Giọng nói, tiếng nói Huế (Ngọc Lan)

nui-ngu-binh3.jpg

Huế! một địa danh vừa ngắn gọn, vừa thân thương.

Nói đến Huế, người ta sẽ liên tưởng đến một thành phố xa xôi với những ngày hè nắng chang chang thiêu đốt thịt da; những ngày đông mưa dầm dề, trắng trời thối đất; mưa rã rời, dai dẳng với cái lạnh cắt da.

Huế với điệu hò câu hát não nùng, buồn rười rượi, những khúc Nam Ai, Nam Bình, Hành Vân, Lưu Thủy, Tương Tư.. bềnh bồng trên sông nước khi chiều xuống, lúc đêm về.

Huế với dòng Hương Giang ‘ngọc tan thành nước’; với đỉnh Ngự ngỡ ngàng mây trắng thông reo; với lăng tẩm đến đài âm thầm cổ kính, với hoàng cung ‘năm thức mây phong nếp áo chầu’; với áo tía lọng vàng; với lầu son, gác phượng…

Huế với những món ăn thanh đạm, đậm đà mang nặng tình quê hương bát ngát…

Huế thật quyến rũ, thật đặc biệt, và rất chi là Huế.

Nhưng nổi bật và đặc thù hơn hết trong những thứ rất Huế, đó là: tiếng nói Huế.

 

Tiếng nói Huế làm nhiều chàng trai tương tư, “ngớ ngẩn một trời thơ bay” và suốt đời chỉ mong đợi một phút giây nghe em nói:

Nghe em nói tự bao giờ,

Bao giờ chừ vẫn ngẩn ngơ lạ kỳ

Em ơi, giọng Huế có chi

Mà trong hoa nắng thầm thì cơn mưa

Nghe hoài nghe mãi chưa bưa,

Anh thương, thương quá tiếng xưa vọng về

.. .. .. .. .. .. .. .. .. ..

Nhiều khi như lạ như quen

Giữa mênh mông đọng giọt em ngọt ngào

.. .. .. .. .. .. .. .. .. .. .

Xanh trong như tiếng chim chuyền

Nhìn em mái tóc che nghiêng mắt cười

Suốt đời giây phút này thôi

Lắng nghe em nói, một trời thơ bay

(Một Trời Thơ Bay, Lê Nhược Thủy)

Tiếng Huế nói ra rất lạ tai với những từ: chi, mô, răng, rứa, tê, chừ, ni, nớ, hỉ, hả… và giọng nói Huế cũng rất khó nghe, dễ gây bối rối ở những người bạn đồng hương Việt Nam từ các tỉnh thành khác. Có thể vì vậy mà chàng Lê Nhược Thủy này sinh ra ngớ ngẩn rồi tương tư cô nàng? Hay vì cô em quá đẹp đã hớp hồn chàng? Nhưng có lẽ Lê Nhược Thủy phải là một chàng trai Huế ‘chính hiệu con nai’ mới hiểu được nàng nói, rồi cảm thông, rồi say men tình…

Nhà văn Thanh Nam, người bạn đời của nhà văn Túy Hồng đã nhận xét và phát biểu cảm nghĩ về tiếng Huế như sau:

‘Người Huế nói chuyện với nhau bằng ‘ngoại ngữ Huế’. Người Nam, người Bắc chỉ đứng ở ngoài mà nghe, không làm sao chen vào được một câu’(Túy Hồng: Áo Rộng Khăn Vành, Tiếng Sông Hương, 1990)

Mới nghe qua tưởng như chuyện khôi hài đùa cợt; nhưng qua kinh nghiệm thực tế, qua giao tiếp, ý kiến trên không phải là không có lý. Chúng ta thử đọc qua bài:

Rứa Răng                                            (Ghi chú)

Đời là rứa hay là răng rứa hí

Rứa răng đời không một chút vui tươi.

Thấy răng răng nên đôi lúc mỉm cười.

Vì rứa rứa nên dường như muốn khóc

Câm lặng rồi, rứa răng cứ mời mọc.

