Tôi nhớ lại mọi việc trong quãng đời khá dài đã sống qua. Nếu có lúc nào ý niệm Tự Do thoáng qua trong cái đầu thơ dại của tôi thời bắt đầu có trí khôn, thì đó là vài buổi chiều hoặc tôi ham vui theo chân chúng bạn la cà đâu đó hoặc cô giáo bảo tôi ở lại phụ cô sắp xếp tập vở chút đỉnh rồi về cùng cô, tôi biết thế nào tan học về nhà trễ cũng bị mẹ tôi mắng mỏ rồi lãnh đòn của bà vì tội rong chơi luông tuồng để bà phải lo lắng. Suốt con đường thăm thẳm xa, 5, 6 cây số từ trường tới nhà, những bước chân ngắn chủn của tôi nặng trĩu nỗi sợ hãi, khiến tôi sớm hiểu rằng vì tôi còn bé, phải chịu sự giám sát và kỷ luật của người lớn. Những lúc bị đòn vọt như thế, chưa biết tự do là gì nhưng tôi vừa khóc vừa tự hỏi bao giờ thì mẹ tôi chết để tôi muốn làm gì thì làm? Lớn hơn một tí, tôi quen với bổn phận và sự vâng lời để được yên thân, nhất là không làm mẹ tôi buồn. Lớn hơn tí nữa, tấp tểnh làm thơ, viết văn, tôi biết phải giấu bố mẹ vì mẹ tôi chỉ cần tôi chăm chỉ lo học để không bị ở lại lớp và đối với bố tôi thì trẻ con không được viết lách lăng nhăng, đi thi thì phải đậu và đúng tháng, đúng năm phải ra trường, tôi không có chọn lựa nào khác.
Đến tuổi trưởng thành, tôi theo nghề dạy học. Chưa hết một năm làm cô giáo, gia đình gả chồng, tôi theo chồng vào nam. Nhà tôi dặn tới trường, tôi không được nói chuyện với các nam đồng nghiệp vì các ông ấy không đáng tin. Hàng ngày ngoài giờ đi dạy, tôi đi đâu cũng phải nhớ về nhà trước khi mặt trời lặn. Trái lại, phụ nữ có giáo dục, chồng về nhà trễ, không bao giờ được hỏi lý do..vv..
Tóm lại, từ bé đến lớn, ở đâu tôi cũng được dạy bổn phận và vâng lời. Tôi đã quen với cách sống tẻ nhạt ấy nhưng không có nhu cầu thay đổi.
Biến cố 30 tháng 4/1975 xảy ra, cả Saigon nhốn nháo chuyện di tản vì người ta bảo nhau không thể sống với cọng sản được. Không chỉ quân đội, công chức cao cấp, nhân viên sở Mỹ mà cả những ai từng di cư năm 1954 khi mất miền Bắc, vì có kinh nghiệm thực tế với cọng sản, cũng đều khăn gói tìm phương tiện ra đi. Lần đầu tiên tôi nghe nói nhiều đến hai chữ Tự Do, mơ hồ mường tượng được Tự Do là gì chính là ở thời điểm này.
Vì nhiều lý do, tôi kẹt lại Sàigon. Lúc mọi nhà trong khu cư xá Phú Nhuận trong đó có nhà tôi, đi chợ phải dùng bị cói để công an khu vực không nhìn thấy nội dung bên trong, miếng thịt, con gà hay bó rau, thì tôi bắt đầu hiểu ý nghĩa hai chữ Tự Do một cách cụ thể. Tại lớp học tôi dạy, khi tôi gọi hai Tổng thống của hai nền Cộng Hòa miền Nam bằng đại danh từ Ông, tôi bị học sinh chi bộ đảng trong trường báo cáo với cán bộ chỉ đạo và bị mời lên “trao đổi.” Họ nói: “Chị là giáo viên đứng lớp, phải có lập trường chuyên chính, phải biết phân biệt rõ bạn và thù, không được gọi những kẻ có nợ máu với nhân dân là ông mà phải gọi chúng bằng thằng, chị thông suốt chưa?” Tôi trả lời ông ta rằng tôi được giáo dục không gọi bất cứ ai bằng thằng cả. Dưới chế độ cũ, chúng tôi vẫn gọi cụ Hồ…” Ông cán bộ ngắt lời tôi, hơi lên giọng: “Thôi, tôi không đôi co với chị. Đây là lệnh.”
