1/TXN. Kính chào quý vị thính giả. Chào ĐT, chào TV, chào KV. Tin thế giới đáng chú ý theo tôi là tin ngưng chiến vĩnh viễn giữa hai phe chống đối FARC, là du kích thiên tả, và chính phủ Columbia theo Mỹ. Lãnh đạo phe chống đối và tổng thống Columbia đã chính thức ký hiệp ước ngày 26 tháng 9 với những cây bút đặc biệt được làm bằng vỏ đạn. Trên những bút này có khắc dòng chữ: “Đạn viết quá khứ của chúng ta. Giáo dục, viết tương lai”. Cuộc chiến này đã kéo dài hơn nửa thế kỷ, chết trên 200,000 người và 5 triệu người mất nhà cửa cơ nghiệp. Có thể nói đây là cuộc chiến duy nhất dài nhất còn lại ở Nam Mỹ sau khi Liên sô sụp đổ. Một cuộc chiến khác là cuộc chiến Syria chết chóc nhiều hơn, thiệt hại nhiều hơn sau 5 năm, kể là gấp đôi, đã chính thức được các cường quốc Mỹ và Nga đồng ý ngưng bắn cách nay hai tuần, thì chỉ sau một tuần đã nổ ra trở lại, mà theo các tin tức cho tớinay không biết sẽ diễn tiến ra sao.
2/ĐT. ĐT xin kính chào tái ngộ quý vị thính giả, xin kính chào BS N, thân ái chào TV và KV. Đã lâu lắm hôm nay ĐT mới có cơ hội trở lại với chương trình Bàn Chuyện Thời Sự để cùng các vị trao đổi ý kiến về các tin tức trong và ngoài nước. Nghe BS N nói về cuộc chiến Columbia và Syria mà ĐT ngậm ngùi nhớ lại cuộc chiến tranh tại Việt Nam mấy chục năm về trước, biết bao nhiêu là xương máu và nhân mạng đã đổ ra ra để bảo vệ cho tự do dân chủ mà cuối cùng cũng thành vô ích. Về cuộc chiến ở Syria ĐT nghe BS N nói tuy có 5 năm nhưng mà tổn thất về nhân mạng và vật chất gấp đôi cuộc chiến 50 năm ở Columbia. ĐT thấy như vậy là vì đàng sau hai phía đều có bàn tay của các siêu cường quốc giúp đỡ và giật giây. ĐT cũng thắc mắc và lo lắng là không biết cuộc ngưng chiến tại Columbia có kéo dài được không?
3/TV. TV kính chào BS N, chị ĐT, thân chào KV, và thân ái kính chào quý vị thính giả cùng các bạn toàn cầu. Trong cuộc chiến Columbia thì sự khác biệt theo như TV được biết là ở nơi chiến tranh có tính cách du kích cổ điển và diễn ra ở các vùng quê hay là rừng núi thưa dân. Không kích và oanh kích dĩ nhiên là có dùng, nhưng vì thưa dân cho nên tác dụng giết chóc không nhiều. Trong khi đó tại Syria, chiến tranh là xẩy ra ngay ở trong vùng thành thị, với hình thức chiến tranh khủng bố và chiến tranh lực lượng đặc biệt với những võ khí cực mạnh, sát hại đám đông cho nên chết chóc đã gây ra nhiều thiệt hại hơn.
4/ KV. Dạ, KV xin kính chào quý thính giả, kính chào BS Ninh, chị Đan Tâm và chị Tuệ Vân ạ. Columbia, một nơi mà KV chỉ biết mơ hồ là một nước nghèo ở Nam Mỹ, mà chính phủ thì theo Mỹ, có buôn bán ma túy rất mạnh. Chiến tranh là giữa những quân du kích cộng sản gọi là Quân đội cách mạng Columbia (FARC), tuyên truyền và phát triển với chủ trương của Cộng sản, tức bênh vực dân nghèo chống áp bức và có đời sống cơm no áo ấm. Những trùm ma túy thì cũng có những hoạt động võ trang để bảo vệ quyền lợi của mình. Cho nên bây giờ nếu mà tổ chức FARC ký kết với chính phủ ngưng chiến, thì KV nghĩ là sẽ hết chiến tranh. Trùm ma túy có bắn giết nhau thì cũng không kể là chiến tranh được, vì chỉ có tính cách lâu lâu một lần mà thôi ạ.
