thông giòng chính, đã gấu ó tranh chấp với nhau liên tục từ những ngày đầu thắng cử. Và Bannon đã bị thua, vì bị loại ra khỏi hội đồng an ninh quốc gia. Chỉ còn giữ một vai trò mà truyền thông giòng chính không biết rõ là gì.
Với thành phần phái đoàn công du như vậy, người ta thấy rằng ông Trump cho tới nay ít ra là có khả năng giữ cho cái nhóm cộng sự viên phức tạp nhưng thân cận nhấttiếp tục cùng ngồi “với ông”, nếu không phải là “với nhau”. Thông điệp tối thiểu của thành phần chuyến đi cũng là “không có tình trạng nháo nhào hỗn loạn”. Điều này được thấy trong diễn tiến sự việc suôi gọn. Đầu tiên là đến Ả Rập Saudi và họp cùng các nước Ả Rập và Hồi giáo trong vùng mà sự tiếp đón kể là trân trọng đến độ truyền thông giòng chính không thể chê bai. Trừ một vài chi tiết “lá cải” như bà Melania không chịu cầm tay ông Trump khi hai người đi trên thảm đỏ tiếp đón tại phi trường. Cái thành tích mang bán cho Ả Rập Saudi trên 100 tỉ đô la võ khí các loại và đem về Mỹ đầu tư gần 50 tỉ đô la dầu hỏa vào xây dựng hạ tầng cơ sở to lớn quá, không thể nào chê bai được. Sang đến Do Thái thì sự đón tiếp cũng thật là trang trọng. Cụ thể ông Trump mang lại cho Do Thái những gì từ các nước Ả Rập thì không biết, nhưng công khai thì ông Trump khẳng định mối quan hệ thắm thiết không dời đổi Mỹ và Do Thái. Ông cũng không có lời chỉ trích chính sách lập các trại định cư Do Thái trên đất Palestine mà chỉ có khẳng định giúp thiết lập hòa bình Do Thái Palestine, là chính sách Mỹ chính thức theo đuổi từ 15 năm nay, nhưng chẳng có kết quả nào, ngoài chuyện Palestine ngày càng mất thêm đất. Tin cho biết ông Trump có đi gặp tổng thống chính quyền Palestine là Mahmoud Abbas. Nhưng so cuộc gặp gỡ Abbas không đến một giờ với thời gian hai ngày ở Do Thái, người ta sẽ thấy Abbas chẳng có chút cân lạng nào. Cho nên Netanyahu thắm thiết đối xử với Trump chẳng có gì lạ. Chẳng biết thực hư ra sao, nhưng tin loan đi cho rằng tất cả là do chàng con rể Jared Kushner sắp sếp.
Trước chuyến đi, đã có nhận định rằng chuyến đi là một cuộc “hành hương về nguồn” ba tôn giáo lớn, là Do Thái giáo, Hồi giáo và Thiên chúa giáo, để giải quyết vấn đề hòa bình Trung đông nói chung và Do Thái với Palestine nói riêng, trên tinh thần quan tâm đến yếu tố tôn giáo của người dân thường. Bởi vì sự không quan tâm đến chuyện tôn giáo đã là lý do khiếncuộc điều đình tìm hòa bình Palestine Do Thái thất bại sau khi có thỏa ước Oslo cách đây hơn chục năm. Nhưng nay, sau chặng chót ở Vatican của chuyến đi gọi là “hành hương” này, xem xét tất cả các tin tức, người ta thấy rõ ràng nhận định này chỉ là thêu dệt vẽ vời. Ông Trump đã đến những nơi này không với tinh thần vì tôn giáo, mà vì chính trị, chí gặp các nhân vật chính trị đạo. Nhìn trở lại cuộc gặp gỡ Netanyahu với Abbas, người ta dư biết chính sách giúp tìm hòa bình Do Thái Palestine mà ông Trump nói chẳng khác gì chinh sách Hoa kỳ trước đây, nghĩa là nói miệng nghe qua rồi bỏ, để thực trạng tại chỗ quyết định mà kẻ mạnh là Do Thái có đồng minh Hoa kỳ luôn luôn đứng sau.
Giai đoạn tiếp theo của chuyến công du đầu tiên ở cương vị tổng thống của ông Đonald Trump không có gì đặc biệt. Bởi vì về căn bản đó chỉ là sự gặp gỡ giữa ông Trump và lãnh tụ các nước đồng minh G7 và khối NATO, mà sự gắn bó thời chiến tranh lạnh đã rệu rã mỏi mòn, vừa vì thực trạng kinh tế chính trị chủ quan mỗi nước đã thay đổi, vừa vì vai trò toàn cầu của hai nước Nga với Tầu cũng khác xa với giai đoạn ngay sau chấm dứt chiến tranh lạnh. Khác xa vì tiềm lực kinh tế chính trị Tầu đã lên ngang hàng với Mỹ và không dừng lại, do sự tiếp tay trực tiếp hay gián tiếp của Hoa kỳ cũng như Tây Âu, qua hợp tác kinh tế. Khác xa, vì tư thế chính trị của Nga đã đi lên đáng kể, do chủ trương quyết tâm tìm lại chỗ đứng cường quốc cho Nga của Putin từ mười mấy năm nay.