Có nói nhiều răng rứa cũng như ri

Mà răng răng, rứa rứa có ích chi

Rứa răng, răng rứa hỡi người đà chán lắm

Có nhiều lúc hỏi răng mà như rứa

Đành trả lời như rứa chứ mần răng

(Đời là thế, hay là sao thế nhỉ)

(Thế sao đời không một chút vui tươi)

(Thấy sao sao nên đôi lúc mỉm cười)

(Vì thế đấy nên dường như muốn khóc)

(Câm lặng rồi, thế sao cứ mời mọc)

(Có nói nhiều, sao thế cũng thế thôi)

(Mà sao sao, thế thế có ích chi)

(Thế sao, sao thế… )

(Có nhiều lúc hỏi sao mà như thế)

(Đành trả lời như thế, chứ làm sao)

(Vô Danh,                                                             ĐVP ‘chuyển ngữ’)

Hue5.jpg

Nếu không phải là dân Huế thì khó lòng hiểu nổi bài thơ, hoặc câu chuyện giữa một đôi bạn trẻ người Huế:

Ghét tui không?

Ghét mà cho ri!

Cho chi mô?

Ầu, răng rứa?

Có chi mô nà.

Ấy, làm răng chừ?

Không răng mô!

Răng răng?

Răng thì rứa.

Đối với những người khác xứ, câu đối đáp trên có vẻ bâng quơ, bí ẩn, không đâu vào đâu cả. Nhưng với dân Huế, họ có thể hiểu ngay là câu chuyện gay cấn giữa hai người trẻ tuổi với nhau, hứa hẹn nhiều sôi nổi.

Người Huế khi nói chuyện với nhau dùng rất ít chữ, câu nói ngắn, gọn mà hàm súc ý. Với họ, việc diễn tả ý tưởng của mình bằng một vài chữ sơ sài là một chuyện quá dễ dàng, như chuyện cơm bữa. Người Huế nói ít mà hiểu nhiều. Người Huế dùng những từ đặc biệt rất Huế, của riêng Huế để nói chuyện với nhau. Những từ này kết hợp, móc nối khác nhau để trở nên dồi dào phong phú đủ để họ trao đổi các ý nghĩ riêng tư.

Hai câu thơ:

Nghiêng nghiêng hoài chiếc nón

Hỏi mãi cứ làm thinh

Cho thấy rõ một nét đặc điểm của cô gái Huế.

Túy Hồng, nhà văn nữ của Huế cũng đã nhận xét:

‘Giọng Huế không phải là giọng nói trước đám đông, mà chỉ có thể là giọng nói trong phòng khách.. .’

Ở đây dằng dặc những ngày mưa

Bông sứ trầm tư lặng cổng chùa

Có một dòng sông trôi chẳng nỡ

Có người con gái: ‘Dạ, xin thưa.. .’

(Nét Huế – Xuân Hoàng)

‘Giọng Huế khó nghe, tiếng Huế khó hiểu, có thể xem như một ‘ngoại ngữ’’

(Võ Hương An, Tiếng Sông Hương, 1994, trang 86)

Theo giáo sư Lê Văn Lân trong bài ‘Tiếng Huế Trong Nhóm Thổ Âm Miền Bắc Trung Việt’ (Nhớ Huế, số 9) thì tiếng Huế chỉ là một trong nhiều thổ âm đặc biệt của ta. Theo ông, có thể thổ ngơi thường quyết định sự khác biệt về thể chất, tính khí  của các dân tộc. Chẳng hạn Lê Quý Đôn trong ‘Vân Đài Loại Ngữ’ đã trích dẫn một đoạn văn trong sách Hoài Nam Tử của Lưu An đời Hán: ‘Khí núi sinh nhiều con trai, khí đầm sinh nhiều con gái; khí nước sinh nhiều người câm, khí gió sinh nhiều người điếc. Khí rừng sinh nhiều người yếu ớt, khí cây sinh nhiều người còng, khí đá sinh nhiều người khỏe…’ và đặc biệt sách trên ghi: ‘Ở nơi nước trong thì tiếng nhỏ, ở nơi nước đục thì tiếng thô.’

Thật ra ảnh hưởng của môi trường sinh thái trên các cá thể. Ngày nay khoa học cũng đã khám phá ra nhiều dữ kiện khả dĩ giải thích một phần nào, nhưng vẫn chưa hoàn toàn đúng hẳn.

Còn tiếng nói thì người mình vẫn cho là do nước uống mà ra.

