Người Việt lớn tuổi một chút và thuộc ca dao tục ngữ thì biết rằng là “tháng 7 ngày rằm xá tội vong nhân”. Nhưng những Phật tử đi chùa nhân rằm tháng 7 thì ai cũng thuộc sự tích tôn giả Mục Kiều Liên, cao đồ của đức Phật, pháp thuật cao cường nhưng không đem được mẹ ra khỏi vòng ngạ quỷ đói khát. Ngài đã cầu tới đức Phật, để được dậy rằng phải thỉnh chư tăng sĩ mười phương nhất tâm tụng niệm mới sinh đủ thần lực cứu mẹ. Ngày Vu Lan từ đó được coi là ngày lễ báo hiếu cha mẹ trong Phật giáo Bắc tông tại Việt Nam.
Sang đến Hoa kỳ, người Việt mình biết được rằng tại Hoa kỳ có ngày Mother’s day, để nghĩ đến mẹ, bên cạnh nhiều ngày lễ hàng tháng khác, như ngày Father’s day, ngày Secretary day, ngày Valentine day vân vân để mà nhớ và mua thiệp hay sắm quà. Tìm hiểu thêm, người ta biết rằng ngày Mother’s day đã được tổng thống Woodrow Wilson ký sắc lệnh công nhận vào năm 1914 và định vào ngày chủ nhật thứ hai của tháng năm. Quyết định này là kết quả của những vận động kiên trì của bà Anna Jarvis tiểu bang West Virginia, bắt đầu từ năm 1905 là năm mẹ bà chết, vì bà nghĩ rằng “mẹ là người làm cho mình nhiều hơn bất cứ ai khác trên thế giới”. Tưởng cũng xin nói thêm rằng quốc hội Mỹ đã bác bỏ ý kiến của bà Jarvis với lý do nếu lập ra ngày lễ mẹ thì phải có luôn ngày lễ mẹ chồng hay mẹ vợ (mother- in-law). Điều trớ trêu là vào năm 1920, tức là năm năm sau khi ngày Mother’s day được chính thức công nhận, bà Jarvis là người đứng ra tổ chức biểu tình chống ngày Mother’s Day. Lý do là nó đã bị thương mại hóa. Bởi vì hãng Hallmark và nhiều công ty khác in thiệp chúc mừng mẹ cho người ta mua. Bà Jarvis nghĩ rằng ít nhất là phải bỏ công ra viết tay cho mẹ, chứ không phải là mua thiệp hay gửi quà. Dĩ nhiên là bà đã thua, vì người ta thấy rằng có một cái gì làm để gọi là nghĩ đến mẹ hàng năm là tốt rồi và vì ở Mỹ là nước buôn bán cho nên chống thương mại là thua. Nhân tiện thì xin cho quý vị biết rằng doanh số tiền quà mua trong ngày mother’s day ở Mỹ năm 2015 là trên 21 tỉ đô la.
Ngày Mother’s day đã du nhập vào Nhật năm 1949, 5 năm sau khi bị Mỹ chiếm đóng, và gọi là Haha no hi. Trong dịp này con cái mua hoa cẩm chướng (carnation) mầu đỏ để tặng mẹ, theo cái lệ từ bà Anna Jarvis đã đề ra. Tại miền nam Việt Nam, sau khi giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất thành lập năm 1964, thì vào ngày lễ Vu Lan, trong các chùa nẩy ra lệ các Phật tử còn mẹ thì cài áo một bông hồng đỏ, còn người mất mẹ cài áo hoa hồng mầu trắng. Những người biết chuyện kể rằng lệ này là do sáng kiến của một đại đức trẻ đề ra sau chuyến đi sang Nhật thấy ngày Haha no hi và tục lệ tặng hoa cẩm chướng. Đại đức trẻ này đã viết một đoản văn nhan đề Bông Hồng Cài Áo và đổi hoa cẩm chướng thành hoa hồng. Ngày nay vị đại đức này đã trở thành thiền sư Thích Nhất Hạnh, đứng đầu pháp môn Làng Hồng ở bên Pháp.
Sau năm 1975, VC chiếm miền Nam, chùa chiền bị dẹp, Vu Lan không còn và lệ này cũng mất. Tại cộng đồng hải ngoại, lệ này tiếp tục tại các chùa và giáo hội PGVNTN tại hải ngoại hình thành..
