1/LDCH.Kính chào quý vị thính giả. Trên đường giây điện thoại có sự hiện diện của bác sĩ Trần Xuân Ninh. Hôm nay Chi Huệ rất là hân hạnh có dịp hầu chuyện lại với bác sĩ. Xin bác sĩ gởi lời chào tới quý vị thính giả ạ.
2/TXN. Kính chào quý vị thính giả Chào cô LDCH. Chẳng còn mấy ngày nữa là hết năm bính thân. Không hiểu cô CH đã hồi sức sau mùa nghỉ và sắm sửa và tiệc tùng cuối năm với các bạn bè nhân ngày lễ Giáng Sinh, Do Thái giáo, và Kwanza và đầu năm dương lịch để mà tính đến chuyện ăn tết ta năm con gà chưa. Tôi có người quen kể rằng anh ta nhận được điện thoại bạn bè gọi từ VN sang chúc tết đầu năm dương lịch và kể chuyện chè chén tiêu sài xả láng ở VN trong dịp này. Và lo ngại năm nay tết VN chắc không còn bao nhiêu hương vị ngày xưa nữa. Vì tiêu pha thì cũng đã bộn rồi. Còn đốt pháo thì bị cấm như thường lệ. Pháo bông thì không có vì nhà nuớc tiết kiệm. Cô nghĩ sao về cái chuyện Tây hoá ăn tết ở VN này?
3/LDCH. CH nghĩ rằng chuyện Tây hoá ăn tết VN nó là phản ảnh của một tâm lý mặc cảm tự ti. Những người Việt nam trưởng thành lên ở chế độ chuyên chính toàn trị vô sản nghèo đói khi được mở mắt nhìn ra thế giới tư bản bên ngoài thì choáng ngợp vì cái ánh sáng rực rỡ của hắn. Cho nên thấy tất cả đều hay hết. Và nhắm mắt chạy theo bắt chước hình thức mà không thấy rõ nội dung. Sự bắt chước này cũng có giới hạn vì thực tế không cho phép như vậy. Cho nên có khi bắt chước lố bịch, trong ngôn từ cũng như cung cách hành xử. Tết theo CH nghĩ là một ngày lễ truyền thống VN thời xưa. Nếu mình một nhớ giai đoạn đó thì “ăn tết”. Mà không thì thôi. Chứ không phải là cần bắt chước người ngoài...
4/TXN. CH nói thế làm tôi nghĩ đến hoàn cảnh kể lại của những người Việt di tản đầu tiên khi mới sang Mỹ định cư tị nạn CS năm 1975, đã mang đầy mặc cảm thua trận, bỏ nước ra đi, bị coi thường vì không khí phản chiến lúc đó ở Mỹ. Cái không khí này đã tạo tâm trạng chán chường và oán hận ngay ở những quân nhân Mỹ chiến đấu tại VN, kéo dài nhiều năm cho tới thời tổng thống Reagan mới bớt. Với cái tác phongđủng đỉnh thoải mái mà truyền thông Mỹ gọi là “cha già” tạo niềm tin nơi sức mạnh Mỹ cho quần chúng. Nhiều người di tản năm 75 đã không nhận là VN, toàn nói tiếng Mỹ. Nhiều người đổi tên Mỹ hoàn toàn. Còn nhớ năm 1980 sau khi vượt biển sang Mỹ định cư tôi có đọc một bài báo của một linh mục khuyên nên lấy tên Mỹ dễ đọc và làm sao để hội nhập nhanh chóng. Hành xử tất cả đều theo thói tục Mỹ. Thói tục VNbỏ hết. Tuy nhiên, vẫn có một thiểu số thì quyết giữ cái “chất VN” của mình. Cho nên vào dịp tết thì vẫn tụ tập ít nhiều gì với nhau để chúc tụng, ăn uống những món cổ truyền nấu lấy ở nhà. Một số khác thì lập những niệm Phật đường để mà lấy đó là nơi gặp gỡ tụng niệm một năm vài lần vào những ngày lễ lớn. Cái tinh thần gìn giữ đặc thù VN này được nẩy nở mạnh với phong trào thuyền nhân tị nạn, đồng thời với ý thức chống CS toàn trị. Và Văn hoá truyền thống với chính trị đan xen vào nhau, và đã hình thành những cộng đồng VN hải ngoại. Riêng cá nhân tôi thì từ khi đến Mỹ ngày tết là bao giờ cũng sửa soạn bàn thờ cùng giỗ ông bà, cho con cái nghỉ học. Và từ năm 1984 thì đã khởi động tại Chicago phong trào ăn tết đúng ngày với một số bè bạn, để xác quyết cái ý định gìn giữ bản chất Việt Nam. Việc này được tiếp nối tới nay ở Chicago. Các chuà đa số cũng tổ chức lễ giao thừa vào đúng ngày chứ không vào thứ bẩy chủ nhật. Với sự làm ăn khá giả thì dần dần ngày tết đã được hồi phục lại với các hội hè lễ lộc, đặc biệt là các cộng đồng đông người Việt. Không còn mối lo mất ngày tết truyền thống nữa.