Trong cuốn Đại Nam Nhất Thống Chí, khi nói về tỉnh Nam Định, vùng giáp biển Mộ Trạch, có đoạn: ‘Mộ Trạch có tập tục quê mùa, giọng nói ngọng nghịu. Người ta gọi là tiếng nói đường biển… Ở đây ít có kẻ sĩ danh tiếng và thành đạt. Ấy là do phong thổ mà nên vậy.’

songhuongnuingu.jpg

Một tài liệu viết về thổ âm xứ Huế lại cho rằng dòng sông Hương có ảnh hưởng đến giọng nói Huế. Và bởi vì dòng sông Hương chảy qua lòng thành phố Huế, nên người Huế rất sâu sắc, thâm trầm:

Con sông dùng dằng, con sông không chảy

Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu

(Tạm Biệt Huế, Thu Bồn)

Linh mục Leopol Cadiere qua hai bài khảo cứu Phonetic: Dialec du Haut Annam và Dialec du Bas Annam đã nhận xét tiếng Huế là một trong những thổ âm miền bắc Trung Việt. Theo ông, căn cứ trên sự phân hoạch về dân cư và thổ âm Trung Việt, người ta chia ra ba địa khu: Thanh Nghệ Tĩnh – Bình Trị Thiên – Nam Ngãi Phú Khánh.

Thổ âm Bình Trị Thiên đương nhiên phải bắt nguồn từ vùng Thanh Nghệ Tĩnh cùng dùng chung những từ Mô, Tê, Răng, Rứa… như trong bài hát dặm Nghệ Tĩnh

Đi mô cũng nhớ về Hà Tịnh.

hoặc:

Trời làm trộ (trận) mưa giông

Trời làm hai trộ mưa giông

Nước chảy băng đồng, băng hói, băng sông

Bài thơ sau đây của một thầy đồ người Quảng Bình có những chữ thường gặp ở vùng quê Bình Trị Thiên:

Con Voi

Con chi to nậy tắng hai thừng

(to lớn, trắng hai sừng)

Cấy mụi lòn thòn tọt dưới chưn

(cái mũi long thong tuốt dưới chân)

Một vạt da đen thui, thủi thụi (vạt = đám)

Bốn đùi chưn cứng nững nừng nưng

(Chưn = chân)

Vấn đề kề cận địa lý càng có nhiều sự giống nhau hơn .

Bài Hò Cuốn phát xuất từ miền núi Mai, sông Thạch Hãn cũng có nhiều từ thổ âm của Thừa Thiên:

Khoai to vồn thì tốt cộ (củ)

Đậu ba lá cũng vừa um

Gà mất mẹ thì lâu khun (khôn)

Gái thiếu trai thì thậm khổ (rất khổ)

(Mà) Trai thiếu gái cũng thậm khổ

Trời sinh voi thì sinh cỏ

Trời sinh giếng thì sinh mo

Trời sinh sông thì trời sinh đò

Trời sinh o thì sinh tui (o= cô, tui = tôi)

O một mình thì không đặng

Gió dưới biển (hắn) dồn vô

Mây trên trời (hắn) cuốn lại.

O với tui cùng cuốn lại.

Tui với o cùng cuốn lại.

Người Huế chịu ảnh hưởng thổ âm vùng Bình Trị Thiên, nhưng giọng Huế lại nhẹ nhàng thanh tao hơn; có lẽ do ảnh hưởng của dòng Hương Giang thơ mộng, dòng sông ‘ngọc tan thành nước’ chăng?

Dạ thưa xứ Huế bây giờ

Vẫn còn núi Ngự bên bờ sông Hương

(Bùi Giáng)

Thường thường các thổ âm chỉ được nói ở các vùng quê, xa nơi thành phố. Kinh đô Huế là một trung tâm văn hóa quan trọng – nơi giao lưu của nhiều dòng văn hóa tư tưởng – như Hà Nội, Sài Gòn, nên việc dùng các thổ âm cũng dần dàmất đi.

Bài thơ sau đây tuy không dùng nhiều thổ ngữ Huế, nhưng lại có giọng thơ đặc sệt Huế .

Trong gánh vương tư (tơ) những vật gì?

Dây hồng lá đỏ đó chớ chi!

Hãy còn bợ ngợ sương (mang, gánh) không nổi

Sao lại lần đân (Lần khân, dây dưa) chẳng vất đi?

San sẻ không nhờ cân tạo hóa

Nặng nề thêm mãi khối tình si

Hỏi ai là bạn thương mình đó

Xin hãy xê vai rớt (chia sớt) chút ni!

Một giả thuyết khác lại cho rằng người Việt trên bước đường Nam Tiến, tiếp xúc với Chiêm Thành, Chân Lạp, Cao Mên, Thái Lan… có thể theo nhu cầu, người dân xứ Huế đã sáng tạo cho mình và vay mượn của người để có những chữ ngắn gọn, giản dị dễ hiểu rất cần thiết để dùng trong khi giao tiếp với nhau trong cuộc sống hang ngày.