5/TXN. Cuộc chiến Columbia là hệ quả của chiến tranh lạnh. Và đặc biệt là chính sách chống Cộng sản mạnh mẽ ở Nam Mỹ nói chung và Columbia nói riêng vào thập niên 60 để đối đầu với sự bành trướng CS từ Cuba. FARC phát triển do sự gia nhập của những thành phần thiên tả chạy theo du kích Cộng sản và được Cuba ủng hộ. Để đối phó với FARC thì chính phủ Columbia bảo trợ cho những nhóm võ trang gọi là để tự bảo vệ, nhưng thực ra là để truy diệt FARC và các người ủng hộ. Cả FARC lẫn các nhóm dân phòng võ trang này đều dính dấp hay khai thác buôn ma túy để lấy tiền hoạt động. Với những hoạt động võ trang tầm nhỏ trong một nước gần 5 triệu dân như vậy mà trung bình mỗi tháng chết 4,000 người thì không thể là ít được. Con số 5 triệu người mất cơ nghiệp phải chạy ra khỏi những vùng chết chóc là lớn lắm. Nay hai bên mà ký kết vớinhau là vì vấn đề bành trướng chủ nghĩa không còn nữa, và nước quan trọng giúp FARC là Cuba cũng đã ngưng chủ trương thù địch với Mỹ. Với sự chứng kiến của tổng thư ký LHQ Ban ki Moon, ngoại trưởng Mỹ John Kerry, tổng thống Cuba Raul Castro, tổng thống Venezuela Maduro, vua Tây ban Nha và nhiều lãnh đạo các nước Nam Mỹ. Cho nên theo tôi cuộc chiến này sẽ chấm dứt.
6/ĐT. Nghe BS N nói thì ĐT lại thắc mắc là cuộc chiến ở Syria cũng được các cường quốc Âu Mỹ và Nga và Hội đồng bảo an LHQ đồng ý, thế mà tại sao lại bể?
7/TXN. Đồng ý chấm dứt cuộc chiến Syria là đồng ý trên nguyên tắc. Mà nguyên tắc là chấp nhận sự hiện diện của Nga, chấp nhận sự hiện diện của đại diện phe chống đối, chấp nhận chính phủ Assad và các vùng mỗi bên kiểm soát, loại trừ lực lượng nhà nước Hồi giáo ISIS. Nhưng chi tiết thì hiểu không nhất thiết giống nhau. Chúng ta đã biết rằng ISIS là một tập hợp phức tạp, gồm nhiều thành phần có nguồn gốc hỗ trợ khác nhau. Trong đó có vài nhóm cả Nga và Mỹ đều đồng ý là khủng bố phải tiêu diệt. Nhưng cũng có những nhóm Nga coi là khủng bố và muốn diệt nhưng Mỹ lại cho là quân chống đối chính phủ Syria chứ không phải là khủng bố. Có nhóm người Kurds từng bị Mỹ coi là khủng bố nhưng nay lại là mũi nhọn được Mỹ ủng hộ để chiếm vùng biên giới Syria giáp Thổ nhĩ Kỳ để dùng làm cứ địa cho phe chống đối. Về mặt lãnh thổ thì thí dụ cụ thể là vùng Aleppo từ mấy năm nay do quân chống đối kiểm soát, nhưng lực lượng chính phủ đã lấy lại một phần nhờ có sự can thiêp của Nga. Trong khi bên chính phủ cố gắng chiếm toàn bộ Aleppo và bên chống đối cố giữ thì hiệp ước ngừng bắn đã được ký. Cho nên trên thực địa chiến trường bên nào cũng cố lấn lên. Một đoàn xe cứu trợ vào vùng quân chống đối kiểm soát đã bị oanh kích. Phe Mỹ và chống đối bảo là không quân Nga. Phe Syria và Nga đổ là quân chống đối. Sau đó thì không lực Mỹ đã tấn công một vị trí quân chính phủ Syria giết chừng 100 lính và nói rằng đó là do lầm lẫn, và tỏ ý rất tiếc. Giải thích này người ngoài nghe thì biết vậy, nhưng tin thì chưa hẳn. Còn phía Nga với Syria thì không chấp nhận. Các việc này được đem ra trước Hội đồng bào an LHQ, mà đại diện mỗi bên đưa ra những