Báo New York Times đã mở đầu bài viết nhân buổi khai mạc đại hội đảng CS Trung quốc lần thứ 19 ngày thứ tự 18 tháng 10/2017 như sau:
“Khi Tập Cận Bình bước ra khỏi đại sảnh Nhân dân cách đây năm năm ở tư cách tân lãnh đạo nụ cười mím môi của ông ta không dấu được không khí khủng hoảng âm ỉ.
Nhà lãnh đạo đảng Cộng sản đã bị tơi bời bởi những đấu đá và tai tiếng trong những chụp giật quyền lực, hối lộ và ngay cả sát nhân. Những người cầm đầu quân đội và an ninh, tức là những người bảo vệ chế độ độc tài độc đảng đã trở thành thối nát một cách gớm ghiếc. Những chỉ trích côing khai kết án Hồ cẩm Đào do dự không quyết định, trong khi sự giận dữ trong quần chúng gia tăng.
Ngày thứ tư, ông Tập khai mạc một đại hội đảng Cộng sản nữa, lần này với tư cách một nhà lãnh đạo quốc gia quyền lực nhất trong nhiều thập niên, hầu như chắc chắn là sẽ giữ một nhiệm kỳ năm năm nữa. Sau khi sử dụng nhiệm kỳ đầu vào việc nắm chặt quyền kiểm soát xã hội, người ta nghĩ rằng ông sẽ để lên bàn thờ cái viển kiến độc tài của ông đã phục hồi sinh lực đảng, và có thể là tự đặt ông vào vị trí cần thiết cho sự sống còn của đảng”.
Tờ báo hàng đầu của hệ thống truyền thông/giải trí Hoa kỳ đã trong ít giòng ngắn ngủi trích dẫn ở trên chỉ ra cái vị trí quyền lực cao cấp mà ông Tập Cận Bình đã đạt tới sau năm năm ở tư thế lãnh đạo, trong một hoàn cảnh mà New York Times đã tóm tắt vẽ lại đầy đủ rằng là rối loạn và khó khăn cực kỳ. Tại đại hội thứ 19, họ Tập đã đọc một bài diễn văn dài hơn 3 tiếng đồng hồ vẽ ra viễn cảnh cho tới năm 2050 của một nước Tầu xã hội chủ nghĩa đẹp đẽ, cởi mở, tiến bộ, hùng mạnh. Không thấy có những chê bai dè bỉu từ truyền thông Âu Mỹ về cái hình ảnh của đại hội thứ 19 gợi lại chế độ độc tài Cộng sản của những đại hội đại biểu trước đây mà mọi sự diễn ra một cách máy móc, nhất tề nhất chí với lãnh đạo.
Tân Hoa Xã cơ quan truyền thông chính thức của nhà nước TC đã viết khi đại hội bế mạc rằng “Vào năm 2050 hai thế kỷ sau chiến tranh nha phiến đã dìm “Trung Thổ” vào một giai đoạn đau khổ và xấu hổ, Trung quốc sẵn sàng lấy lại sức mạnh và bước trở lên hàng đầu thế giới” và “Tuy rằng là đòi hỏi những công việc bao la, hình ảnh thật là rõ rệt. Trung quốc ở vị thế để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới, lợi tức sẽ cao với một hệ thống an sinh xã hội hiệu quả, một chính phủ phục vụ dân chúng có trách nhiệm, nền chính trị trong sạch bảo đảm các quyền dân và một đất nước đẹp đẽ mà nhân dân yêu mến”.
