Tối qua trên đường đi làm về thì tôi nhận được lời nhắn: “Mấy lâu ni Anh bế quan tỏa cảng có chiêm nghiệm gì cho cuộc sống thêm niềm vui không ạ. Người đi cũng đã đi rồi, Anh cứ sầu bi như vậy Anh Dũng không dứt áo được, ngày nào khi thắp hương, em cũng đều khấn nguyện Anh Dũng về với Phật, Anh đừng có ơi hời để công em thành công cốc (vì Anh D định bước vô cửa thì Anh lại lôi về). Anh ơi, em tưởng người ta chỉ gặm nhắm niềm vui, gặm nhắm kẹo ngọt chứ mắc mớ chi mà đi gặm nhắm nỗi buồn, Anh đừng có phung phí thời gian của cuộc đời mình trong sự muộn phiền (mượn ý của NS Vũ Thành An)”
lời nhắn khiến tôi cầm lòng không đậu.
Bài viết này đã được hình thành vào giữa tháng 11 và định ra mắt quí bà con cô bác, nhưng phải đình lại vì sự ra đi đột ngột của một người bạn thân. Mãi đến hôm nay mới có can đảm phóng đi. Vì muốn giữ nguyên vẹn tâm tình của những ngày tháng cũ nên xin để nguyên bài viết không thêm không bớt khi nỗi buồn chưa ập đến.
Về những người bạn
*Sáng ta thức dậy thấy nháy hoài con mắt trái.
Chắc có niềm vui vừa đậu trên mi.
*(Hạt bụi nào bay qua – thơ Thái Tú Hạp)
Niềm vui nào thế? Xin được kể từ từ.
Sau ngày “xảy đàn tai nghé” tháng 4/75 gia đình tôi bị phân chia tứ tán, ở Nhật, ở Việt Nam, ở Úc, ở Mỹ chỉ gặp nhau khi có chuyện “quan hôn tương tế”. Tôi vừa sợ vừa mừng mỗi khi hội ngộ. Tháng 8 năm nay, trong một buổi hội ngộ “mini”, vợ của đứa cháu ruột (con của một cô em gái) cũng đang sống ở Nhật nhưng chưa một lần gặp mặt, dẫn thằng con mới 2 tuổi đến chào: “Con chào “ôn” đi con”, được một lúc tôi lại nghe cô nói với chồng: “Thôi “chệt” (chết) quên rồi anh ui, em đã noái rùi. Răng rứa?”.... Tôi rất bất ngờ và thú vị với giọng “Huế” 100% mà lâu lắm mới được nghe. Rồi cũng từ đó, Trời xui đất khiến? cái duyên với “tiếng Huế” bắt trớn làm tôi miên man kể về từng chuyện một, từng người một, những người tôi mới quen và đã quen, những người đã hết lòng khuyến khích khiến tôi “sống lại” sau 3 năm im tiếng. Arigatou gozaimashita. Tôi bắt đầu từ....