Nhiều tiếng Huế đã xuất phát từ tiếng Chàm như: Tê (The), Rứa (Roh), Ấy (Ay), Ni (Ni)

Giọng Huế khó nghe đối với đồng bào khác xứ phải chăng vì thanh âm do người Huế phát ra thuộc một âm vực khó nhận ra. Nhiều khi người ta còn chọc quê người Huế nói năng ‘trọ trẹ’ khó hiểu.

Theo Võ Hương An, khi phát âm, người Bắc thiên về giọng thấp; người Nam đi giọng cao, còn người Huế thì giọng bình. Phải chăng cái đặc tính bình thanh này khiến cho nó trở nên khó nghe. Điều này xin nhường lại cho các nhà âm ngữ học.

Theo tác giả trên, nếu miền Bắc và Nam có giọng nói dễ nghe hơn Huế, thì họ lại khó giả giọng các miền khác. Giọng Huế thuộc loại bình, trung tính, khó nhận với người ngoài; nhưng cũng nhờ đặc điểm này đã giúp người Huế có thể giả giọng nói mọi miền đất nước không mấy khó khăn.

Người Huế phát âm không phân biệt dấu hỏi (?) dấu ngã ( ), không phân biệt có ‘g’ hay không ‘g’, ‘c’ với ‘t’ ở cuối chữ, và ‘oi’ với ‘oai’. Người Huế cũng không phân biệt ‘gi’ với ‘d’ và ‘nh’. Ví dụ: người già thành người nhà (Về điểm này, có lẽ tác giả Ngọc Lan đã nhầm ngược lại. Vì người Huế nói người ‘d’ hoặc ‘nh’ thành ‘di’. Ví dụ: cái ‘nhà’ thành cái ‘già’, con ‘dao’ thành con ‘giao’. LTS); ‘nói’ thành ‘noái’.

hue09.jpg

Sau chiến tranh, sau bao dâu bể, người dân Huế sống tha phương đều đổi giọng. Họ đổi giọng không phải vì mặc cảm giọng nói mình khó nghe, mà chỉ để đáp ứng với thực tế cuộc sống, thích nghi với hoàn cảnh.

Nói như thế không có nghĩa là người Huế đã quên đi giọng nói của xứ mình. Khi ở trong gia đình hay thù tiếp bạn bè đồng hương ‘cơm hến, bún bò’ của mình, thì người Huế vẫn là ‘Huế chay’, ‘Huế rặc Huế’, Huế thứ thiệt 100%’.

Tôi xin kể vài câu chuyện khá vui về việc tiếng Huế gây sự hiểu lầm:

* Một anh bạn người Huế đưa một cậu bạn đến nhà người dì để giới thiệu cô em gái xứ Huế của mình. Vì là lần đầu tiên, anh bạn Nam kỳ hơi ngần ngại. Anh người Huế trấn an, khuyến khích:

– Cứ vô đi, cô ta không có răng mô. Đừng ngại!

Anh bạn Nam kỳ hốt hoảng:

– Mèn đét ơi, không có răng thì ghê quá, tôi không thích.

* Hai bà (một Bắc, một Huế) rủ nhau đi chợ. Bỗng gặp một bà áo tang khăn chế. Hai bà bạn hỏi để tang cho ai. Bà này trả lời chồng mới chết. Bà người Huế hỏi: ‘Đau răng mà chết?’ Bà người Bắc lẩm bẩm: ‘Giời ơi! Đau răng mà cũng chết được sao!’

* Một thiếu nữ Hà thành khi nghe một thanh niên Huế ngỏ lời: ‘Cô cho tôi một cái bóng của cô để làm kỷ niệm.’ Cô ta ngơ ngác hỏi lại: ‘Thưa anh bảo cái bọng gì của tôi cơ ạ?’

* Một ông người Huế khi vào hội tứ sắc đã hỏi làng: ‘Hôm nay tôi hên, muốn đánh lớn. Mấy bà có chịu hai cắc (một lệnh) không? Một bà người Nam giận dữ bỏ về vì nghe lầm dấu sắc (‘) ra dấu nặng (.) cho rằng ông người Huế tục tĩu.

* Một thầy giáo người Huế dạy văn lớp 11 ở một trường vùng cao nguyên. Mới ra trường chưa kinh nghiệm, với giọng trầm trầm, thầy nói: ‘Các em lấy vở ra ghi bài.’ Một em học sinh người Bắc nghịch ngợm nói to: ‘Lấy vợ ra ghi bây.’

