Giở Lại Chồng Báo Cũ
• Đào Văn Bình
Ngay từ thuở ấu thơ tôi thường chứng kiến cảnh bố tôi cắt từng bài báo, dán vào một cuốn tập và không biết sau đó ông cụ có đọc lại hay không, hoặc chỉ lưu trữ để làm tài liệu? Hình ảnh đó đã thâm nhập vào đầu óc thơ dại của tôi lúc nào không hay. Tại hải ngọai này, do có “hobby” viết văn, làm thơ, viết truyện, viết bình luận chính trị, ngòai sách vở, tôi cũng thường lưu lại những bài viết có giá trị để sau này có thể dùng đến như một dẫn chứng hoặc trích dẫn cho bài viết của mình. Dĩ nhiên theo thời gian, số tài liệu lưu trữ đó mỗi ngày mỗi nhiều, lục lại thấy phát ngán. Tuy nhiên có một bài thuyết trình mới đây của BS Trần Xuân Ninh bằng Anh Ngữ nhan đề Buddhism in Vietnam đọc trong Hội Nghị South and Southeast Asian Association for The Study of Culture and Religion (SSEASR) tổ chức tại Thủ Đô Bangkok, Thái Lan. Bài thuyết trình bằng Anh Ngữ này đã được phổ biến trên Liên Mạng Tòan Cầu ngày 28-5-2007. Nay nhân lúc về hưu rảnh rồi, xin dịch ra Việt Ngữ để quý vị, quý bạn nào chưa tìm hiểu về lịch sử Phật Giáo Việt Nam thì đọc cho biết. Còn vị nào đã am tường, nếu thấy cần xin cứ mạnh dạn đóng góp ý kiến thêm với BS Trần Xuân Ninh. Ngòai ra cũng cần phải nói rõ: Từ trước tới giờ tôi chưa hề quen biết hoặc gặp gỡ BS Trần Xuân Ninh. Bài phiên dịch này chỉ có ý nghĩa giao cảm trên diễn đàn văn học và nghị luận và giới thiệu tới qúy vị những bài viết có giá trị mà thôi.
--------------------
Phật Giáo tại Việt Nam
• Buddhism in Vietnam by Dr. Trần Xuân Ninh
Khó có thể nói một cách chính xác khi nào Phật Giáo du nhập vào Việt Nam . Theo cuốn “Le Bouddhisme en Annam des Origines jusqu’au XIII è Siècle” trong đó Trần Văn Giáp khẳng định Mâu Tử từ Trung Hoa là người đầu tiên thuyết giảng về Đạo Phật ở Việt Nam vào Thế Kỷ Thứ 3. Những nhà biên khảo mới đây lại cho rằng Đạo Phật du nhập vào Việt Nam sớm hơn - tức khỏang Thế Kỷ 3 trước Tây Lịch bằng cách dựa vào truyền thuyết về các nhân vật lịch sử. Họ đưa ra dẫn chứng như Chử Đồng Tử là vị Phật tử đầu tiên dưới thời Vua Hùng Vương thứ 18, từ đó cho rằng Việt Nam đã phát triển hệ thống tăng đòan (sangha) vào thời kỳ Công Chúa Bát Nàn và Nữ Tướng Thiếu Hoa chiến đấu dưới trướng của Hai Bà Trưng chống lại nhà Hán năm 39 trước Tây Lịch. Sau chiến công này Công Chúa Bát Nàn xuất gia và trở thành vị ni cô tại Chùa Tiên La. Còn Thiếu Hoa là một ni cô trước khi gia nhập vào đạo quân khởi nghĩa của Hai Bà Trưng. Những học giả này còn chỉ rõ Chùa Liên Trì đã được xây vào thời kỳ Hùng Vương năm 258 trước Tây Lịch và Chùa Trúc Viên ở Sài Sơn, Sơn Tây khỏang năm 100 trước Tây Lịch. Theo những cuộc khảo cứu này, Phật Giáo du nhập vào Việt Nam trực tiếp từ Ấn Độ và Mâu Tử (160-230) cùng Khương Tăng Hội (200-280) là những vị sư đầu tiên tại Việt Nam, đã nghiên cứu Phật Giáo từ Việt Nam rồi sau đó trở về thuyết giảng tại Trung Hoa. Các học giả này cũng còn nêu ra danh từ “Bụt” của người Việt Nam để gọi Phật, trong khi “Phật” là danh từ mà ngài Huyền Trang dùng trong khi phiên dịch các kinh điển vào Thế Kỷ thứ 7. (đời nhà Đường)
Tất cả các tông phái chính của Phật Giáo đều có mặt tại Việt Nam như Mahayana, Theravada (Khất Sĩ), Vajrayana, Pure-Land (Tịnh Độ), Zen (Thiền) cùng với một số tông phái khác. Mới thọat nhìn, dường như không có một hình thức đặc thù của Phật Giáo cho Việt Nam qua sự kiện người Việt tin theo những giáo lý chuyên biệt cho mỗi tông phái. Tuy nhiên, sự thực không phải thế. Có một hình thức Phật Giáo thực sự là nguồn gốc Việt Nam nếu như chúng ta nhìn vào hai sự kiện: Lịch Sử Việt Nam và sự phát triển của Phật Giáo trên đất nước này.
