Ngày thứ sáu 23 tháng 12/2016 Hội đồng bảo an Liên Hiệp quốc gồm 15 thành viên với số phiếu 14/0, đã ra quyết nghị 2334 kết án chính sách của chính phủ Do Thái lập các khu định cư Do Tháitrên vùng Tây ngạn sông Jordan là vi phạm luật pháp quốc tế, và làm trở ngại cho việc thực hiện giải pháp hai nhà nước, trong hướng xây dựng một nền hoà bình dài lâu toàn diện và công bằng cho cuộc tranh chấp kéo dài Palestine Do thái. Quyết nghị này đã thông qua được là bởi vì Hoa kỳ đã không bỏ phiếu phủ quyết như mấy chục năm quá khứ.
Người ta còn nhớ rằng ông Obama từ khi tranh cử lần đầu, đã chủ trương hai nhà nước Do Thái và Palestine sống chung hoà bình, và chấm dứt chính sách lập các khu định cư Do Thái trong những vùng đất của Palestine. Ông đã nói rõ điều này trong diễn văn đọc ở Cairo thủ đô Ai Cập tháng 9/2009 cùng với những quan điểm chiến lược toàn cầu rất hợp lý biết điều, và đã được hoan nghênh nhiệt liệt. Riêng chính sách Do Thái Palestine thì ông đã bỏ hẳn quan điểm chống lập vùng định cư, với lý do mà cố vấn thân cận của ông Obama, bà Susan Rice đã nói là để khuyến khích Do Thái điều đình với Palestine nhằm thực hiện giải pháp hai nhà nước sống chung hoà bình. Kết quả sự nhượng bộ Do Thái này là không đi đến đâu, các vùng định cư gia tăng đều đặn, đặc biệt là rất nhanh chóng vào giai đoạn gần đây, ngay trong vùng phiá đông Jerusalem là vùng đất thánh của 4 tôn giáo Gia Tô, Tin Lành, Hồi giáo và Do thái giáo, nhưng Do thái tính chiếm lấy toàn bộ Jerusalem một mình làm thủ đô. Sau 7 năm nín nhịn Netanyahu ông Obama đã phải thú nhận thất bại, không can dự vào việc khuyến khích hay bảo trợ hai bên điều đình nữa.
Người dân thường không ai biết rằng lập trường nhún nhịn Do thái này của ông Obama là do ngây thơ tin tưởng ở khả năng thuyết phục của sự biết điều, hay chỉ là vì do áp lực to lớn bao trùm không cưỡng lại được của sức mạnh vận động chính trị của Do Thái tại Hoa kỳ. Vì chẳng ai quan tâm tìm hiểu. Có lẽ đa số quần chúng, qua những tin tức và bình luận của truyền thông “giòng chính”, chỉ nghĩ rằng nguyên do nằm ở sự cực đoan của người Palestine.
Dư luận thế giới không ngạc nhiên trước phản ứng mạnh mẽ và nhanh chóng của thủ tướng kiêm ngoại truởng Do Thái Netanyahu. Ông này đã trong suốt hai nhiệm kỳ tổng thống Obama ra vào Bạch cung kể như tùy ý tuỳ thích. Và bộ mặt ông trong những cuộc họp với tổng thống Obama trên truyền thông giòng chính Mỹ cho thấy cái vẻ khinh khỉnh, không coi người lãnh đạo siêu cường hạng nhất thế giới ra gì. Người ta chưa quên chuyệntháng 3/2015 Netanyahu không cho Bạch cung biết, ngấm ngầm vận động dân cử Mỹ mời ông ra trước quốc hội đọc diễn văn chống việc Mỹ cùng các nước Anh Pháp Đức Nga ký thoả ước nguyên tử với Iran. Và từ chối lời mời đến họp với ông Obama năm 2016 không qua thư thẳng với Bạch cung mà qua tiết lộ cho báo chí trước.