Những lời lẽ này của cơ quan tuyên truyền TC trong quá khứ thường bị nhanh chóng chỉ ra và thực tế chứng minh rằng đó những lời khoa đại huênh hoang quen thuộc của CS. Nhưng kỳ này đã không thấy như thế trên truyền thông Âu Mỹ. Ngược lại thì có nhận định đó là sự tự tin của TC. Lý do là sự thành công trong vấn đề kinh tế tài chính của TC trong giai đoạn vừa qua. Thực thế, bất chấp những tiên đoán và suy luận của các chuyên gia, các chính trị gia rằng Trung Cộng sẽ sụp đổ khi lâm vào tình trạng khó khăn kinh tế tài chính thời 2008, nước này đã vẫn tiến lên dưới Tập cận Bình với nhiều thành tích chính trị kinh tế đáng nể không thể chối cãi. Sự thành lập Ngân hàng phát triển hạ tầng kinh tế Á châu để đối đầu với các định chế tài chính Âu Mỹ từ thời chiến tranh lạnh như IMF và World Bank. Sự đầu tư kỹ thuật và kinh tế vào các nước Á Phi. Vị trí nước sản xuất hàng tiêu thụ cho các nước Âu Mỹ và toàn thế giới, từ cái kim sợi chỉ đến máy điện toán và nhiều dụng cụ kỹ thuật đủ loại không có dấu hiệu suy đồi. Về mặt tinh thần, Tân Hoa Xã đã đẩy mạnh khai thác cái mặc cảm tiểu nhược đáng xấu hổ của một nước đông dân nhiều tài nguyên suốt hai thế kỷ để khích động lòng yêu nước của người Tầu. Những yếu tố thuận lợi rõ ràng đó đã khiến Tây phương không dễ dàng bỏ qua sự thành công của TC. Chỉ có một điều nghi vớt vát đưa ra là sự vận hành của TQ dựa trên tình trạng vay nợ lớn. Nghĩa là theo hệ thống tín dụng đã làm nền cho sự phồn thịnh kinh tế Hoa kỳ và thế giới Tây phương.
Nhìn lại nước Mỹ, cường quốc số một thế giới, thì tình trạng khác hẳn. Chính trị kinh tế tài chính bất ổn khiến cho Donald Trump một người tác phong tư thái bặm trợn ở ngoài cơ chế quyền lực thắng Hillary Clinton là con gà được chọn của cơ chế. Obama được giải Nobel Hòa bình để sau đó mở ra cuộc chiến Lybia và Syria gây xáo trộn nháo nhào ở Trung Đông. Viện trợ thì phần lớn đổ vào Do Thái và Ai cập. Trần nợ không giải quyết kéo dài. Vị trí chủ đạo trong các định chế tài chính IMF World Bank không còn thực sự mạnh mẽ. Hiệp ước TPP tanh banh. NAFTA lủng củng. Đấu đá chính trị giữa Trump với đảng Dân chủ và Cộng hòa Cơ chế tiểp tục gay cấn qua lại từ cuộc bầu cử tổng thống 2016 chỉ mới có chút dấu hiệu giảm chút đỉnh trên tổng quát, nhưng mà vẫn sẽ tiếp tục, khi tăng khi giảm như là trường hợp Bill Clinton với các vụ tai tiếng tình dục. Dân chúng Mỹ trong tình trạng như thế, đã bị lôi vào những phản ứng và suy nghĩ tiêu cực phân rẽ có thể kể là chưa từng có trong lịch sử hiện đại Hoa kỳ. Tình trạng này, khó thể giải quyết, bởi lẽ tinh thần đã suy đồi thì khó thể kéo lên. Do đó khó mà nói Mỹ có nhiều khả năng cạnh tranh với TC, chưa nói đến ngăn chặn những mục tiêu bành trướng TC vạch ra.
Trong tình hình như thế, nước Mỹ tới năm 2050 sẽ ra sao? Chỉ đặt câu hỏi thôi, đã không thấy có nhiều điều vui. Nhất là tin tức mới đây cho biết thông hành Mỹ đã xuống cấp, chỉ được nhập cảnh dễ dàng ở 154 nước, so với Singapore 159, Đức 158, Anh 156. Lại cũng không mấy hoan hỉ khi đọc tin Donald Trump hãnh diện khoe cháu ngoại biết nói tiếng Tầu.
Bác sĩ Trần Xuân Ninh
(ngày 27 tháng 10/2017)