Đến đây thì tôi muốn hỏi CH một câu không phải là về tết, mà về cá nhân CH. Là mấy dịp gặp CH đều thấy CH mặc áo dài và tóc dài, có thể nói rằng là rất Huế. Và nói giọng Huế nữa. Trong khi tiếng Anh thì nói không có giọng Huế. Ngoài ra thì còn được biết LDCH có những bài thơ rất phiêu bồng nữa. CH có hay làm thơ khai bút đầu xuân không? Tôi biết một số người Việt mới sang về sau này trạc tuổi như CH hay trẻ hơn, mà chỉ vài năm là nói tiếng Việt ngọng nghịu (vì quên) mà tiếng Mỹ không thông. Không hiểu CH có thể cho vài nhận định về hiện tượng này không?
4/LDCH. Dạ, CH không làm thơ theo mùa mà làm thơ bất cứ lúc nào có hứng, bạn bè thân hữu đều có biết. Đang nói chuyện mà có lúc tự nhiên CH móc đâu trong bụng ra một bài thơ. Nói về thơ thì CH có 4 câu, không có xuất sắc gì nhưng mà nghĩ cũng gọi là khai bút đầu xuân:
“Lăng xăng cùng nhân thế
Ngoảnh mặt tóc bạc mầu
Bơ ngơ xuân đến vội
Ngậm ngùi nhớ xuân qua
À … nghĩ bốn câu đó…
Thật ra nói về thơ xuân thì hầu như không có người VN nào mà không nghĩ đến một bài thơ rất là thiền của thiền sư Mãn Giác , thời Lý Nhân Tông. Vì hình ảnh rất là đẹp và ý nghĩa thâm trầm. Thưa bác sĩ trở lại với câu hỏi của bác sĩ làm sao mà giữ tiếng Việt và cái văn hóa VN thì thực sự trong cái hoàn cảnh của CH thì CH qua đây lúc 14 tuổi, nhưng được cái may mắn là ông bà là người rất cổ kính. Chi Huệ nhớ là vào những ngày tết, vì ba mẹ là người Huế, cho nên trang trí bàn thờ một cách rất là trang trọng. Trên bàn thờ có những câu liễn, rồi mầu sắc rất là rực rỡ. Lớn lên CH được thấy ba mẹ rất là quan trọng những ngày tết, giữ cái bản sắc. Bên cạnh đó, CH được ba mẹ khuyến khích rất là nhiều… Kể cho bác sĩ nghe chuyện này hơi buồn cười… Mẹ CH rất là rất là hồi hộp nếu mà thấy CH dẫn một người bạn người Mỹ về nhà, nói chuyện toàn bằng tiếng Mỹ. Cho nên mẹ CH luôn luôn khuyến khích con làm sao phải giữ cái tiếng Việt, và CH được mẹ luôn luôn dặn là làm răng mà giữ cái chất quê, cái chân quê, cái chất Huế, đừng có cắt cái mái tóc đi.. như thế như thế. Cho nên đó là cái ảnh hưởng. Nhiều bạn trẻ qua đây hầu như là rất dễ bắt theo cái nhịp sống bên ngoài, làm cho người ta chạy theo cái trào lưu. Tuy nhiên gìn giữ văn hóa là đến từ cái nếp sống của gia đình, quan trọng nhất là từ người ba người mẹ, khuyến khích con em giữ cái bản sắc của dân tộc. Dạ, thưa bác sĩ
5/TXN.CH vừa nói đến bài thơ xuân rất là thiền của thiền sư Mãn Giác. CH có thể ngâm bài thơ đó để cho quý vị thính giả cùng thường thức ở đây được không?
