Benjamin Netanyahu là chính trị gia Do Thái, giữ nhiều vai trò quan trọng trong chính quyền Do Thái trong 2 thập niên từ 1996 đến nay: Hết đại sứ tại Hoa kỳ, đến bộ trưởng ngoại giao, bộ trưởng tài chính rồi thủ tướng. Netanyahu là thủ tướng trẻ nhất Do Thái, và là người thứ hai được tái cử 3 lần làm thủ tướng, ngoài Ben Gurion, người thành lập nước Do Thái sau thế chiến thứ hai. Trong thời gian ông Obama làm Tổng Thống, Netanyahu ra vào Bạch cung như đi chợ, và là người đã khiến ông Obama vất bỏ lập trường chống chính sách xây dựng khu định cư Do Thái trên đất Palestine, với giải thích là để không làm hỏng cuộc điều đình cho giải pháp hai nước Palestine - Do Thái sống chung hoà bình. Nhưng rút cuộc là ông Obama vào giữa nhiệm kỳ thứ hai, đã tuyên bố thất bại và chấm dứt vai trò trung gian bảo trợ này. Những hình ảnh các cuộc họp Obama - Netanyahu đều cho thấy bộ mặt Netanyahu kẻ cả coi thường, trước một Obama nhún nhịn. Người ta còn nhớ Netanyahu được đảng Cộng hoà mời sang đọc diễn văn trước quốc hội Mỹ, công kích mạnh mẽ chủ trương của Bạch cung ký thoả ước hạt nhân với Iran, mà không thảo luận trước với Bạch cung như thông lệ, và chỉ thông báo cho hành pháp hay, sau khi mọi sự đã quyết định. Người ta cũng chưa quên mới đây, Netanyahu đã từ chối đến họp với tổng thống Obama theo như sắp xếp của Bạch cung, và tệ hơn nữa là một cách không chính thức, vì chỉ qua thông báo với truyền thông.
Rõ ràng Netanyahu có khả năng khống chế cả hành pháp lẫn lập pháp Hoa kỳ.
Tại Bắc Phi, tướng Al Sisi sau khi lật đổ được chính phủ dân cử Mohamed Morsi, bị coi là gần gạnh với tổ chức Hồi giáo Muslim Brotherhood, đã xác định lập trường thân Do thái, và tiếp tục chiến lược bao vây giải đất Gaza, thuộc nhóm Hamas của người Palestine chống Do Thái. Với những thành tích ngoại giao như thế, Netanyahu đã thắng cử thủ tướng lần thứ ba không phải là lạ. Thế thì tại sao lại có thể nói, triều đại Netanyahu sắp chấm dứt?
Bởi vì ngày 17 tháng 6/2016 ông Ehud Barak, người từng là một thủ tướng Do Thai, và là cựu bộ trưởng quốc phòng của Netanyahu, đã tuyên bố trên truyền hình Do thái rằng Netanyahu đang hoảng hốt vì biết thời gian làm thủ tướng của ông ta đang được đếm từng ngày. Barak chỉ trích là Netanyahu không có viễn kiến, đã đưa Do Thái sang phía cực hữu, chính phủ không có quân bình, cai trị một cách xảo quyệt, dẫn đến thất bại. Ông Barak còn nói rằng các lãnh tụ trên thế giới không ai tin lấy một chữ lời Netanyahu nói.
Sẽ có người cho rằng vì Ehud Barak bất đồng ý kiến và mất chức bộ trưởng quốc phòng cho nên phê bình Netanyahu thậm tệ.. Tuy nhiên, nếu theo rõi tin tức, thì chuyện Netanyahu ra đi, và chính sách cực hữu của Do Thái chấm dứt, không phải là điều sẽ không xẩy ra.
Đầu tiên phải nói rằng Barak không phải là người thiên tả, mà chỉ là người thực tế, và biết cư xử chính trị. Barak không chủ trương chiếm giữ giải Gaza và miền Tây ngạn của Palestine, vì nếu làm thế thì sẽ biến Do Thái thành một nước không dân chủ, không còn là Do Thái nữa. Baruk giải thích rằng nếu người Palestine - Do Thái được bầu cử, thì sẽ là một nước hai sắc dân, còn nếu không được bầu cử thì là một nước kỳ thị chủng tộc. Nhưng Barak đã tham dự nội các và đóng góp vào, cũng như thi hành chính sách Netanyahu. Nếu Barak lên tiếng bây giờ thì chỉ là vì rằng Do Thái không thể còn tự tung tự tác ở Trung đông và tiếp tục mở thêm những khu định cư ở vùng Tây ngạn của Palestine. Barak nói đã đến lúc phải cám ơn những điều Netanyahu đã làm (có nghĩa rằng đã mặc nhiên đồng ý việc lập thêm khu Do thái trên đất Palestine), nhưng phải cho ông ta ra đi, trong một năm hay hơn (tức là có thể trước khi hết nhiệm kỳ). Vắn tắt, Ehud Barak không chống Netanyahu theo lẽ chống đối thông thường, mà là người gián tiếp thông báo một giai đoạn chính trị mới mà Do Thái sẽ đi vào.
