11 tháng sau ngày nhậm chức tổng thống Hoa Kỳ ông Trump nhận được món quà không mấy vui cho lễ Giáng sinh và đầu năm dương lịch. Đó là ngày thứ năm 21 tháng 12/2017, đại hội đồng Liên hiệp quốc trong một phiên họp khẩn, đã bỏ phiếu chống quyết định của Hoa kỳ công nhận Jerusalem là thủ đô Do Thái. Với tổng số 129 phiếu thuận, 9 phiếu chống và 35 phiếu không ý kiến. Quyết định này không có tác dụng thực tế nào, vì không bị bắt buộc phải thi hành. Nhưng nó cho thấy thái độ các nước trên thế giới đối với việc công nhận Jerusalem là thủ đô Do Thái. Nó không phải là một hành động chống cá nhân Trump, mà chỉ là biểu tỏ một thái độ không thể không có. Nhìn vào số 8 nước theo Hoa kỳ bỏ phiếu chống, người ta thấy ngoài Do Thái là nước nhỏ xíu cưỡi cổ Hoa kỳ, thì có 7 nước nhỏ xíu nằm trong vòng tay Hoa kỳ nắm chặt là Honduras, Guatemala, Palau, Micronesia, Marshall Islands,Togo, Nauru. Tất cả các đồng minh kỳ cựu như Anh Pháp Ý Đức Nhật của Hoa kỳ và các đối tác thương mại quan trọng đều chống Hoa kỳ. Canada Mexico và Australia bỏ phiếu trắng vì là ba nước có những trao đổi kinh tế chính trị với Hoa kỳ không muốn bị thay đổi thất lợi bởi phản ứng có thể xẩy ra của ông Trump
Thực thế, trước khi họp đại hội đồng Liên hiệp quốc, ông Trump đã có lời hăm dọa thẳng thừng rằng “Tất cả những nước đã lấy tiền của chúng ta và bỏ phiếu chống chúng ta ở hội đồng bảo an LHQ hay là sẽ bỏ phiếu chống chúng ta ở đại hội đồng, họ lấy của chúng ta hàng trăm triệu đô la và ngay cả hàng tỉ đô la và bỏ phiếu chống chúng ta. Chúng ta sẽ xem những phiếu đó. Cứ để cho họ bỏ phiếu chống chúng ta, chúng ta sẽ để dành được khối tiền. Chúng ta không cần.”
Tất cả các nước Ả Rập đã bò phiếu chống quyết định của Hoa kỳ coi Jerusalem là thủ đô Do Thái, tuy rằng đa số các nước này là đồng minh của Hoa kỳ. Tại sao như vậy? Bởi vì các chính phủ này tuy là đồng minh, mà nói thẳng ra là chư hầu Hoa kỳ, nhưng dân chúng Ả Rập không thể chấp nhận quyết định Hoa kỳ. Nói khác đi các chính phủ này tồn tại là nhờ tiền dầu hỏa và sức mạnh tôn giáo. Cho nên chính phủ phải nói điều cho phải đạo để tránh các phản ứng quần chúng bất lợi. Các nước khác trên thế giới bỏ phiếu chống quyết định Hoa kỳ bởi vì Jerusalem là một thành phố bị Do Thái chiếm đóng của Palestine, với sự ủng hộ tích cực của Hoa kỳ. Một cách trung lập thì ít ra phải là thái độ của giáo hoàng Francis, nghĩa là giữ nguyên trạng lý thuyết. Nói nguyên trạng lý thuyết, là vì thực tế Jesusalem đã bị Do Thái hoàn toàn kiểm soát. Và Trump có lý khi ông ta nói rằng quyết định của ông ta là dựa trên thực tiễn. Thực tiễn mà ông Trump nói là cái tình hình tại chỗ nhưng cũng do tình hình tại Mỹ, khi hệ thống vận động quyền lực Do Thái đã nắm chắc các dân cử và chính giới Hoa kỳ.