luận cứ trái ngược, kể cả công kích nhau tàn tệ. Đại diện Nga đã thách thức Mỹ đưa ra cho mọi người biết nội dung thỏa thuận ngưng bắn. Và người ta không kết luận thẳng ra được thực sự là ai đã làm gì ngay tại hội đồng bảo an LHQ. Việc không đi đến đâu. Tổng thư ký LHQ không dám lấy thái độ. Tiếp theo là chính phủ Syria với sự hỗ trợ của không quân Nga tấn công chiếm Aleppo một cách dữ dội chưa từng có. Theo như nguồn tin chống đối ở London thì nhiều trẻ con bị chết, và hai nhà thương bị phá hủy. Tóm lại bản chất sự việc là như thế. Tức là mỗi bên giành lấy thêm thực địa của mình để sửa soạn cho điều đình kế tiếp về chính trị. Và tin sau cùng cho biết là Chính phủ Syria đã chiếm được trung tâm thị trấn Aleppo. Theo tôi, thì dù sao sau chót thì chiến cuộc Syria cũng sẽ chấm dứt, khi mà mỗi bên có được vị trí thuận lợi cho mình do khả năng lấn lướt tại chỗ và bên kia thì chấp nhận hay là không làm gì được, bởi vì cả Nga lẫn Âu Mỹ đều không thể kéo dài vô tận cuộc chiến.
8/ĐT. ĐT xin hỏi Bác sĩ N, TV với KV có vị nào theo rõi cuộc thảo luận đầu tiên trên đài truyền hình giữa ông Donald Trump và bà Hillary hay không? ĐT theo rõi từ phút đầu cho đến lúc chót và ĐT thấy cuộc tranh luận kỳ này có vẻ căng thẳng và gay gấn nhiều hơn là các kỳ bầu cử trước. ĐT đoán KV thể nào cũng phải theo rõi vì KV còn phân vân không biết nên lựa ai vào chức vụ tổng thống. Còn TV thì ĐT đoán là TV có thể không coi vì TV đã có quyết định từ lâu là sẽ bầu cho bà Hillary. TV không thích cái lối ăn nói lỗ mãng và coi thường đàn bà của Donald Trump.
9/TV. Thưa chị ĐT, trong buổi tối tranh luận tổng thống vừa qua, vì bận cho nên TV đã không theo rõi buổi tranh luận giữa hai ứng viên tổng thống Donal Trump và Hillary Clinton. Một vị tổng thống tuy nhiên theo TV thì phải hội đủ một số yếu tố, chẳng hạn như là tư cách, tác phong, diện mạo, khả năng, kinh nghiệm, đạo đức và kiến thức chứ không thuần tuý vì lý do người đó nói hay. Chẳng hạn như ông Obama nói hay mà làm tổng thống không mấy hay, hay trước đây thì tổng thống Lyndon Johnson nói không hay mà làm tổng thống lại hay, thông qua được rất nhiều đạo luật xã hội để tạo nên một Xã hội Vĩ đại Mỹ (Great Society). Riêng ông Nixon thì không đẹp trai và nói không hay nhưng là làm một tổng thống hay, thiết lập ra được chính sách chân vạc Mỹ Trung quốc Liên sô để giới hạn ảnh hưởng của Liên sô.
10/ KV. Thật ra thì KV khá bận nên đã không theo rõi cuộc tranh luận, cũng có thể vì KV đã không chọn bà Hillary từ đầu nên KV cũng không lưu ý lắm về chuyện thảo luận giữa hai người. Riêng ông Trump thì KV cũng không thích một chút nào với cái tinh thần kỳ thị, coi người Mỹ trắng như ông là nhất, và cái quan điểm về sở hữu súng ống của ông ấy. KV không muốn tình trạngngười người đi đường cứ vác súng ngờ ngờ, nhân danh quyền sở hữu súng và nếu bực tức ai thì có thể tùy hứng bắn tại chỗ, rồi tính sau. Tóm lại, cái khó của KV trong kỳ bầu cử lần này là không biết chọn ai. Cả Hillary và Trump, KV đều không muốn bầu cho ai cả.