Những ai không đi chùa nhân lễ Vu Lan thì không theo và có thể không biết lệ Bông Hồng Cài áo. Nhưng không phải vì thế, mà người Việt Nam không nghĩ đến mẹ. Qua ca dao và qua thơ văn. Đặc biệt tôi nhớ bài thơ của Lưu Trọng Lư viết vào nửa đầu thế kỳ 20, về mẹ, được làm bài giảng văn cho tôi lúc mới vào trung học.
Mỗi lần nắng mới hắt bên song.
Xao xác gà trưa gáy não nùng;
Lòng rượi buồn theo thời dĩ vãng,
Chập chờn sống lại những ngày không.
Tôi nhớ Me tôi thuở thiếu thời,
Lúc Người còn sống, tôi lên mười;
Mỗi lần nắng mới reo ngoài nội,
Áo đỏ Người đưa trước giậu phơi.
Hình dáng Me tôi chửa xoá mờ
Hãy còn mường tượng lúc vào ra
Nét cười đen nhánh sau tay áo
Trong ánh trưa hè, trước giậu thưa.
Tôi nhớ vì nó đúng vào hoàn cảnh tôi, mẹ chỉ sống đến năm tôi 10 tuổi. Hình ảnh mẹ trong bài thơ của Lưu trọng Lư có thể đã được thi vị hóa. Bởi mẹ tôi cũng răng đen hạt na đều đặn đen nhánh, và như nhiều bà mẹ VN khác thời đó không có áo đỏ đem phơi. Nhưng chính tay mẹ tôi đã giặt đủ loại quần áo mà có những cái rách phải vá - trong gia đình và phơi lên những sợi giây thép hay bờ giậu. Nhữngkhi tôi nghịch ngợm hay làm điều hư hỏng quá đáng là mẹ nọc ra bắt nằm xuống phản, ôn tồn kể từng tội và nếu cần thì đánh đòn. Nhưng luôn luôn sau mỗi khi đánh tôi là tôi thấy mẹ tôi kín đáo lau nước mắt. Vì thế, tôinghĩ thi vị hóa hình ảnh mẹ bởi các nhạc sĩ thi sĩ không phải là điều quá đáng. Bởi vì sự dịu ngọt của mẹ cũng được thấy ngay trong ca dao, phản ảnh tâm tưởng của giới bình dân. Thí dụ như qua mấy câu ca dao về mẹ ở miền Trung.
Mẹ già như chuối ba hương
Như sôi nếp một, như đường mía lau
Vì sống trong môi trường như thế, tôi đã thâm cảm được tâm sự và hoàn cảnhcủa người thiếu phụ chồng đi đánh giặc miền xa trong áng văn bất hủ Chinh phụ ngâm chữ Hán của Đặng trần Côn đã được nữ danh sĩ Đoàn thị Điểm dịch ra chữ nôm đầu thế kỷ thứ 18.
Mẹ già phơ phất mái sương
Con thơ măng sữa, vả đương phù trì
Lòng lão thân buồn khi tựa cửa
Miệng hài nhi chờ bữa mớm cơm
Ngọt bùi thiếp đã hiếu nam
Dạy con đèn sách thiếp làm phụ thân
Nay một thân nuôi già dạy trẻ
Nỗi quan hoài mang mể biết bao!
Nhớ chàng trải mấy sương sao
Xuân từng đổi mới, Ðông nào còn dư
Người vợ trẻ trong nỗi nhớ nhung chồng tràn ngập và bận bịu với con thơ nhỏ dại, nhưng cũng không quên thay chồng lo lắng an ủi mẹ chồng. Tôi không nghĩ có mấy ai trong quý vị ở đây đã phải nhai cơm để mớm cho con. Tôi còn nhớ đã chứng kiến mẹ tôi như thế nuôi em gái nhỏ của tôi. Mỗi bữa ăn, mẹ tôi đã đi xúc miệng cho sạch, xúc một miệng đầy cơm nhai tới thành nước, bỏ vài hạt muối vào miệng hay là một chút thịt băm, rồi mớm cho em gái tôi. Các vị thử nghĩ coi, nhai cơm cho tới khi ngọt và ngon thì phản xạ là nuốt cho mình, nhưng người mẹ đã mớm con cho no rồi mới đi ăn cơm. Đây không phải là chuyện cách đây mấy trăm năm thời Đoàn thị Điểm, mà tình mẹ thương con tiếp diễn tới bây giờ.