Như vậy, hóa ra suốt quãng đời từ thơ ấu đến khôn lớn của tôi tuy tôi không có Tự Do nhưng tôi không hề biết là vì tôi như người soi gương ở phía sau cái mặt tráng thủy của tấm gương, không thực sự biết diện mạo của tôi và của Tự Do như thế nào?
Qua tới Mỹ, tôi dần dần có thêm nhiều chứng nghiệm về hai chữ Tự Do. Ở đất nước này, Tự Do cao nhất là tự do tư tưởng/tự do ngôn luận, không chỉ được ghi vào hiến pháp, còn được bảo vệ bởi tu chính án số 1 ứng dụng như một nét văn hóa sống động, tiêu biểu cho cả một dân tộc phú cường có trên ba trăm triệu dân đến từ tứ xứ và chọn nơi này là quê hương. Tuy nhiên, như một bình hoa đẹp, nhiều màu sắc và hương thơm, Tự Do cũng có khuôn khổ và trật tự để mỗi người như một bông hoa, có thể cùng nhau đẹp và tỏa hương, không lấn át nhau, không loại bỏ nhau. Trong các gia đình, nhà trường, trẻ con có tự do đặt câu hỏi, thậm chí tranh luận với cha mẹ, thầy cô giáo nhưng với mục đích tìm hiểu, học hỏi, tìm đến chân lý chứ không cãi bướng, không hỗn, không phát ngôn bừa bãi. Cho đến khi rời nhà hay rời trường, các cô/cậu lúc còn sống trong những môi trường ấy, phải tuân thủ một số nguyên tắc để hòa nhập.
Đến bây giờ thì tôi nghiệm ra các bậc tiền bối ở quê nhà vốn bị các thế hệ sau ngờ vực về kiến thức thời đại, về ứng xử phù hợp với tiến hóa xã hội và văn minh thế giới, các cụ sáng suốt một cách đáng sợ. Các cụ không đề cập đến Tự Do không phải là không biết đến Tự Do. Thú ngắm trăng ngâm ngợi mấy vần thơ, thú tiêu dao giữa đất trời cao rộng, thú trà rượu đối ẩm hay đối bóng một mình đều là những biểu lộ tự do. Các cụ thừa biết Tự Do là vũ khí tối thượng quyền lực nhất cho phép con người đạt đến mọi ước vọng và nó như con dao hai lưỡi, cắt một quả cam ngọt hay cắt chính tay mình; như khẩu súng sát thương hằng loạt ngoài trận địa đối đầu với địch để bảo vệ bờ cõi nhưng nó cũng sát thương hàng loạt nhiều nạn nhân vô tội như trong vụ Stephen Paddock xảy ra ở Las Vegas đêm 1/10/2017, vì nhu cầu riêng của một người rồi cũng chết dưới họng súng tự do nhả đạn của chính mình.
Giao vũ khí ấy vào tay những ai chưa được trang bị với tinh thần trách nhiệm, ý thức về bổn phận, trình độ văn hóa để biết tôn trọng người và bản thân cùng chia nhau không gian một sân chơi, là tạo nguy cơ bị tổn thương cho cả cộng đồng xung quanh họ và chính họ.
Con cái bỏ nhà đi bụi đời trước khi có khả năng tự lập là một thứ tự do chín ép, thui chột. Sỉ nhục, tấn công, chà đạp hay xâm phạm an ninh người khác là một thứ tự do hoang dại, tội lỗi. Quốc pháp có hay không, mạnh hay yếu, đều can thiệp chậm trễ và không có hiệu quả thật sự.
Xử sự như các “anh hùng bóng bầu dục,” từ chối chào quốc kỳ và hát quốc ca để gọi là phản đối một ai đó hay một điều gì là thứ tự do mông muội, thiển cận, lấy đi của chính mình cái vinh dự to lớn của những công dân có Tổ quốc và Lịch sử. Hối mại quyền hành nhất thời, dùng mưu chước quanh co để làm những việc phi pháp, ảnh hưởng tiêu cực tới đại cuộc hay đại chúng là thứ tự do bị lạm dụng, mù quáng và phản bội, sớm muộn cũng đi đền chỗ cùng đường.
Cho nên, Tự Do là báu vật linh thiêng, không thể làm ô uế. Tạo hóa ban Tự Do cho con người để làm đẹp con người và cuộc đời, không để bị vùi dập. Tổ tiên bao đời và bao nhiêu người còn tiếp tục đổi máu xương gìn giữ Tự Do cho nhau, để kiến tạo hạnh phúc, không thể không coi trọng. Tự Do của người này cũng là Tự Do của người kia vì cùng chung một tiêu chí, thể hiện khác biệt nhưng không đối nghịch, càng không triệt hạ nhau.