11/TXN. Tôi trước đây thường hay theo rõi các cuộc tranh luận của các ứng cử viên tổng thống để mà tìm hiểu quan điểm chính sách của họ, và cũng để coi người nào ăn nói chững chạc, hấp dẫn, trả lời thông minh. Nhưng những năm về sau này, thì đã biết rõ rằng là các ứng cử viên tổng thống được sửa soạn và học tập rất kỹ về những điều cần phải tránh hay là cần phải nói, thì tôi đã mất dần cái thích theo rõi tranh luận. Nhất là khi mà các ứng cử viên có những tai tiếng mà tránh né trả lời một cách phải đạo, trả lời một cách không trả lời, và nếu cần thì mặt trơ ra nói dối, thì tôi chỉ thấy họ là những diễn viên trên sâu khấu, và không còn theo rõi tranh luận truyền hình nữa. Trong thời kỳ tranh cử tổng thống này, tôi lại càng nản vì thấy cuộc tranh cử bị lôi xuống quá thấp. Tấn công bôi bác nhau mà nói theo kiểu bình dân Việt Nam là dưới rốn. Và rõ ràng là Hillay Clinton là một người làm chính trị chuyên nghiệp, mà sự mưu mánh, lưu manh, không dấu được, không giải thích được, dù cho bà đã được tô vẽ từ trên chục năm để làm tổng thống. Còn Trump thì tính kỳ thị thấy rõ, và sự ngang ngược của một anh trọc phú rất là khó chịu tôi cũng không thích chút nào. Cho nên tôi không coi tranh luận truyền hình giữa hai người này. Vì mất thì giờ chẳng ích gì và có xem thì cũng chẳng đổi được cái bản chất của hai người mà tôi đã rõ, dù họ diễn xuất hay hay dở.
12/ĐT. BS N không coi truyền hình nhưng ĐT thì coi rất kỹ từ đầu đến cuối để đánh giá hai ứng cử viên trước khi mà mình trực tiếp đi bầu. Quay sang một vấn đề khác thì ĐT thấy mới đây, một tin đã làm rung động những người hâm mộ điện ảnh Hollywood. Ngày 19 tháng 9 vừa qua, Angelina Jolie đã đệ đơn xin ly dị chồng là Brad Pitt với lý do: “những dị biệt không thể dung hòa được”.
Angelina và Brad Pitt là cặp tài tử điện ảnh được mệnh danh là “the biggest celebrities” tại Hollywood. Họ nổi đình đám vì cả hai người cùng đẹp, giàu có, nổi danh, và đầy quyền lực. Họ đã chung sống với nhau trên 10 năm, có tất cả 6 người con, 3 con chung, và 3 con nuôi được nhận từ Ethiopia, Việt Nam, và Cambodge. Tuy đã sống chung trên 10 năm, nhưng họ chỉ mới chính thức cử hành đám cưới 2 năm nay.
Phát biểu về cuộc ly hôn này, Brad Pitt đã trả lời phỏng vấn của tuần báo People vắn tắt như sau: “Tôi rất buồn vì chuyện xảy ra, nhưng điều quan trọng nhất, là xin báo chí đừng làm thương tổn tới mấy đứa con của chúng tôi trong giai đoạn khó khăn này.” Về phần Angelina, luật sư đại diện cho cô đã phát biểu: “ Quyết định ly hôn này, không ngoài mục đích là để bảo tồn cho sự yên bình của gia đình”.
Từ cuộc ly dị này, ĐT đã tự hỏi: Hai người đã sống chung hạnh phúc với nhau trên 10 năm, đã hiểu rõ về nhau, thế mà chỉ mới làm đám cưới có 2 năm, là đã ly hôn! ĐT cũng có người bạn, đã chung sống với bạn trai trên 3 năm hạnh phúc, mới quyết định làm đám cưới. Nhưng mới cưới xong được 3 tháng, thì chị ly dị. Như vậy có phải là hôn nhân đã tạo ra những ràng buộc, những bổn phận, làm mất đi hạnh phúc của lứa đôi?
Trong cuộc ly hôn của Brad Pitt và Angelina Jolie, cả hai cùng đặt nặng sự quan tâm của họ tới mấy đứa con. Như vậy, thì tại sao họ không nghĩ tới sự nhường nhịn và thỏa hiệp với nhau để hàn gắn sự đổ vỡ của gia đình?
