Những tin tức về các cuộc biểu tình chống đối Donald Trump, cũng như những phê phán trên truyền thông Mỹ về các nhân vật, được chọn lựa vào nội các đang thành lập, hay là tình trạng lộn xộn nội bộ của ban tham mưu thân cận của tân tổng thống, được-cho-là-không-giống-ai, đang dần dần bớt tạo chú ý. Vì những chuyện ngồi lê đôi mách nếu có hấp dẫn thì nghe mãi cũng phát chán. Và cũng vì người dân Mỹ nói chung, là không quan tâm nhiều đến chính trị, mà đều bận rộn nhào đầu vào cái vòng tròn làm việc tối mắt vội vã, để còn nghỉ xả hơi dán mắt vào màn hình tivi hay điện toán giải trí
Thế nhưng mà may cho truyền thông là đã có vài sự kiện trong lãnh vực ngoại giao để mà có chuyện nói, thay đổi không khí.
Thứ nhất là Iran mới phóng một hỏa tiễn tầm xa liên lục địa. Chuyện chẳng có gì ghê gớm. Tướng Michael Flynn cố vấn hội đồng an ninh quốc gia của tổng thống Trump đã tuyên bố rằng “chính phủ Trump đã cảnh báo Iran”. Tuyên bố này chỉ là bình thường. Nhưng ông Trump đã mau chóng lên tiếng tiếp theo trên twitter, sỉ nhục Iran không biết ơn Mỹ đã cứu Iran khỏi xụp đổ. Ông viết rằng Iran đã được cảnh báo chính thức vì phóng hỏa tiễn. Lẽ ra phải biết ơn cái thỏa hiêp kinh khủng mà Mỹ đã cho họ. Và Iran đã bị sụp đổ và Mỹ đã đến cứu với cái thỏa hiệp 150 tỉ đô la. Phía Iran đã nhanh chóng đáp lễ. Cố vấn cao cấp của giáo chủ Khamenei đã nói rằng “Đây không phải là lần đầu tiên một người không có kinh nghiệm đe doạ Iran”. Thông tấn xã chính thức Fars của Iran viết rằng “chính phủ Mỹ sẽ hiểu rằng đe dọa Iran là vô ích”. Bỏ ra ngoài những phản ứng lời qua tiếng lại nặng cảm tính giữa ông Trump với các nhân vật trách nhiệm Iran có tính cách đốp chát nghe qua rồi bỏ, người ta có thể nhận thấy quan điểm của chinh phủ Trump là không hài lòng về thỏa ước hạt nhân gồm 5 nước Anh Pháp Mỹ Nga Tầu và Đức ký với Iran. Sự không hài lòng này được nêu ra trong tuyên bố của tướng Michael Flynn. Ông nói “Thay vì là biết ơn Hoa kỳ đã ký thỏa ước, Iran đã trở thành mạnh bạo hơn”. Quan điểm này là quan điểm của thủ tướng Netanyahu chống thỏa ước đến kỳ cùng, và của đảng Cộng hòa đã mời Netanyahu ra quốc hội đọc diễn văn chống lập trường của chinh phủ Obama.
Tuy rằng lập trường chống Iran và thỏa ước hạt nhân là như vậy, nhưng không chắc rằng chính phủ Trump có thể làm gì khác hơn là lời nói. Bởi vì thỏa ước này không phải chỉ một mình Hoa kỳ cầm đầu, mà là một thỏa ước Iran ký với 5 nước có quyền phủ quyết ở hội đồng bảo an Liên hiệp quốc. Số phận của nó sẽ do hội đồng bảo an Liên hiệp quốc định đoạt. Mà vị trí của Hoa kỳ tại hội đồng bảo an, cũng như trên thế giới, không còn có sức mạnh lấn áp quyết định như thời chiến tranh lạnh. Đó là lý do có những dư luận bảo thủ và Cộng hòa Mỹ, đặt vấn đề về sự tồn tại của Liên hiệp quốc.
Thứ hai là tin ông Trump nói chuyện điện thoại và cãi nhau với thủ tướng Úc Turnbull về thỏa hiệp tổng thống Obama ký với Úc, nhận sẽ cho sang Mỹ định cư 1250 người tị nạn Hồi giáo trong một trại giam Úc. Ông Trump đã cắt điện thoại sau 25 phút. Trưởng ban báo chí Bạch cung Sean Spicer đã phải giải thích rằng tổng thống “cực kỳ thất vọng” với thỏa ước ký bởi chính quyền trước, nhưng mà ông rất kính trọng thủ tướng và nhân dân Úc. Chính ông Trump sau đó đã phải nhận rằng sẽ thi hành thỏa ước đã ký. Ngoài ra thì tại buổi ăn sáng Cầu nguyện (National Prayer breakfast), ông Trump đã nói “khi nghe thấy những cuộc điện thoại cứng rắn của tôi thì đừng có sợ. Chúng ta phải cứng rắn. Đã đến lúc phải cứng rắn. Chúng ta đã bị lợi dụng bởi hầu như mọi nước trên thế giới. Chuyện này sẽ không xẩy ra nữa”. Sự nhắc đi nhắc lại quan điểm này của ông Trump cho thấy ông muốn lui về cái thế thủ nội bộ. Cứng rắn là cứng rắn với từng trường hợp, từng nước. Những tương quan ngoại giao của Hoa kỳ với các nước phần lớn sẽ mang tính song phương, hay giữa Hoa kỳ với một vài nhóm nước, chứ không còn mang tính toàn cầu như từ trước tới nay. Trong cái tương quan mới này thì so sánh sức lực, Hoa kỳ còn có thế mạnh,để chiếm phần hơn, với trách nhiệm giới hạn. Thí dụ như trong chuyện bắt Mễ Tây Cơ phải trả tiền xây bức tường biên giới. Khi tổng thống Nieto không chịu thì ông Trump quay sang đánh thuế 20% hàng nhập cảng từ Mễ đến gọi là đóng góp từ Mễ. Nhưng đó cũng là móc túi người tiêu thụ Mỹ và các hãng nhập cảng Mỹ.
Qua vài sự kiện thời sự kể trên, có thể kết luận rằng những phát biểu của ông Trump trên twitter không hẳn đó là những điều ông Trump sẽ làm, hay có thể làm được. Đó chỉ là những điều ông Trump phản ứng hay nghĩ, hay muốn làm, tại chỗ. Nó không có giá trị chiến lược hay chiến thuật khác hơn bao nhiêu, là lời rao đặt giá món hàng của một nhà buôn. Nhà buôn nào thì cũng đặt giá như thế. Cái khác của ông Trump chỉ là sự ồn ào, với ngôn từ thô lỗ bặm trợn nhưng lôi kéo, tương tự như lối đặt giá và trả giá của những người lái trâu lái bò ở các phiên chợ huyện trong làng thôn miền Bắc Việt nam ngày xưa, nửa đầu thế kỳ thứ 20.
Lâm Phong
Ngày 3 tháng 2/2017