Mùa lễ Tạ Ơn cho tới cuối năm, nhiều nhà nhận được những tập sách mẫu mời chào từ các công ty sản xuất hàng gia dụng. Giữa cả ngàn món hàng đầy tính sáng tạo hấp dẫn người mua, chứng tỏ các nhà buôn không thiếu sáng kiến để thu nhiều lợi nhuận và làm giàu, thế nhưng vẫn có một mặt hàng được in rành rành với lời rao: “Giấy vệ sinh nhà cầu in hình tờ bạc $100 mỹ kim với hình tổng thống Hoa Kỳ! (Benjamin Franklin) Khách đến chơi và gia đình nghĩ là quý vị giật nước cho trôi đi những tờ tiền mặt kiểu mới này trong phòng vệ sinh, có thể không dùng chúng để mua bán được nhưng chắc chắn quí vị sẽ được những tràng cười thoải mái! Mỗi cuộn có 200 tờ kép, giá…”
Tôi thực sự choáng váng trước món hàng không thể làm tôi cười ồ như quảng cáo rao bán nó đã tưởng tượng ra một cách bệnh hoạn trên giấy trắng mực đen. Có lẽ cũng có người đọc tôi đến đây sẽ nhún vai và phán rằng: “Có gì quan trọng đâu mà ầm ỹ? No bid deal! Là giấy vệ sinh làm vui mắt trong nhà cầu thôi mà!” Tôi tự biết tôi lẩm cẩm, tụt hậu, nhưng quả thật tôi hy vọng có nhiều hơn những bàn tay không đem các cuốn giấy vệ sinh này về phòng tắm nhà họ. Công dụng của những cuộn giấy ấy rất khác với tranh biếm họa về các nhân vật thời sự, kể cả các nguyên thủ quốc gia, được truyền thông báo chí đưa ra nhằm biểu tỏ một cách nhìn, một quan điểm của họ nhắm tới điều tốt hơn những gì hiện có, đang xảy ra…
Tôi thực sự không biết cha mẹ tôi ngày xưa, nhất là mẹ tôi quê mùa, mù chữ, dạy tôi không được dùng giấy báo có chữ nho (là chữ của thánh hiền) vào công việc vệ sinh là đúng hay sai nhưng cha mẹ tôi khiến tôi cảm nhận được lòng biết ơn và sự kính trọng đối với những con chữ một thời là nguồn gốc của trí tuệ mà tôi được phần nào thụ hưởng.
Đối với riêng tôi, Tự Do của trí tuệ là thênh thang, vô hạn. Cao ngất. Sâu thẳm. Rộng đến vô biên. Bất chấp thời gian. Làm tan chảy cả sắt thép. Giải phóng toàn bộ con người khỏi thất tình, lục dục. Tự Do của xác phàm trong đời thường thì có giới hạn vì có sự cọ xát. Tôi không sở hữu cả địa cầu này hay mặt đất nơi tôi đang sống mà tôi chia với những người đồng cư. Trịnh Công Sơn từng viết mấy ca từ đáng yêu: “…Con chim ở đậu cành tre, con cá ở đậu trong khe nước nguồn, như anh ở trọ tim em…”
Tôi biết ơn cha mẹ trước khi cho tôi Tự Do, đã cho tôi cắp sách tới trường để tôi biết suy luận, đã dạy tôi vâng lời và kỷ luật để tôi biết tôn trọng, giữ gìn Tự Do và được sống tự do. Nước Mỹ đang ở trong một giai đoạn mà truyền thống tự do đang bị thử thách một cách khắc nghiệt. Các thể chế độc tài hiện nắm quyền sinh sát một số quốc gia chậm phát triển, đã nhân cơ hội này, tìm một thực tế biện hộ cho họ bằng cách đặt câu hỏi: Tự Do như nước Mỹ hiện nay thì có gì hay ho hơn chứ?
Đứng trước câu hỏi không bỗng dưng này, nỗi đau buốt tim gan của những người yêu nước Mỹ như phần đất xinh đẹp nhất, văn minh nhất của thế giới, có một câu tự hỏi khác: Có lẽ nào người Mỹ thường nhân danh dân chủ/tự do đành xô đẩy nước Mỹ đến chỗ bị xếp hạng dưới cả những xứ sở độc tài xấu xí kia?