Nếu cứ theo rõi liên tục truyền thông giòng chính Hoa kỳ thì có thể nói rằng chuyến công du ngoại quốc đầu tiên của tổng thống Donald Trump chỉ là đi để mà đi, chứ chẳng có ý nghĩa gì, vì chẳng chờ mong bao nhiêu kết quả. Bởi lẽ ấn tượng tràn ngập nơi những người theo rõi là tổng thống Trump bị mất chức đến nơi, vì những điều sai trái ông đã phạm, mà nặng nề nhất là chuyện thông mưu với Nga để mà thắng cử, chưa kể đến tội tầy trời là phản quốc, qua những tiếp xúc này, như đã được tung ra trên truyền thông giòng chính. Nhẹ hơn chút nữa là Nga đã tự ý giúp ông thắng cử chứ không có sự điều đình của các cộng tác viên thân cận của ông hay từ chính ông. Nói là nhẹ hơn, vì sẽ không có lý do chính đáng để bãi chức ông. Nhưng mà vẫn hạ cái tư thế thắng cử của ông, theo như cáo giác của bà Hillary Clinton và các chính trị gia cũng như những tài phiệt đã đầu tư ủng hộ cho bà làm tổng thống từ cả chục năm nay và tốn phí cả tỷ đô la. Tóm lại là số phận ông Trump nằm trong kết quả những cuộc điều tra đang được khởi sự tiến hành.
Nếu cái ghế tổng thống của ông Trump thực sự là ở trong tình trạng trứng để đầu đẳng như vậy, thì chẳng ai, và đặc biệt là truyền thông giòng chính chẳng mất thì giờ mà nói đến chuyến công du đầu tiên ngoại quốc này làm gì, ngoài chuyện tiếp tục đánh ông sát ván. Còn ông Trump là người trong cuộc phải biết đầy đủ mọi chi tiết nguy hại hay không nguy hại cho ông để mà tính toán nên công du hay không. Bởi vì ông dư hiểu rằng ông sẽ được đối xử ra sao khi mà ông công du trên con đường mất chức. Chuyện Obama qua Tầu ở tư thế tổng thống vịt què phải ra cửa sau máy bay vì không có thang đủ cao đến cửa máy bay chưa mấy ai quên. Ngày thứ tư 17 tháng 5/2017, ông đã tuyên bố trong bài diễn văn bế mạc khóa huấn luyện của học viện phòng vệ duyên hải Mỹ về chuyến đi đầu tiên của ông ra ngoại quốc như sau“Tôisẽ củng cố những bang giao thân hữu cũ, và tìm những đối tác mới, nhưng mà là những đối tác cũng sẽ giúp chúng ta, chứ không phải là những đối tác chỉ lấy, lấy và lấy”. “Những đối tác giúp trả những điều chúng ta đang làm và tất cả những điều tốt chúng ta đang làm cho họ. Đó là điều mà nhiều người không quen như thế, và không thể quen như thế”. Với lời tuyên bố này, có thể hiểu rằng ông có hy vọng thành công trong chuyến đi sắp tới.
Liệu có hy vọng sẽ là như thế được không? Muốn thế ta hãy thử xét lịch trình chuyến đi. Nó bắt đầu ngày thứ sáu 19 tháng 5, kéo dài 8 ngày qua 5 nước. Đầu tiên là tới Saudi Arabia, gặp vua Salman ngày 20, nói chuyện tay đôi với hoàng thái tử, rồi phó thái tử, tức là những nhân vật lãnh đạo cao nhất, thảo luận về các vấn đề Trung đông. Ông đem theo một giao kèo võ khí 100 tỉ đô la. Nhiều thỏa ước sẽ được ký kết để theo như tiết lộ của cố vấn hội đồng an ninh quốc gia, tướng McMaster, “củng cố thêm nữa sự hợp tác an ninh và kinh tế hai nước”. Ngày kế sẽ có những cuộc họp song phương với 6 nước trong Hội đồng hợp tác vùng Vịnh, là những nước nhiều dầu hỏa nhất. Sẽ có một buổi ăn trưa với lãnh đạo trên 50 nước Hồi giáo, trong Liên minh chống khủng bố do Ả Rập Saudi lập ra, trong đó có tổng thống Sudan Omar al-Bashir bị kết án là tội phạm chiến tranh.
Ngày 22 ông Trump sẽ đến Do Thái. Gặp tổng thống Do Thái Reuven Rivlin. Đọc diễn văn khẳng định mối giao tình không dời đổi với đồng minh thân cận nhất là Do Thái” rồi gặp riêng thủ tướng Netanyahu. Nội dung thảo luận này không được tiết lộ, nhưng người ta biết là không thể không nói đến kết quả mấy ngày ở Saudi Arabia. Trong buổi họp này, ông Trump sẽ phải có thái độ đối với chính sách lập các vùng định cư của Do Thái, việc chuyển tòa đại sứ Mỹ tới Jerusalem, vấn đề Syria vân vân...Những rắc rối chính trị của ông Trump có giải quyết được hay không là tùy thuộc khá nhiều ở cuộc họp này.