Lý Công Uẩn, vị vua sáng lập triều đại Nhà Lý là đệ tử của vị sư nổi tiếng - Vạn Hạnh Thiền Sư. Văn Miếu được xây dựng năm 1070 để tôn vinh Đức Khổng Phu Tử. Chỉ một phần của Văn Miếu được xây trước đó, phần lớn kiến trức này được tạo dựng dưới Triều Lý (1010-1225) và Triều Trần (1225-1400). Vào năm 1076 Quốc Tử Giám – viện đại học đầu tiên của Việt Nam ra đời và được kiến tạo trong khuôn viên của Văn Miếu để giảng dạy cho con em của triều đình. Quốc Tử Giám tồn tại tới 700 năm, từ 1076-1779 và đào tạo được 2,313 tiến sĩ.
Dưới Triều Trần, (1225-1400) các vua Trần Thái Tôn, Trần Thánh Tôn và Trần Nhân Tôn và rất nhiều quan thượng phụ của triều đình cũng như hòang tộc đều là các vị thiền sư. Trong số đó Vua Trần Nhân Tông nổi bật nhất và trở thành vị sáng lập của Thiền Trúc Lâm Yên Tử sau khi nhường ngôi cho con vào năm 1299.
Nhìn lại cuộc đời của Vua Trần Nhân Tôn chúng ta thấy đó là cuộc đời của một vị hành Thiền và để lại một câu nói thời danh “Cư Trần Lạc Đạo” (Enjoying Tao While in the Worldly Life”.
Sự trị vì của Vua Trần Nhân Tôn vào đầu Thế Kỷ 13 là sự đổi thay đem tới nét đặc thù cho Phật Giáo Việt Nam . Dưới triều Trần Nhân Tôn, quân dân Việt Nam đã đánh tan hai cuộc xâm lăng của quân Mông Cổ hung bạo vào năm 1285 và 1288. Nhà vua đã cho triệu tập các bô lão trong nước tại Điện Diên Hồng để xin các cụ chọn lựa giữa cuộc chiến tranh tàn phá đất nước để chống lại một đạo quân bách chiến bách thắng - hay đầu hàng trong áp bức và ô nhục? Ngày hôm nay, cử chỉ đó đã được ngợi ca như một hành động dân chủ. Tuy nhiên cũng có một số cho rằng nhà vua đã không quyết liệt bằng cách tự ý ban hành mệnh lệnh trong tình thế cực kỳ nguy nan. Tuy nhiên nhìn vào những việc làm khác của nhà vua, ngài đã thể hiện tấm lòng từ bi (spirit of compassion) của hàng Bồ Tát, thấu hiểu sự khó khăn khi (người dân) phải chọn lựa hy sinh tính mệnh của mình và gia đình mình trong tình thế khó khăn. Hành động của Vua Trần Nhân Tôn chứng tỏ ngài đã thể hiện tinh thần của Đạo Phật trong việc cai trị đất nước. Sau khi đánh đuổi được quân Mông Cổ, ngài ra lệnh đốt tờ danh sách ghi tên các người đã hợp tác với giặc. Ngài cũng đã ra lệnh trả tự do cho những người phải bán mình làm nô lệ trong trận đói 1290-1293. Ngài còn ra lệnh phân phát phẩm vật cho những người nghèo khó. Vào năm 1294 ngài từ giã cuộc sống của một vị thiền sư, trở lại với tư cách của thái thượng hòang, giúp con chống lại những cuộc xâm lăng của Ai Lao. Khi giặc đã bị đẩy lui, ngài trở về cuộc sống tu hành khổ hạnh trên Núi Yên Tử cho đến khi ngài thị tịch vào năm 1308 giữa nơi thiền đường khiêm tốn và với một vài để tử bên cạnh. Không còn nghi ngờ gì nữa, thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đã gợi hứng từ dòng thiền đốn ngộ của Lục Tổ Huệ Năng qua các chi nhánh Vô Ngôn Thông, Thảo Đường và Thiền Pháp Vân của Tì Ni Đa Lưu Chi tin tưởng mạnh mẽ vào phẩm hạnh Bồ Tát. Cốt tủy của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử là làm sống động giáo pháp của Đức Phật (to live the dharma) mà cuộc sống của Vua Trần Nhân Tôn là tiêu biểu. Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử của Vua Trần Nhân Tôn là khởi đầu và là nền tảng của Phật Giáo Việt Nam, nó là hiện thân của giáo lý “Đưa đạo vào đời”mà tất cả đặc điểm của nó có thể chỉ rõ trong câu nói “Cư Trần Lạc Đạo”. Theo lối kiến giải này thì sự thực hành (tiến tu) theo Phật Giáo không chỉ giới hạn ở lễ nghi, thờ phượng, hành thiền mà ngay trong sinh họat của đời sống hằng ngày. Không cần tìm kiếm sự giác ngộ và yên bình ở bất cứ nơi nào khác hơn là quay về tự kỷ (chính mình) và ở môi trường mà chúng ta đang sinh sống.
Trải qua bao nhiêu hưng phế, tư tưởng Thiền Trúc Lâm đã thấm vào tâm hồn của người Việt Nam . Vào cuối Thể Kỷ 18, một danh sĩ nổi tiếng là Ngô Thì Nhậm, cố vấn cho Quang Trung Đại Đế đã chịu ảnh hưởng sâu đậm bởi tư tưởng thiền này./.