Kỹ nghệ giải trí và triều đại Donald Trump (Bác sĩ Trần Xuân Ninh)

Trên truyền thông giòng chính Mỹ mới loan đi những ý kiến và bàn tán quanh chuyện Donald Trump không thể nào kiếm cho ra những tài tử lớn để tham dự tô điểm cho những cuộc liên hoan nhân dịp nhậm chức ngày 20 tháng giêng 2017. Người hát quốc ca trong buổi lễ tuyên thệ chỉ là một ca sĩ 15 tuổi mới nổi lên trong chương trình tuyển chọn tài tử của đài NBC. Chuyện này không lạ. Người ta còn nhớ bà Hillary Clinton trong những buổi xuất hiện vận động tranh cử vào giai đoạn chót gay cấn ở những tiểu bang bản lề, nghĩa là thắng thua có tính quyết định kết quả bầu cử toàn quốc,  đã có nhiều ca sĩ tài tử nổi tiếng trình diễn để lôi kéo quần chúng. Ông Donald Trump nhân chuyện này đã choang một chuỳ khá nặng bằng phát biểu rằng tôi không có nhân vật nổi tiếng, không có ca sĩ, không có đàn địch, chỉ có mình tôi. Ý chỉ ra rằng Hillary phải nhờ ca sĩ mà lôi quần chúng tới đông.  Và thế là cái con người nói năng đốp chát này đã thắng cử, tạo cay đắng cho đối thủ và phe đảng tay chân cho tới tận nay chưa dứt. 

Ngay sau khi có kết quả, Donald Trump đã tuyên bố rằng đây không phải chỉ là một cuộc tranh cử mà là việc xây dựng một phong trào. Phong trào quần chúng “làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”.  Nếu hỏi quần chúng nào, thì có thể trả lời rằng đó là những người không đồng ý với khẳng định của bà Hillary rằng nước Mỹ vẫn vĩ đại, không đồng ý với sự hãnh diện vì đồng tính luyến ái, và hôn nhân đồng phái, là tự do phá thai vì phụ nữ có quyền quyết định đời mình; những người không vui vì mất việc làm do sự chuyển sản xuất ra ngoại quốc để hạ giá thành sản phẩm tiêu thụ mà gia tăng kiếm lợi vân vân. Số người này không ai lượng giá được chính xác là bao nhiêu, cho nên tất cả các chuyên gia, chính trị gia, bình luận gia tiên đoán thời cuộc, đều choáng váng vì Donald Trump thắng cử ngoài dự kiến của họ.

Có người cho rằng Donald Trump đã làm một cuộc cách mạng. Nếu căn cứ vào số những chướng ngại to lớn mà Trump đã vượt qua để tiến vào Bạch cung thì có thể kể là cách mạng thật. Thứ nhất là cơ chế quyền lực đảng Cộng hoà đã quyết liệt không ủng hộ Trump từ đầu tới khi không thể không nhượng bộ, vì Trump đã thắng tất cả các ứng viên Cộng hoà từ cao tới thấp. Thứ hai là hệ thống truyền thông giòng chính đã dầy công tô vẽ sửa soạn cho Hillary Clinton làm tổng thống từ trên cả một thập niên. Thứ ba là hệ thống tài phiệt Mỹ và ngoại quốc đã đổ tiền đầu tư không ngại vào Hillary Clinton. Thứ tư là sức mạnh đương quyền của hành pháp là tổng thống Obama dốc lực vận động cho Hillary vào những ngày chót. Thứ năm là sức nặng của chánh án tối cao pháp viện gốc Do Thái Ruth Bader Ginsburg. Thứ sáu là kỹ nghệ giải trí và phim ảnh Hollywood mà ảnh hưởng tối thiểu đã thấy là không tán thành để các tên tuổi lớn đi theo Trump. Thứ bẩy là các tập hợp đầu óc (think tank) tả cũng như hữu đóng vai chỉ đường mách nước không mấy nhà chính trị nào dám hay có khả năng cưỡng lại. Thứ tám là uy tín của các tổng thống cũ còn sống, kể cả vợ, vì tất cả đều ủng hộ Hillary. Tóm lại, là Donald Trump đã đánh bại toàn bộ hệ thống quyền lực đương thời có ảnh hưởng suy nghĩ, điều động vận hành xã hội, điều kiện hoá cung cách hành xử người dân Hoa kỳ. Sự đánh bại to lớn này khiến cho người ta nghĩ đến tính cách mạng. Tuy nhiên, bản chất Trump là một thương gia thì không thể là người cách mạng. Sự thay đổi Trump mang lại nếu có, chỉ là vì Trump đã nhẩy được vào giới siêu quyền lực cho tới nay chỉ do một số độc chiếm quyết định.