Ngay sau khi quyết nghị 2334 thông qua, đại sử Mỹ tại Do Thái đã được gọi đến gặp Netanyahu để nghe phản đối. Các đại sứ của những nước đã bỏ phiếu ủng hộ quyết nghị 2334 cũng được gọi đến bộ ngoại giao Do Thái vào những ngày nghỉ Giáng Sinh thứ bẩy 24 và chù nhật 25 để nghe các biện pháp phản ứng Do Thái. Đại sứ Do Thái tại New Zealand và Senegal bị triệu hồi về nước. Viện trợ cho Senegal bị hủy. Chuyến đi Do Thái của bộ trưởng ngoại giao Senegal và thủ tướng Ukraine bị bỏ. Đóng góp khoảng 8 triệu Mỹ Kim của Do Thái cho 5 cơ quan LHQ bị ngưng và Do thái sẽ xét lại mối liên hệ với LHQ. Trong phiên họp nội các Do Thái, Netanyahu đã lên án ông Obama gay gắt. Ông nói “Theo tin tức chúng ta có được thì không có nghi ngờ gì (chắc chắn) rằng chính phủ Obama đã mở đầu, đã đứng đàng sau, đã điều chỉnh ngôn từ và yêu cầu thông qua quyết nghị”. Netanyahu cũng nói rằng “Trong nhiều thập niên, chính phủ Do Thái và chính phủ Mỹ đã bất đồng ý kiến về vấn đề lập vùng định cư, nhưng cả hai bên đều đồng ý rằng Hội đồng bảo an LHQ không phải là nơi giải quyết vấn đề”. Và “Tôi đã bảo John Kerry hôm thứ năm rằng “bạn bè không đưa nhau ra trước hội đồng bảo an LHQ”.
Trong một thông cáo lời lẽ mạnh mẽ, Netanyahu còn nói rằng “Mỹ không những không bảo vệ Do Thái chống tình trạng lập bè kết đảng ở LHQ, mà còn âm mưu đàng sau hậu trường với tình trạng phe phái này”. Netanyahu cũng tuyên bố rằng sẽ làm việc với tổng thống tân cử Donald Trump để triệt tiêu những tác dụng tiêu cực của quyết nghị vô lối vô lý (absurd) này. Chỉ có những người bưng tai bịt mắt, ngồi ở xó nhà mới coi chuyện Do Thái dùng võ lực liên tục chiếm đất Palestine của người Palestine đang ở để lập các khu định cư Do Thái, dưạ trên huyền sử cả trên hai ngàn năm nay, là hợp pháp hợp lý. Cũng chỉ có Netanyahu và đồng đảng mới nghe lọt tai lời Netanyahu mắng Mỹ là không bảo vệ Do Thái. Bởi vì là người công dân Mỹ bình thường không thể nào hiểu được tại sao Mỹ phải bảo vệ Do Thái là một nước ở mãi tận đẩu đầu đâu bên Trung Đông. Cũng không thể nào hiểu được tại sao chính phủ Mỹ lại phải đứng đàng sau hậu trường, âm mưu đóng góp vào việc thảo quyết nghị 2334 mà không dám ngang nhiên đóng góp vào nghị quyết, tương tự như nhiều trường hợp khác, trong các vấn đề tự do dân chủ nhân quyền chẳng hạn.
Xem đi xét lại các sự kiện xẩy ra hiện tại với Netanyahu Barack Obama Hillary Clinton Donald Trump, thì chỉ có thể nói rằng là cái sức mạnh vận động chính trị Do Thái ở Mỹ là quá lớn, bao trùm lên chính giới, cả ba ngành lập pháp, hành pháp và tối cao pháp viện, cũng như truyền thông. Obama mà cứng đầu thì có lập pháp trị, truyền thông làm khó dễ. Trump lớn lối thì Hillary tố là chống Do Thái, Bader Ginsburg cảnh giác là người bất xứng cho nước Mỹ.
Cho nên sau chót thì trước khi rời Bạch cung, sau 8 năm bị coi thường ra mặt, không lấy gì làm lạ rằng ông Obama đã hành xử trong vụ quyết nghị 2334, tương tự như chuyện Con la của Giáo hoàng (*) tung cú đá thần sầu làm hết thở, vào tên lưu manh ác độc thân tín của giáo hoàng Boniface sau 7 năm trời bị nó hành hạ.
Bác sĩ Trần Xuân Ninh
Ngày 29 tháng 12/2016.
(*) Xin xem chuyện ngắn Con la của Giáo hoàng (la mule du pape), của Alphonse Daudet trong tập truyện ngắn cổ điển nổi tiếng Lettres de mon moulin.