Cùng một vật dùng để thức ăn, người Bắc gọi là ‘bát’, người Huế gọi là ‘đọi’, người Nam gọi là ‘tô’.

Để chỉ động tác mất thăng bằng rơi xuống đất, người Nam gọi là ‘té’, người Bắc gọi là ‘ngã’, người Huế gọi là ‘bổ’.

Cùng loại trái cây, người Bắc gọi là ‘Dứa’, người Nam gọi là ‘khóm’, người Huế gọi là ‘thơm’.

Theo Võ Hương An, sự đa dạng trong ngôn ngữ của một dân tộc là điều tự nhiên. Bao giờ trong cái chung cũng có cái riêng và thấp thoáng trong cái riêng là hình ảnh của cái chung. Hình như địa lý và lịch sử đã kết hợp với nhau để tạo nên cho Huế một môi trường nảy sinh ra nhiều thổ âm và thổ ngữ hơn những miền khác; đến độ có người đã nói là có thể sưu tập thành một tiểu tự điển tiếng Huế.

Ngay chỉ một từ ‘nói’ mà tiếng huế đã có hơn 70 cụm từ liên hệ.

-Nói ba giẻm: thiếu lịch sự

-Nói ba láp: -nt-

-Nói ba lơn (bông lơn): nói đùa, nói giỡn chơi

-Nói ba que xỏ lá: thiếu lịch sưNói ba trợn: -nt-

-Nói ba xàm ba láp: có ý chê. Nói không đâu vào đâu cả

-Nói bả lả: thấy câu chuyện trở nên gay cấn, cần làm hòa, để vui vẻ cho cả hai bên, có mục đích xã giao

-Nói bở sở: nói ú ớ, không nhân thức được điều mình nói

-Nói cà tửng: nói đùa, nói giỡn chơi

-Nói chận họng: nói trước những gì đối phương sẽ nói dể chặn đầu trước, để họ phải theo ý mình

-Nói cho cố: có ý lo xa cho người nói nhiều sẽ bị hớ

-Nói chuốt ngót: nói có tính cách vuốt ve, nịnh bợ

-Nói chưa bưa: nói chưa đã

-Nói dóc tổ: nói láo quá mức

-Nói dựng đứng: đặt ra nhiều chuyện dễ sợ để gán ghép cho người khác

-Nói đặt điều: -nt-

-Nói điêu toa, nói hồ đồ, nói ngoa ngoạnh: nói ngang, nói bướng, đặt nhiều điều không đúng để nói

-Nói đổng: Nói lửng lơ không chỉ rõ ai

-Nói hiện ngụy: Biểu lộ sự ngạc nhiên, không chê, không khen, phảng phất ít nhiều rộng lượng, thông cảm

-Nói húy tiểu: nói những chuyện có phần nào quan trọng, người nghe phải kỵ húy, nể nang không nhắc tới, nay nói ra với nhiều thêm thắt, tưởng tượng pha lẫn giễu cợt

-Nói không ngạ: nói nhiều nhưng chưa hết ý, cỏn hứa hẹn nói tiếp

-Nói lảng: nói tránh qua một đề tài khác vì nếu trả lời trực tiếp là bất lịch sự, không tiện nói

-Nói leo, nói hớt: khi người ta đang nói, mình nói theo, cướp lời người khác để nói

-Nói lép bép: nói lau chau, lách chách, chỉ cách nói không rõ ràng

-(Ăn) nói luông tuồng: nói không giữ gìn ý tứ, nói năng tự do, buông thả

-Nói lựng lựng: nói một chuyện chưa bao giờ xảy ra, nhưng qua cách nói làm cho người khác hiểu lầm câu chuyện đang xảy ra

-Nói như sanh như sứa: nói tía lia, nói liến thoắng

-Nói như nước đổ lá môn: nói hoài, nói đầy đủ ý mà người nghe vẫn ỳ ra không hiểu

-Nói như quạ bẻ bắp: nói nhanh, nói khỏe, nói không ngừng nghỉ

-Nói như rìu chém đá, rạ chém đất: nói với thái độ xác quyết, chắc chắn

-Nói ố ố, lác lác: có ý chê, nói không đâu vào đâu

-Nói ốt dột: nói những điểu lẽ ra không nên nói, làm người nói, người nghe đều mắc cở