5/CH. Dạ. Ngâm thơ:
Xuân đi trăm hoa rụng
Xuân đến trăm hoa nở
Trước mắt việc đi mãi
Trên đầu già đến rồi
Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua sân trước một cành mai.
Trở lại bài thơ của thiền sư Mãn Giác, cái bài mà CH mới ngâm đó, chắc bác sĩ cũng biết bài thơ này phải không ạ?
3/TXN. Có chứ. Nhưng trước hết thì tôi phải nói là CH ngâm hay lắm cái đã. Rồi mới trả lời câu hỏi của CH. Bài thơ , hay nói cho đúng là bài kệ này rất nổi tiếng nguyên văn chữ Hán Việt là
Xuân khứ bách hoa lạc
Xuân đáo bách hoa khai
Sự trục nhãn tiền quá
Lão tòng đầu thượng lai
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.
Vì rất nổi tiếng cho nên đã có nhiều người dịch. Trước chiến tranh thì có Tản Đà, Ngô Tất Tố. Việt nam cộng hòa thì có Trần Trọng San vân vân. Sau khi VC cởi trói mở cửa ra ngoài thì dần dà có thêm nhiều người khác nữa về sau này. Bài Chi Huệ mới ngâm dịch cũng được lắm. Về nguồn gốc bài kệ này thì chuyện kể (không biết thực hư ra sao) rằng thiền sư Mãn Giác lúc 45 tuổi có đau yếu. Khi gần tịch, làm bài thơ này đọc cho đệ tử nghe, rồi ngồi thiền mà chết. Mãn Giác là pháp hiệu vua Lý Nhân Tông đặt cho ông sau khi viên tịch. Phải nói rằng thoạt tiên tôi biết đến bài kệ này vì đọc được hai câu cuối trích ra trong một bài tuỳ bút về xuân trong một tờ báo Xuân, từ lâu lắm rồi, hồi tôi còn ở VN. Tôi thích cái hình ảnh đẹp đơn sơ và cái ý nghĩa an bình, của bài kệ
Về sau này, khi tìm hiểu thêm về Phật pháp, tôi thấy bài kệ đã lấy những hình ảnh rất đơn giản để nói về cái lẽ vô thường và luân hồi trong Phật giáo. Hai câu đầu “Xuân đi trăm hoa rụng, Xuân tới trăm hoa nở”. Thật đơn giản, ai không biết? Hai câu kế “Mọi sự tiếp nối nhau qua đi trước mắt, Trên đầu tuổi già lên đến rồi”. Cũng chẳng có gì lạ. Chỉ có điều là ít ai nghĩ tới thôi. Hai câu chót, thiền sư Mãn Giác nhắc là đừng có vội nói“xuân ra đi là hoa rụng hết. Hôm qua ngoài sân trước có một cành mai”. Hoa rụng thì cành trơ trọi mùa đông. Nhưng rồi từ cành khô trơ trụi đó hoa sẽ mọc ra và nở lại mùa xuân.
4/LDCH. Bác sĩ nói đến sự thay đổi, sự vô thường của bài kệ cuả thiền sư Mãn Giác thì thấy ngay và dễ hiểu. Nhưng khi nói đến luân hồi thì có hơi khó cảm và cũng khó hiểu. Bởi vì thường thường người ta hiểu luân hồi là chết đi rồi đầu thai vào thành kiếp khác, mà thể trạng tùy theo các hành vi của mình kiếp trước. Đã có người viết sách và kể chuyện về những trường hợp luân hồi như thế. Bác sĩ có thể nói rõ hơn cái ý luân hồi bác sĩ thấy trong bài kệ này được không ạ?
