Showa (昭和 - Chiêu Hòa) đầy kỷ niệm
Sau khi đọc được một bài viết của một người bạn bắt đầu từ cụm chữ.... “Showa”, tự nhiên lại thấy có “nhu cầu” kể lại một vài chuyện xưa tích cũ Thật ra thì chẳng có mục đích gì to lớn cả mà chỉ muốn tìm lại một chút gì ... vì thấy... mình trong đó. “Những suy nghĩ vô đề” mà...
“Chiêu Hòa” (昭和)là niên hiệu của thời cố thiên hoàng Hirohito (1926-1989), người mà từ thời Minh Trị (1889) hiến pháp đã quy định: “Thiên hoàng là một người cao cả và bất khả xâm phạm, là một vị thần con của Thái Dương Thần Nữ, được đưa xuống trần để trị vì nước Nhật”, người mà mọi người dân Nhật đều cúi đầu quì lạy khi nghe lời phán. Sau khi lãnh 2 quả bom nguyên tử, Nhật phải đầu hàng “vô điều kiện” quân Đồng Minh (15/8/1945) với lời “khẩn khoản” duy nhất: “Xin đừng đụng đến thần thánh của chúng tôi”. Ngày đau thương này “Con Trời” đã phán: “Hôm nay là ngày trẫm muốn nói đến thần dân của trẫm: Chúng ta phải chịu đựng và vượt qua tất cả những gì chúng ta không thể chịu đựng”, khiến không ít người “trầm mình” và “tự xử”. Trên hoang tàn đổ nát, người dân Nhật đã “nhẫn nhục và chịu đựng” bật dậy một cách thần kỳ tạo nên kỳ tích: một nước Nhật hùng cường, ngẩng mặt.
Bây giờ thì đang là thời “Bình Thành” với Thiên Hoàng Akihito hiền hòa mà ai cũng thương mến. Cụ năm nay 84 tuổi, năm ngoái cụ xin “nghỉ hưu” vì lý do sức khỏe và ngày 30/4/2019 cụ sẽ chính thức thoái vị, chấm dứt niên hiệu“平成-Bình Thành”. Ngay sau đó một ngày (1/5/2019), thái tử Naruhito sẽ lên ngôi với một niên hiệu mới. Vì vẫn đang là “cuối đời Bình Thành” nên chưa có phần “tổng kết”, một bài viết về chuyện “Bình Thành” chắc phải dành cho một thời điểm khác chắc còn xa lắm.
Sở dĩ người viết cứ chạy vòng vòng, lẩm cẩm là vì mình đã từng sống qua cái thời “Chiêu Hòa” từ đầu thập niên 1970 và 1980, rất bồi hồi khi thấy những “vật kỷ niệm” của Chiêu Hòa. Một vài câu chuyện làm quà gửi quí vị:
Quán bán thuốc lá
- Có ông bạn đồng nghiệp kể lại: một cụ ông “kinh doanh” một quán bán thuốc lá nhỏ trước nhà ga gần nhà mà ông bạn thường ghé. Một hôm khi đi ngang, cụ già bán thuốc gọi lại và bảo: “ông thích gì thì cứ lấy, tôi sẽ cho hoặc bán rẻ cho ông”. Ông bạn ngạc nhiên thì cụ phán: “Thời này là thời của “Bình Thành” chứ đâu phải là “Chiêu Hòa” nữa”. Ông bạn gật đầu ngậm ngùi. Vài tuần sau thì quán thuốc lá lẻ không còn, thay vào đó là một hàng dọc đầy máy bán tự động.
Điện thoại – TV – Diêm quẹt
- Vào một ngày chủ nhật của tháng 8, người viết và học trò đã gặp nhau tại một quán nhậu. Quán nổi tiếng ở gần ga và cô học trò đã phải đặt chỗ trước. Sống ở Nhật đã hơn nửa đời người và trải nghiệm quá nhiều điều, nên cũng chả quan tâm, vẫn tưởng là.... bình thường với nhiều đổi thay tự nhiên theo năm tháng, vì nước Nhật thời này so với thời mới qua (1972) là một trời một vực. Nhưng khi bước vào quán, lại cảm thấy bồi hồi vì sự “bày biện cố tình”, quá “cổ” và quá “ọp ẹp”. Phòng “nhậu” có “trang điểm” một TV màu, cũ xì cũ mốc to “chình ình”, chắc có lẽ được ra đời vào giữa thập niên 1960. Trên bức tường lại có màn collect một dàn những “hộp diêm”, thời đó cứ mỗi tiệm cà phê, hay quán ăn muốn quảng cáo tiệm của mình thường làm những hộp diêm để tặng khách ra về, bây giờ thì không thấy nữa. Bước ra dăm bước thì lại thấy một điện thoại màu hồng muốn gọi phải bỏ tiền, và cái đèn thì cứ chập chờn khi mờ khi ảo. Cô học trò trẻ nhất tỏ vẻ hơi ngạc nhiên, một người “lớn tuổi” hơn phán: Quán thời “Chiêu Hòa” em ơi. Cô bé ngạc nhiên cũng phải vì cô sinh vào thời.... “Bình Thành”.