-Nói rảng rảng: nói nhiều, nói to

-Nói rồng nói rắn: đặt điều nói thêm nói bớt, nói toàn những chuyện không có

-Nói săn đón, sách hoạch: nói năng không ngoan, chững chạc, lý luận vững chắc

-Nói tam toang, tam tinh: -nt-

-Nói tào lao: nói không đâu vào đâu cả, chẳng đúng tí nào

-Nói tào lao, xịt bộp: -nt-

-Nói tầm bậy, tầm bạ: có ý chê nói không đâu vào đâu

-Nói tầm khào: có ý chê nói không đúng, nói điệu bộ khiếm nhã

-Nói tầm phào: -nt-

-Nói te rẹt: nói nhiều, ngụ ý khoe khoang, muốn người ta chú ý mình

-Nói thày lay: những điều, những chuyện riêng tư, của người ta mà mình vẫn xen vô nói

-Nói thắt nảy: nói làm cho người nghe phải sợ

-Nói thiên lôi, địa tướng: đặt điều, nói thêm nói bớt, nói toàn những chuyện không có

-Nói thiên thung mang nai: nói lung tung, quanh co, nói lai rai chưa vào trọng tâm

-Nói thụi: nói hùa theo

-Nói trạng, nói tướng: nói láo, nói dóc ở mức thượng đẳng, khó tin để khoe khoang

-Nói trời ơi, đất hỡi: đặt điều, nói thêm nói bớt, nói toàn những chuyện không có

-Nói tự thị: lời nói thiếu khiêm tốn, lịch sự của kẻ tự cao, tự đại, hoặc không ai cho phép nói, cho phép làm mà vẫn cứ nói, cứ làm

– Nói xàng xê xàng xự: nói quanh co, úp mở, không vào đề làm người nghe sốt ruột chờ

Ngoài ra, Huế có nhiều cách nói khác nữa như:

-Nói trèo trẹo

-Nói sa đà

-Nói dai như giẻ rách

-Nói dai như đĩa

-Nói cho bõ ghét

-Nói cho một trận

-Nói ba xí, ba tú

-Nói xì lô, xì la

(Ăn nói) kim sanh… (Nguyên Hương: Tiếng Huế, người Huế nói)

hue-xua01.jpg

Tiếng Huế đặc thù, thay đổi tùy theo môi trường và hoàn cảnh sử dụng. Huế là kinh đô của triều Nguyễn nên tiếng Huế trong cung đình cũng khác tiếng Huế ngoài dân gian. Trong hoàng tộc, con cháu của vua thì được gọi là ‘chị’, ‘mệ’, hay ‘mụ’. Phải gọi như vậy để ma quỷ tưởng là con gái mà không quấy nhiễu hoặc không bắt đi, khỏi phải chết yểu.

Chữ ‘mệ’ ở đây để chỉ các ông hoàng, khác với chữ ‘mệ’ trong dân gian để chỉ những người đàn bà cao tuổi, hay để gọi bà nội, bà ngoại.

Hình ảnh một ‘mệ’ ngồi ăn khoai lang cho chúng ta thấy rõ đặc thù của phong cách Huế và tiếng Huế:

Vắt chân chữ ngũ, ‘chém’ củ khoai lang

Bớ mụ nhà hàng, múc ta ‘đoại’ nước.

Khi nói đến vua, hay các vật dụng của vua, người ta dùng chữ ‘long’, hay ‘ngự’. Long là rồng, tượng trưng cho nhà vua.

long bào (áo vua),

long nhan (mặt vua),

long sàng (giường vua),

long đình, (nơi vua hội họp)

long giá, long xa (kiệu, xe vua),

thuyền ngự: thuyền vua đi

ngự lãm: dâng lên để vua xem

ngự uyển (vườn của vua),

ngự tửu: vua ban lộc cho cấp dưới

ngự thiện (bữa ăn của vua),

ngự giá (vua đi),

ngai ngự: chỗ cao nhứt, chỗ vua ngồi

vua nghỉ ngơi: vua ngơi

vua đau nặng: đại tiêm

vua chết: băng hà, thăng hà

mộ vua: tẩm lăng

Khi vua muốn trừ khử một người nào đó, vua cho phép họ tự tử theo ba cách của triều đình, gọi là ‘tam ban triều điển’: uống thuốc độc, thắt cổ, dùng dao kiếm để chết.

Vua cho phép tự xử như vậy gọi là ‘gia ân’

Với tội đồ, ngày xưa thường bị xử chém gọi là ‘trảm’. Thủ trảm là chém đầu, thân trảm: chém ngang lưng .