5/TXN. Đúng rằng người ta thường hiểu luân hồi là sau khi chết thì đầu thai trở lại thành người hay thú vật, tùy theo cái lối sống cách sống của người chết. Người Tây Tạng tin ở điều này cho nên mới có chuyện Lạt ma tái sinh. Và đó là lý do tại sao có người nói rằng không nên giết thú vật và ăn thịt thú vật vì có thể rằng ông bà cha mẹ mình bị đọa sinh làm thú vật. Mà như thế tức là ăn thịt ông bà cha mẹ mình. Ở đây tôi không nhận định bình phẩm về quan điểm tư tưởng này. Tôi chỉ xin giải thích tại sao tôi lại thấy cái ý luân hồi trong bài kệ của thiền sư Mãn Giác. Nó chỉ đơn giản thế này: từ cành khô trơ trụi (không thấy sự sống) muà đông đã nẩy ra hoa tươi đầy sức sống mùa xuân. Cái sức sống tươi đẹp hấp dẫn của hoa hết đi khi mùa đông đến hoa tàn và rụng. Sự luân hồi ở đây là sức sống luân hồi. Hình ảnh này không khác gì thí dụ hết nến thì tắt lửa. Con người, như trong sách đạo Phật nói từ bốn thứ đất nước gió lửa… do cơ duyên mà thành. Rồi tan đi. Và sinh lại do cơ duyên, với đầy đủ các đặc tính thất tình lục dục của con người từ nhiều ngàn năm trước và nhiều ngàn năm sau nối tiếp. Vô thuỷ vô chung…
6/LDCH. Dạ. Bác sĩ đã nói vậy thì xin mời bác sĩ nghe một bài nhạc đặc biệt về sự luân hồi đông đi xuân đến, về sự xoay vần của cuộc đời. Sự xoay vần này nó năng động hơn, có thể là ồn ào hơn cái hình ảnh trong bài kệ của thiền sư Mãn Giác. Xin mời quý vị lắng nghe ạ
7/Clip nhạc https://video.search.yahoo.com/search/video?fr=vmn&p=hay+ngoi+xuong+day+lyric#id=2&vid=cc13c201648c86ac3446a1d7255cbc06&a ction=click
Hãy Ngồi Xuống Đây
Tác giả: Lê Uyên Phương
Hãy ngồi xuống đây
Hãy ngồi xuống đây
xa cơn buồn phiền
dẫu biết chia phôi
nhưng trong cuộc đời vẫn có đôi ta
Hãy ngồi xuống đây
như trong lần đầu bối rối bên nhau
vai rung thẹn lời mắt sáng môi trinh da thơm tình ngời
Trên trời có mây sau cành lá xanh
mây bay từng đàn lá thắm hoa tươi
em ơi ngày buồn sẽ chóng qua đi
Hãy ngồi xuống đây hôn nhau lần này
Hãy ngồi xuống đây cho nhau lần này
Hãy ngồi xuống đây chia tay lần này
Hãy ngồi xuống đây
như loài cỏ tranh chen nhau từng hàng
xoắn xít bên nhau vui chơi cuộc đời cỏ rác hôm nay
Hãy ngồi xuống đây
trên lưng cuộc đời thách đố thương đau
Vuốt ve cuộc đời
từ mùi son phấn trên mặt người
trong đau đớn điên cuồng đó
Vun kiếp sống không ngơi
Cách xa vời vợi
Một ngày qua giấc mơ vùi dần
Rồi mùa Đông đến
Rồi mùa Xuân đến
Cuộc đời vẫn quay đều
Hãy ngồi xuống đây
như loài thú hoang yêu nhau ngoài đồng
duới nắng ban mai
phô thân trần truồng kiếp sống hoang sơ ..