Cái quyền lực bao trùm này ta đã thấy trong cuộc tranh cử tổng thống Hoa kỳ năm 2016, khi Hillary Clinton cảm thấy có sự đe dọa ít nhiều từ Trump, đã phải lên tiếng tố cáo trước đại hội thường niên thế lực vận động chính trị Do Thái rằng Trump chống Do Thái. Và Trump, đã có phát biểu, nhưng không nhấn mạnh vì yêu cầu chiến thuật tranh cử, thuận theo quan điểm chính trị Do Thái, mà bây giờ người ta lôi ra nhắc lại rằng quyết định của Trump về Jerusalem chỉ là thi hành lời hứa tranh cử. Sự tố giác của Hillary đã không có bao nhiêu kết quả, vì cái thế lực vận động chính trị Do Thái đủ khôn ngoan để không bao giờ bỏ tất cả vốn liếng vào một giỏ, và kịp thời chuyển hướng để không bao giờ lâm vào tình trạng lỡ tầu. Nói cho rõ thì khi Trump, một kẻ từ ngoài cơ chế quyền lực hai đảng Cộng hòa và Dân chủ đã có khả năng sống sót mà trồi lên trên tất cả các ứng viên thế giá Cộng hòa thì Sheldon Adelson, một tỉ phú sòng bài Do Thái, đã quay sang ủng hộ Trump mạnh mẽ, bỏ các con bài Marco Rubio và Ted Cruz là hai mũi tấn công Trump sát ván. Xin nhắc lại ở đây rằng Sheldon Adelson là người đỡ đầu cho thủ tướng Do Thái Netanyahu. Do đó người ta không lạ khi đại sứ Mỹ tại Do Thái là một người Mỹ Do Thái kỳ cựu bảo thủ, và khi trong chuyến công du đầu tiên vào tháng 5/2017 ở tư thế tổng thống. Trump đã sang Do Thái và nhận là bạn thiết của Netanyahu. Cũng không lấy gì làm lạ rằng Jared Kushner con rể Trump, người Do Thái 36 tuổi đã đủ sức chặn thống đốc New Jersey Chirstopher Chirstie, người ủng hộ Trump tích cực từ lúc đầu tranh cử, vào trong ủy ban chuyển quyền cũng như đứng ngoài triều đình Trump. Vì Christie khi làm công tố đã bỏ tù bố của Kushner vì tội trốn thuế. Cũng không lạ khi cố vấn kinh tế chinh trị cao cấp nhất của Trump là Gary Cohn nguyên lãnh đạo công ty Goldman Sachs và một số khác mà cặp Ivanka/ Jared đưa vào để tạo nên Cánh Tây tiến bộ Bạch cung theo chủ nghĩa toàn cầu, chống lại chủ trương dân tộc Stephen Bannon đã đem lại phiếu cho Trump thắng cử. Bannon đã ra đi, nhưng Trump có bỏ chủ nghĩa dân tộc để theo hẳn chủ nghĩa toàn cầu Nữu Ước (Do Thái) hay không là một vấn đề ngoài câu chuyện Jerusalem.
Câu hỏi khác nẩy ra ở đây là tại sao chuyện công nhận lập trường Do Thái về Jerusalem là chuyện tạo chỉ trích ồn ào, mà Trump biết, nhưng vẫn làm?
Lý do Trump đã quyết định như vậy là vì hoàn cảnh bắt phải làm như vậy. Người ta biết rằng là sự thắng cử của Trump là một bất ngờ đối với cơ chế quyền lực đã ngự trị lâu đời trong hai đảng Dân chủ và Cộng hòa, cũng như trong Truyền thông/Giải trí giòng chính. Sự vận hành theo mô thức này trong những thời gian gần đây rút lại chỉ là chọn cho ra một ứng viên giỏi diễn xuất để thu hút quần chúng và nói cho họ nghe lọt tai mà đi bỏ phiếu 4 năm một lần để đem lại sinh khí cho chế độ. Số người này tổng kết lại chỉ là chừng khoảng trên 30% tổng số cử tri. Cho nên Trump đã bị tấn công tiếp tục, ngay cả sau khi thắng cử, khác hẳn với các ứng viên tổng thống trước Trump được sự chuẩn nhận từ đầu của cơ chế.