Một tin thứ hai cần lưu tâm là chuyện Moshe Yaalon, một cựu bộ trưởng quốc phòng khác của Netanyahu, cùng thuộc đảng Likud với Netanyahu, mới mất chức, cũng phê bình Netanyahu là kỳ thị chủng tộc, khai thác cảm tính, chủ trương bạo lực, chia rẽ người Do Thái với người Ả Rập. Yaalon tuyên bố sẽ ra tranh chức thủ tướng vào năm 2019. Và còn tuyên bố rằng vấn đề hạt nhân Iran không phải là mối đe doạ tức thời của Do Thái. Yaalon đã im miệng thi hành chính sách Netanyahu cho tới nay. Ở nước Do Thái mà chính sách dựa trên sức mạnh bạo lực quân đội, với sự ủng hộ không thắc mắc của Mỹ, khi mà cả hai bộ trưởng quốc phòng thuộc hai đảng chính, cả tả lẫn hữu tuyên bố giống nhau, phản đối thủ tướng mà họ thi hành chính sách nhiều năm, thì đó không phải là chuyện nghe qua rồi bỏ. Rõ ràng là Do Thái chuyển hướng.
Tại sao như vậy? Tại vì sự trỗi lên khẳng định vị trí cường quốc của Nga trên thế giới nói chung và Trung đông nói riêng của Putin. Mà cụ thể là sự can thiệp Nga ở Syria, chặn không cho các lực lượng chống Syria do Mỹ, Thổ nhĩ Kỳ và Do Thái dựng lên, nhằm truất bỏ chế độ Assad. Mỹ đã phải chấp nhận thực tế này. Và Do Thái cũng không thể khác. Netanyahu có thể ảnh hưởng lên các chính trị gia Mỹ về chính sách của Mỹ đối với yêu cầu của Do Thái. Nhưng không thể bắt Mỹ đối xử với Nga theo ý Do Thái. Bởi thế Netanyahu đã đi sang Nga 4 lần tính thử điều đình, từ năm ngoái đến nay. Lần chót là vào ngày 7 tháng 6 mới đây, nhân dịp kỷ niệm 25 năm thiết lập bang giao Nga Do Thái. Lần đầu là để thảo luận về những lo ngại do chuyện Nga quyết định can thiệp quân sự vào Syria nhằm bảo vệ Assad. Sau cuộc họp, Netanyahu thông báo kết quả là có sự thoả thuận nguyên tắc để tránh hiểu lầm về các hoạt động quân sự gây ra những phản ứng đáng tiếc, cũng như khẳng định lập trường cứng rắn, gọi là tự bảo vệ của mình. Vào lần chót này, về phiá Nga trước khi họp, thì chỉ thông báo rằng hai bên sẽ thảo luận về tình hình Trung đông và vấn đề chống khủng bố, và bang giao Do Thai - Nga, đã tiến xa về phiá trước ở vị trí đối tác. Nhưng ai cũng biết hai vấn đề này là hai vấn đề gai góc, khó có sự đồng ý. Do Thái thì nói rằng hai bên sẽ ký một hiệp ước về tiền lương hưu cuả người Nga di cư sang Do Thái. Nhưng đã không thấy có những tin tức và bình luận tiếp theo sau khi họp. Có nghĩa rằng Do Thái chẳng đạt được gì. Trước hoàn cảnh này, Do Thái không thể làm gì khác hơn là trở lại chấp nhận vị trí ở Trung đông, như thời Nga còn là cường quốc Liên sô đối đầu với Mỹ, bảo trợ cho các phong trào Ả Rập chống Âu Mỹ, trong đó có tổ chức PLO của Yasser Arafat. Ở tình thế đó, Do Thái đã phải ký hiệp ước Oslo chấp nhận điều đình với PLO, để mà tìm một giải pháp cho Palestine. Nhưng sau đó, khi Liên sô sụp đổ, thì Do Thái đã biến cuộc điều đình thành cò cưa kéo dài với sự đồng tình của Mỹ, trong khi lần hồi, chiếm từng vùng đất của Palestine ở Tây ngạn sông Jordan để làm khu định cư cho người Nga gốc Do Thái sang định cư mà tổng số lên trên một triệu rưởi người.
Chính sách mới mà Do Thái sẽ phải theo này, sẽ kéo dài bao lâu, và liệu có thể tái diễn đảo ngược như sau hiệp ước Oslo hay không? Nhiều phần là không, căn cứ theo những dữ kiện kinh tế và chính trị thế giới hiện tại.
Lâm Phong
(ngày 23 tháng 6/2016)