Cứ theo như truyền thông /giải trí giòng chính thì từ ngày nhận chức, ông Trump chẳng làm nên cơm cháo gì, và cứ theo như các thống kê với thăm dò thì số người ủng hộ ông rất thấp. Tạm không nói đến các thăm dò đúng sai ra sao, mà cũng không nói đến nhiều sắc lệnh hành chính mà ông Trump ký đã ảnh hưởng đến đời sống từng nhóm dân Mỹ thế nào, vì chỉ tạo tranh cãi. Đây chỉ nói đến một việc ông Trump mới làm liên quan đến một vấn đế nhiều người biết và có thể là quan tâm. Đó là vấn đề nghiện nha phiến. Tuần trước, ông Trump đã tuyên bố dịch nghiện nha phiến là một tình trạng khẩn cấp y tế công cộng quốc gia. Ủy ban nha phiến gồm 6 người mà ông Trump chỉ định đã ra ngay một tường trình 131 trang với 56 điều khuyến cáo và kêu gọi quốc hội cung cấp “đủ tiền” để giải quyết khủng hoảng. Nhưng không nói rõ số tiền là bao nhiêu. Bản tường trình viết “Ủy ban không có trách nhiệm chỉ ra số lượng các phương tiện nên không đưa ra trong tường trình này. Ủy ban chỉ kêu gọi quốc hội đáp ứng lời tuyên bố tình trạng khẩn cấp về y tế công cộng của tổng thống mà thi hành nhiệm vụ hiến định của quốc hội là cung cấp đủ tiền để thực hiện các khuyến cáo của ủy ban”. Nhưng vẫn có những phê bình rằng khuyến cáo không hiệu quả, tuy rằng câu viết rất ngắn gọn và rõ ràng dựa trên nguyên tắc nền tảng là tiền chi thu quốc gia do quốc hội định đoạt.
Rất nhanh chóng sau khi bản tường trình được đưa ra thì nguyên dân biểu Patrick Kennedy thuộc đảng Dân chủ tiểu bang Rhode Island, và cũng là một thành viên của Ủy ban Nha phiến đã tuyên bố rằng muốn cho việc giải quyết vấn đề nghiện nha phiến hiệu quả thì phải có 100 tỉ đô la chi ra trong 10 năm. Không có thế thì kể như là chưa bắt đầu. Thực thế, theo một nhân viên bộ Sức khỏe và Nhân sự (Department of Health and Human services – HHS) thì quỹ khẩn cấp về y tế công cộng của bộ chỉ có chừng 57,000 đô la (!), theo báo điện tử The Hill, chuyên theo rõi các tin quốc hội và Bạch cung. Kể cũng giật mình khi quỹ khẩn cấp y tế công cộng của một bộ trông coi về sức khỏe của nước Mỹ gồm trên 300 triệu dân mà chỉ có từng đó, trừ trường hợp mà bản tin đánh sai con số.
Quay sang một vấn đề khác cũng khiến nhiều người dân Mỹ quan tâm và không thể hiểu. Đó là vấn đề những tai nạn đã xẩy ra liên tục cho đệ thất hạm đội ở Thái Binh dương trong thời gian mấy tháng gần đây. Như một chiến hạm mắc cạn ngoài khơi vịnh Tokyo làm chẩy dầu. Chiến hạm Fitzgerald đụng tầu chở hàng tháng 6/2017 làm 7 thủy thủ chết. Chiến hạm John McCain đụng tầu dầu ngoài khơi Singapore trên đường vào eo biển Malacca tháng 8/2017 làm 10 người chết. Điều tra của bộ Hải quân cho thấy là do lỗi của những người trách nhiệm chiến hạm, cấp lớn có cấp nhỏ có. Và các tai nạn này là có thể tránh được. Vấn đề căn bản là huấn luyện nhân sự, và bảo trì phương tiện không đúng mức, vì thiếu ngân sách. Chủ tịch Ủy ban Quân sự Hạ viện, dân biểu Thornberry trong một thông báo viết rằng “Những tử vong đó có thể hoàn toàn tránh được nếu mà lãnh đạo Ngũ Giác Đài trong những năm gần đây để ý đến những dấu hiệu cảnh báo đúng lúc, có những biện pháp thích hợp và lương thiện với chính mình và với đất nước về tình trạng sẳn sàng đối phó trong mọi hoàn cảnh”. Và “Những thách đố này đã làm gia tăng sự quan tâm của Ủy ban từ lâu và trong trường hợp này là đòi hỏi hạm đội của chúng ta làm quá nhiều với những phương tiện quá ít- khiến cho Hải quân phải lấy những biện pháp rút ngắn huấn luyện và bảo trì, để có giờ hoạt động tối đa”. Ông Thornberry kết luận “ Hải quân quyết tâm giải quyết những chuyện này nhưng không thể làm một mình. Quốc hội cũng phải đóng vai trò trong đó. Tôi sẳn sàng hỗ trợ yêu cầu của Hải quân trong bất cứ vấn đề tăng gia huấn luyện, nhân sự hay dụng cụ nào cần để tránh những thảm kịch đó khỏi xẩy ra trong tương lai nữa”. Rõ ràng là nhà chính trị này đã nhân vụ này để mà khẳng định vai trò của mình và quảng cáo cho cái lập trường đối xử đúng mức với quân đội, lọt tai nhiều người dù là thiên tả hay thiên hữu. Mà tóm lại là hứa hẹn chi thêm tiền, nếu không muốn giảm bớt việc.