Tôi có hiện có haingười bệnh nhân già tuổi trên 70-80. Một bà người Bắc gầy tong teo da mặt nhăn nhúm, một người miền Trung, nói hai thành ho, ba thành boa rât khó nghe. Bà miền Bắc sống ở ngoại ô cách xa phòng mạch của tôi hơn một tiếng đồng hồ xe hơi. Bà bị cao áp huyết máu và mất ngủ kinh niên . Vài tháng đến tôi một lần chỉ để xin thứ thuốc ngủ bà đã quen, không chịu thuốc gi khác. Tôi khám phá thấy bà tim đập thất thường, đề nghị cho đi bác sĩ chuyên môn khám tim. Bà nhất định từ chối, vì “không có ai đưa đi và không biết tiếng Anh”. Con bà thì có xe hơi nhưng bận đi làm và bà không muốn phiền con, vì “tôi nghiệp, một tuần có một ngày nghỉ để cho nó nghỉ”. Mỗi lần đi đến phòng mạnh là phải đi ké xe người hàng xóm mỗi khi họ vào Chicago đi chợ và góp 50 đô la gọi là để đổ săng. Tôi biết bà bị trầm cảm, tính đổi thuốc cho bà nhưng bà không chịu. Nói chỉ xin thuốc ngủ để dành, “quá lắm thì uống một chút để ngủ hai ba tiếng là cũng đỡ rồi. Sống được bao nhiêu thì sống. Uống thuốc nhiều cũng có sống mãi được đâu”. Bà bệnh nhân miền Trung thì khi đến tôi đã thấy uống đến 3-4 thứ thuốc cao máu, mà không lúc nào áp huyết bình thường. Mãi sau tôi mới khám phá ra là bà không uống thuốc đều đặn. Khi thấy khó chịu hay nhức đầu hay chóng mặt mới uống một viên, còn thuốc là để cho con bà cũng bị cao máu, mà tôi sau môt thời gian mới biết là đi xe Lexus SUV.
Tình thương của mẹ với con, bù trì cho gia đình là như vậy. Biểu thị rộng rãi cái tình thương này là trong lời ru ời ời của bà, của mẹ, của chị, hàng ngày, mộc mạc đơn giản, dễ thương. Ít nhất là cho tới nửa sau của thế kỷ 20, ở miền nam Việt Nam trước năm 1975.
Đồng đăng có phố Kỳ lừa
Có nàng Tô thị có chùa Tam thanh
Hay là:
Cái bống đi chợ cầu canh
Con tôm đi trước củ hành đi sau
Con cua lệch đệch theo hầu
Cái chầy rơi xuống vỡ đầu con cua…
Mộc mạc đơn giản vì người mẹ phải sáng tác ra để cho con vui mà nhoẻn miệng phát ra tiếng cười khanh khách, hay là để mà dậy cho con thêm chữ thêm nghĩa…
Cho nên người mẹ, người phụ nữ VN, âm thầm giữ vai trò vô cùng quan trọng trong gia đình. Tóm tắt, mẹ là lời ru. Ngày nay, mẹ được thay bằng smart phone, bằng I pad, và để có những thứ đó thì bố phải chạy theo tốc độ, mẹ phải chạy theo tốc độ kiếm tiền…Để rồi mỗi người trong gia đình ôm một cái máy…vài tháng đổi một cái máy…
Thời thế thay đổi, con người đổi thay. Nhà Phật chúng ta biết đó là vô thường. Nhưng mà dù sao, thì để chấm dứt, tôi xin được mời đạo hữu LDCH cho tất cả chư quý liệt vị hưởng lại, trong vài giây phút, cái tâm thức VN, ít nhất là cho tới nay ở đây, về mẹ
Tôi yêu tiếng nước tôi
Từ khi mới ra đời người ơi
Mẹ hiền ru những câu xa vời
À à ơi, tiếng ru muôn đời
Tiếng nước tôi
Tiếng mẹ sinh từ lúc nằm nôi
Khóc cười theo mệnh nước nổi trôi
Nước ơi..
Trần Xuân Ninh
(Ngày 7 tháng 8/2016. Chùa Pháp Luân, Houston Texas, lễ Vu lan năm Bính Thân)