Miền Trung vọng tiếng... sông Hương
- Tôi có 2 “thằng” em, một “thằng” đang làm “phó trùm lăng xăng” ở Nhật, một “thằng” đang làm “ông trùm một họ đạo” ở Việt Nam, lẽ dĩ nhiên cả 2 đều có nghề riêng kiếm sống, nhưng tôi thấy 2 tên này hình như cứ làm chuyện “ăn cơm nhà vác ngà voi”, rủ nhau họp bè, họp bạn, văn nghệ, văn gừng, rủ nhau đi giúp người hoạn nạn.... suốt bốn mùa lá đổ, hơn hẳn tôi cứ suốt ngày “lấy bóng mình trên tường làm bạn”.. Mà cũng nhờ thế lại biết được một tiếng hát ở Việt Nam, thú thật tiếng hát làm tôi “há hốc”, “não lòng”, người ta gọi cô này là ca sĩ, nhưng tôi thì nhất định không, vì ca sĩ là một nghề chuyên nghiệp kiếm tiền, cô này chỉ cất tiếng hát để giúp vui, để giúp cho những người không may trong cuộc sống, cô hát giọng Bắc rất chuẩn, tôi có hỏi và cô tâm sự qua FB: “hồi nhỏ em sống ở cạnh nhà người Bắc vì em là”:
*Con gái Huế, hương cố đô gửi lại
Một chút duyên, một chút nhớ mong manh
Giữa đất trời thêm một nét trong lành
Thêm man mác, hồn sông Hương núi Ngự
Và mời các bạn thưởng thức tiếng hát của cô:
Em đến thăm anh đêm 30
https://www.youtube.com/watch?v=9l0JIEFDNSc
- Năm kia thì phải, khi còn “ở ẩn”, trong một trao đổi về “biển sạch, cá sạch cho dân” qua chung cư “Phây” (FB), tôi có vài ý kiến thì có một cô em viết cho tôi vài chữ. Tôi cũng chỉ ấm ớ trả lời cho qua chuyện, nhưng từ từ thì biết cô này là “thứ thiệt”, cô quan tâm đến chuyện đất nước đang bị hiểm nguy, cô gửi cho tôi những tin nóng hổi về việc đồng bào mình bị “tụi nó” đánh.... cô khích động tôi, khiến tôi cầm lòng không đậu. Cho đến một ngày, được nói chuyện trực tiếp với cô, mới biết cô là:
*Con gái Huế.... buồn buồn nói giọng Huế
Không khéo mà họ chạy thấu bên.... tê.
Rứa, răng, nói chi mà đến lạ
Họ nghe tròn mắt.... chộ chưa tề.
- Tôi có một đàn anh, học trên mình 6 năm đang ở Úc, anh là một người hiểu rộng và phân tích mọi chuyện rất tới nơi tới chốn. Anh thấy tôi “sống” lại, anh viết cho tôi “lâu lắm mới thấy chàng xuất hiện với lối văn vẫn còn dí dỏm, dễ hiểu, mong tiếp tục”. Anh có cái tên bắt đầu từ hai chữ “Tôn Thất....”
- Ở Nhật có cộng đoàn công giáo mà chủ chiên là cha Nguyễn Hữu Hiến, tôi “trốn” và không dám gặp cha khá lâu, dù là dân đạo gốc, ít khi đến nhà thờ vì sợ bị cha “mắng”, cũng không chịu “góp bài” cho tờ Phụng Vụ Lời Chúa mà cha là chủ biên như mấy năm trước. Nhưng qua những “khích tướng” của một cô gái gốc miền Tây từng là “xướng ngôn viên” đầu tiên của đài FM Cocolo Osaka人気 (nổi tiếng) nhất Kansai), của vài ông bạn vốn là độc giả trung thành của PVLC, trong đó có một ông gốc Huế chỉ nói một chữ: “Tiếc...”, còn một ông gốc Nha Trang vừa quen trên “chung cư Phây” nhắc khéo: “Tôi vừa gặp cha Hiến, tôi hỏi: dạo này sao không có bài của anh Khuê, cha... cười”.
Nhắc nhở này khiến tôi “nhột” và cố gắng gửi cho cha một vài cảm nghĩ. Cha nhận được, ngạc nhiên và nói “Cám ơn Chúa”, giống y hệt 15 năm trước khi tôi ỉ ôi xin cha bài viết cho tờ báo cộng đồng mà mình đang phụ trách. Cha sinh ở miền Trung và xuất thân từ giáo phận Huế.
- Cách đây khoảng 1 tháng, trong diễn đàn của một nhóm cựu sinh viên du học tại Nhật, một ông bạn sống ở Canada gốc Bình Định, ông này là admin của nhóm, tính tình thẳng đuột, rất rành chuyện computer để chỉ dẫn cho những người “Hai Lúa”, có mail hỏi thăm “chung chung” về cách chữa trị một chứng bệnh nan y mà chỉ có thể chữa lành ở Nhật, nhớ lại mình đã có một bài viết về bệnh này và có biết chút chút thông tin. Tôi trả lời, trao qua đổi lại thì quen 2 người bạn.
Một bạn gốc Huế rặc, “tán” về Huế, mưa Huế đọc nghe rét run, thấm ơi là thấm.