13/TV. TV có theo rõi về sự việc này. Theo TV thì câu chuyện bên trong không ai hiểu rõ hơn là Angelina Jolie và Brad Pitt tức là hai nhân vật chính của câu chuyện. Và chỉ hai người này mới biết rõ nguyên nhân và sự thật của sự việc ra sao. Ngoài ra vì Angelina Jolie và Brad Pitt là những nhân vật nổi tiếng, những biến cố liên quan đến họ đều bị báo chí và truyền thông khai thác, thổi lớn câu chuyện lên để thu hút độc giả, thính giả, và khán giả toàn cầu. Mà khi báo chí truyền thông khai thác thì họ luôn pha trộn các tin tức giữa thật và giả tưởng để làm câu chuyện thêm hấp dẫn hòng gia tăng số lượng sản phẩm tiêu thụ hay thương vụ phát hành. Họ không quan tâm tới những tác dụng tiêu cực xẩy ra cho người trong cuộc đưa đến từ những bản tin khai thác của họ. Chính vì vậy TV quan niệm là không nên chỉ qua một tin tức trên truyền thông hay báo chí mà đánh giá người trong bản tin. Đánh giá một người chúng ta nên dựa trên cá tính, hành động và những sự việc người đó đã làm trong một thời gian dài đủ thể hiện bản chất của họ thì tốt hơn.
Riêng về câu hỏi của chị Đan Tâm rằng tại sao có người ở với nhau lâu dài khi không làm đám cưới, nhưng khi làm đám cưới xong chẳng bao lâu là lại ly dị nhau, thì TV cho rằng những người sống với nhau trong tình trạng ở chung khơi khơi đó, có lẽ vì có quan niệm thích sống như tình nhân để mà giữ được những tự do cá nhân riêng và vì vậy đã không quan tâm đến tính xấu của nhau để mà chấp nhặt cho nên đã ở với nhau lâu dài được. Còn khi họ lấy nhau thì có những mặt ràng buộc trách nhiệm phải theo, và điều này đối với những người sốc nổi chưa có quyết định gia đình chín chắn, hay là chưa thực yêu nhau đủ để mà sẳn sàng chấp nhận, sẵn sàng tha thứ cho nhau những lỗi lầm trong cuộc sống thì sự đổ vỡ gia đình hẳn là phải xẩy đến. Ngoài ra với người ngoại quốc cá nhân của họ rất là quan trọng quan trọng hơn cả hạnh phúc của con cái cho nên sự ly dị thường là không tránh được khi cả hai bên hay là một bên thấy không còn thích hợp với nhau hay không còn chịu đựng được nhau hơn nữa.
14/KV. Thời buổi ngày nay, thế kỷ của 21, dường như những chuyện nhường nhịn, thỏa hiệp với nhau, để hàn gắn sự đổ vỡ của giađình vì đàn con đã trở thành huyền thoại. Ngay cả trên đất nước VN của chúng ta, nơi mà những ông chồng có bồ bịch lăng nhăng cách mấy thì các bà vợ cũng phải cắn răng chịu đựng vì hai chữ danh dự, sợ mất mặt, hầu như cũng đã không còn tồn tại.
Hôn nhân đã tạo ra những ràng buộc, những bổn phận có thể cũng là một trong những nguyên do. Bởi vì theo KV, khi không có tờ giấy hôn nhân, người ta vẫn cảm thấy muốn làm gì thì làm, đi đâu thì đi, không bị gò bó trong bổn phận của một người chồng hay một người vợ, dù là đã chung sống cùng nhau. Khi chính thức là một gia đình thì không còn như vậy nữa, và hình như người ta vẫn hay nói: Cứ hãy là tình nhân. Cái chữ tình nhân dẫu gì vẫn có cái vẻ lãng mạn, chứa nhiều tình tự, hơn là hai chữ vợ chồng. Một khi đã là vợ chồng, người ta hay nghĩ rằng đối tượng đó đã là của riêng mình, và rồi dần dà những ân cần, những chăm sóc tỉ mỉ tự nó trở thành những bổn phận phải làm, và người ta làm như một cái máy của cái nghĩa, không phải của chữ tình. Người VN chúng ta trước kia hay trọng chữ Nghĩa, xem chữ Nghĩa nặng hơn chữ Tình sau những năm tháng bên nhau. Người ngoại quốc hình như không phải thế, hay ít ra thì cũng không có ít người có cái suy nghĩ như thế. Người VN chúng ta sau này cũng chạy theo phong trào mới này, nghĩa là không cảm thấy hợp thì cứ chia tay.