Tiếng Huế dân gian thì thật đặc biệt. Người Huế dùng nhiều từ ngữ không đâu có. Phải ở Huế lâu năm, nói theo từ của người Huế ‘lâu thâm căn cố đế’, mới hiểu được ý người Huế muốn nói gì.

Chúng ta nghe thử hai câu hát sau đây để thấy Huế có nhiều phương ngữ mới lạ:

Ru em cho ‘théc’ cho ‘muồi’(théc = ngủ, muồi = lâu)

Để mẹ đi chợ mua vôi ăn trầu.

Một vài ví dụ về các từ ngữ đặc biệt ở Huế:

Ấy: anh chi, giọng thân mật

Chi lạ rứa: sao lại thế?

Có chi mô: có gì đâu!

Chi tệ rứa: sao tệ thế!

Chi ri: cái gì đây?

Mô: ở đâu?

Không răng mô: không sao đâu?

Mô nà: ở đâu?

Mô rứa: ở đâu?

Đi mô rứa: đi đâu?

Mô hè: ở đâu kia (ai biết đâu không?)

Làm chi tui: làm được gì tôi nào (giọng thách thức)

Biết chi mô: biết gì đâu?

Tê: đó kia

Bên tê: bên kia

Đó tề: đó kìa

Dị chưa tề: kỳ quá!

Ngụy chưa tề: kỳ dị quá!

Khi tê: biết thế nay

Bữa tê: trước đây 2 ngày

Răng: làm sao

Răng ri: sao thế?

Răng rứa: sao thế?

Răng hỉ: sao nhỉ?

Không răng mô: không sao đâu

Biết làm răng chừ: biết làm sao bây giờ

Ai răng tui rứa: họ sao tôi vậy

Răng ra ri: sao đến nỗi thế nầy

Ri em: thế nầy em

Mô ri: ở đâu mà có thế nầy

Nớ: ấy, đó!

Người nớ: người ấy

Nó tề: cái đó kìa

Ấy mà dị chưa: anh mà kỳ quá (nũng nịu)

Rứa hả: thế à?

Mô hả: ở đâu nhỉ?

Ri hả: thế nầy hả?

O: cô

Đoản hậu: không nghĩ tình

Đời tù huy, tù huýt: từ đời xa xưa

Hằm bà lằng: lẫn lộn

Làm bộ, làm tịch: tự cao, tự đại

Làm đày, làm láo: làm dốc, lên mặt hỗn xược

Làm như mèo quào: làm giả dối, phớt qua

Lục lát: nói giỡn mà chơi

Ngựa Thượng Tứ: gái thích theo trai

Ốt dột, ốt dạt: người ta chê cười

Đi thằng cò o ngón: đi thẳng, không chịu về

Tùm lum, tà la:lộn xộn

Gạo lon tộn: học chăm chỉ

Om củ tỏi: ồn ào quá

Tiếng Huế, người Huế khi giận hờn cũng đặc biệt khác người xứ khác.

Theo nhà văn Nguyễn Mộng Giác, người Huế khi chửi lộn cũng có lễ giáo, khuôn khổ, luật lệ của nó (cũng như lúc ra đường, dù buôn thúng bán bưng, người Huế vẫn mặc áo dài, đội nón lá).

Chửi lộn của dân Huế nhắm vào tội bất hiếu (vô hậu kế đại, mồ tàn không ai un…), tội để cho người khác ‘xách lên để xuống tổ tiên mình.’

Người Huế chửi lộn có tính cách dai dẳng. Chửi mệt rồi, vào nhà nấu cơm, đoạn ra sân chửi tiếp. Chửi có vần điệu, có qua có lại như xướng họa một bài thơ.

-Chửi nhiều lúc như nói chuyện, không cần tiếng, có tính cách phân bua cho mọi người thấy mình là người tốt, quân tử; và đối phương, ‘thứ đồ nớ’ là loại không ra gì.

-Chửi có thể vừa đối vừa đáp, kẻ tung người hứng như hò giã gạo. Chửi mạch lạc, nhịp nhàng. Khi chửi có thể giơ tay, giậm chân; nhưng tránh sùi bọt mép vì sợ đối phương cho là ‘khùng’, ‘tàng’, ‘điên’.

-Chửi nhẹ nhàng, ra mặt dạy dỗ đối phương với giọng lên xuống trầm bổng; nhưng chửi thấm thía làm cho đối phương phải đau xót, quay quắt như ‘đỉa phải vô’, ‘ngồi phải lửa’.