Nghĩ cho kỹ hơn nữa thì cũng không phải là một cuộc cách mạng, bởi vì cái chiêu bài vận dụng  “làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” chỉ là một tưởng vọng mơ hồ về một thời hoàng kim lịch sử, vì không có định nghĩa thế nào là vĩ đại. Còn những mũi dùi tấn công vào người Mễ, vào các chính sách xã hội cũng như những phát biểu kỳ thị vân vân chỉ là những biểu lộ cảm tính mà nhờ may lôi kéo được những thành phần quần chúng đã quá chán ngán và muốn thay đổi cái thực tế trì đọng với những chính trị gia con rối. Nhờ thế nhóm ông Trump đã len vào được vị trí siêu quyền lực đã bị độc chiếm từ ít nhất là thập niên 1970 với Nixon - Kissinger. Nhìn vào trong những thành phần nội các và cộng tác viên thân cận với ông Trump, có thể thấy một xu hướng mới, chưa bị lệ thuộc vào một chủ thuyết toàn cầu cũ soạn ra bởi các nhà gọi là chuyên gia hay chiến lược gia, rồi sau đó được dìễn giải nhồi cho dân bởi truyền thông, để mà được thi hành trọn vẹn từ thời Clinton, Bush con, Obama. và sẽ tiếp tục bởi quân bài Hillary nếu mà không có Donald Trump xông ra ngáng cẳng. Tuy vậy, phải chờ ít nhất một năm để xem những cộng tác viên với ông Trump có đem lại thêm cho ôngchút sức mạnh nào để thi hành những chính sách kể là độc lập có tầm cỡ quốc tế khả dĩ thay đổi vị trí kinh tế chính trị hiện tại của Hoa Kỳ không. Hay tất cả chỉ là nhằm đẩy công ty Trump lên tư thế một tập đoàn kinh doanh đa quốc hàng đầu, như nhiều tập đoàn kinh doanh đa dạng đa quốc hàng đầu khác, mà lợi nhuận là dồn vào công ty, nghĩa là dồn vào lợi ích nhóm,  chứ không vào đất nước.

 Nếu diễn tiến là như thế thì Hoa Kỳ không thể nào thoát ra khỏi cái chiều hướng đi xuống đã hiển lộ trong nhiều mặt sinh hoạt xã hội, cũng như về mặt tư thế thế giới. Tuy rằng trong lịch sử toàn cầu, người ta biết rằng không có nền văn minh nào mà tồn tại mãi dầu cho là vượt trội tới đâu. Nhưng nếu mà như vậy thì thật là điều đáng tiếc, bởi vì thời kỳ huy hoàng quá ngắn, chỉ suýt soát được trong vòng một thế kỷ. Dù sao thì khó mà nói rằng Trump là một người cách mạng, qua một vài dấu chứng ở tư cách tổng thống tân cử.

Trở lại với cái phản ứng không hợp tác – hay chống Trump - của kỹ nghệ giải trí Hollywood thì tuy là nó có sức nặng, vì ảnh hưởng lên đám đông quần chúng chỉ quen dán mắt vào màn ảnh truyền hình hay máy điện tử ngoài những giờ làm việc. Nhưng không phải là ghê gớm, có thể làm thay đổi Donald Trump bởi vì Trump đã không như Hillary Clinton phải nhờ đến các tài tử kỹ nghệ giải trí để quảng cáo. Và bởi vì, ở vị trí một tỉ phú trước khi trúng cử tổng thống, ông Trump đã có dưới tay vô số những chân tay trong kỹ nghệ giải trí, cụ thể là những cuộc thi hoa hậu, đầy con gái trẻ đẹp muốn được xuất hiện dưới ánh đèn sân khấu.

Thì nay ở cương vị tổng thống, và dư tiền Trump thừa khả năng tạo ra hay lôi kéo các tên tuổi sống bằng nghề xướng ca trình diễn. Những trở ngại của Trump là cả một dàn các thế lực đã lược kể  ở trên mà Trump đã may mắn vượt qua trong cuộc bầu cử. Trump sẽ suôi theo quan điểm chính trị của siêu quyền lực này mà làm ăn kiếm bạc, hay có một quan điểm độc lập xây dựng nước Mỹ trong trật tự thế giới mới? Chưa ai có câu trả lời.

Bác sĩ Trần Xuân Ninh

(ngày 27 tháng 12/2016)