Nhớ lại mùa mưa xứ Huế thật là chán "mưa dầm dề, mưa thúi đất thúi đai" thế mà hồi tưởng: những năm tháng còn đi học Khải Định hồi đó chưa có chiếc áo mưa, và chưa có xe đạp để đi, chỉ biết lội bộ mang cái "tơi cá", mưa tác phía nào thì xoay tơi qua phía ấy để khỏi lạnh và ướt, có lẽ nhiều bạn không biết cái áo mưa này, (gọi là cái tơi, có hai loại tơi cá và tơi đọt), tơi cá lá to dày mang vào mà đi bộ phía sau cọ vào chân đến chảy máu, tơi đọt thì lá nhỏ như lá tre nên sang hơn) ...
Bạn này nghe nói cũng là hoa khôi Đồng Khánh năm xưa.
- Còn một bạn tuy hơn mình đến...tuổi, nhưng tôi khoái vì bạn rất chân chất: Ngày xưa, phải “làm việc đồng áng” nhiều, không được đi học, mãi khi “lớn tồng ngồng” mới được ngồi ghế nhà trường, học cùng lớp với toàn là “muội” hay “đệ” nên cứ được gọi ... sư tỷ, đại tỷ. Bạn từng là học trò, là cô giáo ngay trường bạn học. Bạn làm thơ nghe quá đã.
Em hỏi ta sao không làm thơ nữa
Từ lâu rồi, ta quên chuyện văn chương
Từ lâu rồi, ta khép cửa thiên đường
Thơ lạc lối khi hồn ta vỡ mộng
-----------------------------
Em hỏi ta sao cứ hoài da diết
Về một ngôi trường nay đã thay tên
Những học trò cũ, người còn, người mất
Tản mạn trong ta nỗi nhức nhối vô cùng.
Tuổi tác hơi chênh lệch nhưng tụi tôi vẫn mình mình tớ tớ. Bạn này quê mẹ ở Bình Định, và quê cha thì ở Huế.
- Một ông bạn, chuyên tâm vào sinh hoạt của nhóm cựu sinh viên đã từng sống ở Nhật, ông bỏ thì giờ làm hẳn một trang web để cuối tuần có dịp tụi tôi tìm lại hương xưa. Lâu quá không thấy tôi, ông này “shimpai” (lo lắng): Khuê có sao không mà dạo này im tiếng?” Ông là dân xứ Quảng nhưng lại “sống chung và rất hòa mình” với.... dân shoyu (nước tương của Nhật) và dân.... Cà Ri Nị.
-----------------------------
*Trích từ bài thơ không biết tác giả là ai vừa nhận được từ một .... cô nguyên là hoa khôi Đồng Khánh.
----------------------------
Miền Nam có nắng... thanh bình
- Tôi có một thằng bạn học cùng lớp đang ở Mỹ, uống nhiều hơn nói, mấy năm trước gặp nhau, sau một đêm ngất ngư với nó vì men.... lúa mạch, nó hối: tôi giả lơ, nó thúc: tôi quay chỗ khác và lúc nào cũng khuyên: “mày đừng bỏ nghề...”. Thằng này có cái hay là “tóm tắt”, một bài dài chỉ cần đọc vài dòng của nó giới thiệu là có thể nắm vững toàn bài. Nó là người đầu tiên “đánh điện chúc mừng” tôi khi thấy tôi viết lại, nó thòng thêm: “Máy trong người mày bắt đầu chạy lại”. Tên này gốc Mỹ Tho.
- 3 năm trước, tôi gặp lại một ông bạn học trên tôi một năm.... trên net, ông là dân Nhật “trên giấy tờ” giống như tôi, Tôi nghe và biết ông này qua một thằng bạn “Bắc Kỳ” và ngược lại, cũng đã gần 42 năm. Ông đã sống và có thời gian làm việc tại Việt Nam. Ông về lại Nhật và ông hiểu rất rõ những gian manh của chế độ, ông luôn “cảnh giác” mọi người “Đừng nghe những gì tụi nó nói....”. Nghe nói là trước khi xuất dương du học, ông “đăng lính”, nhưng “mộng không thành”. Ông rành về binh chủng mũ xanh “Thủy Quân Lục Chiến” lắm, ông kể vanh vách tên từng tiểu đoàn, nào là “Quái Điểu”, “Trâu Điên”, “Thần ưng”, “Ó biển” v.v... Ông có bà vợ học cùng lớp với mẹ cháu nhà tôi. Biết nhau, quen nhau nhưng chưa một lần gặp mặt dù chỉ cách nhau khoảng 2 giờ xe điện. Hôm tôi viết lại, ông là người đầu tiên đánh cho tôi vài chữ “tsugoi ne” (Hết xảy). Ông là dân xứ Nam mà cứ ngỡ là dân xứ Bắc.