Tình trạng muốn làm mà không có tiền này không phải mới đây mà đã kéo dài trong nhiều lãnh vực như người ta đã thấy qua các thảo luận kéo dài về những khoản phải tiêu và nguồn tiền ở đâu tại quốc hội từ mấy thập niên. Cách giải quyết chỉ là chắp vá chi tiền cho một số các lãnh vực không chi không được dưới áp lực của các nhóm quyền lực, tuy không nhất thiết là cần cho đất nước, còn thì đẩy lùi xuống dưới thảm, chứ không phải là chữa từ gốc rễ. Ví dụ gần đây nhất là tổng thống Trump thỏa hiệp với phía Dân chủ để có thể thông qua ngân sách tạm thời 3 tháng, vì đã không thể có sự đồng ý ngay trong đảng Cộng hòa. Tiếp theo là đảng Công hòa sẽ phải quyết định với nhau khi tới hạn vì là chiếm đa số trong quốc hội.
Chỉ đem ra hai chuyện để xét như vậy, người ta thấy ngay kết quả những thăm dò về thành tích ông Trump không có ý nghĩa gì nhiều, ngoài chuyện nhào nặn dư luận để chống ông Trump. Bởi vấn đề căn bản tiền đâu ra và tiêu thế nào không ai giải quyết nổi từ mấy chục năm nay. Ông Trump sẽ không làm gì được trong chuyện này, ngoài vụ bóp mũi chư hầu Ả Rập Saudi lấy tiền, vụ rút khỏi hiệp ước bảo vệ môi trường để giảm đóng góp của Mỹ, và o bế Netanyahu để giảm áp lực Do Thái trong cơ chế siêu quyền lực chính trị Mỹ, trong chuyến đi tháng 5/2017 vân vân. Nói chung dân chúng cũng như những nhà chính trị và xã hội Mỹ đều thấy mối nguy nghiện nha phiến, và muốn giải quyết. Nhưng tiền đâu ra là phải hỏi quốc hội. Ông Trump đã ra một chiêu ngoạn mục là nói theo ý dân, rồi để cho quốc hội giải quyết theo như hiến định. Cũng như chiêu thỏa hiệp tạm với phe Dân chủ để có ngân sách điều hành chính phủ 3 tháng. Nhưng sau chót thì cũng lại đảng Cộng hòa cơ chế với đảng Dân chủ cơ chế tranh cãi như những thập niên qua, còn hành pháp thì cứ có tiền tới đâu là sài tới đó. Ai bảo ông Trump là vô tích sự, không đủ khả năng làm tổng thống? Ông đủ mánh khóe để đóng trò cầm đầu hành pháp, thi hành những điều đã hứa lúc tranh cử trên nguyên tắc, còn lại thì bán cái cho những người ở lập pháp và tư pháp, theo luật chơi tam quyền phân lập. Cho nên phê bình chê bai ông thì cứ tùy tiện mặc ý truyền thông/giải trí.
Tuy mới nhảy vào từ ngoài cơ chế nhưng ông Trump đã, trong chưa tới một năm, làm rách toang cái bức tường che sân khấu chính trị Hoa kỳ, để lộ ra những giây nhợ chằng chịt điều động những con rối khiến một số phải thu vén rút lui. Để cho ông trở thành một tay đầu nậu mới với luật chơi mới.
Bác sĩ Trần Xuân Ninh
Ngày 2 tháng 11/2017