Báo Do thái Jerusalem Post ngày 14 tháng 4 có một bài viết nhan đề “Phải chăng Obama đang tính toán trả thù Netanyahu?”. Câu hỏi này được đặt ra vì bài viết “Obama: Người bảo vệ Do thái không được thừa nhận” trên tờ New York Times theo đó thì các phụ tá Bạch cung tiết lộ rằng trong cái năm cuối cùng này ở vị trí quyền lực, tổng thống Obama rất phiền muộn vì chuyện hoà bình Do Thái Palestine đã không đi đến đâu. Do đó, ông Obama đang cân nhắc làm sao để có thể để lại một thành tích chính thức coi được của nhiệm kỳ tổng thống. Người ta còn nhớ rằng khi tranh cử tổng thống cách đây 8 năm, ông Obama đã hứa hẹn sẽ giải quyết xong chuyện này bằng giải pháp hai nước Do Thái Palestine sống cạnh nhau trong hoà bình. Thực tế phũ phàng là lãnh đạo Do Thái Netanyahu gần đây đã khẳng định rằng sẽ không có hai nước Do Thái và Palestine, chừng nào mà ông còn làm thủ tướng. Mặc dầu là ông Obama đã nhún nhịn hết sức , trong mọi điều đình với Netanyahu, nghĩa là bỏ mọi quan điểm của ông khi tranh cử. Lara Friedman tác giả bài báo trên New York Times đã sưu tầm lại thái độ của các nhiệm kỳ tổng thống Mỹ trong vấn đề này, từ 1967 tới nay. Thì thấy rằng các chính phủ Mỹ đều hoặc là không phủ quyết hoặc là bỏ phiếu ủng hộ các quyết nghị phê phán chính sách Do Thái. Nhiều nhất là tổng thống Reagan với 21 lần, ít nhất là Clinton , 3 quyết nghị. Chỉ thời chính quyền Obama là không có một quyết nghị nào của Liên hiệp quốc về những chính sách hay hành động Do Thái đối với Palestine và các nước Ả Rập khác, vì Mỹ phủ quyết. Năm 2011, đại diện Mỹ tại Liên hiệp quốc Susan Rice, cộng sự viên thân cận của ông Obama giải thích rằng Mỹ phủ quyết không vì nội dung của các quyết nghị mà vì e rằng làm như thế sẽ đầu độc những nỗ lực điều đình để có hòa bình. Nói thế chỉ để mà nói thôi chứ luận cứ này không có giá trị nào, và thực tế đã chứng minh như thế.
Người ta còn nhớ rằng năm 2011 trong hội nghị thượng đỉnh kinh tế các nước nhóm G20 ở Cannes nước Pháp, một cuộc trao đổi riêng chừng 3 phút trước khi vào họp báo chung, giữa tổng thống Pháp Sarkozy và tổng thống Obama, đã vô tình bị thu âm và do đó bị tiết lộ ra ngoài. Ông Sarkozy đã nói rằng ông không chịu được Netanyahu. “Netanyahu là người nói dối”. Ông Obama đáp “Ông không chịu được Netanyahu à? Tôi phải điều đình với ông ấy thường xuyên”.
Nghĩ cũng tội cho ông Obama. Những hình ảnh các cuộc gặp gỡ Obama Netanyahu được truyền đi đều cho thấy vẻ mặt kẻ cả coi thường Obama của Netanyahu. Truyền thông Mỹ đã không dấu điếm mà coi sự liên lạc giao tiếp giữa hai bên là gập ghềnh sóng gió.
Theo Jerusalem Post và New York Times thì ông Obama có thể sẽ đưa ra một quyết nghị trước Liên hiệp quốc khẳng định lập trường hoà bình Do thái Palestine của ông là giải pháp hai nước, mà Netanyahu và những chính trị gia Mỹ chịu ảnh huởng Do Thái chống đối. Ông Obama đã kiên nhẫn đóng vai gọi là bảo trợ những cuộc điều đình Palestine Do Thái cho có lệ vì không đem lại một chút kết quả nào, các cuộc chiếm cứ xây khu định cư Do Thái tiếp tục trên đất Palestine, để sau cùng tuyên bố chịu thua, bỏ cuộc.
Liệu bây giờ ông Obama có sẽ khẳng định cái chủ trương hai nước Palestine Do Thái này nữa hay không? Nhiều nhận định của các chính trị gia và chuyên gia đã được đưa ra trên Jerusalem Post để xem rút cuộc thì ông Obama sẽ làm gì. Tất cả tóm lại chỉ là đặt trên tiền đề quyết định của ông Obama có lợi có hại ra sao cho bang giao Mỹ Do Thái, hay là làm Do thái mất tiếng thêm ra sao trước thế giới về vấn đề Do Thái Palestine mà có thể nói rằng nhiều nước trên thế giới không đồng ý với Do Thái, trừ Hoa kỳ và một số đồng minh cật ruột.