- Tôi có quen thân với gia đình một người bạn, ông chồng học trên tôi 2 lớp, bà vợ thì là “đệ tử” trong ban văn nghệ của tôi lúc bà còn ở Nhật. Ông bà đang là chủ nhiệm một tuần báo lớn “nhất nhì” chỗ ông đang ở. Lúc sang Mỹ du xuân, tôi bị dụ: “dziết bài”. Tôi OK, nhưng chỉ vài lần thì tôi bặt tăm, bà vợ lâu lâu cứ: “Anh dziết đi, anh không “dziết” anh sẽ buồn lắm”. Sau 3 năm, tôi gửi bà vài dòng, bà “chả lời”: “Anh thấy hôn, ai cũng dzui khi anh dziết lại, mà hỏi thiệt anh có dzui không”. Chả lẽ nói buồn, nhưng lại phải.... dính thêm cái nợ. Tuy nhiên dính vào cái nợ này thì vui sướng hơn nhiều cái “nợ tình, nợ bạc”. Ông chồng người Qui Nhơn, con trai “cưng” của bà chủ khách sạn Thanh Bình mà mọi người quen gọi là “Lầu Bà Đệ”, còn vợ thì sinh và lớn lên ở “một thành phô đã bị đổi tên”.
- Khoảng năm 1974, tôi gặp một bạn nữ trong một sinh hoạt chung của nhóm sinh viên, bạn hay tham gia những chương trình văn nghệ mà tôi tổ chức, bạn là người trầm lặng, nhưng trong bạn là cả một kho tàng, bạn vẫn thường cung cấp cho tụi tôi những điều gì mà mình chưa bao giờ nghe qua. Bạn luôn khuyến khích tôi “xuống núi”. Bạn là người mang hai giòng máu Nhật-Việt, bạn nói tiếng Nam 120%.
- Một tên bạn học cùng năm khác trường, tôi học Yokohama, nó học Gunma, cách nhau cả 3 giờ xe điện, nhưng bây giờ định cư ở Mỹ. Hôm đọc bài “Tâm tình về phở”, hắn kể: sáng sớm mới 6 giờ, thấy bài của mày, tao trùm chăn cho bớt lạnh chân rồi đọc một mạch, và còn bồi thêm một cú khiến tôi “chạnh lòng”: "Sao mày nhát thế, không viết thêm? "Hết rồi sao? Tên này đã “được” tôi đàn cho hát một bài nhạc Nhật hôm tiệc tân niên bên SanJose, CA 3 năm trước. Nó cũng là dân Nam rặc.
Miền Bắc âm u.... mưa phùn rơi
- May quá lại gặp một tên bạn đỡ đạn: Bác Khuê ơi tiếp tục thêm nhé, nhưng nhớ đừng "tuôn" ra hết, lâu lâu làm một trang để có truyện đọc chứ viết hết một lúc đọc xong thèm không còn để đọc nữa thì hơi buồn ... Tên này là Bắc Kỳ gốc “không đội trời chung” với tụi nó, người nhỏ con nhưng lúc vào sân bóng thì chạy còn hơn con ngựa. Hắn đang sống ở Paris.
- Một thằng bạn nữa cũng sống ở ngoại ô Paris, tôi nhớ thằng này nhiều vì tôi khóc khi nghe nó kể bố nó là một sĩ quan nhảy dù đã hy sinh trong một lần đụng độ với “tụi nó”. Đang trên đường đi làm thì nó đọc bài viết của tôi và nó nói: Tao thèm ăn phở. Thằng này là Bắc Kỳ 9 nút.