Tại cuộc họp Nato và G7, Chỉ có một điều các nước đều thống nhất với nhau là nhu cầu có nỗ lực chung đối với nạn khủng bố. Nhưng giải quyết như thế nào thì tùy thuộc ở khả năng tiền bạc chi ra, ở chính sách chính trị tôn giáo, cũng như sự trao đổi chia xẻ tin tức tình báo. Nhưng về chuyện tình báo thì một vụ khủng bố mới xẩy ra ở Manchester Anh quốc giết chết trên 20 người và làm bị thương một trăm người đã khiến truyền thông giòng chính khai thác tấn công ông Trump về khả năng bảo mật tin tức. Đầu đuôi là trên New York Times và Washington Post là hai lá cờ đầu của truyền thông giòng chính chống Trump đã truyền đi những tin và hình ảnh kể là loại tình báo chưa được phép loan đi. Khi ông Trump đến họp G7 thì truyền thông giòng chính đã loan tin rằng bà thủ tướng Anh Theresa May đã nêu vấn đề ra hỏi, và dọa rằng Anh quốc sẽ không trao đổi tin tình báo với Mỹ nữa! Thành công đâu chưa biết nhưng ông Trump trước mắt nhân dân Mỹ lại thêm một thành tích bất lực. Cũng may cho ông Trump là sau đó chỉ trong vòng nửa ngày thì tin từ Anh loan đi rằng sự trao đổi tin tức tình báo giữa Anh với Mỹ vẫn tiếp tục như xưa, vì “mối quan hệ này vô cùng quan trọng không bỏ được”.
Thành tích chuyến công du đầu tiên của ông Trump, truyền thông Mỹ tuy không làm tóm tắt nhấn mạnh, nhưng mà không phủ nhận được, là chuyện thu được 150 tỉ đô la bán võ khí và đầu tư vào Mỹ từ Saudi Arabia. Kết quả này không khó, mà nó chỉ là hệ quả tất nhiên của vị trí chư hầu Mỹ của Saudi Arabia, lo ngại trước sự đi lên của chế độ Iran đáng nể vì khả năng khoa học kỹ thuật và kinh tế cũng như tình trạng xã hội ổn định, dưới sự lãnh đạo của chế độ Hồi giáo Shiites. Đối lại, Saudi không có gì khác hơn là 15,000 con cháu gia đình triều đại Saudi bắt đầu từ giữa thập niên 1930’s, trong đó có 2,000 hoàng tử công chúa giầu có cầm quyền, và nhánh Hồi giáo Sunni thủ cựu cực đoan Wahhabism, mà phương cách sử trị đa số đám dân nghèo lạc hậu còn cưỡi lạc đà, là phương cách mà ISIS áp dụng!
Chuyến công du ngoại quốc đầu tiên của ông Trump sẽ chấm dứt cuối tuần này. Ông Trump sẽ trở lại Bạch cung, đối mặt hàng ngày với truyền thông giòng chính và những chính trị gia của cơ chế quyền lực chống ông liên tục từ khi ông thắng cử tới nay. Những chống đối này sẽ không có chiều hướng sút giảm. Bởi vì những điều có thể khai thác từ đầu vẫn còn nguyên. Đó là vấn đề điều tra có hay không có âm mưu giữa Nga và những người thân cận ông Trump để thắng cử sẽ không thể nhanh chóng chấm dứt, vì có không biết bào nhiêu là những tư ý chính trị đan chen. Vấn đề điều tra những giao thiệp giữa Jared Kushner và các đối tác Nga cũng như Vấn đề mâu thuẫn lợi ích công tư của những thành phần trong gia đình ông Trump. Vân vân.
Những thành phần mà ông Trump đem lợi ích tới cho họ nhờ vị trí cầm đầu hành pháp của ông sẽ bênh vực ông, tất nhiên, qua những nhân vật chính trị trong cơ chế quyền lực. Kết quả ra sao, chưa biết. Nhưng mà dù sao thì đây cũng là những điểm mà truyền thông và phe chính trị chống đối ông Trump có thể sử dụng khi cần phải “bẻ tay” ông để đạt kết quả cho những yêu cầu của họ.
Xem ra, làm tổng thống Hoa kỳ tuy oai thực, nhưng mà cũng không hẳn là thập phần sung sướng. Chỉ riêng một việc ông Donald Trump phải bỏ lối nói năng bặm trợn, và thái độ bất chấp của một ông chủ nhà giầu khi gặp Netanyahu và đức giáo hoàng là đủ thấy.
Lâm Phong.
Ngáy 26 tháng 5/2017