Ngày 24 tháng 5, tổng thống Trump sẽ tới Vatican gặp giáo hoàng Francis. Đề tài thảo luận được cho biết là về vấn đề thay đổi khí hậu và di dân. Trong một phỏng vấn với đài ABC, đức giáo hoàng nói “tôi sẽ nói cho ông ta biết những điều tôi nghĩ và ông sẽ nói cho tôi nghe những điều ông nghĩ, và tôi không bao giờ nhận định về một người trước khi nghe người ấy nói”. Trong thời gian ở Rome, ông Trump sẽ gặp tổng thống Ý Sergio Mattarella và được bộ trưởng ngoại giao Tòa Thánh dẫn đi thăm tòa thánh.
Ngày 25, ông Trump đến nước Bỉ, gặp vua và thủ tướng Bỉ rồi đến trụ sở khối Liên hiệp Âu châu ở Brussels, gặp các lãnh đạo Liên Âu. Sẽ có buổi ăn trưa làm việc với tân tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Rồi cùng với bộ trưởng quốc phòng James Mattis đến họp và ăn tối với Liên minh Bắc Đại Tây Dương (NATO). Hai ngày sau cùng là 26 và 27 tổng thống Trump đến Ý, họp tại đảo Sicily với các nước G7, gồm thủ tướng Đức, Pháp, Anh, Gia nã đại, Ý và Nhật. Mục đích các nước là để tìm hiểu rõ ràng quan điểm của ông Trump về một số các vấn đề chung như là giao thương, khủng bố và di dân.
Nếu tính tầm quan trọng dựa trên thời gian thì rõ ràng là ông Trump coi mấy nước Ả Rập và Do Thái là bằng nếu không muốn nói là hơn các nước Âu châu và Vatican. Vì thế, đã có những diễn giải thêu dệt về chuyến đi trong hướng này. Coi đó là một cuộc “hành hương về nguồn”. Qua nhận định rằng ông Trump đã bắt đầu chuyến công du ngoại quốc đầu tiên sang mấy nước Hồi giáo, Do Thái giáo và Vatican là vì chú trọng đến chuyện giải quyết các vấn đề Trung đông dưới góc nhìn tôn giáo. Mà thỏa ước hòa bình Oslo Do Thái Palestine đã thất bại vì không để ý đến khía cạnh tôn giáo này. Và ca tụng rằng đó là cái thiên tài đến với quần chúng của ông Trump. Với giọng ngoại giao chung chung, đại diện Mỹ tại Liên hiệp quốc bà Nikkey Haley nói thông điệp của chuyến đi ông Trump là “kêu gọi thống nhất”.
Từ xa mà nói, khi không biết ông Trump có gì để trao cho thủ tướng Do Thái sau thời gian ở các nước Ả Rập, thì hơi quá sớm để ca tụng ông Trump như thế, và nghĩ rằng chuyến đi sẽ thành công. Tuy nhiên, một cách tổng quát, thì có thể nói rằng ông Trump sẽ công khai ủng hộ Do Thái 100%. Đây chẳng phải là chuyện bất ngờ, người ta có thể thấy như thế khi con rể ông được làm cố vấn tối cao trách nhiệm mọi lãnh vực, và nhóm nhân viên Goldman Sachs được goi là nhóm đảng viên Dân chủ phóng túng, giữ vai trò quan trọng trong Bạch cung. Ông Trump khó có thể được các nước Ả Rập theo Mỹ chấp nhận những nhượng bộ cụ thể lớn hơn mà ông Trump muốn cho Do Thái, thí dụ như dọn tòa đại sứ Mỹ về Jerusalem, chấp nhận chính sách sát nhập các khu định cư Do Thái ở miền Tây ngạn của Palestine, dầu họ có thể chi 100 tỷ đô la tiền dầu hỏa ra để mua võ khí Mỹ, như ông Trump tính, và xử dụng quân đội ở những lúc và những nơi được yêu cầu.
Với kết quả như thế, truyền thông giòng chính tin giả sẽ lơi tay xiết ông một chút, nhưng cả hệ thống cơ chế mà ông đã len vào được một góc vẫn chưa chấp nhận. Cái được thêu dệt gọi là thiên tài vận động quần chúng của ông Trump, và cái sức mạnh của vị trí cầm đầu hành pháp, cộng với cái kỹ thuật điều hành thành công một đại công ty tư bản liệu có giúp ông Trump vượt qua cơn sóng gió Putingate hay không chưa biết. Nhất là vì ngay kế ông lại có phó tổng thống Pence là người vốn trong cơ chế cho nên sẵn sàng được cơ chế chấp nhận thay thế ông.
Bác sĩ Trần Xuân Ninh
(ngày 19 tháng 4/2017)