Điều đặc biệt là trong số những người không đồng ý với lập trường của Netanyahu có một người Mỹ Do Thái trẻ, Simone Zimmerman. Bà này đã viết trên facebook của bà ta rằng“Netanyahu là một người xấc láo, lừa bịp, khinh thường người khác và mưu mánh thủ đoạn. Thật đáng xấu hổ… Bibi (Bibi là tên tắt của Netanyahu). Ông đã là người khai thác sợ hãi, và đẩy nước Do thái bằng lời nói và hành động càng ngày càng xa khỏi cộng đồng thế giới, vì ông đã tìm đủ cách cản trở cuộc điều đình ngoại giao lịch sử với Iran để lôi sự chú ý của thế giới ra khỏi những biện pháp chế tài của ông đã giết chết 2000 người mùa hè vừa qua, và sự chiếm đóng quân sự tàn bạo cả triệu người tiếp tục dưới sự trông chừng của ông”.
Simone đã được ứng cử viên dân chủ tổng thống Bernie Sanders bổ nhiệm làm giám đốc phụ trách vấn đề vận động cử tri Do thái. Nhưng chỉ hai ngày sau khi ý kiến này được đưa lên truyền thông thì Simone Zimmerman đã bị bãi chức, mà ban vận động tranh cử của Bernie gọi là “để điều tra”. Truyền thông, khi so sánh ý kiến của Zimmerman với những phát biểu tốt đẹp huê dạng của Bernie Sanders về vấn đề Palestine đã loan tin này đi với nhận định “Simone bị đuổi vì quan điểm không khác gì của Bernie”(!)
Người ta hiểu rằng Bernie đã nói tốt về Palestine là trong khuôn khổ lập trường thiên tả (lý thuyết) của ông. Nhưng ông đã đuổi Simone vì phải đối đầu với Hillary Clinton kể là 100% trung thành với Do Thái, để hy vọng thắng lợi trong cuộc bỏ phiếu quan trọng thứ ba này ở New York, thủ phủ của quyền lực chính trị tài chính của dân Mỹ Do Thái.
Trở lại với vấn đề ông Obama có sẽ đưa ra quan điểm của ông ra Liên hiệp quốc hay ra quần chúng dưới hình thức này hay khác hay không, thì nếu cứ căn cứ vào những điều vừa trích dẫn, người ta có thể nói là không.
Khi báo Jerusalem Post đặt tên cho bài viết dưới dạng câu hỏi“Phải chăng Obama đang tính toán trả thù Netanyahu?” thì đã là một cách tinh tế để cho chuyện đó khỏi xẩy ra. Vì nếu vì thù hiềm mà làm thế thì quả tình rằng đó là một hành động nhỏ nhen, hạ thể. Ngoài ra người ta cũng nghĩ rằng nếu mà Obama đã nhún nhịn tối đa trước Netanyahu khi ông làm tổng thống quyền thế, thì không có lý do gì mà lại cứng rắn khi tàn cuộc hết quyền và tiếng nói không còn đi xa. Chưa kể rằng nó chỉ cho người ta thấy rõ sự nhu nhược và bất lực của ông.
Tuy nhiên, cũng chẳng biết chừng. Bởi vì người Việt có câu “Con giun xéo lắm cũng quằn”. Mới đây Netanyahu đã hủy bỏ cuộc gặp gỡ với Obama mà Bạch cung đưa ra, không phải bằng trả lời chính thức, mà qua thông báo với truyền thông! Trong tập đoản văn “Những bức thư viết từ cái cối xay gió của tôi” (Lettres de mon moulin) của nhà văn Pháp Alphonse Daudet nổi tiếng cuối thế kỷ thứ 19, có câu chuyện “Con la của giáo hoàng” lý thú. Truyện kể con la của đức giáo hoàng đã ôm mối hận thù 7 năm mới trả được đúng mức. Ông Obama đã có 8 năm. Người ta nếu có chờ thì cũng sẽ không phải đợi lâu.
Dù sao thì chuyện này cũng cho phép nghĩ rằng tư thế của Do thái có phần sút giảm tại Mỹ, tuy rằng các chính khách vẫn không thoát khỏi vòng ảnh hưởng bao trùm của thế lực chính trị Do Thái. Vì chỉ một ý kiến không mấy quan trọng có thể đem ra phát biểu của một tổng thống vịt què vốn không nổi tiếng là người cứng rắn, cũng đã làm cho báo giới và chính giới Do Thái quan tâm bàn thảo.
Thạch Trung Ẩn
Ngày 15 tháng 4/2016