-Chửi đổng, là chửi bóng, chửi gió khi mất gà, bị hái trộm trái cây… Chửi làm cho kẻ ‘cầm nhầm’ phải cảm thấy ‘ốt dột, ốt dạt.’

-Chửi trù: chửi trù cho người ta ‘chết ẻo’, ‘ăn vào đau bụng thổ tả’, ‘chết không kịp ngáp’, hoặc ‘không chết cũng ngất ngư thấy mụ nội, mụ ngoại.’

-Chửi trù còn trù cho kẻ địch ‘tàn mạt’, ‘cất đầu không nổi’, ‘vô hậu’, ‘vô phước’ làm cho kẻ bị chửi phải đau đớn, lo âu, sợ hãi.

-Chửi có tính cách trách mắng quân vô lương. ‘uống nước không chừa cặn’, ‘cạn tàu ráo máng’, ‘đoản hậu’, ‘như quân cướp cạn’.

Chửi cũng có thể là chửi cho sướng miệng vì không thích một người nào đó, hay ganh tị với người ta, thường phát tiết ra với câu nói ‘khi không mi chọc cho cha mi giận.’

Nói tóm lại, tiếng Huế, giọng Huế thật đặc biệt, khác xa với các xứ khác. Chính vì vậy mà Huế có một chỗ dứng riêng biệt, không lẫn lộn, không pha trộn với bất cứ một nơi nào khác.

Những cụm từ ‘gái Huế’, ‘trai Huế’, ‘bún bò Huế’, ‘nón Huế’, ‘mè xửng Huế’, ‘Huế chay’, ‘Huế đặc sệt’, ‘Huế 100%’, ‘Huế rặt’ đã nói lên điều đó.

Nhà thơ Huỳnh Hữu Dụng trong bài ‘Rất Huế’ đã tha thiết xin người tình ‘hãy giữ một chút gì rất Huế’ đã làm cho mình say mê, thương nhớ.Xin em hãy giữ nét duyên dáng, hiền ngoan dịu hiền và rất đài trang của Huế; nhất là giọng nói dễ thương, mặn mà của Huế.

Giữ chút gì rất Huế mặn mà

Dạ thưa ngọt lịm ai mê say

Và hơi thở mềm, sương khói bay

(Rất Huế, Huỳnh hữu Dụng)

Chúng tôi xin mượn bài thơ ‘Giọng Huế’ của thi sĩ Tô kiều Ngân để chấm dứt bài này :

Ngắt một chút mây trên lăng Tự Đức

Thả vào mắt em thêm một dáng u hoài

Đôi mắt ấy vốn đã buồn thăm thẳm

Thêm mây vào e tan nát lòng ai

Anh quỳ xuống hôn lên đôi mắt đó

Bỗng dưng sao thương nhớ Huế lạ lùng

Chắc tại em ngồi bên em thỏ thẻ

Tiếng quê hương xao động đến vô cùng

‘Hẹn chi rứa, răng chừ, em sợ lắm’

Mạ ngày xưa cũng từng nói như em

Anh mất mạ càng thương em tha thiết

Như từng thương câu hát Huế êm đềm

cau-trang-tien-1919-1926.jpg

.. .. .. .. .. .. ..

Nếu lại được em ru bằng giọng Huế.

Được vỗ về như mạ hát ngày xưa

Câu mái đẩy chứa chan lời dịu ngọt

Chết cũng đành không nối tiếc chi mô.

Người Huế trầm ngâm như nhà văn Bùi Bích Hà viết:

‘Con gái Huế ấm như nắng hè, thơm ngọt như mật ong, óng mượt như tơ tằm, thanh bai như nhành lệ liễu và con gái Huế sắc như dao, lạnh như mùa đông, can trường như đá núi, thâm trầm như biển sâu. Gặp rồi không thể không yêu, yêu rồi cuộc tình sẽ là một vết thương thiên thu’.

(Buổi Sáng Một Mình – Huế Yêu Dấu, Bùi Bích Hà)

Giọng Huế đặc thù, tiếng Huế khó hiểu… nhưng cũng vì thế mà Huế có những cá tính riêng biệt không nơi nào có được. Huế lại càng mang tính cách lạ lùng, quyến rũ hơn lên .

Xin nhớ đến Huế và cảm ơn Huế đã tạo cho chúng ta một cá tính làm giàu đẹp thêm cho dân tộc Việt.