Sự tiếp tục tấn công Trump cũng còn là vì muốn nhắc nhở cho Trump biết rằng sự ủng hộ Trump không phải là một tấm chi phiếu để trắng, cứ việc đem tiêu thỏa thích. Vì thế Trump bị chê bai đủ điều, từ to đến nhỏ, từ vấn đề nhân sự đến vấn đề thái độ, chính sách, vân vân… Tuy rằng Trump đã tự đặt mình trong hệ thống quyền lực, qua việc bổ nhiêm nhân sự và vấn đề chiến lược mới công bố. Chính vì sự nhượng bộ này của Trump mà tình hình tấn công vào cái ghế ở phòng bầu dục của Trump đã giảm đi. Thực thế, người theo dõi hẳn nhớ rằng sau những biện pháp thay đổi nhân sự của Trump đã xuất hiện những nhận định của các “chuyên gia bề thế” bác bỏ luận cứ cho rằng có âm mưu toa rập giữa Trump và ban tham mưu thân cận với Nga để tranh cử chống Hillary. Hoặc là đưa ý kiến rằng các dữ kiện buộc tội ông Trump là không đứng vững về mặt pháp lý. Thêm vào đó thì người ta biết rằng đề nghị đưa ra bãi nhiệm Trump đã bị bác bỏ tại hạ viện. Và ông Robert Mueller, người công tố đặc biệt điều tra về vấn đề liên lạc với Nga của ông Trump và các cộng sự viên đã bị phê bình và ngay cả bị đề nghị bãi chức.
Sẽ có người cho rằng tất cả chỉ là những tin cũng như bình luận sàng qua sẩy lại của truyền thông/giải trí để cho có chuyện nói và lôi kéo chú ý. Đúng rằng chưa có gì là chắc. Nhưng nhìn toàn cảnh thì không thể chối cãi rằng không có những ca tụng hay đồng ý với ông Trump từ những giới chức chính trị trong cơ chế, vốn chống ông kịch liệt. Dĩ nhiên là vẫn còn những cơ quan truyền thông chống ông Trump như CNN chưa ngừng vẽ ông Trump dưới những lăng kính tiêu cực nhất.
Tất cả những tấn công chĩa vào ông Trump dù to hay nhỏ đã khiến ông Trump phải làm mọi chuyện có thể làm, để mà củng cố sự ủng hộ ông đã có từ cơ chế siêu quyền lực. Đây chỉ là tương tự như cái chiến thuật đơn giản các bà mẹ VN ngày xưa dùng để đùa với con nhỏ của mình. Đó là câu “Vỗ tay vỗ tay bdà cho ăn bánh, không vỗ tay bà đánh bể đầu”. Đứa bé không hiểu rằng bà mẹ sẽ không đánh bể đầu mính. Nhưng vẫn vỗ tay. Ông Trump không phải là con nít. Nhưng nếu đã có thượng nghị sĩ Cộng hòa Corker trong cơ chế so sánh Bạch cung như là một nhà giữ người lớn “adult day care center” thì nhắc lại câu hát vui của bà mẹ VN dậy con nhỏ vỗ tay ở đây cũng không hẳn là quá đáng.
Nhìn một cách nghiêm chỉnh hơn, thì trường hợp ông Trump ngày nay cũng không khác bao nhiêu trường hợp tổng thống Bill Clinton bị làm áp lực liên tục quanh những tai tiếng tình ái. Người ta còn nhớ cứ mỗi khi ông Clinton phải có quyết định về vấn đề trại định cư mới Do Thái trên đất Palestine thì các chuyện linh tinh tình ái của Bill lại được lôi ra cho đến khi mọi sự được chấp nhận thì thôi.
Cái thế của dân Palestine là yếu. Cái thế của Do Thái là ngồi trên con ngựa Hoa kỳ. Thế giới là khách bàng quan xem sự thể. Tất cả rồi sẽ qua, sẽ quen, và sẽ quên trừ trường hợp mà có một kẻ như Saddam Hussein sẵn sàng bỏ tiền ra rắc đinh trên con đường ngựa chạy dẫn khách xem hoa .
Bác sĩ Trần Xuân Ninh
Ngày 22 tháng 12/2017