Tắm .... truồng
Lúc mới sang (cuối năm 1971), đối với mình cái gì cũng lạ, cũng văn minh, nhưng có một bất tiện duy nhất là khi muốn “dội vài gáo”. Việt Nam ta nhất là miền Nam yêu dấu thì xong ngay, “vô tư trần trùng trục” chạy thẳng ra ngoài khi mưa xuống hoặc vào bể nước gần nhà bếp, dội vài “gáo” là người mát rượi, vài tiếng sau nếu cảm thấy hừng hực thì lại “vài gáo tiếp”. Nhưng ở cái xứ 4 mùa rõ rệt này thì lại khác. Muốn “sạch sẽ” thì phải “tay xách nách mang”, nào khăn, nào chậu, nào xà bông, đồ lót, v.v... “khăn gói” lên đường đến những nơi có cái “ống khói” (dùng để phun những “làn” khói khi đun nước tắm). Vào mùa đông thì “châm” lắm vì có những ngày phải lội tuyết mà đi.
Ở cái xứ đất chật người đông, thuê được một “căn hộ” mà trong nhà có “furoba” (phòng tắm) chắc cũng phải thuộc loại đại gia, nên đa số khi muốn dội vài gáo đều phải tìm đến những sento (銭湯) tức là nhà tắm công cộng mà có lẽ chỉ có ở Nhật.
“Sento” chỉ có 1 cửa nhưng có 2 lối... vào: “giới tính” phân minh không lộn xộn. Sau khi làm “thủ tục trả phí” cho một người ngồi ở trên cái bục cao, thường là một cụ ông hay cụ bà, thì tiến đến một cái hộp riêng của mình (locker-ロッカー), cất xếp những đồ “lỉnh kỉnh”, rồi cứ thế mà “tuồn tuột” dứt bỏ những thứ trên người, phơi bày 100% “bộ phận chiến lược” không e ngại. Thú thật lúc đầu thì thấy “kỳ quá à” hoặc “xấu hổ chết” nhưng riết rồi cũng quen vì ... ai nấy như nhau và “đường ta ta cứ đi, nhà ta ta cứ xây” thư thái bước vào “địa điểm tập trung” tha hồ mà dội, gội, kỳ cọ, ngâm “cả tấm thân” trong bể tắm với nhiệt độ trên 40. Lúc đầu thì cứ đưa chân vào là phải rút ra ngay vì nóng, nhưng đã quen rồi thì lại ghiền không muốn ra ngồi suốt.
Xong tất cả, “sau khi biến đổi thành một người mới”, thanh khiết từ trên xuống dưới, ta thảnh thơi làm một bình nước táo, hay một hũ sake nóng, bước ra khỏi sento thì thấy bao nhiêu phiền toái trong ngày hầu như đã tan biến. Quá ư là đã. Nhưng từ cái ngày nước Nhật rộng ra vì “vùi sông lấp biển” để xây thêm “cao tầng”, “căn hộ” dù nhỏ đi nữa cũng có phòng tắm “kèm theo”, thì những nơi có ống phun khói dần dần biến mất, thỉnh thoảng lắm mới gặp lại được “bạn ta”. Buồn năm phút!
“Tắm truồng” đã lắm ai ơi!
Ai mà chưa hưởng.... buồn ơi là buồn”.
Trên đây chỉ là một vài chuyện trong “1001 chuyện xứ “Showa”. Thế thì “Showa Việt Nam” có hay không? Có chứ. Xin kể tiếp.
Từ 6 nốt nhạc dạo đầu nhớ lại kỷ niệm.... 44 năm xưa.