- Tôi có một ông đàn anh, trên tôi 2 lớp đang định cư tại Úc. Tôi và ông này sống cùng một cư xá sinh viên, tôi ở tầng dưới, ông ở tầng trên. Sau tháng 4/75, tụi tôi sống “xả láng” vì nghĩ đã mất hết, lấy đêm làm ngày, volume mở hết cỡ. Một hôm, lúc 2 giờ sáng nghe tiếng gõ cửa, mở cửa ra thì thấy ông với sắc mặt khá ngầu, không nói không năng lặng lẽ đưa tôi một mảnh giấy:
cu li khổ mãi khổ hoài
làm ơn cho ngủ để mai đi làm
và rồi bỏ đi một mạch. Dạo gần đây, ông “dở chứng” vì ông rất “bức xúc” với loại tiếng Việt hiện đại, ông viết mail và “bắt” tôi góp ý. Tôi đành phải chiều theo và đó cũng là cái trớn khiến cho tôi.... Ông này thì khỏi nói gốc Bắc 120%
- Một bà chị học trên tôi vài năm, bà lập một trang nhà chuyên về “Phật Pháp”, nhưng lại đăng những lẩm cẩm của tôi. Hôm đọc bài tôi gửi, bà mừng tôi trở lại và góp ý: “nơi nào có mỹ nhân thì nơi đó ồn ào”. Thế là được thể tôi tuôn ra... như sấm. Bà chị này cũng là dân xứ Hà Thành.
- Cũng phải kể thêm, tôi có một người bạn chỉ nhỏ hơn tôi một tí, gọi tôi là anh T. Bạn đẹp lắm, bạn cương quyết lắm, lòng lúc nào thẳng tắp: “ai chao đảo, nhưng lòng mình không chao đảo”, bạn quyết tâm theo đuổi đến tận cùng công cuộc đấu tranh cho đất nước, và cũng là người đã “động viên” tôi trong thời gian tôi im lặng. Bạn sinh ở Kiến An, Bắc Việt, nói chuyện với tôi thì lẽ dĩ nhiên bằng tiếng Bắc, nhưng bạn có thể nói tiếng Nam khi gặp trúng “đối tượng”.
- Cuối cùng là một người hay “vấn kế” cho tôi khi tôi “bí” đề tài là mẹ cháu, cũng là.... boss của tôi và thường là người tôi nhờ check lại lần cuối các bài viết của mình, xem có trống đánh xuôi kèn thổi ngược. Khi bố mẹ tôi còn sống, mẹ cháu cứ nói chuyện với bố mẹ tôi bằng.... tiếng Bắc. Nghe giống lắm. Bây giờ ở trong nhà thì mẹ cháu nói chuyện với con tôi bằng nửa tiếng Nhật nửa tiếng Việt, và con tôi cũng trả lời bằng tiếng Nhật lai.... Việt ú a ú ớ. Mẹ cháu sinh ở Phước Long và lớn lên ở “một thành phố đã bị mất tên”.
“Ngồi bên anh có em ngoan tóc lả
Giọng Nam Kỳ pha chút Bắc duyên duyên”. Quá đã luôn.
Dông dài như vậy để “minh chứng” rằng: lý do khiến tôi “hồi sinh” là tôi may mắn gặp khá nhiều cơ duyên với
“Ba chị em là ba miền
Nhưng tình thương đã nối liền.....
Gặp nhau bên trời biển Đông thắm duyên
Hẹn nhau.
Pha hòa sóng lan bốn phương trời,
đem tự do tranh đấu bao người, cho quê hương ấm no muôn đời”
(Hội Trùng Dương – Phạm Đình Chương)
https://www.youtube.com/watch?v=GN6ncIo94-0
Vui dễ sợ chưa...tề! Muốn kể lể thêm nữa nhưng đã tới giờ.... “gà phải vào chuồng”. Khi “điều kiện cho phép” sẽ xin tiếp tục nói về .... những “người đi qua đời tôi”.
Đôi hàng lẩm cẩm tôi viết cho chính tôi. Xin ngàn lần thông cảm.
Sayonara
Vũ Đăng Khuê