KV không muốn phê bình để nói lên cái đúng sai của sự việc. Với KV, chuyện ly dị cũng không có gì là xấu xa. Không cảm thấy có thể chung sống thì cứ chia tay thôi, còn hơn là ở chung với nhau mà gây gỗ, lớn tiếng, và không còn một sự tôn trọng nào dành cho nhau nữa. Như thế chẳng khác gì đày đọa nhau trong địa ngục, tai hại hơn nữa là để cho đám con của mình nhìn thấy cảnh gấu ó và sống trong nỗi sợ hãi, sẽ bị ám ảnh nhiều hơn khi chúng lớn lên. Ly dị mà vẫn giữ được lịch sự và thân thiện tối thiểu cho nhau, vẫn dành thì giờ chăm lo cho đám con có được một đời sống tốt đẹp, như vậy vẫn tốt hơn là lấy lý do vì đàn con mà phải nén lòng sống cùng nhau trong khi mỗi ngày gặp nhau là ghét cay ghét đắng.
15/TXN. Nói ra thì thật là “quê” với giới trẻ và nhiều đồng bào ở Mỹ vì cái sự lạc hậu của mình. Bởi vì tôi chỉ loáng thoáng nghe tên Brad Pitt là một tài tử điện ảnh, còn Angelina thì không biết là ai. Lý do đơn giản là vì tôi rất ít khi hay đúng ra là không xem phim ảnh movie hay video từ lâu lắm, từ ba thập niên hay hơn. Bởi vì những gay cấn bắn giết hay tình ái không có sự lôi kéo đối với tôi. Cho nên chuyện Brad Pitt và Angelina ly dị tôi không biết. Nay nghe ĐT hỏi và TV với KV trả lời thì tôi cũng muốn góp vài lời. Rằng cả ĐT, TV lẫn KV mỗi người đều có cái lý của mình. Riêng tôi thì thấy rằng chỉ có người trong chăn mới biết chăn có rận, nghĩa là phải trái là đâu. Nhưng khi nói phải trái thì cũng còn yếu tố văn hóa nữa. Cho nên giải thích thì giải thích, nhưng khó mà đúng với thực tế. Và cũng phải hiểu thêm rằng tuy là cùng một nguyên nhân và nền tảng văn hóa thì xét phải trái giống nhau, theo nguyên tắc, nhưng quyết định cũng vẫn có thể khác vì còn tùy thuộc hoàn cảnh nữa. Thí dụ như vụ Monica Levinsky và tổng thống Bill Clinton thì người ta biết rõ ra sao, nhưng bà Hillary Clinton lại đã đặt câu hỏi cho Monica là phải chăng cô ta đã khai gian cho chồng bà. Tức là bà đã bênh ông chồng, mà nếu đúng theo văn hóa thói tục Mỹ thông thường thì bà phải truy tố ông chồng vi phạm nguyên tắc văn hóa Do Thái Thiên chúa giáo và luật Mỹ quốc bắt phải một vợ một chồng. Cái bất thường này ngày nay đã bị ông Trump nêu ra để chi ra cái giả đạo đức và gian dối của bà khi tự nhận mình là người tranh đấu cho phụ nữ. Nhưng đây lại là sang chuyện khác mất rồi.
Đến đây thì chương trình bcts hôm nay phải tạm ngưng. Xin kính chào tạm biệt quý vị thính giả. Chào ĐT, TV và KV và xin cám ơn quý bạn. Xin hẹn gặp lại tất cả quý vị và các bạn trong một kỳ tới.
16/ĐT. ĐT xin kính chào tạm biệt quý vị thính giả, xin kính chào BS N, thân ái chào TV và KV. Xin hẹn gặp lại quý vị trong BCTS tuần tới.
17/KV. Dạ KV xin được kính gởi lời chào tạm biệt đến quý thính giả. Kính chào BS Ninh, chị Đan Tâm, chị Tuệ Vân. KV xin hẹn gặp lại quý thính giả và quý anh chị vào kỳ tới ạ.
18/TV. TV kính chào BS N, chị ĐT, thân chào KV, và thân ái kính chào tạm biệt thính giả cùng các bạn toàn cầu đang theo rõi chương trình bàn chuyện thời sự.