- Cách đây vài tháng, tình cờ được cho nghe ké một youtube của hai bạn đang ở Việt Nam: Một nàng hát và một chàng đàn. Kết và thích ngay vì hai bạn này đúng là đang thực hiện lại những bản thời “Chiêu Hòa Việt Nam” (nhạc tiền chiến, nhạc “vàng” hay văn vẻ hơn là những tình khúc thời chinh chiến), cái thời mà cùng với những người bạn ... cứ gục lên gục xuống trong những quán cà phê bên đường gần trường học, lẩm nhẩm hát theo.
Nghe hai bạn đàn-hát, quá xuất thần với “Em đến thăm anh đêm 30”, “Lời Tình Buồn”, liền thử “nộp đơn” yêu cầu bản nhạc “Nắng Thủy Tinh” mà mình ưa thích. Ui cha ôi! không ngờ “đơn” lại được “chấp thuận ngay”. Không vui sao được.
Và 6 nốt nhạc dạo đầu phần intro của bài hát này đã khiến lòng bồi hồi nhớ lại kỷ niệm có một không hai của 44 năm về trước.
Mời các bạn nghe
(“Nắng Thủy Tinh”):
https://www.youtube.com/watch?v=McRccnh0g00
------------
Lúc đó vào khoảng cuối tháng 1 năm 1973 gần Tết Việt Nam, nhớ nhà ghê gớm. Sau một ngày miệt mài với sách vở và arubaito (làm thêm), leo lên chiếc xe điện quen thuộc về nhà. Tokyo đang trong những ngày đông lạnh giá, ngoài trời tuyết rơi lất phất. Xe chạy được một lúc thì hình như có âm thanh hơi lạ: ở đâu đó gần chỗ mình đứng có tiếng huýt sáo rất nhỏ, tiếng được tiếng mất vừa lọt đủ vào tai, định thần để cố gắng nghe cho rõ vì thấy melody rất ư là quen thuộc, cũng mất khoảng vài phút và cuối cùng thì biết đó là bài hát “Xuân tha hương” của cố nhạc sĩ Phạm Đình Chương. Trời ơi!.
Ngày xưa xuân thắm quê tôi
Bao nhánh hoa đời đẹp tươi
Mẹ tôi sai uốn cây cành
Vun tưới hoa mùa xinh xinh
Thời gian nay quá xa xăm
Tôi đã xa nhà đầm ấm
Sống bao xuân lạnh lẽo âm thầm
........
(Xuân Tha Hương)
https://www.youtube.com/watch?v=l1C0VdPR4DA
Ngoái nhìn xung quanh để tìm “tác giả” nhưng xe điện đã đến ga kế tiếp, dòng người đổ xuống rồi tràn lên và “lời thì thầm” bỗng dưng mất hẳn, ngọ ngoạy cố tìm nhưng vẫn không biết ai đó đã “tặng” cho mình hưởng cái giây phút thật bất ngờ đầy kỳ thú. Lòng tiếc ngẩn tiếc ngơ rồi.... 44 năm đã trôi qua như gió thoảng và lẽ dĩ nhiên vẫn không biết “người đó là ai”.
Người viết sinh ở Sơn Tây, cũng là quê mẹ của cố nhạc sĩ Pham Đình Chương, vào Nam lúc còn bồng ẵm, nên chả biết gì về quê hương cả. Thường nghe mẹ kể: có những đêm trăng cả nhà ông ngoại ra sân đập lúa, phía trước có cây hoa gạo cao ngất bên cạnh chiếc cổng đình. Còn bố thì “tán”: Sơn Tây có sông Đà uốn khúc, có núi Ba Vì với huyền thoại hai thánh “Tản” ngồi đánh cờ trên đỉnh đến nỗi quên cả thời gian và ở chợ Phùng, trên đường từ Hà Nội đến Sơn Tây, có một ông làm thơ tình hay lắm.
Bao giờ trở lại đồng Bương Cấn
Lên núi Sài Sơn ngắm lúa vàng
Sông Đáy chậm nguồn quanh phủ Quốc
Sáo diều vi vút thổi đêm trăng
(Đôi mắt người Sơn Tây - thơ Quang Dũng)
------------------------------------
Chiều ấy em về thương nhớ ai?
Tôi chắc đường đi đã rất dài
Tim tím chiều hôm lên bóng núi
Dọc đường mờ những cánh hoa phai.
(Trắc Ẩn – thơ Quang Dũng)
Tôi đang ngơ ngẩn vì nhớ quê tôi vô kể.
Sayonara
Vũ Đăng Khuê