Hãy ngồi xuống đây hôn nhau lần này
Hãy ngồi xuống đây cho nhau lần này
Hãy ngồi xuống đây chia tay lần này ….
Hãy ngồi xuống đây vai kề sát vai
cho da thịt này đốt cháy thương đau
cho cơn buồn này rót nóng tung hoang
cho thiên đường này bốc cháy
trong cơn chia phôi chia phôi tràn trề ….
Hãy ngồi xuống đây
bên con vực này ngó xuống thương đau
8/LDCH: Cuộc đời thay đổi, hợp rồi tan, có rồi mất, nhưng trong bài nhạc vửa rồi Lê Uyên Phương vẫn tiếp tục “vuốt ve cuộc đời, vun kiếp sống không ngơi”. Ngụp lặn trong đó. So với thiền sư Mãn Giác, tĩnh lặng để cuộc sống trôi đi. Thật khác xa một trời một vực. Theo bác sĩ, bác sĩ cảm thấy thế nào về hai cái thái độ trong bài thơ của thiền sư Mãn Giác và bài nhạc của Lê Uyên Phương ạ ?
9/TXN. CH hỏi tôi cảm thấy thế nào khi nghe hai bài thơ và nhạc trước sự xoay vần đổi thay của cuộc đời, một của Mãn Giác và một của Lê Uyên Phương thì phải chăng cô muốn tôi phê bình phải trái, đúng sai? Nếu mà muốn dùng kinh sách ra trả lời thì tôi sẽ lấy lời Lục Tổ Huệ Năng để mà nói rằng “đừng luậnphải trái”. Còn trả lời theo thiển ý tại lúc này, chỗ này, của tôi - thì chỉ xin nhắc lại hoàn cảnh thiền sư Mãn Giác đọc bài kệ. Thiền sư Mãn Giác đọc xong bài kệ, ngồi yên tĩnh toạ rồi tịch. Khác với Lê Uyên Phương tiếp tục cuộc chơi, ngụp lặn trong những cơn sóng lục trần. Cái khác có lẽ chỉ vì thời đại khác nhau, sức khoẻ khác nhau, hoàn cảnh khácnhau. Căn bản là tâm trạng khác nhau. Cho nên đạo Phật nói mọisự do Tâm. Khi hiểu thế rồi, thì không còn nói thế nào là phải trái nữa. Bởi vì phải hay trái đều do cái Tâm con người quyết định. Mà cái tâm là gì, có giống nhau không thì có lẽ tôi phải thưa rằng còn cần nhiều dịp nữa để thảo luận. Sau chót, thì dù sao tôi cũng phải nói rằng tuy cả hai tâm trạng có khác, nhưng đều có một điều giống nhau. Là một người để lại bài kệ thâm trầm nổi tiếng. Một người để lại bài nhạc khích động rât hay. Tôi thích cả hai. Không hiểu LDCH thấy sao?
10/LDCH. Dạ…Cả hai đều có cái ý nghĩa của hắn tùy theo mình thích cái nào, cảm nghĩ riêng của mình. Tâm giống như bác sĩ nói, mọi cảm nhận đều do tâm của mình, tâm khởi đầu. Tuy nhiên, người buồn cảnh có vui đâu bao giờ, nhưng buồn đối với người này đâu có nghĩa cũng là buồn đối với người khác. Chonên là tùy vật tùy cảnh tùy tâm. Cảm nhận của mỗi người khác nhau đối với vạn vật tùy theo sự tỉnh thức của mỗi người. Cho nên lúc vui thì CH thích bài nhạc của Lê Uyên Phương, lúc u tịch trầm lặng thì CH chắc chắn là thích bài thơ của thiền sư Mãn Giác. Hôm nay là một dịp rất là hoan hỉ được hầu chuyện với bác sĩ N trở lại. Xin chúc bác sĩ N có một mùa xuân tràn đầy hạnh phúc và tràn đầy sức khỏe trong năm mới sắp tới đây.
11/TXN Chào tạm biệt